Wednesday, October 14, 2015

Người truyền đạt

Tác giả: Hữu Đạt.

 Hôm nay bà Thơm lại cười. Tiếng cưòi vọng từ cuối dãy hành lang của tầng 5, vang đến tận cầu thang máy. Nghe có vẻ oai oái, ngồ ngộ và...dờn dợn làm sao.
 Có lẽ khi còn trẻ, tiếng cưòi đó rất trong trẻo và đã gây được sự chú ý của nhiều chàng trai lắm. Nhưng bây giờ nó lại cất lên với âm điệu nghe the thé, ngắt quãng... như hờn, như giận, như thể đang trách móc một ai đó.

Anh em trong đơn vị đã quen rồi, chứ ngưòi ngoài không biết, lại nghĩ là bà đang bị lên cơn điên. Mà điên nặng nữa mới đáng sợ chứ!
Cũng may là phòng làm việc của trưởng phòng hành chính biệt lập mãi tầng 5, của dãy nhà cuối. - Chứ không khéo người dân nhìn vào, họ lại ngỡ đây là khoa tâm thần của một bệnh viện mất.
Gần ba năm nay - Kể từ ngày nhậm chức trưởng phòng hành chính tới giờ. Mỗi lần uống rượu vào, là  bà Thơm lại cười ngặt ngẹo, xiêu vẹo đi hết phòng này, qua phòng khác, trêu hết ngưòi này đến người kia. Rồi lại vô cớ cưòi ré lên, làm cho bao kẻ non gan lấm lét sợ xanh cả mắt mèo.
 Cũng có đôi khi bà khóc. Nhưng khóc hay cưòi thì đều như nhau cả. Bởi những khi như thế, nhân viên dưới quyền lại thủ thỉ với nhau rằng:
- Chấp làm gì! Đồ say rượu ấy mà! Tốt nhất là đừng đụng tới bà ấy kẻo có ngày rách việc.
Thế là ai lại vào việc nấy, không để ý gì đến thái độ bất mãn đang dâng lên đến tột độ của bà trưởng phòng hành chính.
Bà tên là Thơm, nhưng trong trong đơn vị cứ quen gọi bà là Thỏm.
Mới đầu nghe, bà cũng cảm thấy bất bình, nhưng vì mọi người thích, vả lại lâu ngày thành quen, nên bà cũng chả cần quan tâm đến cái tên, cách gọi của những người chung quanh nữa, mà chỉ quan tâm quyền lợi của mình mà thôi.
Thực ra, chả bao giờ bà lại chịu để mình bị lọt thỏm giữa muôn người, mà luôn cố tìm cách nổi trội, gây được sự chú ý với những người chung quanh.
Ở cái tuổi trên năm mươi, thì xuân sắc đâu còn tồn với bất kỳ người phụ nữ nào, song bà vẫn cố níu kéo, lưu giữ nó cho bằng được.
Nhưng cái bụng, cái mông, cái eo, và bộ ngực... hình như vẫn chẳng chịu hiểu và thông cảm cho nổi khổ và sự nhẫn nại đến kinh ngạc của bà.
 Cho dù là đã cố ép mình, bận bộ đồ thật hẹp trong suốt mùa hè, để bó cái thân hình ục ịch đồ sộ lại. Nhưng ngày ngày... "chúng" vẫn cố trồi ra, lộ lộ, đung đưa trước con mắt của bàn dân thiên hạ. Trông thật là phản cảm và mất cả hứng...
Lại còn cặp má!!! Dù đã rất chịu khó đến đủ các cơ sở thẩm mỹ viện để mông má lại... Nhưng kỳ thay, càng chăm sóc nó càng nhờn nhợt, sần sùi và bạc phếch nhiều hơn...
 Ngày ngày, bà Thơm đến công sở bằng đôi guốc cao ngất nghểu. Để chứng tỏ với mọi người rằng: mình vẫn còn son trẻ và duyên dáng chả kém gì những cô gái đang độ hai mươi, hăm nhăm kia.
 Nhưng cái thân hình đồ sộ và tấm lưng gù, đã phản bội lại ý tưởng độc đáo của bà. Chúng luôn nghiêng ngả, xiêu vẹo, như một đụn rơm mùa, đang bị cơn gió chướng vần cho tơi tả, lung lay...
Ở cái tuổi như bà, thông thường là ngưòi ta thích ngồi yên ở một vị trí, để chờ ngày về hưu, hạ cánh an toàn. Nhưng đằng này bà lại đột ngột viết đơn xin chuyển đơn vị. - Đây không phải là lần đầu tiên bà hành động như vậy.
Nhưng dù có chuyển đến đơn vị, cơ quan nào chăng nữa, thì bà vẫn là một con mọt bàn giấy. Không hơn không kém.- Bởi vì bà chỉ có một sở trưòng duy nhất là ngồi bàn giấy, truyền đạt những mệnh lệnh, thông tin từ ban lãnh đạo truyền xuống cho các nhân viên.
Có lần, ai đó lỡ sai phạm một điều nho nhỏ, ban giám đốc liền ra một chỉ thị ngắn, bằng miệng:
 "Việc này nên họp toàn thể anh em, kiểm điểm, nhắc nhở, rút kinh nghiệm là chính, đừng làm to tát, mà ảnh hưởng tới uy tín của đơn vị"
Nhưng vì ghét ngưòi đó, nên ý kiến được truyền đạt lại với phiên bản mới như sau:
-Theo ý kiến của đồng chí giám đốc: "Việc này, cần kiểm điểm thật nghiêm túc. Lập báo cáo gửi lên phòng, sở. Để rút bài học về sau. Vì thanh danh của giám đốc, vì uy tín của bệnh viện, chúng ta không có quyền bỏ qua một sai phạm cho một ai. Dù là nhỏ nhất!"
Kết quả người đó bị "cạo" cho một trận nên thân trong cuộc họp toàn khoa. Sau đó biên bản được trưởng phòng hành chính (tức là bà) cầm thẳng lên trao trực tiếp cho sở nội vụ. Thế là chuyện bé xé ra to. Người nhận kỷ luật thì trách lãnh đạo là "cạn tào ráo máng." Giám đốc thì bàng hoàng chả biết thanh minh, giải thích làm sao cả.
 Khi được hỏi. Thì trưởng phòng hành chính liền sắt mặt lại, tỉnh bơ trả lời:
- Đó là thể theo nguỵên vọng của toàn thể anh em, cán bộ công viên trong khoa chứ! Thực lòng tôi có muốn thế đâu.
Không thể tả nổi bộ mặt nhăn nhó của  vị Giám đốc khi phải giải trình vấn đề này với lãnh đạo và toàn thể anh em trong đơn vị.
Cho dù kết quả đến đâu, thì giữa lãnh đạo và anh em không thể nào dung hoà, chung tâm, chung ý như ngày xưa được nữa. Duy chỉ bộ mặt đau răng của người bị kỷ luật nay lại chuyển sang cho bà Thơm phải đảm nhận.
Cũng có khi  bà Thơm lại truyền đạt chỉ theo một hướng hoàn toàn vô hại cho mọi người, nhưng hoàn toàn có lợi cho mình:
-Nếu không gặp được tôi - tức là giám đốc - các đồng chí phải tranh thủ ý kiến của trưỏng phòng hành chính chứ!
Tất nhiên chả ai dại gì mà tranh thủ những ý kiến hết sức mông muộn, thiếu căn cứ của bà Thơm.
Lũ trẻ không nghe đã đành, còn tỏ ra coi thưòng bà nữa là đằng khác. Chúng thường thủ thỉ với nhau, rồi sau đó đồng loạt gọi bà là Thỏm. - Thỏm  có nghĩa là có mùi hôi thối.
Nhưng cái tên "Thỏm" không phải lỗi ở chúng. Mà hoàn toàn tại ở bà. Bởi bà đã già rồi, không biết vi tính hoặc máy móc gì suốt. Nên mỗi lần cần gì - liên quan đến giấy tờ, là bà lại phải ngồi vào bàn, cặm cụi viết một cách khổ sở. Rồi lại giao cho cô văn thư gõ vi tính lại.
 Vì mới nhận việc, nên cô văn thư không dám hỏi, lại những chổ nghi ngờ, mà cứ gõ thẳng theo suy luận của mình.
Vậy nên tên trưỏng phòng hành chính là Thơm bị biến thành "Thỏm" từ lúc nào chả rõ.
Khổ nổi! Mỗi văn bản lại phải pho to - copy thành hàng chục bản, gửi đến tận các khoa, buồng...Cái tên Thơm bỗng biến thành Thỏm kể từ vụ đó.
 Uất lắm, nhưng đành ngậm đắng nuốt cay, cố bám  cho chặt lấy cái ghế "dưói chỉ một ngưòi, trên cả trăm ngưòi". Để vớt vát chút danh dự. - Mỗi khi đi dự tiệc tùng, kỵ giỗ và đợi ngày về hưu khoe với con với cháu họ hàng...
Sòng phẳng mà nói: Gần hai mươi lăm năm về trước, Thơm đã là một bác sỹ nội khoa hẵn hoi.
Ngày trước, hiếm lắm mới tìm ra một học sinh tốt nghiệp cấp 3, để đào tạo, nuôi cấy thành nhân tài. Nhất là ngưòi đó phải có tư chất và mang trong mình truyền thống cách mạng của cha ông. Thơm là một trong những người hội tự đủ những điều kiện quý giá đó.
Vậy nên việc Thơm vào trường đại học y Hà Nội thời đó không phải là do khả năng của cô, mà do nguồn gen, truyền thống cách mạng từ đời ông bố để lại...
 Bố Thơm vốn là cán bộ lão thành cách mạng những năm kháng chiến chống Pháp. Không một ai biết cụ thể trước đây ông đã từng làm việc gì cho Việt Minh. Nhưng những năm miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa phải chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ông đã là bí thư Đảng uỷ, kiêm phó chủ tịch của một xã. Vậy nên quyền sinh quyền sát của hơn một ngàn dân chắc chắn là do chính một tay ông nắm giữ. Kể cả việc lựa chọn người để bồi dưỡng thành lực lượng nòng cốt lâu dài cho công cuộc cách mạng sau này cũng do chính ông đảm trách.
 Bất kể là ai, dù muốn đi đâu hay được bổ nhiệm làm việc gì? nếu không có chữ ký của ông coi như là hết thời. Chính vì thế, dân trong xã sợ ông hơn là nể.
 Cũng vì thế mà ngay sau khi vừa tốt nghiệp cấp 3, Thơm liền được đi học. Và bố cô hướng cho cô con gái rượu của mình vào cái ngành mà xã hội nào cũng phải ưu ái.
  Nhưng sau khi ra trưòng nhận công tác mấy năm liền, mà Thơm chả phát huy được những gì mình học ở trường một chút nào cả. Ngược lại cô thường hay săm soi nhòm ngó vào sai sót của người khác để dè bỉu, chê trách...
Là thầy thuốc, nhưng Thơm chả bao giờ chuyên tâm, chú ý đến công việc của mình. Ngược lại, cô thưòng hay đú đởn, nhõng nhẽo, chèo kéo... với bất kỳ vị lãnh đạo nào - Nếu  cô vô tình gặp được.-  Để mong được chú ý, cất nhắc lên những vị trí quan trọng.
 Chính vì lý do đó, mà Thơm buộc phải xuất lời nói xấu những đồng nghiệp mọi lúc, mọi nơi.- Nếu có cơ hội.
Ví như:
"Giám đốc bệnh viện, làm việc không công tâm, kế hoạch thiếu khoa học, không chặt chẽ, thiếu kỷ luật... Đặt vào vị trí tôi thì tất cả phải răm rắp, công bằng hợp lý thực hiện ngay chứ lỵ...."  "Ngưòi có năng lực thì không nhìn thấy mà bổ nhiệm. Kẻ vớ vẫn, xu nịnh thì luôn được nâng đỡ cất nhắc. Kết bè kéo cánh, đưa nhau lên nắm chức nắm quyền..." - Thơm nói, đồng thời chìa môi, méo xẹo mồm:
" Như vậy thì làm sao mà đơn vị ngày một đi lên, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn được. Thật là khó mà làm việc với một lũ vớ vẩn đầy tham vọng, tắc trách..."
Đôi khi Thơm lại cau mày nhăn nhó:
" Nhận thầy thuốc là phải nhận những ngưòi có chuyên sâu, có năng lực, nhiều kinh nghiệm chứ! Những cô, những cậu trẻ mới ra trường đó thì làm được gì. Có mà giám đốc nhận liều y, bác sỹ trẻ vào để làm cảnh à? Nói thật: dù đã là thời đại bình đẳng, nhưng phụ nữ thì vẫn là phụ nữ thôi, không nên cơm nên cháo gì đâu!" - Thơm nói mà quên rằng: chính mình cũng là một phụ nữ!
Bất mãn đến buồn nản nên một ngày nọ, Thơm đã để xảy ra sai sót về chuyên môn trầm trọng. Đó là tiêm nhầm thuốc cho bệnh nhân, suýt nữa dẫn đến tử vong. May mà có các đồng nghiệp nhào đến, trợ giúp, kịp thời...
Ban giám đốc đã phải vất vả, chạy lui, chạy tới điều đình với ngưòi nhà của bệnh nhân. Để ngưòi ta khỏi gửi đơn lên các ban nghành của tỉnh, các báo... làm mất uy danh của bệnh viện bấy lâu vốn lẫy lừng!
Thế là từ đó, người ta không dám mạo hiểm giao trách nhiệm lâm sàng cho bác sỹ Thơm nữa. Họ điều cô lên làm công tác hành chính.
Công việc của Thơm lúc là chuyên lưu giữ các giấy tờ, sổ sách và phụ trách công tác vệ sinh phòng dịch, đảm nhận vai trò tuyên truyền viên cho đơn vị.
 Kể ra đưa một ngưòi có bằng bác sỹ hẵn hoi đi làm hành chính, thì cũng uống thật, nhưng biết làm sao! Vì chuyên môn của cô quá mơ màng, đầu óc Thơm luôn luôn chứa chấp đầy những ý nghĩ vô thực. Hơn nữa Thơm luôn cho mình là trên tất cả, không chịu nghe lời, rút kinh nghiệm và học hỏi một ai bao giờ.
Đã bất mãn, nay lại càng bất mãn thêm. Thơm tung tin nói xấu bệnh viện, nói xấu lãnh đạo. Đồng thời luôn khẳng định vai trò và giá trị của mình với sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ của nhân nhân. Kể cả những khi gặp gỡ những ngưòi dân cày và đám trẻ thất học đang bám đuôi trâu...
Thường ở những vị trí đó, Thơm luôn nhận được những tràng vỗ tay râm ran và cái nhiều nhìn khâm phục, bao cái mồm há hốc thỏng thượt...
 Người nông dân ngộ nhận đến bao nhiêu, thì không ai dám chắc. Nhưng Thơm ngộ nhận về mình thì quá nhiều. Đến nổi ban lãnh đạo phải đến trực tiếp nhắc nhở:
-Đồng chí cần phải nhìn lại, đánh giá bản thân mình một cách nghiêm túc hơn một chút. Đừng vì danh tước mà đánh mất mình lúc nào không biết đó.
Nhưng chứng nào tật ấy, Thơm không bao giờ chịu nghe lời và rút kinh nghiệm...
Ban lãnh đạo biết, toàn thể cán bộ công nhân viên biết. Nhưng chả ai nỡ cắt đi miếng cơm manh áo và việc làm của Thơm. Ngược lại họ vẫn để cho Thơm ngồi ở cái ghế "hữu danh vô thực" đó mà hưởng lương và tồn tại. Coi như là bầu bí thương nhau vậy. Hơn nữa họ cũng có phần sợ bởi một cái ô lồng lộng đang toả bóng cho mỗi bước đi của cô.
 Nhưng dù sao thì vẫn còn một số kẻ trong cơ quan không muốn nhìn thấy Thơm tồn tại, đi lui đi tới như một cái bóng hết ngày này qua ngày khác trong guồng máy đang vận hành một cách hối hả của những ngày "Tất cả vì tuyền tuyến, tất cả để xây dựng đât nước"...  
Ngày thống nhất đất nước đã đến. Ngưòi ta cần một đoàn cán bộ để chi viện cho những vùng mới giải phóng còn gặp khó khăn về y tế, giáo dục, văn hoá...
Thế là ban lãnh đạo liền chớp lấy cơ hội, điều Thơm tăng cưòng cho  đoàn cán bộ vào Nam.
 Cô miễn cưỡng đồng ý.- Mặc dù lúc đó đã quá ba mươi tuổi và chưa có một mảnh tình vắt vai.
Lúc ra đi ông cán bộ tổ chức đến dặn dò :
"Lãnh đạo tin tưởng mới cử đồng chí vào nam làm cán bộ cốt cán cho cách mạng. Mong đồng chí vào đó phát huy hết vai trò năng lực của mình để chứng minh người cán bộ cách mạng con người mới XHCN ".
Thực chất là người ta muốn tống khứ đi một hình nộm suốt ngày ỏng ẹo chả làm nên trò trống gì. Bà vẫn biết điều đó, thôi thì ngậm bồ hòn khen ngọt, để vớt vát chút danh dự với bạn bè.  Thế rồi bà lập tức được kết nạp vào Đảng và ra đi...
Chả hiểu đầu cua tai nheo thế nào mà sau vài năm, người ta bỗng thấy Thơm lù lù vác cái xác về và dắt thêm một đứa con thơ nữa chứ. Ai hỏi thì Thơm bảo: "Bố cháu là công an, hy sinh trong đợt truy quét tội phạm. Nay tôi phải về quê, để quên đi những kỹ niệm buồn đau...
Thế rồi bỗng nhiên Thơm được ngồi vào bàn giấy của phòng kế hoạch hoá gia đình. Người ta không rõ chức năng của Thơm là gì. Nhưng thấy cô hay sang phòng thủ trưởng, đóng cửa lại thì thầm thì thụp, to nhỏ bàn chuyện bí mật nội bộ...
 Kể từ ngày ấy, đến nay về chuyên môn nghành y, thì Thơm đã quên gần hết, nhưng lại thạo thêm một chuyên môn khác.- Đó là chuyên môn ngồi bàn giấy truyền đạt những chỉ thị.
 Nhưng sự đời không suôn sẽ như Thơm tưởng. Khi ông trưởng phòng về hưu thì người ta sáp nhập phòng kế hoạch hoá gia đình vào sở y tế, do  một phó giám đốc sở trực tiếp lãnh đạo.
Một lần nữa, giấc mơ làm lãnh đạo của bà bị tan biến.
Uất chí, bà đâm đơn về hưu. Nhưng vẫn còn thiếu ba tuổi nữa. Thế là bà phải chuyển đơn vị. Bởi bà là bác sỹ, nên người ta lại đưa bà về làm ở một bệnh viện tuyến cơ sở.
Dù không trực tiếp làm việc với bà, nhưng nhân viên bệnh viện không ai lạ gì bà bác sỹ bàn giấy kia. Họ vẫn muốn tránh mặt ít giao lưu với bà vì sợ dây dưa dây cà ra dây muống.
 Ngày ngày bà vẩn bô bô:
 "Thời tôi ở phòng kế hoạch hoá gia đình, trưởng phòng có. Phó phòng có. Nhưng các ông ấy ngày ngày lo nhậu nhẹt, say bét nhè... Mọi việc lại đổ dồn lên đầu tôi hết ấy mà!"
Thế là bà lại được cử làm trưởng phòng kế hoạch của một bệnh viện. Ngày ngày, có nhiệm vụ đọc các thông tư, chỉ thị, quy định của cấp trên, sau đó soạn thảo thành văn bản riêng, để áp dụng cụ thể cho đơn vị mình.
 Tất cả tài liệu trên đưa về, Thơm thậm thụt cất giấu kỹ. Giá như có con dấu "Tuyệt mật" thì Thơm cũng sẵn sàng đóng vào bất cứ văn bản nào. - Nếu nhận được.
Khi đưa cho văn thư đánh máy, bao giờ bà cũng dặndò rất kỹ:
 " Tài liệu này cháu phải bí mật đấy nhé!".
 Nhưng ác thay! Lớp trẻ ngày nay, chúng lại ít quan tâm đến những gì bà soạn thảo. Có lần, soạn thảo xong một quy định, bà liền bảo văn thư gõ vào máy tính, rồi sau đó in cho mỗi khoa phòng một bản...
 Thơm thở phào, hí hửng với thành tích của mình lắm.
"Phen này, khối người phải thán phục biệt tài chuyên ban hành quy chế của mình!"
Nhưng kỳ thay, khi vừa đọc qua, lũ trẻ liền bật cười và đồng loạt quăng những văn bản đó vào sọt rác. Bà uất hận lắm sững cồ, la lên:
"Tại sao các đồng chí lại quẳng những văn bản do nhà nước ban hành vào sọt rác?".
Lũ trẻ không những không sợ, mà còn tỉnh queo trả lời:
 "Chúng tôi chỉ chấp hành những văn bản, nội quy do nhà nước ban hành mà thôi, chứ những quy chế của bà... chúng tôi quyết không chấp hành. Có giỏi thì bà về mở bệnh viện tư, mà ban hành những quy chế của mình."
 Lũ trẻ cười lớn, bà càng tức tối. Chúng liền xoè ra trước mắt bà những thông tư, quy định mà nhà nước ban hành. Bà tím mặt hỏi.
-Sao các đồng chí lại có tư liệu này? Đây là tài liệu hướng dẫn cho những người có trách nhiệm cơ mà?
- Chúng tôi khai thác trên mạng Intenet!
- Cái thằng máy vi tính chết tiệt... làm lộ hết bí mật quốc gia.
Lũ trẻ cười lớn hơn:
"Bà đã cố biên soạn trái với chủ trương đường lối của nhà nước."
Bà càng cố cãi :
 "Nhưng những gì các ngài trên chính phủ, trên bộ làm chưa thấu tình đạt lý, sai với cách làm từ trước tới nay, thì tôi có quyền sửa lại chứ!"
Một thanh niên xăng xái bước đến nói:
"Tôi sẽ đem văn bản do bà ban hành lên gặp phòng tổ chức sở y tế và các ngành liên quan"
Thơm tái xanh mặt, vội xuống nước:
- Thôi! thôi....!!! Tôi xin các đồng chí! Tôi sai rồi. Tôi sẽ sửa.
Giám đốc đến bên tự khi nào. Ông ôn tồn nói :
"Thực chất từ lâu, tôi đã biết chị không làm gì được. Nhưng chị đã lấp liếm những yếu kém của mình bằng cách tạo ra một phong cách riêng, thần bí hoá công việc của mình. Chúng tôi hiểu và hết sức thông cảm.
 "Thôi! từ nay, chị đừng làm gì nữa, chỉ việc đến ngồi chơi xơi nước, chờ  ngày về hưu. Đừng xưng vương, xưng đế nữa, mà lũ trẻ nó cười cho".
          Bẽ bàng, mệt mỏi bà lê bước về phòng, quăng mình xuống chiếc ghế bành, thở hổn hển. Vừa lúc chuông điện thoại réo. Thơm với tay nhấc máy.
 Bên kia đường dây, tiếng đứa con dâu cất lên réo rắt - vẻ trách móc :
"Mẹ! Mẹ à! Con cho cháu uống thuốc đơn của mẹ! Ai ngờ...  bệnh càng ngày càng nặng thêm... May đến bệnh viện kịp, nhờ các bác sĩ trẻ tận tình cứu chữa... Không thì nguy mất!"
 Bà buông ống nghe tim càng đập dồn dập, mồ hôi trán vã ra. Bà cảm thấy bất lực : Mình vô dụng quá,mình vô dụng thật rồi.
 Hàm Rồng 5-9-2011
 Hữu Đạt



 Đăng ngày 06/09/2011
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Lê Hoài Nam(Belarus) - 06/09/2011

Thực ra, nhận vật Thỏm của HĐ đã vô dụng từ khi ông bố của ả cho ả vào nghành y rồi ....Nhưng vẫn còn may là đến cuối ngày ,trước lúc về hưu ả còn nhận ra và thốt lên điều đó ....Ngày nay có bao nhiêu Thỏm đang ngự trị trông toàn cơ chế xã hội Việt Nam ? Với "Người truyền đạt" HĐ đã sờ vào cái  khối u nhọt đang to dần của xã hội VN .Viết lên được như thế ,(sờ mó) vào được chổ ấy cũng là có gan rồi đấy.Chúc Đạt thành công hơn nữa!
  Gửi bởi: Hữu Đat - 07/09/2011

Rất cảm ơn Hài Nam đã không quản ngại đường ngái xa xôi về với quê hương hẹn tái ngộ trên mảnh đất đầy nắng gió.
  Gửi bởi: Phương Nam - 03/11/2011

Truyện ngắn tốt. Tác giả đã nói được những điều mà nhiều người biết nhưng không dám nói ra. Bà Thơm phải nhận hậu quả là rất đúng-đó là sự quả báo. Chúc Hữu Đạt tiếp tục có những truyện hay. Nhà văn là thế đấy.
  Gửi bởi: Thành Vinh - 12/11/2011

Hữu Đạt làm thầy thuốc mà tâm hồn của nhà văn. khá khen cho người có ý chí. Trong truyện ngắn này đã tạo ra tiếng chuông cảnh báo của nghề y. Loại bất tài như bà Thơm đang còn đầy rẫy trong xã hội. Rất muốn được đọc những tác phẩm nói về ngành y đang còn nhiều mảng tối của Hữu Đạt. chúc bước đường viết văn của H.Đạt ngày càng tiến tới.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan