Tác giả: Lưu Xuân Đạt |
Ngày xửa ngày xưa, ở xứ Vĩnh đất Linh có một nàng tiên giáng trần. Nàng tên là Hải Tùng. Chốn ấy có sông, có biển, trời xanh và gió lộng, phong cảnh thật hữu tình, nên thơ.
Vẻ đẹp của nàng vốn nỗi tiếng nhất vùng. Với lại nhà cũng không khó khăn trong tìm kiếm lắm. Nên ngày ngày, khách vãng lai đến thăm quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp trời phú của nàng đông đến nườm nượp- không đếm xuể. Trong số đó, có cả những ông tây ở tận trời bắc, ông Tàu ở tận trời Trung...
Cũng đã có nhiều người ngỏ ý muốn cưới nàng làm vợ. Hoặc tình nguyện ở lại chốn hữu tình này để xe duyên, kết tóc trăm năm cùng nàng.
Nhưng lạ thay! nàng không đồng ý và cũng yêu ai, ngoài chàng Du ở xứ Lịch. Hai người yêu nhau say đắm, thề nguyện sẽ sống mãi mãi bên nhau cùng trời mây non nước.
Ai ngờ trong số những kẻ đến chơi, có một con quỷ ở xứ Vô Văn Thiển Cận. Con bà Tham, cháu ông Nhũng. Nó biến thành một chàng trai tuấn tú, thanh lịch. Đem nhiều tiền của, bạc vàng, ngọc ngà, châu báu, đến để dụ dỗ, mua chuộc nàng. Nhưng nàng không đồng ý. Vì nàng chỉ yêu mỗi anh chàng Du ở xứ Lịch mà thôi!
Dụ dỗ không thành, tên quỷ quay ra lập mưu chiếm đoạt. Nó cản đường, không cho ai đến với nàng. Làm cho nhan sắc, uy tính của nàng ngày càng bị hoen ố. Rồi chờ cơ hội, quay qua ăn cướp nàng khỏi tay chàng Du.
Hải Tùng của chúng ta buồn ghê lắm, đến nỗi không khóc được. Nhưng cũng chả có ai dám ra tay can thiệp - vì thế lực của con quỷ này ghê gớm lắm. - Nó có thể hô phong hoán vũ, đổi trắng thay đen, biến sai thành đúng chuyển đúng thành sai chỉ trong giây lát.
Từ khi chiếm đoạt được nàng Tùng, con quỹ bỗng nhiên quên khuất lời hứa từ ngày xưa:
- Sẽ cho nàng ăn ngon, mặc đẹp, sống trên nhung lụa, tha hồ hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chưng diện tùy thích...
Ngược lại, con quỷ ra sức bóc lột, khai thác nàng. Có khi nó còn bắt nàng nhịn đói mà làm việc. Không cho ăn, mặc, trang điểm...
Nhiều lúc bọn lâu la cũng xúm vào ăn hiếp, cướp cả những bảo vật mà bà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho nàng.
Những điều trên tên quỷ có biết. Nhưng nó mặc kệ. Nhắm mắt, mặc cho ai muốn làm gì thì làm, không bao giờ bênh vực, hoặc ra tay can thiệp.
Nàng sa sút, tiều tụy, đau ốm liên miên, nước mắt chảy ròng ròng mà không thể cầu cứu cùng ai. Và ai sẽ giúp mình đây?
Bị bóc lột, cuộc sống đớn đau, đầy tủi nhục. Mái tóc dày bồng bềnh như mây, mượt dài như suối, làn da mịn màng êm ái, đôi mắt mộng mơ như nước mùa thu của nàng cũng không còn nữa. Thân hình vốn cân đối, hấp dẫn của nàng bị teo tóp, tiều tuỵ... khô héo dần.
Đến nỗi, những người quen xưa, cũng không thể nhận ra đây là cô gái đã từng một thời tiếng.
Thế rồi! cái gì đến sẽ đến.
Khi con quỷ đã: "no xôi chán chè", nó liền vứt bỏ nàng, để theo một cô gái khác nhà vùng Cát Lái Sơn Ba - vốn không có gì là nỗi tiếng cho lắm. Ra sức quảng cáo- tưng bốc, tung hê, tạo uy tính cho con người mới này. Cũng muốn khẳng định rằn: "Trên đời này vẫn có một nàng Tùng thứ hai." Bao nhiêu tiền, của nó có được, đều đem cho cô gái kia hết.
Nàng Tùng buồn rầu, đau đớn, phẫn uất trong lòng. Nhưng không có cách nào khác, đành quay về nơi khai sinh lập địa, ôm mặt khóc.
Dân tình người đi qua, kẻ đi lại ai cũng chặc lưỡithương tình:
- Biết làm sao bây giờ! Có thuốc tiên, phép thần thì may ra cứu được!
Rồi một hôm, bỗng chàng Du chợt ghé ngang qua xứ ấy. Biết rõ sự tình, nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ. Chàng liền ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ.
Du bèn nhờ bạn bè dò hỏi khắp bốn phương trời, mười phương đất, xem có ai có cách gì giúp nàng Hải Tùng không?
Bạn bè của Du nhiệt thành lặn lội đi khắp các hang cùng ngõ hẽm cuả thế gian, ra bắc vào nam. Miệt mài từ đông sang tây, từ Âu sang Á...
Cuối cùng cũng có người mách nước cho biết rõ nơi có phương cách chữa trị.
ChàngDu vội lặn lội ra phương bắc tìm hỏi các anh Phong Nha, chị Nhật Lệ, Sầm Sơn, Cửa Lò... Trình bày rõ sự tình căn nguyên bệnh và hỏi xem: Anh chị có bí quyết gì mà trẻ lâu, đẹp bền đến thế?Làm sao để được hấp dẫn mãi, để du khách ngày một đến đông như vậy!
Du lại mấy phen cưỡi gió vượt trùng dương vào tận Thuận An, Đà Nẳng, Bà Nà, Nha Trang, Vũng Tàu, Bãi Trước, Bãi Sau, Hà Tiên ... Hỏi thuốc và phương cách trị liệu cho nàng Tùng yêu dấu.
Cuối cùng, vì quá cả nễ trước sự nhiệt tình cuả chàng, họ mới rỉ tai cho hay:
- Căn bệnh như nàng Hải Tùng mắc phải, ngày xưa ở bên Thái Lan có một chị tên là Phu - Khẹt. Cô ấy cũng đẹp lắm, nỗi tiếng lắm - Chẳng may một ngày nọ, bị con quỷ sóng thần xô ngã, làm cho điêu đứng, hoang tàn xơ xác... May nhờ có bác Chính, anh Phủ cùng với bạn bè của họ là các anh Báo Chí, Công Luận và toàn thể nhân dân xúm vào, người góp công, kẻ góp của, động viên tinh thần, may đã cứu được. Nay nàng đã phục hồi đẹp, trẻ như xưa. Khách đến, khách đi cũng nhiều lắm, không ai than phiền gì hết.
Mừng thầm, chàng Du xứ Lịch chúng ta vội vàng chuẩn bị khăn gói, hành trang lên đường đi tìm bác Chính, anh Phủ và các bạn của hai người đó về chữa bệnh cho nàng Tùng.
Nghe đâu muốn chữa bệnh cho nàng Tùng nhà ta, ngoài việc thuốc men, động viên về mặt tinh thần. Thì còn phải tiêu diệt tận góc con quỷ vô trách nhiệm, và bè lũ tham nhũng thiếu ý thức kia. Nếu không! một mai, nó ngốc đầu trở về thì không thuốc thang nào trị nổi.
Không biết bao giờ mới tìm ra bác Chính, anh Phủ và kết quả cứu chữa ra sao chúng tôi sẽ thông tin lại cho bạn đọc sau.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng : Nếu ai đó có tâm huyết với quê hương đất nước, vì lẽ công bằng, vì tương lai mai sau của con em chúng ta. Hãy lên tiếng giúp nàng Tùng - Chính là bãi biển Cửa Tùng của chúng ta.
Hiện tại bãi biển đang bị xuống cấp, thoái hoá một cách trầm trọng. Rác thải thì dập dờn trôi nổi, ve chai, bao bóng, củi mục... lẫn bừa bãi trong cát. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, mùi tanh lợm bởi xác cá thừa, cá chết, rong, tảo, sò, ốc, do các ngư thuyền sau mỗi chuyến đi biển về vứt bừa bãi tạo ra...
Khiến cho du khách dù muốn đi dạo, hóng mát ven bờ, thưởng thức vẻ đẹp bình minh, hay buổi chiều tà đều phải bịt mũi, nhăn mặt khó chịu...
Hậu quả trên là do ý thức con người quá kém để lại.
Gần đây, biển lại xâm thực vào quá sâu trong đất liền. Ngày xưa, lội ra tới trăm mét mà đáy cát vẫn thoai thoải an toàn. Thì nay đã... sâu hoắm. Du khách vừa cho chân xuống... đã ngập đến tận cổ. Bước thêm vài bước nữa là ngập đầu như chơi.
Lại thêm nguồn nước từ sông Bến Hải đổ thẳng về đó, đọng lại, làm làn nước có màu đục đục, luôn luôn lởn vởn những rác sinh hoạt thừa trông mà gớm ghiếc.
Sự thật thì từ thời khai sinh lập địa, dòng sông Bến Hải về bến Cửa Tùng và chảy hơi chếch theo hướng bắc vào nam, ổ thẳng ra khơi góp phần bồi nên cồn Cát Sơn trù phú. Nước biển ngày đó cũng trong veo mát rượi, sóng dạt dào. Ai đã bước chân đến đó là ưa cởi ngay quần áo, nhảy ùm một cái cho thoả cái đời.
Nhưng... không biết mấy năm gần đây, do dự án nào, hoặc bộ óc siêu việt nào, lại nghĩ ra việc xây một con đập đá chắn sóng bắt đầu từ bờ nam sông Bến Hải vươn dài ra khỏi cồn Cát Sơn đến hơn 500 méi. - Để cho nước thượng lưu mỗi mùa lũ lụt khỏi xâm hại vùng Cát Sơn thân yêu!!!
(Hình như xây con đập đó chi phí tới 6 tỷ đồng tiền Việt Nam trước khi bão giá 2008.)
Nhưng kết quả là: Cù lao Cát Sơn vẫn không trôi mất và không bao giờ trôi mất, như bao ngìn năm nay vậy
Còn Nữ hoàng bãi tắm thì bị chìm vào rác thải, nước đọng. Bởi nước dòng sôngBếnHải đã bị uốn cong, chảy ngược, dồn về đó, không biết trôi đi đâu. Đúng là "Bàn tay ta làm nên tất cả" ... Huống hồ... thiên nhiên!!!
Những hộ dân bán buôn, nhà hàng thì ể âm, ngán ngẩm kêu trời, vì khách không về đó nữa.
Thuế thì cao mà thu nhập chả được bao.
Nguồn đầu tư thì càng ngày càng hẹp, nên nhiều hạng mục bị xuống cấp trầm trọng. Thậm chí đến một bóng dừa để ngồi hóng mát lúc ban trưa, cũng bị nước cuốn trôi mất rồi.
Không ai còn nhận ra đây là vẻ đẹp của nữ hoàng bãi tắm như sách báo hằng ca ngợi nữa năm xưa nữa.
Bên cạnh đó thì những bất cập chưa bao giờ được ban quản lý bãi tắm chú ý chấn chỉnh. Ví như:
Đội ngũ phục vụ thì quá vô tổ chức, thiếu chuyên môn về phục vụ, không có nghệ thuật bán hàng, tiếp khách du lịch. Họ chỉ chèo kéo, cò mồi, gây khó chịu cho du khách. Thậm chí còn bám theo dai dẳng... để đưa ra cái mà người đời quen gọi là "chặt đẹp".
Những người buôn bán trên bãi biển Cửa Tùng không biết rằng: Du khách đến đây, họ cần những phút giây thư giản, bình yên...
Mời họ ăn khi họ chưa cần. Cầm tay, dắt xe họ vào nhà hàng nọ, nhà hàng kia, đem những món dân dã như bánh bột lọc, cua, ghẹ, bánh đúc câu, bánh tráng... ra mời lúc họ đang mãi uống bia, hàn huyên điện thoại, hoặc nghỉ ngơi tỉnh dưỡng. Vô tình đã gây ra cảm xúc khó chịu. Sự nhiệt tình trên quả thật là quá thái.
Ngoài ra, một đôi khách sạn đội ngũ tiếp viên hình như chưa được đào tạo chính quy, có bài bản chỉ làm theo phản xạ.
Chẳng hạn có một khách sạn lại để cho du khách mặc.... quần xì chạy lung tung như đang ở buồng riêng của mình. Đành rằng mọi người đến đây để nghỉ ngơi, hóng mát tắm biển. Nhưng dù sao cũng là nơi công cộng, cần văn minh, lịch sự. Có thể khi xuống biển hoặc trong phòng riêng của mình, ai đó muốn làm gì cũng được. Nhưng khi lên đến gian bán hàng, khách sạn - nơi trăm vạn con mắt- cũng cần nghiêm túc dè dặt một chút. Ai đời cứ khoe mãi cái chổ mà không phải ai cũng thích nhìn.
Những bức tranh trên, ít nhiều đã gây nên cảm giác khó chịu cho nhiều du khách.
Lại thêm có du khách khi thuê khách sạn nghỉ lại. Vào một ngày hè, anh ta đi về mà mặt đỏ gay vì nắng gió miền trung. Cô phục vụ buồng phòng hấp tấp chạy ra, mở giọng xoi mói:
"Chú lúc nào cũng uống rượu bia be bét lắm hay sao mặt đỏ gay dữ vậy?"
Tất nhiên là sau khi nghe giải thích, cô phục vụ đó lủi thẳng về phòng mình, bật ti vi lên oang oang, không một lời xin lỗi. (Chuỵên đó có thật 100%, nhưng ai đã một lần phạm sai lầm thì tự biết sửa chửa, không cần chỉ rõ tên.)
Có lần đoàn khách từ Quảng Bình Vào đặt cơm và đồ nhậu. Riêng ông Giám đốc ngân hàng nọ chỉ thích mỗi món miến dong. Người "bản xứ" liền gọi cô phục nhà hàng hỏi nhỏ:
"Ở đây có miến dong không vậy?"
Không biết cô hục vụ hiểu cái từ miến dong là gì, bèn trả lời:
- Làm gì có miến mà lại dong! chú hỏi chi lạ rứa?
Thì ra từ thời cha sinh mẹ đẻ, cô phục vụ nọ chưa nghe ai nhắc đến món ăn miến dong bao giờ. Thế là được một bữa cán bộ các ngân hàng VL, Quảng Bình ngượng chín mặt. Chút nữa thì cô nhân viên thiếu kiến thức về ẩm thực kia nghĩ oan cho cả đoàn... Hú vía!
Tất nhiên, đó là những kỷ niệm trên, đáng ra không nên nhắc đến, nhưng có sai thì phải nhắc, đặng biết sai mà sửa.
Chính vì những lẽ trên mà bãi biển Cửa Tùng ngày một vắng khách.
Một phần cũng do những nhà thiết kế các hạng mục công trình liên quan tới bãi tắm chưa phù hợp. Nhưng cũng có một phần từ khâu con người đào tạo chưa kỹ, ý thức từng cá nhân chưa cao. Tất cả gộp lại tạo nên một lỗ hỏng lớn tưởng chừng như không san lấp nỗi.
Nhưng với sự giúp đỡ, đầu tư của nhà nước,Chính quyền. Ý thức của những người đang là chủ nhân của bãi tắm, du khách, phải thay đổi để kịp với chiều hướng của thời đại. Thì Cửa Tùng chắc chắn sẽ sớm được phục hồi, trở về với cái tên của nó như mọi người hằng mong muốn.
Muốn Cửa Tùng trở về nguyên trạng, đi lên, đổi mới, cần phải nghiêm túc kiểm điểm lại những gì đã làm. Và học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình đã thành công khác. Không xa lắm khu du lịch Nhật Lệ,Thuận an, An Khê, Sầm sơn, Cửa Lò... rất thành công. Có nhiều nơi cách đầy mươi mười năm, còn chưa ai nhắc đến, thế mà nay tiếng vang như sấm.
Đặc biệt là Phu kẹt của Thái Lan. Đã từng bị sóng thần vùi lấp tan nát cả cả cơ sở hạ từng, lẫn con người... mà vẫn phục hồi tốt. Đó là do quyết tâm trên dưới một lòng và ý thức của tất cả chúng ta mà thôi.
Chắc chắn Cửa Tùng với kinh nghiệm học được của những nơi đi trước, sẽ ngày nào đó trở về trong niềm tự hào, yêu thương của người dân Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung.
Cửa Tùng những ngày hè 2009 Lưu XuânĐạt
Đăng ngày 13/03/2010
|