Sunday, October 18, 2015

Nhiệm vụ hoàn thành" - một nén tâm hương ( bài trên tạp chí VNQĐ)

Tác giả: VŨ HOÀNG HẠNH

xuanduc.vn: Đã thông báo vắng nhà..nhưng ngày 25 mới lên đường. Chiều này vừa đọc được bài viết trên tạp chí VNQĐ về vở diễn Nhiệm vụ hoàn thành, tranh thủ cop lên trang để bạn bè cùng chí vui.



Gạt dòng nước mắt chảy dài trước những hình ảnh cuối cùng của vở diễn Nhiệm vụ hoàn thành (kịch bản: Xuân Đức, đạo diễn Lê Hùng, Nhà hát kịch nói quân đội), khán giả bên cạnh quay sang nhìn đôi mắt hoe đỏ của tôi, mỉm cười đồng cảm: “Vở diễn thật tuyệt vời!”. Vâng, một vở diễn thực sự tuyệt vời, xúc động. Lửa sáng tạo được nhân lên và lan tỏa trong hòa cảm thiêng liêng từ tác giả kịch bản và đạo diễn tới tập thể Nhà hát kịch nói quân đội, hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Kịch bản công phu, có tầm vóc và tính khái quát cao 
Hướng tới kỉ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Nhà hát kịch nói quân đội đã “đặt hàng” nhà văn Xuân Đức viết một vở kịch về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
Mặc dù có rất nhiều tư liệu về Đại tướng nhưng để viết về một con người vĩ đại gắn liền với lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc, một hình tượng đã đi sâu vào tâm thức mỗi người dân Việt Nam, lại khái quát được cả sức mạnh của quân đội ta, đó không phải là việc dễ dàng. Xác định điều đó ngay từ đầu, nhà văn đã dày công nghiên cứu rất nhiều tài liệu, tìm hiểu những văn bản lịch sử và những nhân chứng sống có liên quan tới những cá tính, thói quen sinh hoạt, ngôn ngữ... của Đại tướng để có thể xây dựng được một hình tượng sân khấu xứng tầm, đáp ứng được những kì vọng của Nhà hát kịch nói quân đội. 
Sau một năm tìm hiểu và đặt bút viết, kịch bản Nhiệm vụ hoàn thành đã ra đời. Giám đốc Nhà hát kịch nói quân đội, Đại tá - NSƯT Đỗ Minh Hằng cho biết: “Khi làm vở, Nhà hát đã nhiều lần gặp gỡ gia đình Đại tướng. Qua ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng, kịch bản đã nhiều lần được chỉnh sửa. Gia đình Đại tướng có phản hồi tốt, góp ý từng chi tiết. Đạo diễn Lê Hùng, tác giả Xuân Đức rất nhiệt tình sâu sát để kịch bản hoàn thiện trước và trong quá trình làm vở”. 
“Vở diễn hay đã đành, nhưng phải làm sao cho đúng”, đó là những tiêu chí không hề đơn giản với thể loại kịch tư liệu lịch sử về một nhân vật quen thuộc. Kịch bản là một câu chuyện ca ngợi người anh hùng Võ Nguyên Giáp trong tài thao lược chỉ huy và cả trong đời thường. Vĩ đại nhưng thật giản dị. Khi đối diện bất cứ khó khăn thử thách nào, Đại tướng cũng lấy phương châm hành động là phải hoàn thành nhiệm vụ, làm tròn trách nhiệm mà Đảng và Bác Hồ giao phó, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hoàn thành nhiệm vụ, do đó, cũng chính là cái tứ xuyên suốt toàn bộ kịch bản. 
Kịch bản gồm 9 cảnh, chia làm hai phần, trải dọc theo chiều dài lịch sử ở những giờ khắc quan trọng mang tính quyết định, từ chiến dịch Điện Biên Phủ đến việc chuẩn bị cả về thế và lực cho quân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, từ khâu chuẩn bị ở những ngày đầu kháng chiến (việc cho cán bộ đi học, đoàn tàu không số với con đường Hồ Chí Minh trên biển) đến năm 1972 đỏ lửa (thành cổ Quảng Trị, cuộc chiến 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội), và cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975. Kịch bản khép lại bằng niềm thanh thản của Đại tướng sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của một công dân nước Việt.  

Với thể loại kịch tư liệu lịch sử, tái hiện vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp trong chiều dài đồ sộ của hai cuộc kháng chiến, tác giả đã có giải pháp khôn ngoan là chọn những thời điểm lịch sử tiêu biểu, thể hiện phẩm chất thiên tài của Võ Nguyên Giáp ở những quyết định lịch sử liên quan tới sự thành bại của cả cuộc kháng chiến, tới vận mệnh của dân tộc. Ở đây không có xung đột kịch xuyên suốt kịch bản mà chỉ có kịch tính, bất ngờ trong từng cảnh hoặc từng lớp cảnh. Kịch tính ở đây là những quyết sách của Đại tướng trong từng giai đoạn lịch sử, ứng biến bất ngờ mà tất yếu cho phù hợp với tình thế, khi chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” (trận Điện Biên Phủ), khi lại là “thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” (chiến dịch Hồ Chí Minh). Những quyết sách này thể hiện rõ vai trò của cá nhân Đại tướng trong lịch sử, gắn liền với sức mạnh toàn dân, và ngược lại, “thời thế tạo anh hùng” - dân tộc, lịch sử đã tạo ra anh hùng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.
Xung quanh nhân vật trung tâm - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - là một loạt nhân vật vệ tinh (tướng Hoàng Văn Thái, tướng Lê Trọng Tấn, họa sĩ Lê Duy, Lệ Giang, Thà, chị Nguyễn Thị Quang Thái, chị Đặng Bích Hà, những người lính và linh hồn các liệt sĩ Quảng Trị...). Các nhân vật vệ tinh vừa là sự song chiếu, vừa là sự hô ứng góp phần thể hiện nhân vật trung tâm ở những góc nhìn, điểm nhìn khác nhau - người anh hùng và con người bình thường. Kịch bản đã có được một cách kể đa dạng mà thống nhất trong tình cảm tốt đẹp hướng về Đại tướng (ngôi kể của người dẫn chuyện: đại diện cho góc nhìn lịch sử; lời tự sự của Đại tướng: góc nhìn từ bên trong; lời kể của những nhân vật vệ tinh: góc nhìn của những nhân chứng lịch sử, của người trong cuộc với những tình huống trải nghiệm liên quan tới Đại tướng). 

Một vở diễn đẹp và xúc động
 
Gắn liền với những sự kiện lịch sử, kịch bản dạng này thường dễ sa vào minh họa khô cứng cho lịch sử. Mặt khác, từ kịch bản đến vở diễn là một khoảng cách lớn, làm thế nào thể hiện được hình tượng Đại tướng trên sân khấu, để vở diễn thật hay? Các tác giả đã có giải pháp thông minh cho vấn đề này bằng những thủ pháp sân khấu ước lệ đầy sáng tạo. Đúng như lời Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện - Cục phó Cục Tuyên huấn, “Thời gian, không gian dài rộng, nhân vật vĩ đại, khó ở tất cả các khâu. Thời gian dài móc nối nhau như thế nào? Chủ đề, đề tài tốt. Hiếm có một tác phẩm sân khấu dàn dựng đến nơi đến chốn như vở này. Sáng tạo lần hai, lần ba của đạo diễn, diễn viên rất quan trọng”. 
Bài toán khó đã được đạo diễn - NSND Lê Hùng giải bằng con đường của trái tim. Anh tìm ra chiếc chìa khóa của vở diễn, và trao cho các diễn viên của mình cùng toàn bộ êkip ánh sáng, âm thanh. Ở mỗi cảnh diễn đều có những lớp diễn xúc động và điểm nhấn trong các chi tiết. 
Ở màn một, lớp cảnh bộ đội kéo pháo, dây kéo bị đứt, sau tiếng hét thất thanh “Cứu pháo!”, Tô Vĩnh Diện lao ra lấy thân chèn pháo. Từ khắp sân khấu, những dân công, những chiến sĩ kéo pháo ào lên, vây quanh người anh hùng. Những tiếng gọi xót xa, những giọt nước mắt anh em, đồng chí. Lá cờ phủ lên xác Tô Vĩnh Diện, điệp trên nền màn hình led lá cờ đỏ sao vàng... Hình ảnh mở đầu này đã mang lại ấn tượng mạnh gần như một cú sốc với khán giả, tạo ra hiệu ứng thẩm mĩ cao. 
Hình tượng nhân vật trung tâm - Đại tướng Võ Nguyên Giáp được khắc họa toàn diện và xúc động, khi trực tiếp, khi gián tiếp, khi là hành động, khi là tâm linh... Các tác giả đã sử dụng nhuần nhuyễn nhiều thủ pháp xây dựng nhân vật, nhất là thủ pháp ảo mang nặng yếu tố tâm linh, tạo được những lớp cảnh đặc biệt, tạo đất diễn cho diễn viên, mang lại những cộng hưởng cảm xúc cho người xem: Đại tướng đối thoại với những linh hồn chiến sĩ thành cổ, với linh hồn người vợ Quang Thái dù âm dương cách trở, và đối thoại với anh linh của Bác Hồ. Với những lớp cảnh đầy sáng tạo này, vở diễn đã mở ra một góc nhìn về chiều sâu con người đầy nghĩa tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
Hình ảnh Đại tướng đã được thể hiện một cách chân thực mà sống động qua diễn xuất của diễn viên - NSND Quốc Trị, từ giọng nói Quảng Bình của Đại tướng tới dáng đi và những cử động trên khuôn mặt, bàn tay của Đại tướng khi về già. Gia đình Đại tướng đã “xúc động gai người” khi như thấy hình ảnh thật của Đại tướng ở cảnh kết. 
Hình ảnh bộ đội kháng chiến cũng hiện lên thật xúc động. Từ những chiến sĩ không biết chữ trên bản đồ nhưng thông thạo luồng lạch đã cố gắng học cái chữ để hoàn thành nhiệm vụ Đại tướng giao, tới những chiến sĩ vốn là sinh viên đại học rời giảng đường nhập ngũ, rồi những linh hồn chiến sĩ thành cổ... tất cả đã phục hiện những hình ảnh vô cùng đẹp về một thế hệ thanh niên ra trận - những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đầy lí tưởng và dũng cảm, anh hùng. Một vị Thiếu tướng đã bày tỏ: “Vở diễn rất xúc động. Vừa khắc họa được nhân vật vĩ đại, vừa khắc họa được những chiến sĩ ra trận cứu nước. Ai cũng thấy mình trong đó. Xem vở diễn, tôi đã khóc, vì chấn động sâu thẳm nhất trong kí ức”. 
Không khí xúc động của vở diễn được cộng hưởng qua lời dẫn chuyện kết nối các cảnh diễn, đi theo chiều dài thời gian, và hơn nữa là hiệu ứng thẩm mĩ từ khán giả trong một không gian sân khấu được mở rộng tối đa linh hoạt, đầy sáng tạo từ vị trí đứng của người kể chuyện, của nhân vật trong cảnh diễn. Họ xuất hiện từ trên, từ bên sân khấu, từ giữa những hàng ghế khán giả... NSND, họa sĩ Doãn Châu hài lòng với giải pháp kết hợp giữa sân khấu và màn hình led thể hiện tư liệu lịch sử và mở rộng không gian diễn. Ngay ở cảnh khai từ, để tạo dựng không khí chiến dịch Điện Biên Phủ, hình ảnh trên phông màn led là khung cảnh náo nức của chiến dịch (hình ảnh tư liệu), trên sân khấu là cảnh bộ đội kéo pháo, và khắp xung quanh sân khấu, giữa hàng ghế khán giả là những đoàn dân công xe thồ nhộn nhịp... Sự dàn dựng đầy sáng tạo của vở diễn làm sống dậy không khí lịch sử thật hào hùng. 

Làm vở với tất cả tấm lòng
 
Trong hơn hai tháng trời tập vở, từ đạo diễn tới tập thể Nhà hát kịch nói quân đội đã không kể ngày đêm tập luyện hăng say để có kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, với một vở diễn về Đại tướng như thế này, giá như đạo diễn tiết chế bớt sự hài hước ở một vài lớp diễn để cảm xúc chủ đạo được liền mạch, sâu đằm hơn; hoặc có khi, màn múa minh họa được dàn dựng khá công phu nhưng một số khán giả chỉ cảm nhận được ở đó vẻ đẹp thị giác mà chưa hiểu được nội dung đạo diễn muốn gửi gắm. Lại có ý kiến rằng, lời người dẫn chuyện được thể hiện tốt nhưng đôi khi có cảm giác bị lạm dụng, nên bớt đi những lời nhận xét, diễn giải để nhường chỗ cho sự “cảm” của khán giả… Có thể nói ở một góc độ nào đó những ý kiến trên là hợp lí, nhưng thực tế cũng cho thấy rằng, với cách làm này, vở diễn đã chinh phục được nhiều người xem ở nhiều tầng lớp khán giả, với thị hiếu và trình độ thẩm mĩ khác nhau. 
Trong Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân tại thành phố Hồ Chí Minh những ngày giữa tháng tám vừa qua, vở diễn đã thành công, để lại những cảm xúc lắng đọng với khán giả trong và ngoài quân đội, đúng như lời Trung tướng Mai Quang Phấn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, vở diễn “đã thể hiện được vị thế, tầm vóc của Nhà hát”

 V.H.H
Nguồn: Tạp chí VNQĐ


 Đăng ngày 23/09/2014
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: AT - 24/09/2014

Nhà hát Kịch nói Quân đội khai sàn vở diễn “Nhiệm vụ hoàn thành”

Ngày 4-6, tại Nhà hát Kịch nói Quân đội đã diễn ra lễ khai sàn chương trình nghệ thuật với vở diễn “Nhiệm vụ hoàn thành” của tác giả: Nhà văn Xuân Đức; đạo diễn: NSND Lê Hùng và họa sĩ NSND Doãn Châu.

Vở diễn đã tái hiện những mốc son lịch sử gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ đó làm sáng lên những phẩm chất cách mạng cao đẹp của Đại tướng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Đây là một trong những hoạt động hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Sau lễ khai sàn vở diễn, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã sơ kết đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và phát động đợt thi đua cao điểm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
ANH THƯ

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan