Tuesday, October 6, 2015

NHẬT KÍ NGƯỜI GỠ MÌN


Truyện ngắn -  Xuân Đức


xuanduc.vn:Một người bạn văn- bạn tâm đắc- bảo tôi cố tìm lại truyện ngắn này và cho đăng lại. Bạn ấy nói rằng, cách đây hơn 30 năm, khi truyện này được in đọc thấy rất thích. Nay muốn xem lại để tự kiểm nghiệm xem cái thẩm văn dạo đó với hôm nay có quá chênh lệch không?  Tôi đã cố gắng tìm kiếm, đến hôm nay mới tìm được. Xin đăng lại để bạn tôi làm thí nghiệm về thẩm định văn học sau 31 năm...

 Một tiếng nổ?
Mặt đất rùng mình. Tai Phú sôi ù ì dẫu rằng tiếng nổ không to lắm vì khoảng cách từ đây tới đó khá xa. Anh ấy đã làm sai quy cách? Anh ấy liều? Anh ấy đã không giữ đúng lời hứa? Anh ấy đã?...
Câu hỏi xoắn xuýt rối mù như khói. Phú chạy sấp ngửa, chạy xiêu vẹo, miệng đắng khô trong cảm giác đổ vỡ tất cả. Đó là một điều lạ lùng chưa hề thấy ở người nữ Xã đội trưởng đã tròn tuổi ba mươi này. Lạ lùng tới mức chính Phú cũng không tự hiểu nổi mình nữa!
Phú vẫn chạy, lập bập như một người dẫm chân tại chỗ. Vẫn chưa thấy khói, chưa thấy mặt đê vỡ toác ra, nước lũ xối òa ra lênh láng mặt ruộng... Chưa thấy chi trơn! Có lẽ điều Phú cảm được sớm nhất là những cảm xúc kỳ quặc trong người. Anh ấy... chưa bao giờ chị gọi Đản bằng những tiếng ấy. Thường thì "đồng chí Đản", vui hơn thì gọi "ông", lúc có nhiều người, nhất là đám bạn gái thì Phú lại gọi "chú"... Phú rất thích dùng tiếng "chú" để gọi những anh con trai ít tuổi hơn mình, thậm chí cả với người ngang tuổi. Chẳng ai mất lòng cả. Dù Phú chưa có con những đã có một đời chồng. Hơn nữa, cái chết của chồng chị - người Xã đội trưởng đầu tiên của ấp Ba Thung này - mãi mãi vẫn là điều thiêng liêng của toàn xã. Chị xin với huyện, xin như một sự van nài được thay thế chức vụ chồng. Chẳng ai cười chị dở hơi, chỉ thấy thương đến ứa nước mắt. Bởi vì đó là một việc hết sức trọng đại. Chị bỗng thấy mình già hơn cái tuổi vốn có. Đối với nhiệm vụ thì sự già dặn ấy là một điều hết sức cần thiết.
Sự già dặn nghiêm trang ấy đang bị một tiếng nổ phá vỡ.
Sao mình lại kỳ cục vậy? Có phải vì mình đã lỡ xem những dòng nhật ký của anh ấy? Không phải! Không phải! Đừng có mà nghĩ lung tung...
Đúng là "ông ta" đang làm sai quy cách? - Phú có phần bình tĩnh hơn. - Nhưng sao Đản lại có thể sai quy cách được? Người Trung đội trưởng công binh giàu kinh nghiệm, một tay đã phá hàng trăm quả bom, mìn, giải phóng hàng chục héc ta đất... Nhưng với quả bom này, cách chân đê chưa tới 5 mét thì việc phá nổ nó tai hại biết chừng nào? Đản đã hứa là không cho nó nổ. Chắc lại thiếu kiên trì? Chao ôi sự kiên trì quý giá và khắc nghiệt biết bao, nhất là sự kiện trì im lặng!
"Phải! Tôi không phải là người say tiếng nổ. Nhưng tôi không sợ nó. Thực ra sự im lặng mới đáng sợ hơn! Tôi nhận ra điều ấy gần như đồng thời với sự nhận ra điều nguy hiểm đang phập phồng bên tôi. Điều nguy hiểm - xin đừng hiểu là trong những quả bom chưa nổ. Nó chính là trái tim tôi..."
Tôi không hiểu gì cả. Những dòng chữ này cũng đầy bí hiểm như một bãi mìn. Nhưng anh đừng tưởng tôi không hiểu tý gì cả đâu. Tôi hiểu, có điều không phải từ những trang nhật ký ấy, mà chính từ ánh mắt chớp vội nhìn tôi trước  mỗi lần lao các hút bom. Ánh mắt né tránh dưới lớp mi dày. Thường thường thì tôi không kịp tới gặp nó. Mi anh đã nép xuống lặng im. Rồi cả người anh tụt sâu vô hút bom, trút lại cho tôi sự lặng im đến khủng khiếp. Cứ thế, gần bảy năm rồi!... 
Một người đâm sầm lại phía Phú chắn ngang đường, hai tay quờ ra tóm lấy vai chị. Giọng miền Bắc run, nhòe nước mắt.
- Chị ác lắm! Chị ác lắm! Chị ơi!...
Mặt Phú đanh lại, miệng há tròn:
- Kim Hà?? Chuyện gì vậy em? Nói mau đi!...
- Anh ấy... Chị không biết gì cả. Chị... vô tâm... Chị ác lắm...
- Đồng chí không được phép nói như rứa! Anh Đản làm sao rồi? Hứ?
Kim Hà ngừng lay vai Phú, ngẩn ra, mắt lóng lánh nước. Rồi bất ngờ cô áp cả người sang ngực Phú giọng bối rối theo nhịp đập loạn xạ từ tim chị truyền sang.
- Anh ấy kéo... kéo bom ra khỏi hút... Kéo... kéo ra xa... lẽ ra lăn xuống cái hố bên cạnh, thì anh vẫn kéo... Bên kia đê nước nó vẫn cứ rập... rập rình... thành thử anh vẫn kéo... Nhưng mà trời ơi!...
Phú gạt mạnh tay như quặt một mái chèo giữa con nước xoáy. Người Kim Hà xiêu qua một bên. Phú lao vù đi. Có cảm giác như tiếng nổ ấy đang nổ hoặc chưa kịp nổ, chuẩn bị nổ... Lạy trời còn kịp bịt nó lại. Mau lên!...
Kim Hà đứng sững người không còn đủ minh mẫn để gọi giật người Xã đội trưởng lại. Còn gì chỗ ấy nữa mà chạy đến hả chị? Người ta đã khiêng anh ấy lên bệnh viện Đông Hà rồi. Lẽ ra em phải nói ngay điều ấy cho chị yên tâm. Tại sao em lại quýnh lên như thế? Em lại nỡ mắng chị nữa. Em tệ quá, thô bạo quá!
Kim Hà không còn đủ sức để nói và cũng không còn sức để chạy theo Phú. Phía trước khói đã loãng dần. Người trong thôn đổ ra mỗi lúc một đông. Những dáng người chờn vờn, những bước chân thậm thịch đâu đó. Kim Hà bước chênh vênh trên con đừng lổn nhổn bước chân trâu. Con đường sẫm đen giữa một vùng nước bạc. Thỉnh thoảng loi thoi ngọn cỏ năn nhô lên ngơ ngác.
"Quê anh nghèo lắm bạn ạ! Tất nhiên cái nghèo ấy không phải lỗi tại đất đai. Hình như anh đã nói với bạn rồi. Dạo chúng mình mới biết nhau ở làng Vân Côn ấy. Anh sinh ra và lớn lên chưa thấy mảnh đất quê mình có lấy được một ngày hít thở gió lành  khí trong. Bom đạn liên miên. Xóm làng tan nát. Người dân quanh năm bới đất, đào hầm... Anh đã kể với bạn rất nhiều điều tương tự như thế. Bạn còn nhớ không?"
Dĩ nhiên là em nhớ. Nhưng nhớ nhất chưa hẳn đã phải là những điều anh kể, mà lại là cái dáng ngồi của anh bên bờ sông Đáy. Anh rất hay ngồi một mình. Thoạt đầu em cứ ngỡ anh đang nhớ nhà, nhớ bạn... Bởi vì đó là thời gian anh mới xa quân ngũ về trường... Trường lại sơ tán lên mãi tận Vân Côn. 
Phú đã quay trở lại từ lúc nào, đứng lạnh như chết trước mặt Kim Hà, miệng mím chặt. Có cái gì ghê gớm lắm đang dâng lên hừng hực trong người chị. Có lẽ là nước mắt? Nhưng Phú không khóc. Chị bất ngờ chụp mạnh đôi tay lên mái tóc phi zê của Kim Hà vít mạnh xuống. Rồi đôi vai tròn rung lên. Tiếng Phú thì thào như tiếng gió:
         - Hà ơi! Chị có lỗi... Chị có lỗi với anh ấy...với em. Em mắng chị là đúng... Em cứ mắng chị nữa đi!...
         Sao lại thế hả chị? Chị không hề có lỗi với anh ấy. Bởi việc đi phá quả bom này là ý kiến tự nguyện của anh. Mà công bằng ra, chỉ có anh Đản mới đủ trình độ tháo quả bom ấy. Còn đối với em, chị lại càng không thể có lỗi... Sao chị lại nghĩ là thế! Anh Đản với em chỉ là bạn. Bao nhiêu lần em gọi to lên tiếng "bạn" ấy. Vì sao em phải gọi to lên, chị biết không? Bởi vì em sợ một tiếng khác sẽ âm thầm len lỏi lặn vào người em lúc nào đó không hay. Bởi vì em quý chị như một người chị ruột. Từ ngày em vào thực tập ở đất này, được gặp chị, hiểu chị, được chị giúp cho bao nhiêu bài học vô giá. Bài học lớn nhất chính là tình yêu của chị. Thực ra em biết chị trước cả khi vào đây. Anh Đản đã kể với em về một người phụ nữ - một người vợ của bạn anh ấy. Chính những điều anh ấy kể về quê hương, kể về chị, cả cái việc anh ấy nhất quyết xin thôi học để trở về xây dựng lại thôn xóm đã khiến em dám chọn cái nơi xa quê mình hơn nửa ngàn cây số để thực tập những bài học lớn lao cho cuộc đời mình. May mắn làm sao, em lại được gần chị.
Kim Hà chợt ngẩng dậy, Phú cũng ngẩng lên. Hình như cả hai đã bắt gặp ý nghĩ của nhau. Kim Hà chợt lúng túng.
- Chị... Chị có định lên viện không?
- Nhất định phải lên rồi! Còn Hà?
- Em cũng nhất định ...
Hà bỗng ngậm vội lại. Sao mình lại cứ lặp lại nguyên xi như vậy? Mình là bạn, còn chị ấy?...
- Thôi, về đi em! Chị cần hội ý với Đảng ủy, Ủy ban, huy động bà con ra đắp lại khúc đê ấy.
- Khúc đê vẫn an toàn mà. Quả bom đã được kéo ra mười lăm mét...
- Chị biết rồi. Lúc nãy chị đã xem rất kỹ. Sức chấn động của tiếng nổ lớn lắm, ruột đê có khả năng bị rạn. Phải phòng xa em ạ.
Rõ ràng chị có lý. Bởi ngay cả lúc rối rắm nhất chị cũng dành được những phút trầm tĩnh để nhìn con đê, để suy nghĩ, dự phòng tới cái điều xấu nhất do chấn động của tiếng nổ. Trách gì chị có gan im lặng suốt bao nhiêu năm trước anh ấy!... Nhưng chị có dự phòng tới sự bùng xé hôm nay không? Tội anh ấy quá chị ơi! Cho đến phút này rồi anh ấy vẫn không được một lời đáp lại. Cuốn nhất ký mà em chuyển qua tay chị đó, nó đã thành tiếng vọng sâu xa gấp trăm ngàn lần tiếng bom...
        "K.H ơi! Bạn hỏi tôi điều ấy thật khó trả lời. Có thể người ta biết, mà cũng có thể không. Tôi không bao giờ ngộ nhận. Tôi có thể làm tất cả, hy sinh tất cả vì tình yêu ấy; bởi một điều rất dễ hiểu là chị ấy với mảnh đất này đã là một trong tâm tưởng của tôi...
         
Tôi chưa nói với người ta tất cả những suy nghĩ của mình vì một lý do nữa. Chưa có thời gian! Những bãi mìn, bãi bom do kẻ thù để lại đang phơi đầy trước mặt. Tôi không muốn, dù chỉ một giây, chị ấy lại phải rối trí vì những việc không đâu. Nhưng tôi lại muốn nói riêng với bạn. Tôi cần nói vì không muốn mang sự rối rắm ấy trong mình để bước vào cái nơi cần sự thanh thản nhất. Thôi, tôi đi đây. Quả bom thứ ba mươi đang chờ. Có thể là một sự hiểm nghèo nhất đang chờ. Nhưng dù sao cũng mong rằng đêm nay bạn được ngủ ngon..."
Quả bom thứ ba mươi, Đản lại an toàn.
Quả bom thứ bốn ba, Đản bị thương nhẹ ở tay.
Quả thứ sáu mươi chín, anh bị choáng và ngất...
Quả một trăm lẻ bảy đã kích thích một quả khác bị vùi gần đó cùng nổ nên Đản bị một mảnh to cắm vào đùi. Đi viện gần một tháng...
Quá thứ một trăm ba tư...
Trăm sáu chín...
Trăm bảy hai...
Quả bom nằm cạnh chân đê này là quả một trăm chín sáu. Chỉ còn bốn quả nữa là "kỷ niệm" hai trăm lần gỡ bom. Anh đã cố im lặng vượt qua!
Phải. Vấn đề đặt ra là im lặng. Quả bom này gắn với sinh mệnh của sáu trăm nóc nhà, gần hai nghìn người dân trong xã. Năm nay không ngờ nước lũ lên cao và ngâm lâu đến thế.
Hơn bảy năm làm Xã đội trưởng thay chồng, thời chiến cũng như thời bình, Phú luôn luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm, nín thở như vậy. Ngày còn Mỹ, Ngụy ở cái nơi giáp ranh này, người Đảng viên, nhất là Đảng viên ở trong cương vị chủ trì thì lúc nào cũng như thường trực đầu kíp nổ. Lỡ tay một tý là tan tành. Những năm hòa bình đầu tiên, trên vùng đất cỗi cằn chai sạn này, bát cơm chẳng khác chi bát nước, bưng lên tận miệng rồi cũng rất dễ bị một cơn gió trái hắt đi. Không phải không có lúc chị cảm thấy mỏi mệt. May thay có "người ấy". Đản vừa sục sôi lại vừa âm thầm như một đường dây cháy chậm. Lửa không lúc nào bốc cao ngùn ngụt, nhưng lại cháy hết sức bề bỉ kiên gan. Nhìn ngọn lửa ấy vừa thấy yên tâm, vừa rất bối rối. Bởi rằng dù có chậm đến mấy thì cũng sẽ tới cái phút giây lửa tiến gần vào kíp nổ. Nhưng mà trời ạ, với quả bom nằm cạnh chân đê này, vấn đề đặt ra là không được phá nổ. Đản đã đào được nó lên, kéo nó ra xa. Lẽ ra hất xuống một hố bom gần đó. Nhưng có lẽ do nhận thấy khoảng cách ấy vẫn chưa đảm bảo an toàn cho đê, nên Đản vẫn kéo, kéo ra nữa...
"Có thể chị ngạc nhiên vì sao tôi say mê những bãi mìn? Không, tôi không thuộc loại người ưa mạo hiểm! Chắc chị còn nhớ chuyện xảy ra hồi tháng bảy năm ngoái chứ? Một quả mìn đã nổ giữa đám đông đang khai hoang làm năm người dân trong thôn bị chết. Chị khóc, còn tôi lúc đó thì thắt ruột lại. Thương năm bà con đã ngã xuống là một lẽ. Còn lẽ nữa, chắc chị không hiểu nổi đâu, tôi thương chị. Lúc đó nhiều người dân xấn xổ vào chị mà xỉa xói... kêu rên... Làm cách nào để giải thích cho bà con kiên quyết khai hoang phục hóa mảnh đất này? Tôi thoáng thấy một phút giây lúng túng của chị (có lẽ chỉ có tôi nhận ra thôi) trước sự phản ứng quyết liệt của những người tiêu cực. Nhiều người chưởi đổng, thể không bao giờ thèm đặt nhát cuốc xuống những thửa ruộng chết người ấy nữa! Có lẽ gần chục năm bám trụ chưa lúc nào chị khổ tâm như lúc ấy! Cũng như những người dân này, trong những lúc hoạn nạn nhất trước đấy đã đùm bọc che chở cho chị. Sao bây giờ họ nỡ phụ chị? Mà phụ chị tức là phụ bạc với đất này rồi!
Tôi thương chị nhưng không thể nói ra điều ấy. Vì vậy mà tôi đã ra đi. Quả bom tôi gỡ hôm ấy là quá thứ một trăm bảy lăm. Có lẽ chị không thể nào nhớ nổi...!"
Không. Phú rất nhớ! Bởi có lần ra đi nào của anh mà chị không đằng đẵng dõi theo, không thắt thẻo ngóng chờ! Có tiếng nổ nào từ tay anh mà không dội vào buốt tận tim chị.
Tiếng nổ! Chị gặp nó quá nhiều rồi mà lúc nào cũng y như mới. Cái đêm anh Mông chồng chị vượt rào vào ấp và vấp phải trái mìn định hướng cách đây đã bảy năm... Vậy mà tiếng nổ ấy cứ ngỡ như đang sắp sửa nổ lại trong từng giây, từng phút hôm nay? Chồng chị đã ngã xuống! Chị đã cắn răng nhận ngập tiếng nổ đau đớn ấy vào trong lòng. Ai ngờ bảy năm nay nó vẫn cứ luôn luôn chực bùng xé ra!
        Có phải bàn tay anh đã chạm vào đầu kíp? Nhưng lẽ nào lại trách anh! 
Gần mười hai giờ đêm thì những bó đuốc trên đê mới tản ra trôi dọc theo bờ ruộng, chảy như những nhánh suối lửa vào các ngã của xóm Ba Thung.
        Phú quay lại nhìn con đê lần cuối. Nước trắng đục như sữa ăm ắp ém vào chân cỏ. Con đê trầm tĩnh nằm. Không gian vắng lặng, yên hàn ngỡ như chưa hề có một xáo động nào cuộn lên.
        Chính lúc ấy ruột gan người Xã đội trưởng cồn cào nhất.
        Chị thắt lại múi khăn trùm đầu, kéo cao hai ống quần lội tọt qua bờ ruộng loang loáng nước, vượt lên mặt lộ 74. Từ đây xuống tới bệnh viện Đông Hà rất xa. Nhưng điều đó không đáng ngại. Nỗi lo lớn nhất của chị là phút gặp mặt. Cái gì sẽ xảy ra? Một nỗi đau ghê gớm hay một nỗi mừng quá mức? Cả hai đều rất dễ dàng bùng ra một tiếng nổ. Hoặc là tiếng khóc, hoặc là một tiếng gọi khó mà kìm nén nổi: Anh yêu!
"Tôi biết chị đang giận dỗi. Nhưng vì sao chị lại giận nhỉ. Tôi có làm điều gì xúc phạm đến chị đâu. Lần ra đi này của tôi cũng như hàng trăm lần khác trước đó, tôi đều mong mỏi được để lại sau lưng mình những gì yên tĩnh nhất. Những gì yên tĩnh nhất đều ở sâu trong đáy mắt của chị. Tôi đã tự cho phép mình một phút được đắm mình vào đấy... Có phải vì thế mà chị giận tôi không? Nếu thế thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về tôi. Chị có thể yên tâm như thế..."
Có cơn gió lạnh bất ngờ ùa đến. Những lùm cây như những hình người đứng thu lu trên đường bất giác rùng mình. Có tiếng loạc xoạc của lá rơi như thể cây cỏ cũng trở mình sau một giấc dài thiếp lạnh. Phú dừng lại, ngửa mặt lên trời, thở. Trăng cuối tháng lu mờ một vệt mỏng trước mặt, vừa đơn chiếc vừa muộn màng. Phú đi chậm lại, chị đã tròn tuổi ba mươi!
Có thể có vài người nhầm tuổi chị. Bởi Phú có dáng người mập, mặt tròn, bắp tay, bắp chân đều rất thon và chắc. Nói chung chị tự hiểu được rằng mình có chút sắc đẹp. Nhưng chị đã tròn tuổi ba mươi. Chưa bao giờ chị tự nhầm lẫn với chính mình.
"Có thể sẽ chẳng bao giờ chị yêu tôi! Và cũng chẳng bao giờ chị hiểu ra điều này: suốt đời tôi yêu chị! Như thế có gì là tội lỗi? Không. Chị có quyền giận tôi nhưng chị không thể oán trách tình yêu của tôi được. Chính tình yêu ấy đã cho tôi một sức mạnh bền bỉ suốt bao năm trường.
Chị không hiểu cũng đúng thôi. Và chị không bao giờ yêu tôi cả, cũng hoàn toàn đúng..."
Một làn hơi nóng ứa tràn lên mi mắt Phú. Gần như là một nỗi uất ức, hờn tủi! Chính anh mới không hiểu gì cả. Không bao giờ tình yêu lại có thể tồn tại từ một phía. Tôi yêu anh! Đó mới thực sự là điều anh chưa bao giờ biết đến. Anh cực đoan vô cùng!...
Anh có biết rằng, lẽ ra chẳng bao giờ tôi để cho anh xa tôi mà đi tới những những cái hút bom ấy cả. Chẳng bao giờ! Nhưng tôi lại cần anh đi. Chỉ có anh, đôi tay anh, đôi vai anh mới gánh vác nổi công việc nặng nề đến dường ấy. Chỉ có anh đi tôi mới yên tâm. Nhưng anh đi, anh đi, tôi lại thấp thỏm biết chừng nào!...
Cho đến quả bom thứ một trăm chín mươi sáu này thì tôi không thể ghìm lòng mình được nữa. Tôi đã dứt khoát không để anh đi. Lẽ ra anh phải hiểu vì sao như thế. Nhưng anh đã không chịu hiểu. Chính anh giận tôi trước.. Tại sao lại giận tôi kia chứ!
Tôi có nói:
- Đồng chí nên hiểu quả bom này có một vị trí cực kỳ nguy hiểm. Nhất thiết không được phá nổ. Nhất thiết phải im lặng!... (Lẽ ra anh nên hiểu, tôi không dám cho anh đi lần này nữa, bởi tôi sợ giữa chúng ta sẽ không thể giữ được sự im lặng).
Anh lại nói
- Tôi sẽ bắt nó phải im lặng.
- Tôi khó tin...
- Sao? Chị không còn tin tôi nữa ư?
Lạy trời, sao anh lại nói ác như vậy? Tôi uất quá, uất vì anh đã không hiểu được lòng tôi. Tôi nói:
- Tôi sẽ tự đi lần này...
Anh trợn mắt lên. Trời ơi, sao mà tôi sợ đôi mắt ấy đến thế!
- Tôi là công binh. Tôi không cho phép ai vi phạm công việc của mình...
- Nhưng ở đây tôi là người có quyền quyết định cao nhất? Rõ chưa?
Tôi có hét lên như vậy thật. Tôi có tội với anh. Nhưng sao anh lại nỡ giận tôi. Chỉ vì tôi lo cho anh, tôi không thể thiếu anh. Tôi yêu anh! Có thế thôi mà... 
Đản bị mổ sáu vết thương và nằm bất tỉnh. Phú thức với anh từ hơn nửa đêm đến quá giờ cơm sáng. Đản vẫn nằm lặng yên trong vòng băng trắng xóa. Ở đây tất cả đều trắng và yên lặng. Mấy cô hộ lý trong y phục bờ - lu lặng lẽ bê những chiếc khay lấp loáng bước vào, bước ra như những chiếc bóng. Phú không thể nhận rõ mặt họ vì những chiếc khẩu trang đã che phần lớn khuôn mặt. Chỉ còn có những đôi mắt là sinh động nhất. Và chỉ còn một mùi thuốc phả ra ngây ngây, lành lạnh là có thể gợi nghĩ nhiều nhất. Phú ngỡ như mình đã hòa tan vào cái yên lặng trắng xóa ấy. Chị ngồi im không hỏi, không nói. Bác sĩ vào, khẽ cúi xuống, rồi bác sĩ lại ra. Ai đó lại vào, lại ra. Tất cả đang dâng lên, đang rập rình hệt như màu nước bạc chập chờn ngoài chân đê...
Kim Hà đến muộn hơn nhưng lại có thì giờ ngồi lâu hơn. Phú về. Nửa chiều hôm đó lại đến. Ngày sau cũng vậy. Biết bao nhiêu công việc bộn bề đang đợi chị ở xã.
Sáng ngày thứ ba, khi Phú vừa rời bệnh viện được một lúc thì Đản tỉnh dậy. Anh mở mắt nhanh và nụ cười cũng nở nhanh trên môi y như vừa thức dậy sau một giấc ngủ no nê!
- Kim Hà phải không? Tài thật!
Kim Hà thoáng bối rối:
- Tài gì cơ, anh?
- Nghĩa tôi có biết Hà ngồi bên cạnh...
- Anh biết?
- Đúng thế. Trong lúc ngủ tôi cũng nghĩ rằng Kim Hà đang ngồi bên cạnh. Đúng thế không?
Kim Hà nín lặng. Anh ấy nói gần đúng. Nhưng tại sao anh ấy lại nghĩ như vậy? Tại sao anh không nghĩ rằng người luôn bên cạnh anh là chị ấy?
"K.H. ơi! Bạn nghĩ về anh như vậy có thể có lý đấy! Anh gàn? Anh phong kiến? Anh lập dị? và vân vân nữa... Anh xin nhật tất. Nhưng không hiểu sao anh vẫn không thể nói chuyện với chị ấy được. Mặc dầu chẳng có gì sánh nổi tình yêu trong anh, chẳng có một nguy hiểm nào ngăn cản nổi tấm lòng anh yêu thương chị ấy... Nhưng, thú thật với bạn, chị ấy đối với anh vừa rất gần, vừa rất xa. Đến nỗi chưa bao giờ anh hình dung trọn vẹn khuôn mặt chị ấy. Còn đối với bạn lúc nào anh cũng thấy bạn ở rất gần..."
- Hà nghĩ gì thế?
- Không...
- Có. Nhìn mặt thì biết...
- Em thì em... nghĩ rằng... anh phải thật yên tâm mà điều trị. Nhất định anh sẽ chóng khỏi. Thật thế! Anh sẽ trở về... trở về với... các đồng chí trong xã. Và nói chung anh đừng bắt nọn em như thế...
Đản cười rất khẽ. Ít ra những lời loanh quanh của Kim Hà đã làm cho anh vui.
Nắng mai hắt vào nửa thềm nhà. Mảnh tường quét vôi bỗng ngời lên lấp lóa. Khuôn mặt của Đản cũng có nét gì gần giống với sắc nắng trên tường. Chỉ có đôi môi xám chợt cười, chợt tắt hệt như có vệt bóng râm rất bé từ chiếc lá bạch đàn ngoài cửa sổ quệt vào,lay lay...
- Con đê có an toàn không em?...
- Có...
- Nước đã rút chưa?
- Đã...
- Tốt lắm!
-  Vâng...
- Thế... cho anh xin lại... cái ấy...
- Cái gì cơ?
- Cuốn sổ.
Kim Hà ngẩng hẳn dậy, khóe mắt cô nhòe nước tự lúc nào:
- Em... em đưa cho chị ấy rồi...
Một thoáng lo âu lướt nhanh qua hố mắt sâu của Đản. Giọng anh bé hẳn lại:
- Sao lại thế, em?
Kim Hà quay ngoắt người lại, mái tóc phi - zê như bồng cao thêm lên:
- Còn sao nữa. Anh tệ lắm! Anh có biết chị Phú đã khổ vì anh đến mức nào không?
Đản có vẻ như ngạc nhiên. Nhưng liền ngay đó là một tiếng thở ra rất khẽ.
- Biết đâu được...
- Còn biết đâu gì nữa... Anh hấp lắm, thật đấy. Mà phong kiến nữa cơ, thật đấy!...
Đản cười, lần này tiếng cười có vẻ to hơn một chút
- Thì anh đã nhận hết rồi đó thôi...
- Nhưng em vẫn phải nói lại, vì anh ngoan cố lắm. Hoặc là vì anh không yêu chị ấy... Thật đấy! Anh không dám yêu một người con gái lớn hơn mình một vài tuổi, hoặc không dám yêu một người đã có một đời chồng... vân vân nữa! Nghĩa là em cho rằng anh đã vượt qua hàng trăm bãi mìn, bãi bom một cách vẻ vang, thế mà không dám, hoặc không vượt qua nổi một cái... nghĩa là một cái gì đấy thật vô hình nhưng cũng thật là ghê gớm...
- Nhưng mà... người ta có yêu tôi đâu...
- Thôi đi! Có ai mà không yêu anh - Kim Hà chợt đỏ ửng vành tai - Chỉ có... chỉ có anh ngốc thôi. Anh không biết tý gì về tình yêu cả. Cái gì anh cũng biết, nhưng riêng về tình yêu thì chưa, chưa biết gì hết, thật đấy!...
Kim Hà nói một thôi một hồi rồi bất ngờ quay lại. Cô hốt hoảng ngậm chặt môi. Khuôn mặt Đản đã tái đi một cách đột ngột. Kim Hà vùng người dậy, suýt nữa kêu lên. Nhưng xung quanh đều rất yên lặng. Có đám mây nào đó đang che mất khoảng nắng trên đồi này. Mảng tường trắng dịu xuống. Có lẽ khuôn mặt Đản vì thế mà trở về với màu da thật của anh ?
Hay là do mình nói quá xô bồ? Kim Hà nghĩ vậy và bỗng thấy ân hận. Nhưng không nói không chịu được. Phải làm sao cho anh ấy biết chị ấy rất yêu anh. Bao nhiêu điều nữa... Tất nhiên không phải là điều gì em cũng nói ra được đâu!...
- Hà?
- Dạ...
- Những điều em vừa nói có đúng không? - Đản gượng hỏi, và biết là sức mình đã kiệt hẳn. Song người con gái ngồi bên anh không nhận ra điều ấy. Cô vẫn sôi nổi trả lời:
- Đúng...
- Nhưng vì sao em biết?
Kim Hà nín lặng. Cô úp mặt vào hai lòng bàn tay, giọng cô quẫn lại:
- Tại vì... tại vì em cũng là con gái... 
Nghĩa trang liệt sĩ Ba Thung đặt trên một gò đất cao phía bên kia mặt đê. Một vườn cây bạch đàn vừa trồng dạo mới giải phóng nay lên chưa quá đầu người nhưng cành lá xanh đậm xum xuê trông như khung ảnh khổng lồ úp lên mặt đồi rộng.
Những người nằm xuống vì đất này đã được người đang sống chăm nom tận tình trên những ngôi mộ luôn tươi rói màu đất non và xếp rất ngay ngắn thẳng hàng tựa như đội ngũ lúc còn chiến đấu.
Gần đê nhất có hai ngôi mộ nằm song song và ngang nhau. Hai tấm bia, một đã cũ, một còn rất mới:
"Liệt sĩ Trần Văn Mông. Xã đội trưởng
Đã anh dũng hy sinh tháng 8 năm 1971"
"Liệt sĩ Nguyễn Phúc Đản. Trung đội trưởng
Đã anh dũng hy sinh tháng 9 năm 1978"
Trước hai nấm mộ ấy chiều nay có hàng trăm em thiếu nhi quàng khăn đỏ, tay cầm những nhành hoa trang, hoa chuối, hoa tứ quý chầm chậm đi qua và khe khẽ đặt xuống. Mùa này, có lẽ cũng là mùa đầu, xã Ba Thang được mùa to. Gặt đập xong rồi, đội thiếu niên tổ chức đi viếng nghĩa trang liệt sĩ.
Đi nép cạnh đoàn thiếu niên là hai người con gái. Một người có dáng thon và chắc, mái tóc thả dài. Một người có vẻ mảnh hơn, tóc phi - zê. Đoàn thiếu niên đi qua. Hai người vẫn đứng lại. Họ cứ đứng thế rất lâu, không nói. Hai bó hương to cháy rần rật trước gió xao xuyến cả vùng đồi. Lúc này đã gần sáu giờ chiều. Ráng đỏ từ phía mặt trời hừng lên hắt vào hai tấm bia, hắt vào hai đôi tròng mắt, hồng tím.
"... Có thể sự im lặng của anh sẽ gây nên tội lỗi cho chị ấy... Nhưng dù sao anh vẫn chưa thể nói được. Bởi chưa bao giờ anh thấy mình xứng đáng với chị ấy. Hay nói cho đúng hơn, anh chưa xứng đáng được với người đã ngã xuống trước đây - người Xã đội trưởng kính yêu đã dìu dắt anh đi theo cách mạng, đã dạy cho anh bài học về tình yêu đất đai và con người.
...Nhất định sẽ đến ngày anh nói được điều thiêng liêng đó với chị ấy. Nhưng bây giờ, mong bạn cho phép anh im lặng. Và nếu cần anh sẽ im lặng mãi mãi..."
Anh sẽ im lặng mãi mãi...Có thể nào như thế chăng?
Kim Hà thì thầm như tự hỏi mình:
- Chị Phú! Chị có nghĩ rằng dưới đất này vẫn còn những tiếng nổ chưa nổ không?
Phú không ngẩng lên, cũng không quay sang bạn, nhưng giọng chị thì lại bình tĩnh đến không ngờ:
- Có chứ!
- Thế thì... em sẽ quay trở lại.
Đến đây Phú mới quay hẳn người lại:
- Sao? Ngày mai em phải trở về trường rồi kia mà?...
Kim Hà đột ngột vuốt gọn mái tóc ra sau, cử chỉ nhanh như một sự quyết đoán:
- Vâng. Em về trường... nhưng rồi em sẽ xin trở lại. Nhất định em sẽ trở lại. Chị có tin em không?

                  Vĩnh Linh, mùa lũ 1978

 Đăng ngày 01/06/2010
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Nico - 01/06/2010

Có ai mà không yêu anh - Chỉ có... chỉ có anh ngốc thôi. Anh không biết tý gì về tình yêu cả. Cái gì anh cũng biết, nhưng riêng về tình yêu thì chưa, chưa biết gì hết, thật đấy!...
Xem ra cô Kim Hà của Lão thật thà chứ con là con sẽ nói: Ai mà thèm yêu anh!  Vì phụ nữ luôn nói ngược.
Truyện ngắn nhưng rất cảm động. Các nhân vật đều dữ dội và cá tính. Tiếc một thời người ta biết hy sinh, biết sống vì nhau...

  Gửi bởi: Nguyễn Thị Lý - 01/06/2010

Cháu chào các bác, cháu là biên tập viên nhà xuất bản văn học ạh. Tình cờ cháu vào trang này đọc thấy hay quá. Cháu rất mong được làm quen, được lắng nghe, đọc và biên tập những tác phẩm hay của các bác ạh. Cháu sẽ vào đây thường xuyên để đọc. Có gì các bác mail góp ý và nói chuyện với cháu nha. Hihihihi.Smile. Số điện thoại của cháu là ) 0989626682
  Gửi bởi: Lão Trang - 01/06/2010

Chào bạn Lý...Rất vui vì có bạn mới ghé quán Trúc sơn trang. Mong bạn vào luôn, giao lưu với bạn hữu quán Trúc, chắc chắn sẽ rất thú vị.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan