Thursday, October 8, 2015

NHIỆM VỤ HOÀN THÀNH - (cảnh 5 & 6)

Tác giả: XUÂN ĐỨC

                                     Cảnh 5

                     Mùa xuân năm 1972. Nơi đóng quân của Quân đoàn 2.

                     ( Tiếng hát tập thể cả nam lẫn nữ bài hành khúc “ Miền nam kêu gọi ta” vang lên giục giã..Đèn sáng, một cô gái tay xách túi đi như chạy vào gần chỗ bộ đội ngồi hát, thập thò, ngượng ngùng không dám đến gần. Đấy là Lệ Giang, sinh viên trường Âm nhạc Hà Nội.

                     Lê Duy, trong trang phục quân ngũ mới, tay ôm cặp vẽ từ phía tiếng hát chạy vào)
LÊ DUY:     ( Nói tiếng miền trung) Lệ Giang!..

LỆ GIANG: Anh Duy…

LÊ DUY:     Sao em lên muộn thế, anh cứ ngóng mãi..

LỆ GIANG: Sao anh Duy biết em lên mà ngóng với chờ..

LÊ DUY:     Anh ngóng từ hôm qua kia..Mà không, từ giữa tuần khi các thủ trưởng nói Chủ nhật này cho phép người thân vùng Hà Nội, Hà Tây tới thăm bộ đội..Em tin chắc là Giang sẽ lên..Sáng nay, khi thấy mấy cô sinh viên ở mấy trường Đại học khác lên thăm bạn của họ, anh cứ chờ Giang..chờ mãi..Nhưng anh tin chắc là Giang sẽ lên..

LỆ GIANG: Này, có chờ Giang thật không, hay nhìn thấy mấy em sinh viên kia là đã tít mắt lại rồi quên hết người ta?

LÊ DUY:   Em không tin Duy sao? Giang xem này…suốt từ đầu buổi giao lưu đến giờ Duy ngồi kí họa ai đây?

LỆ GIANG: ( Chụm đầu vào xem bức tranh) Ôi..Anh Duy vẽ..

LÊ DUY:     Vẽ ai nào?

LỆ GIANG: Nhưng..em cứ tưởng..phải có em ngồi làm mẫu thì anh mới kí họa được chứ?

LÊ DUY:     Không có mẫu thì anh vẽ bằng trí nhớ.

LỆ GIANG: Vẽ bằng trí nhớ? Chỉ bằng trí nhớ mà anh Duy cũng vẽ được sao? Anh Duy tài thật đấy..

LÊ DUY:     Như thế là đủ để Giang thấy, suốt buổi sáng nay anh có tít mắt vì mấy cô sinh viên kia không?

LỆ GIANG:  ( Đấm nhẹ vào Duy) Thôi, đừng nịnh nữa..( trầm xuống vì xúc động) Thực ra Giang đi rất sớm, nhưng dọc đường xe đạp bị trật xích..

LÊ DUY:     ( Đùa) Này, chưa chi đã tuột xích sao?

LỆ GIANG: ( Lại đấm) Lại tếu nữa rồi..Dân Quảng Bình nhà anh đúng là..Nói thật, từ bé tới giờ Giang chưa khi nào phải đạp xe hơn năm chục cây số..Thế mà sáng nay..khiếp quá..

LÊ DUY:     Thế xe đạp của em đâu rồi?..

LỆ GIANG: Lên đến đầu dốc của ngọn đồi kia thì không đi được nữa, em vứt lại cho một bác chữa xe, chạy bộ lên đây..

LÊ DUY:     Thật tội cho Giang…

LỆ GIANG: Không sao, coi như một lần thực tập sơ tán..Nhà trường bọn em đã phổ biến kế hoạch sẵn sàng cho việc máy bay Mỹ ném bom vào Hà Nội..Nếu điều đó xẩy xa, trường Nhạc cũng sẽ sơ tán lên vùng này..

LÊ DUY:     Lúc đấy chính các em sẽ cực lắm..có khi còn cực hơn tụi anh ở chiến trường nữa..

LỆ GIANG: So làm sao được với các anh ở chiến trường..Mà có cực mấy chúng ta cũng không sợ, phải không anh. Em chỉ mong..anh bình an trở về…

LÊ DUY:     Còn nếu anh trở về mà không được bình an thì sao?

LỆ GIANG: ( Vội bịt miệng Duy) Đừng..anh không được nói lung tung thế..Giang không thích nghe đâu..( Duy nhìn Giang đắm đuối, còn Giang ngượng ngùng tránh ánh mắt Duy, cô nhìn bức kí họa) Anh Duy tài thật đấy..chỉ tưởng tượng thôi mà cũng giống..

LÊ DUY:     Giống thật không?

LỆ GIANG: Ờ..cũng tương đối..nhưng sao đôi mắt..

LÊ DUY:     Đôi mắt anh chưa vẽ xong. Mà tại vì những lần ngồi bên nhau Giang cứ tránh mắt anh..anh không sao nhớ được..Này..nhìn anh đi..Cho anh ngắm kĩ đôi mắt em nào..

                     ( Giang ngượng, Duy cố nâng mặt Giang lên..rồi họ ép sát mặt vào nhau..Tốp lính trẻ cùng các bạn gái len lén đi ra phía sau, vây lấy họ. Một chiến sĩ lấy tàu lá chuối khẽ che lên đầu 2 người rồi cao giọng đọc thơ)

CHIẾN SĨ 1: ( đọc như ngâm) Lá chuối nghiêng như một cánh buồm

                     Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc

CÔ GÁI 1:   - Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất

                     Trong vội vàng ẩm ướt của làn môi..

                     ( Giang ngượng chạy ra một đoạn trong tiếng cười của các chiến sĩ)

LÊ DUY:      Sinh viên văn có khác, xuất khẩu thành thơ liền.

CHIẾN SĨ 1: Ê, không phải tớ xuất khẩu ra mấy câu đó đâu. Đấy là thơ Lưu Quang Vũ đấy..

CHIẾN SĨ 2:Thế còn sinh viên Mỹ thuật thì sao? ( Nhìn vào tranh) Biết ngay mà, xuất bút là thành hình em liền..( Cả bọn cười)

                     ( Có một chiến sĩ nãy giờ ngồi im tư lự, không vui cười như mọi người)

CÔ GÁI 3:Này anh ơi..sao anh có vẻ không vui thế? Anh buồn hả?..Mà..hình như anh không có người nhà lên thăm phải không..Thì anh cứ coi bọn em đây là bạn của anh, được không?

CHIẾN SĨ 3: Mình đâu có buồn..mình chỉ đang suy luận..

CHIẾN SĨ 1: Suy luận cái gì? Mà cậu là sinh viên triết hay sao mà thích suy luận thế?

CHIẾN SĨ 3: Tớ học mỏ địa chất chứ triết triếc gì..Vấn đề là..tự nhiên sao hôm nay cấp trên lại cho người nhà lên thăm chúng ta..Có phải..đơn vị sắp vào chiến trường không?

CHIẾN SĨ 2:Ôi giời, có thế mà cũng suy với luận..Chúng ta tạm rời các giảng đường để cầm súng mà không vào chiến trường thì nhập ngũ làm gì…Chẳng lẽ là để đi mò quặng dọc suối cho trường các cậu à?

CHIẾN SĨ 3:Tất nhiên là thế rồi..Vấn đề là..có thể năm 72 này đã giải phóng được Miền Namchưa?

CHIẾN SĨ 1:Này, mới học kỉ luật quân đội mà đã quên sao? Là chiến sĩ quân đội nhân dân, bảo đi là đi, bảo đánh là đánh, không như cái đám địa chất mò quặng dưới suối đâu mà dò với đoán, nhớ chưa? 72 này chưa giải phóng thì 73, 73 chưa thì 74..Cứ oánh..oánh bao giờ Mỹ cút Ngụy nhào như Bác nói thì thôi…Đúng không?

CHIẾN SĨ 2 : Quá chuẩn...

CHIẾN SĨ 1: Bây giờ thế này..Thời gian đơn vị cho nghỉ để đón tiếp người nhà không còn mấy nữa..Tớ đề nghị..Này, Duy, có phải bạn gái của cậu là sinh viên trường Nhạc, đúng không?

LÊ DUY:     Đúng thì sao?

CHIẾN SĨ 1: Em gái..là sinh viên nhạc, bọn anh muốn em hát tặng chúng anh đây một bài..

LỆ GIANG: Ối..em học nhạc công chứ có phải thanh nhạc đâu ạ?

CHIẾN SĨ 2:Ôi giời..Nhạc công với thanh nhạc là cái quái gì..Đã là trường nhạc thì phải hát..Nếu em không hát, bọn anh đi lần này sẽ không thèm trở về nữa đâu..Kể cả cái ông họa sĩ của em nữa..

CÔ GÁI 2:   Cái ông này..toàn nói gở mồm..

LỆ GIANG: Nhưng mà..em biết hát bài gì?

CHIẾN SĨ 2:Bài gì về Hà Nội ấy..Vào chiến trường, bọn anh sẽ nhớ Hà Nội lắm..

                     ( Giang và Duy đưa mắt cho nhau khích lệ..)

LỆ GIANG: Được..em xin hát tặng các anh bài..Hà Nội mùa lúa, mùa hoa..

                     ( Tất cả vỗ tay khích lệ. Giang cất giọng..Bài hát thiết tha khiến tất cả lặng đi)

                     ( Đại tướng, Trợ lí tác chiến cùng Trung đoàn trưởng 101 đi vào.Tất cả đều đội mũ cối.Đại tướng ra hiệu cho mọi người dừng lại cùng lắng nghe bài hát. Các chiến sĩ không ai để ý sự có mặt của Đại tướng. Họ khẽ đu đưa người theo tiếng hát. Đến đoạn kết, tất cả cùng cao hứng hát theo thành giàn đồng ca. Bài hát kết thúc, Đại tướng vỗ tay. Các chiến sĩ ngẩn ra nhìn)

CHIẾN SĨ 1 : Trung đoàn trưởng!..( Các chiến sĩ đứng lên)

TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG: Các đồng chí! Đại tướng Tổng tư lệnh lên thăm đơn vị..

                     ( Tất cả bỗng xao xác, người nhảy lên reo, người lại đứng ngẩn ra, xúc động)

NHIỀU NGƯỜI: Đại tướng! Đại tướng thật sao?

ĐẠI TƯỚNG: Thế nào, các đồng chí chưa biết chào hả? Vậy để tôi chào các đồng chí trước nhé..(Đứng nghiêm chào) Chào! ( chiến sĩ đứng đực người rồi đột ngột vỗ tay)

TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG: Ôi trời ơi, sao lại vỗ tay.Nghiêm! Các đồng chí chào Đại tướng đi chứ!

TẤT CẢ:      Như giật mình, vội đứng nghiêm đưa tay chào) Chào..Đại tướng..

                     ( Lê Duy luống cuống đánh rơi cặp vẽ và tờ kí họa. Đại tướng cúi nhặt lên)

ĐẠI TƯỚNG: Ồ, kí họa đẹp lắm, rất có hồn..Đồng chí tên gì? Là sinh viên Mỹ thuật phải không?

LÊ DUY:     Dạ..thưa bác, cháu tên Lê Duy..là sinh viên Mỹ thuật ạ..

ĐẠI TƯỚNG: Còn các đồng chí..là những sinh viên trường nào?

CHIẾN SĨ 1: Báo cáo Đại tướng, cháu học Tổng hợp văn ạ.

CHIẾN SĨ 2 : Bọn cháu học Bách Khoa ạ..

SINH VIÊN 3: Thưa bác, cháu là sinh viên Mỏ địa chất ạ..

ĐẠI TƯỚNG: ( Khẽ thở ra rất nhẹ) Các đồng chí là trụ cột của đất nước sau này..( Tự sự rất khẽ) Giá như không có chiến tranh..( Quay lại)Các đồng chí có biết, chiến sĩ đánh Mỹ như các đồng chí hôm nay khác với chiến sĩ đánh Pháp của chúng tôi mấy chục năm trước như thế nào không?( Các chiến sĩ nhìn nhau)

CHIẾN SĨ 2: Thưa bác..cháu nghĩ..chiến sĩ chúng cháu hôm nay..được trang bị vũ khí tối tân hơn, bộ đội ta chính quy hơn, đông hơn nhiều ạ..

CHIẾN SĨ 1: Thưa bác, cháu có thể đọc một câu thơ được không ạ?

ĐẠI TƯỚNG: Đọc thơ? Đồng chí chắc là sinh viên văn, đã sáng tác được thơ hả?

CHIẾN SĨ 1: Thưa bác cháu không làm được thơ. Cháu muốn đọc một câu thơ của một nhà thơ cũng là chiến sĩ như chúng cháu..

TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG: Thôi..các đồng chí đừng làm mất thời gian của Đại tướng.

ĐẠI TƯỚNG: Này, nghe thơ, nghe nhạc sao gọi là mất thời gian. Đồng chí đọc đi!

CHIẾN SĨ 1: Vâng ạ. Câu thơ này cũng nói lên phần nào cái khác giữa hai thế hệ cầm súng đánh Pháp và đánh Mỹ..( Đọc) Dốc Pha Đinh là cái dốc cuối cùng; các anh qua để tiến về Hà Nội. Khẩu súng trường tinh vi và ngắn lại; đường chúng tôi ra trận lại dài thêm..

ĐẠI TƯỚNG: ( thì thầm) Khẩu súng trường tinh vi và ngắn lại..đường chúng tôi ra trận lại dài thêm..Câu thơ rất khái quát..Nhưng ngoài cái khác về sự chính quy, hiện đại của quân đội và vũ khí..có một cái khác rất cơ bản nữa..chính là con người. Thế hệ chiến sĩ thời đánh Pháp..rất nhiều anh em mù chữ..Ngay sau này ở trong Miền Nam, nhiều chiến sĩ tham gia đánh Mỹ thời kì đầu  cũng như vậy. Còn hôm nay, các đồng chí ở đây đều đang là sinh viên các trường đại học..Rất nhiều chiến sĩ ở các đơn vị khác cũng như vậy..Cả một thế hệ trí thức tương lại phải cầm súng..Có ai muốn như thế không? Không..Nhưng chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác. Không có độc lập, không có tự do thì sẽ không có gì hết. Cho nên Bác Hồ có lần đã nói với tôi, dù có đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập..Bác đã ra đi rồi mà ý nguyện của Bác vẫn chưa thực hiện được. Toàn quân đang nợ Bác..Bản thân tôi đang nợ Bác..( ứa nước mắt khiến các chiến sĩ không cầm được lòng)

TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG: Thưa anh Văn..đã đến giờ..

ĐẠI TƯỚNG: Ờ ờ..

TRUNGĐOÀN TRƯỞNG: Các đồng chí tập họp ở sân Trung đoàn để nghe Đại tướng Tổng tư lệnh huấn thị!

CÁC CHIẾN SĨ: Rõ! ( Tất cả vụt chạy nhanh ra)

ĐẠI TƯỚNG: ( Với Lê Duy) Này..đồng chí họa sĩ..( Lê Duy và Lệ Giang dừng lại..Đại tướng với Trung đoàn trưởng) Đồng chí ra tập họp bộ đội, tôi sẽ đến sau.

TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG: Rõ! ( chạy đi)

ĐẠI TƯỚNG: Đồng chí Lê Duy quê Quảng Bình, đúng không?

LÊ DUY:       Ôi, sao bác biết ạ?

ĐẠI TƯỚNG:Giọng trọ trẹ quê mình lẫn vào đâu được..Còn cháu..tên gì, có phải là người yêu của Duy không?

LỆ GIANG: ( Ngượng) Dạ..cháu là Lệ Giang..cháu là bạn..của anh Duy..

ĐẠI TƯỚNG: Cháu người Hà Nội?

LỆ GIANG:   Ôi, sao bác biết ạ?

ĐẠI TƯỚNG: Giọng Hà Nội nghe ấm áp lắm. Nhà tôi cũng là người Hà Nội mà..Hơn nữa, lúc nãy nghe cháu hát bài hát về Hà Nội xúc động lắm..Mà này..cháu làm bạn với con trai Quảng Bình nhưng đã hiểu gì về cái xứ gió lào cát trắng ấy chưa?

LỆ GIANG: Thưa bác..cháu cũng nghe anh Duy kể chuyện về quê hương Quảng Bình..Cháu còn học thuộc bài hát về Quảng Bình nữa..

ĐẠI TƯỚNG: Bài gì? Có phải bài Quảng Bình quê ta ơi của Hoàng Vân không?

LỆ GIANG: Dạ đúng ạ.

ĐẠI TƯỚNG:Bác rất thích bài hát đó. Giọng fa trưởng. Cháu có thể hát cho bác nghe được không?

LỆ GIANG: Vâng ạ..( định hát thì Trung đoàn trưởng quay lại)

TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG: Báo cáo Đại tướng..Bộ đội đã tập họp đủ, chờ lệnh của Đại tướng!

ĐẠI TƯỚNG: (Ngẩn ra vẻ tiếc nuối) Thế hả, tiếc thật. Thôi, ưu tiên việc quân. Để hôm nào cháu đến nhà, nhà bác có piano đấy. bác sẽ đệm đàn cho cháu hát nhé..( Với Trung đoàn trưởng) Đi nào!

                     ( Đại tướng, Trung đoàn trưởng cùng ra. Lê Duy định chạy đi, chợt nhớ ra, dừng lại..)

LÊ DUY:     Lệ Giang…tặng em bức kí họa vội vàng này..Nhưng..anh xin nợ em đôi mắt…( hôn vội lên má Giang rồi chạy vụt đi.. Lệ Giang ngẩn ngơ nhìn theo)

LỆ GIANG: Anh Duy..Em xin lỗi..Không phải anh nợ em mà chính là em..Em nợ anh đôi mắt..Em sẽ chờ anh..Ngày chiến thắng anh về, em sẽ để anh ngắm nhìn ánh mắt em thỏa thích..

TIẾNG TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG: Toàn trung đoàn, nghiêm. Chào đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh.

TIẾNG CHIẾN SĨ ĐỒNG THANH: Chào Đại tướng Tổng tư lệnh!

TIẾNG ĐẠI TƯỚNG: Chào các đồng chí!

                    Tiếng vỗ tay vang dội. Bên trong Lệ Giang mắt nhòe lệ)

LỆ GIANG:  Đại tướng..Tôi thật không ngờ lại được gặp Đại tướng..Vị Đại tướng lừng danh năm châu bốn biển mà như thế sao?



Đèn tắt.









Cảnh 6

                     Đêm muộn ở nhà riêng.Tóc Đại tướng đã hoa râm.Ông đi lại vẻ sốt ruột..Rồi ông đi tới tấm lịch, bóc một tờ..Đại tướng đứng lặng nhìn tờ lịch.

Lời kể của Đại tướng: 16 tháng 9 năm 1972..Vậy là đã 81 ngày đêm bộ đội ta chốt giữ Thành cổ Quảng Trị…Suốt 81 ngày đêm đó tôi hầu như không sao chợp mắt được. Cuối cùng bộ đội đã được lệnh rút ra. Đêm nay, những chiến sĩ cuối cùng sẽ ra khỏi cái chảo lửa và máu ấy..Nhưng có bao nhiêu chiến sĩ đã phải nằm lại? Không hiểu sao tôi lại nhớ đến những gương mặt các chàng trai sinh viên hôm tôi tiễn chân họ lên đường...Không biết trong những cậu sinh viên trẻ ấy, ai còn, ai mất..Lúc này, tôi đang từng phút, từng giây chờ đợi báo cáo từ chiến trường Quảng Trị..

                     ( Trên sân khấu có tiếng chuông điện thoại, Đại tướng vội cầm máy)

ĐẠI TƯỚNG: A lô, tôi Văn nghe đây..Anh Tấn hả? Báo cáo đi..

TIẾNG LÊ TRỌNG TẤN: Báo cáo đồng chí Tổng tư lệnh, theo lệnh của Bộ tổng, đơn vị cuối cùng đã rút khỏi thành cổ..Nhiệm vụ ở Quảng Trị chúng tôi đã hoàn thành..Nhưng chiến sĩ chúng ta..( trầm xuống) hi sinh nhiều..

ĐẠI TƯỚNG: ( Khẽ gật gật mà nghẹn giọng) Anh đã nắm rõ tình hình thương vong của bộ đội chưa?

TIẾNG LÊ TRỌNG TẤN: Báo cáo..hiện tại Mặt trận chưa nắm hết..xin anh cho thêm ít thời gian..

ĐẠI TƯỚNG:( cố ghìm nén cảm xúc) Phải nắm kĩ tình hình..cố gắng có sớm danh sách liệt sĩ..

TIẾNG LÊ TRỌNG TẤN: Rõ..

                     ( im lặng..Đại tướng vẫn cầm tổ hợp, đứng lặng hồi lâu. Chiến sĩ cận vệ đi vào trong tay cầm tờ tranh cuộn tròn)

CHIẾN SĨ CV: Báo cáo thủ trưởng..Có một cô gái nhờ chuyển cho thủ trưởng bức tranh..

ĐẠI TƯỚNG: Bức tranh? Cô gái nào thế? Sao lại chuyển tranh cho tôi?

CHIẾN SĨ CV: Báo cáo..là bức kí họa chân dung chiến sĩ thành cổ Quảng Trị. Cô ấy chỉ nói là có chiến sĩ ở chiến trường Quảng Trị nhờ cô chuyển đến tận nhà để tặng thủ trưởng..

ĐẠI TƯỚNG: ( Mở vội, nhìn nhanh) Lê Duy..Này, cô gái mang tranh đến đâu rồi?

CHIẾN SĨ CV:Báo cáo thủ trưởng, lúc nãy đứng ở ngoài cổng, không biết hiện giờ đã về chưa..

ĐẠI TƯỚNG:Mau..đồng chí ra xem nếu chưa về thì mời cô ấy vào đây..

CHIẾN SĨ:   ..( ra nhanh)

                     (Xem kĩ tranh..bần thần..)

ĐẠI TƯỚNG: Ôi..những khuôn mặt..những nụ cười chiến sĩ..đẹp quá..hồn nhiên quá..

                     ( chiến sĩ Cận vệ đưa Lệ Giang vào)

CHIẾN SĨ CV: Báo cáo thủ trưởng..

ĐẠI TƯỚNG: Cháu Giang!

LỆ GIANG: Bác..

ĐẠI TƯỚNG:Cháu nhận bức tranh này từ lúc nào? Ý bác hỏi là..Lê Duy vẽ nó vào thời gian nào?

LỆ GIANG: Thưa bác..có một anh thương binh từ trong Quảng Trị ra chuyển cho cháu sáng nay..Anh ấy nói..anh Lê Duy vẽ khi anh ấy mới được thay quân vào chốt trong Thành cổ cách đây khoảng 10 ngày..

ĐẠI TƯỚNG: Cách đây 10 ngày..tức là..ngày thứ 71..

LỆ GIANG: Bác ơi..Bác có tin tức gì cụ thể về các anh trong đó không? Anh Duy vào thay chốt đã 10 ngày..Liệu anh ấy..( không dám hỏi..Đại tướng nhìn Lệ Giang cũng không thể nói được gì) Cháu xin lỗi..đáng ra cháu không nên hỏi..

ĐẠI TƯỚNG: (Nghẹn giọng)Cháu có quyền hỏi..và bác phải có trách nhiệm trả lời. Đó là trách nhiệm của người được Đảng giao cho chỉ huy quân đội..Chỉ tiếc là..ngay lúc này bác chưa thể trả lời cụ thể được. Bác xin lỗi cháu..

LỆ GIANG: Kìa, bác Văn..bác là Tổng tư lệnh phải lo bao nhiêu việc..Bác đừng qúa bận tâm vì một việc nhỏ..

ĐẠI TƯỚNG: Việc nhỏ? Cháu sai rồi. Sinh mệnh của một chiến sĩ đối với bác là việc rất lớn..Rất lớn, cháu hiểu không?

LỆ GIANG:  Kìa bác..( ứa nước mắt) Cháu cảm ơn bác..Thôi, xin phép bác cháu về để bác còn làm việc.

ĐẠI TƯỚNG:Ừ..Mà này, cháu để địa chỉ lại chỗ đồng chí bảo vệ, có tin gì về Duy, bác sẽ báo cho cháu.

LỆ GIANG: Vâng ạ..( đi ra)

                    ( Đại tướng thả người xuống ghế, nhìn đăm đăm vào bức tranh..Những khuôn mặt từ trong tranh bỗng hiện ra ở những vị trí khác nhau)

ĐẠI TƯỚNG: Các bạn trẻ của tôi..Bữa ni là tháng chín..miền trung là mùa mưa bão..Tôi nghe báo cáo là trong thành cổ nước ngập hết..Chắc các bạn rét lắm..

CHIẾN SĨ 1: Thưa đại tướng, chúng cháu không sợ ướt, không sợ lạnh..chỉ sợ không làm tròn lời hứa với Đại tướng hôm bác tới thăm đơn vị..

ĐẠI TƯỚNG: A, tôi nhận ra đồng chí rồi. Có phải là cậu sinh viên khoa văn thích đọc thơ không?

CHIẾN SĨ 1: Cảm ơn Đại tướng đã nhớ cháu.

CHIẾN SĨ 2: Còn cháu? Đại tướng có nhận ra cháu không?

ĐẠI TƯỚNG:Sinh viên Bách khoa..Còn đồng chí kia, có phải là sinh viên Mỏ địa chất không? Các bạn trẻ kia nữa..Đa số là sinh viên..

TẤT CẢ:    Tất cả chúng tôi là chiến sĩ Quân đội nhân dân, là chiến sĩ của Đại tướng...

ĐẠI TƯỚNG: Tôi nhận ra tất cả mà..Nhưng bây giờ các đồng chí ở đâu?..

CHIẾN SĨ 1: Thưa Đại tướng! Chúng tôi đang ở trong lòng đất mẹ Quảng Trị.

CHIẾN SĨ 3: Thưa Đại tướng..Nơi cháu nằm có tầng địa chất lạ lắm ạ.Trên là tầng phù sa rất dày, nhưng liền ngay phía dưới là tầng đá rắn như kim cương. Bây giờ cháu mới hiểu vì sao con sông này lại có tên Thạch Hãn.

CHIẾN SĨ 2: Thưa bác, cháu nằm sát cạnh cửa hữu của thành cổ…Các cửa thành cũng đã bị đổ sập hết rồi bác ạ. Chèn sát vào người cháu là những viên gạch hồng được nung từ thời vua nhà Nguyễn..

CHIẾN SĨ 1:Còn cháu..cháu đang cùng với hàng ngàn đồng đội khác đang ở tận dưới lòng con sông Thạch Hãn..

ĐẠI TƯỚNG: Nằm dưới lòng sông Thạch Hãn?…

CHIẾN SĨ1:  Đại tướng ơi..Cháu có thể đọc cho Đại tướng nghe mấy câu thơ mới nhất được không ạ?

ĐẠI TƯỚNG: Cháu lại làm thơ sao?

CHIẾN SĨ 1: Không ạ. Mấy câu thơ này là của một đồng đội, một chiến sĩ cùng chiến đấu trên trận địa thành cổ này..Bác muốn nghe không ạ?

ĐẠI TƯỚNG: Bác rất muốn. Mà không riêng gì bác đâu..Toàn quân, toàn dân đang muốn nghe những lời thơ của chiến sĩ thành cổ. Những vần thơ ấy cần phải được vang lên trên khắp đất nước Việt Nam và thế giới. Đồng chí đọc đi.

                    ( Một giọng thơ miền trung vang vọng)

Đò lên Thạch Hãn ơi..chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mai mãi ngàn năm..

( Âm nhạc dâng trào. Tất cả chiến sĩ xếp thành hàng dập dình theo sóng. Họ cùng đồng loạt đưa tay chào Đại tướng. Đại tướng đưa tay chào lại theo điều lệnh. Dòng người trôi ra xa và biến mất)

                     ( Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân vào, thấy Đại tướng đang đứng chào một mình thì kinh ngạc, đứng sững)

TƯ LỆNH PKKQ: Báo cáo Đại tướng, tôi Tư lệnh Phòng không quân có mặt theo lệnh của đồng chí!

ĐẠI TƯỚNG:À..đồng chí ngồi đi..( Vẫn thẫn thờ)

TƯ LỆNH PKKQ: Anh Văn? Hình như anh..đang có tâm sự?

ĐẠI TƯỚNG: Anh có biết ở thành cổ trong 81 ngày đêm đọ lửa, bộ đội ta hy sinh bao nhiêu không?

TƯ LỆNH PKKQ: Báo cáo anh..Tôi không nắm chính xác nhưng nghe nói..trung bình mỗi ngày ta mất gần một đại đội..( Cả hai im lặng dài) Anh Văn..đến hôm nay, bộ đội ta đã được lệnh rút ra phải không ạ?

ĐẠI TƯỚNG:  Ừ…Nhiệm vụ đã hoàn thành..

TƯ LỆNH PKKQ: Nhiệm vụ đã hoàn thành. Nghĩa là bên Pa-ri, cuộc hội đàm đã sắp kết thúc?

ĐẠI TƯỚNG: Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã không còn hy vọng tái chiếm Quảng Trị để mặc cả với ta. Họ đã phải quay lại đàm phán..

TƯ LỆNH PKKQ: Như thế là có triển vọng hiệp định ngừng bắn sẽ sớm được kí kết..

ĐẠI TƯỚNG: Không thể đơn giản như thế. Chúng ta đang đánh nhau với Đế quốc Mỹ kia mà..Bộ Chính Trị đã nhận đinh, có thể chúng ta sẽ phải có một cuộc đọ sức quyết liệt cuối cùng nữa..Nó giống như Điện Biên Phủ ngày trước ấy. Hồi đó, nếu không có chiến thắng Điện Biên, Pháp đâu chịu kí hiệp định Giơ ne vơ với ta.

TƯ LỆNH PKKQ: Chúng tôi cũng xác định như ý anh nói là..Mỹ vẫn sẽ đưa B52 ra Hà Nội.

ĐẠI TƯỚNG:Không phải ý tôi. Các anh quên Bác Hồ đã nhận định như thế từ những năm 67, 68 hay sao? Và chính Bác đã có ý kiến chỉ đạo để các anh đưa tên lửa vào Quảng Bình- Vĩnh Linh đánh thử B52 đó sao? Đầu tuần này, khi Bộ chính trị cho chủ trương rút khỏi thành cổ, anh Ba đã hỏi tôi, bộ đội đã sẵn sàng đánh B52 chưa? Hôm nay, tôi mời anh lên là cũng để hỏi, Quân chủng đã có câu trả lời về việc đánh B52 chưa?

TƯ LỆNH PKKQ: Báo cáo đồng chí Tổng Tư lệnh, hôm trước dưới Đồ Sơn, đồng chí đã đặt câu hỏi cho đồng chí Trưởng phòng tác chiến Quân chủng..Đồng chí ấy đã về báo cáo lại với Bộ tư lệnh. Chúng tôi đã họp, bàn bạc tính toán kĩ..Hôm nay xin được mang đáp án đến trình bày với Đại tướng.

ĐẠI TƯỚNG: Tốt lắm. Đồng chí báo cáo đi!

TƯ LỆNH PKKQ: Báo cáo Đại tướng, anh em đã tính toán, nếu chúng ta hạ được 2 đến 3% số lượng B52 thì Mỹ chưa sợ, nếu bắn hạ được 6 đến 7 % thì chúng sẽ lung lay ý chí. Còn nếu chúng ta tiêu diệt được trên 10%, khoảng 12 đến 15% số lượng B52 thì nhất định Mỹ sẽ sụp đổ ý chí xâm lược.

ĐẠI TƯỚNG: Vậy Quân chủng các anh nhận mức nào?

TƯ LỆNH PKKQ: Báo cáo Đại tướng, chúng tôi hạ quyết tâm, bỏ qua mức 1, quyết đạt mức 2, và phấn đấu hết sức để có thể đạt mức 3.

ĐẠI TƯỚNG: Phấn đấu hết sức..Phải phấn đấu, phải động viên toàn lực lượng, dũng cảm, mưu trí, khắc phục mọi khó khăn, cương quyết đánh tan B52 trên bầu trời Hà Nội. Nếu trận Điện Biên Phủ trên không này chiến thắng, nhất định Mỹ phải cút, Ngụy phải nhào như Bác đã nói.

TƯ LỆNH PKKQ: Xin chấp hành triệt để mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh.

ĐẠI TƯỚNG:Đấy là nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân cả nước giao cho quân dân Thủ đô. Nhất định chúng ta phải hoàn thành nhiệm vụ nặng nề này.

TƯ LỆNH PKKQ: Đại tướng hãy tin tưởng. Chúng tôi nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

                    ( Ánh sáng tập trung vào Đại tướng. Trên phông, hình ảnh cuộc chiến 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội rực lửa trong bài ca“Hà Nội niềm tin yêu và hy vọng” ngân lên tha thiết, hào hùng..Giữa sân khấu, Đại tướng như ngước cao đầu nhìn lên bầu trời..Mắt ông ánh lên niềm kiêu hãnh)



Đèn tắt.


 Đăng ngày 16/08/2014

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan