Saturday, October 17, 2015

Nhân cách con người trong sự nhìn nhận con người

Tác giả: Bảo Ninh

 ( phần 1)  
             Xin đừng nhất loạt chuyển từ khẩu hiệu " phải chê"  sang khẩu hiệu " phải khen ", nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân kiến nghị như vậy, mở đầu cho bài báo của ông ( website Hội Nhà văn ) bàn  về cuộc hội thảo sử học " Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn" vừa được tổ chức ở Thanh Hoá. Ngay từ mở đầu bài báo đã đầy ngờ vực, rồi càng lúc chữ nghĩa càng mỉa mai hơn đối với cuộc hội thảo
        " Trước đây người ta bảo nhau phân tích sao cho ra những tội lỗi, những sai quấy càng nhiều càng tốt của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn; giờ đây đến lúc sẽ chỉ có khen và khen; người nghiên cứu nào có ý "chê" sẽ có nguy cơ bị tẩy chay!"v.v.          Tuy nhiên chắc là chẳng riêng gì tác giả bài báo mà rất nhiều người khác nữa cũng đã chợt có những ý nghĩ mai mỉa khi mới thoáng nghe nói về cuộc hội thảo. Đây là một thái độ khó lòng tránh khỏi đối với hầu hết những ai thuộc các thế hệ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong thế kỷ XX, những thế hệ đã quá kinh nghiệm, quá mệt,  quá nhàm tai chướng mắt với hàng đống những sự đời xoay trái vặn phải, chính tà trắng đen đảo biến chỉ một sớm một tối không cần uốn lưỡi. Mà sử học, gồm cả văn học sử nữa, như tất thảy chúng ta  từng được học, được nghe, được đọc, được thuộc lòng từ tấm bé lại có không ít những trang và những đoạn khiến cho chúng ta giờ đây phải té ngửa ra trước tính chất điển hình " tấn trò đời " của chúng, trước những giá trị đồng bóng, những chân lý nói sao cũng được của chúng.
        Nhưng không thể vì thế mà vơ đũa cả nắm. Nói lại cho đúng về Nhà Nguyễn là một hội thảo rất nên, cần thiết và cấp thiết cho khoa học, cho đạo lý, nó hợp lòng người nói chung chứ không chỉ  giới sử học.
      Ngay dù là trong số những nhà sử học tham luận tại hội thảo có vị nào đó làm cử toạ phải ngỡ ngàng vì sự tuyệt đối đổi mới trong lời lẽ của ông ta đối với " Nam Triều phong kiến ", thì mọi người, nhất là những người trong giới nhà văn nên thấy đấy là sự thường tình và nên nhìn nhận điều ấy một cách thiện cảm.  Bởi xét cho cùng, sự đồng lòng đổi thay từ chê sang khen mà như tác giả Lại Nguyên Ân mô  tả những đồng nghiệp chúng khẩu đồng từ nhất trí một thái độ mới (mà tựu trung là "khen" thay vì "chê") trên một đối tượng nghiên cứu cũ...", dù thế nào đi nữa vẫn là cao quí hơn hẳn thái độ, tuy cũng là đổi mới, nhưng là quay ngoắt từ khen hết lời sang chê hết lời, từ tôn thờ quì lạy ca vang xưng tụng người ta suốt một thời lật sang nhạo bạng và thoá mạ khi thời đó vừa qua, người đó vừa khuất hay vừa thôi quyền chức.  Và gì chứ số lượng những hiện tượng quay ngoắt miệng lưỡi như thế thì trong giới nhà văn chắc là không hề thua  kém thiên hạ.
        Từng xa xả chửi bới nguyền rủa người ta nhưng giờ đây ca tụng, dù không ấp úng ngượng ngập, vẫn nên được coi là sự phục thiện, thậm chí là cả sự hy sinh lòng tự ái cho lẽ phải, đấy là điều hay cần được ủng hộ. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã khuyên đám học trò trường Nguyễn Du chúng tôi như vậy trước trào lưu có vẻ là khá nực cười của các nhà lý luận chuyển từ mạt sát sang ngợi ca thiên tài nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ấy là những năm đầu Đổi Mới. Cuộc sống và văn học đang đổi thay theo chiều thuận.  Không chỉ riêng Vũ Trọng Phụng được người ta " nói lại cho đúng", mà nhiều, rất nhiều, và thường là rất khó tin đối với lứa tuổi chúng tôi : Vũ Bằng ( thậm chí ông đã đã được thành nhà tình báo cách mạng), Phan Khôi, Trần Đức Thảo, những người đã khuất và cả những người còn sống của Thơ Mới, của Tự Lực Văn Đoàn, của cả Nhân văn- Giai phẩm.
        Mới hồi nào học ở trường phổ thông và đọc trên sách báo thấy các ông đó là những tên này tên kia, bị vạch mặt, bị lên án những tội tày đình, giờ hoá ra họ lại khác, lại được chính những người lên án ca ngợi, kể cũng bực mình và tức cười, tuy nhiên chúng tôi không bị xốc, và nhờ nghe lời thầy Hiến, chúng tôi thấy sự đổi thay đó trong quan niệm của hầu hết các nhà lý luận văn học là điều hay, là lẽ phải.        Song, cũng các thầy giáo trường Nguyễn Du : Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, Trần Quốc Vượng, Phạm Vĩnh Cư  lại mạnh mẽ chỉ trích, chê trách và ngăn cản một xu hướng nhìn nhận theo chiều ngược lại được gọi một cách oai hùng là " đạp đổ thần tượng"  nảy sinh trong chúng tôi.  Theo các thầy, hoàn toàn khác với chuyển từ chê sang khen, khi chuyển lời từ xưng tụng sang đả kích và đạp đổ, người ta cần đặc biệt lưu tâm đến lòng dạ của bản thân mình, phải hết sức tự  xét mình, bởi động thái quay ngược kiểu này không chắc vì " nhận thức là một quá trình " mà có rất nhiều cơ nguy là do thói xu thời, và hơn thế, do vụ lợi và  phản trắc.
        Chẳng hạn nếu ngày trước do còn trẻ và do thời thế nên quí vị đã không hiểu nổi Hàn Mặc Tử, quí vị chê thi sĩ này là rối mù và điên loạn, nay quí vị ca ngợi ông là một thiên tài, tuy hơi buồn cười, nhưng không sao cả bởi vì thực chất đấy là một sự thay đổi đúng đắn, đáng tôn trọng và đáng mến.
 Nhưng, nếu như hồi đang học cấp Ba quí vị đã từng được thầy giáo khuyên điểm 10 bài luận ca ngợi văn tài và giá trị tư tưởng của Việt Bắc thì nay khi phát biểu rằng " đường ta rộng thênh thang tám thước " là một câu thơ dễ dãi, nhẹ hều, bất tài xin quí vị hãy dè chừng tâm địa của mình, bởi rất có thể cả lời ngợi ca trước đây lẫn sự chê bai hôm nay của quí vị đều cùng một bản chất, là xảo trá.
 Chúng tôi yêu quí trường Nguyễn Du một phần là bởi lẽ công bình và có tình nghĩa ấy trong sự nhìn nhận và bình phẩm văn học, lịch sử, cuộc sống, đời người, mà các thầy và các nhà văn của trường cố truyền thụ cho chúng tôi.
Bài đã đăng VNT
nguồn : phongdep.net
     

 Đăng ngày 30/10/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: "Tiếp..." - 31/10/2008

Khen và Chê.
Phê và Bình.

Con người ta, mỗi một cá thể, dù là một chị lao công, một nông dân, một người đứng sau cỗ máy, đến một nhà quản lý, một nhà chính trị... tất thảy họ đều có mặt tốt, mặt xấu...
Các sản phẩm do con người làm ra, dù là một cái cày, chiếc bút, một bức tranh, bài thơ, tiểu thuyết... đều có cái hay, cái chưa hay...
Một thể chế, một chế độ, một triều đại, ở trong hoàn cảnh lịch sử của nó, đều có cái tích cực và cái tiêu cực.

Một vấn đề nữa:
Thế nào là tốt, là chưa tốt?
thế nào là hay, là chưa hay?
Thế nào là tích cực là tiêu cực?

Rắc rối lắm, nói cho nó đơn giản thì thế. Nhưng đi vào KHEN, CHÊ PHÊ- BÌNH thì rắc rối lắm!
Người đứng ra Khen, Chê, Phê, Bình thì lại có cái đầu riêng của anh/chị ta. Mà đầu thì to có, nhỏ có, đầy kiến thức uyên thâm có, phong phú có, và... còn rỗng cũng có, chưa đầy đủ có...
Cái chuyện "liệu cơm gắp mắm" mà lại hay!

Bám vào cái cột lõi thế này thì KHEN, CHE, PHÊ BÌNH mới có trọng lượng:
1) Khách quan, đừng đưa cái tôi vào trong "Khen Chê';
2) "Nói phải củ cải phải nghe"; "nói đúng khẩu súng phải sợ". Nói thế nào khen chê thế nào để đối tượng được khen chê, người nghe về sự khen chê phải tâm phục khẩu phục
3) Muốn thế phải có đầy đủ lý luận, chứng cứ, chính xác và đầy đủ.
Một lời khen đúng, giá trị hơn ngàn vàng
Một cái chê đúng, giá trị hơn một khóa học
Một lời khen sai, khác chi để bom nổ chậm trong nhà
Một lời chê sai khác chi cái tát khong lý do.

Người ưa nịnh, là kẻ có lòng tự trọng bé bằng con kiến.
Đáng tiếc kiến, cỏ thời nào cũng nhiều.
Ước mong là một chuyện. Sự đời lại là một chuyện.
Ngoài trời mưa to
đường sá ngập nước,
Khắp nơi ẩm ướt
Mấy lời làm khô

Tản mạn tới mô
Bà con ... bỏ quá!

Chuyện dài, lời ngắn, nói sao cho đủ. Hiểu cho sự đời, chừng nào tốt chừng đó vậy!

  Gửi bởi: Moon - 31/10/2008

Tiếp nói khi nào cũng chí lí cả .Moon rất nể phục.hi hi

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan