Wednesday, October 14, 2015

NHỚ THẦY

Tác giả: Hoài Tố Hạnh



TRI ÂN CÁC THẦY GIÁO TRẦN TRỌNG DIỆN,LƯƠNG THẾ TRÁC,PHẠM DOAN,HÀ ĐỨC QUI!

Nửa đêm con khóc thương thầy
Lạnh lẽo nằm dưới đất dày thầy ơi
Hao gầy năm tháng đầy vơi
Bệnh đau tràn tới sóng trôi chìm đò
Thầy đi đau đớn đôi bờ
Tim con đội một trang thờ tri ân
Sông sâu biển rộng chứa chan
Chưa ngày báo đáp ngọc vàng đã xa
Bơ vơ trong cõi ta bà
Vắng thầy như vắng mẹ cha trong đời
Cút côi rơi nửa bầu trời
Đâu ai chia sẻ đâu người đợi mong
Khuyết trăng lặn giữa thinh không
Cho bầu trời lại rực hồng nắng mai
Núi cao,biển rộng,sông dài
Núi,biển sông mượn vay thầy thầy ơi
Nghìn năm nước vẫn chảy xuôi
Chợt thương,chợt nhớ,chợt người đã xa
Tri ân nghẹn đắng chiều tà
Trắng đêm tưởng nhớ con đò năm xưa
Phong phanh đêm lạnh,ngày mưa
Tim đau,phổi yếu,đò đưa mỏi mòn
Đam mê,nhiệt huyết,sống còn
Truyền trao bao lớp cháu con nên người
Đến giây phút cuối cuộc đời
Thầy vẫn mong ngóng trông hoài bóng con
Nghìn năm ân nghĩa mênh mông
Con xin nghìn kiếp đền công ơn thầy
Bến quê sóng cả đò đầy
Thầy đi con thế tay thầy thầy ơi
Nước non nặng một khoảng trời
Thầy là Tổ quốc,tháng ngày của con
Mênh mông rừng biển núi non
Con nhìn đâu cũng hiển linh bóng thầy
...


 Đăng ngày 23/11/2012
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: HOÀI TỐ HẠNH - 24/11/2012

Cám ơn anh Xuân Đức đã treo Nhớ Thầy cùng lời tri ân của mẹ Đốp Hoài Tố Hạnh trên Trúc Sơn Trang.
Anh XĐ ui, chả hiểu tại sao, cứ nhớ tới các thầy xưa của mình nước mắt em lại...
Số phận run rủi thế nào mà may mắn nhất trong cuộc đời của em không phải là cha sinh mẹ đẻ ra mình mà lại là những người thầy anh ạ. Bố mẹ em nông dân, buôn bán vặt- mù chữ đến ngày tạ thế, ký giấy tờ chẳng biết một gì ngoài mỗi lăn tay. Biết bao nhiêu đời tổ tiên nhà em trước bố mẹ em cũng mù chữ như thế vì quần quật chiến đấu để tồn tại trên đất chó ăn đá, gà ăn sỏi chưa xong , lấy đâu thời gian, cơm cháo, sức lực, tâm trạng để học, rồi hoàn cảnh đất nước, xã hội mù chữ đến 90% một thời tăm tối như giữa chín tầng địa ngục...Trong gia đình em 7 anh chị em, bố thương 3 người, mẹ thương 3 còn lại, em là con trâu cày nuôi cả nhà, chăm cả nhà nhưng mẹ em có lẽ oán thù kiếp trước sót lại nên căm ghét mắng chưởi em suốt ngày, kinh hoàng, tàn tệ còn hơn mẹ ghẻ con chồng, bố em thì vun vút roi đánh em như cơm bữa mà nguyên nhân chính là em bất tuân lệnh cấm đi học mà các đấng sinh thành ra em cấm đồng loạt các con đẻ của mình dù chúng đều là học sinh giỏi của trường mẫu giáo, cấp 1 như Mỹ cấm vận Việt nam một thời... huhuhu!!!...
Trong bối cảnh gia đình như thế, may thay em có những ông thầy trên cả tuyệt vời...
Thầy Trần Trọng Diện ở xã Diễm lâm, Diễn châu Nghệ an dạy em hồi lớp bốn. Thầy là nhân vật chính em bê nguyên xi sự thật ngoài đời vào truyện ngắn mi ni và ca khúc Huyền thoại quê nhà như sau:
NỢ THẦY...

Sỏi đá, gió lào, bão, lũ, hạn hán, giá rét thay nhau quần đảo khiến cây trồng vật nuôi sụp đổ, rũ rượi… Đói quay quắt! Thi thoảng lại có đứa xỉu trong lớp. Ba lô giáo án thầy Trần Trọng Diện cựu binh luôn có ổi, thị, na, khoai nướng, sắn luộc cho những đứa học sinh tím tái. Thầy còn có tông đơ cắt tóc miễn phí cho cả trường, cả làng và manh áo lành cho đứa rách nát nhất lớp là tôi.
Một hôm không thấy thầy đến trường, tôi chạy ngược dốc tới căn nhà tranh vách đất chông chênh lưng đồi vắng. Con trai thầy Diện vừa chết vì sốt xuất huyết… Trên giường thằng bé vừa qua đời chiếu chăn mong manh, tả tơi, chiếc mùng chắn muỗi vá chằng vá đụp, càng vá càng rách…
Tôi oà khóc!... Nước mắt và lòng tri ân vỡ ra hai tiếng thầy ơi!!!...Con trai thầy- thiên thần bé nhỏ, ân nhân đã chết thay tôi mùa đông năm ấy chỉ vì thiếu một chiếc mùng lành lặn… Giá không lo cho chúng tôi hẳn thầy dư tiền mua chiếc mùng mới thì thầy đã không mất một đứa con. Với đồng lương ít ỏi cùng hoa lợi thu hoạch từ mảnh vườn chật hẹp đầy sỏi đá, thầy không đủ nuôi một đàn con nheo nhóc bảy tám đứa lít nhít lại còn phải cưu mang lũ học sinh khốn khổ … Thầy Diện ơi! Đời này, nghìn vạn kiếp sau em nợ thầy không chỉ con chữ, miếng ăn, manh áo mà nợ thầy cả một mạng người…
Gần nửa thế kỷ trôi qua tôi vẫn nhớ như in hình ảnh thầy tôi một mình thập thững chân thấp chân cao, lảo đảo nghiêng vai vác xác đứa con thơ bó chiếu oặt xuống người thầy ngược lên đỉnh đồi, một mình chôn cất con…
-------------------------
Sau này qua các con thầy Diện em còn tá hỏa hơn khi được biết đợt xuất huyết giết hàng chục trẻ em trong làng, thầy Diện không chỉ mất một mà cả ba đứa con của thầy đều chết vì sốt xuất huyết anh ạ...
------------------------------
Huyền thoại quê nhà (Hoài Tố Hạnh)
Đăng bởi: nhulny
Nhạc và lời : Hoài Tố Hạnh

Có một người thầy thuở ấu thơ tôi như là cổ tích có một miền quê sỏi đá chiến tranh đói nghèo xác sơ
Thuở ấy lũ chúng tôi rau cỏ thay cơm, áo đầy miếng vá, đầu đôi trời chân đạp đất
Đội gió, đạp mưa , hạn hán, bão giông , lũ quét , đạn bom, gió lào .
Đường đến trường làng như hành quân xa.
Có một người thầy vừa từ chiến tranh xanh màu áo lính, từ chối vinh hoa, quyền chức cao sang, từ chối thủ đô thương đàn em thơ.
Trở về quê nghèo thương đàn em thơ, trở về quê nghèo dìu dắt chúng tôi.
Ngày thầy về làng quê tối tăm tưng bừng ánh sáng.
Ngày thầy về hạn hán chết cây, mưa rào trút xuống.
Ngày thầy về rộn tiếng chim ca, dạt dào suối hát.
Ngảy thầy về tuổi thơ bơ vơ xanh lại ước mơ.
Thuở ấy làng quê tôi không sách, không ti vi, không đài, không báo.
Nhà thầy là một thư viện bách khoa có tiếng đàn bầu có đàn ghitar réo rắt sáo chiều cánh diều bay xa.
Có một người thầy cuốc đất làm thơ, nuôi tôi nên người.
Có một người thầy cho tôi tình thương, cho tôi ước mơ.
Có một người thầy vẫy gọi tôi đi cùng trời cuối đất.
Có một người thầy ân nghĩa nghìn năm.
Thầy ơi, thầy ơi
Cha mẹ cho tôi xác thân, thầy cho tôi một tâm hồn bát ngát
Nữa thế kỷ trôi qua mộ thầy , xanh cỏ mười năm tóc .
Tóc tôi ngả bạc vẫn rưng rưng một huyền thoại quê nhà.
Csi Ngọc Mai thể hiện
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=pXYUVl5kqq
Quang Lý hát
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=EeU0rpw0kE
Thầy Lương Thế Trác là một tài năng siêu giỏi nổi tiếng xứ Nghệ, là một trong hai tú tài toán học thời Pháp còn sót lại. Học trò của thầy hàng chục, hàng trăm người là bí thư tỉnh ủy, thứ trưởng, vụ trưởng, ông nọ, bà kia nhưng cả đời thầy không biết hưởng thụ là gì kể cả chiếc xe đạp.  Thầy cuốc bộ đi dạy cả một đời người mà quãng đường đi về đó nếu cọng dồn lại còn dài hơn chiều dài đất nước... Khi em ngất xỉu vì đói và lạnh của mùa đông năm cuối cấp 3- 1977, em vốn là học sinh giỏi của tỉnh( đạt điểm 10 duy nhất tỉnh môn văn tốt nghiệp cấp 3 năm ấy), hội đồng trường cấp 3 Diễn châu 2 họp khẩn cấp phát động toàn trường giúp em học thi tốt nghiệp, đại học. Lúc đó, thầy Trác đứng lên nói- Xin nhà trường cho tôi nhận em Hạnh về nhà làm con nuôi, lo cho em học như các con tôi...Mà thầy Trác cả chục đứa con, vợ thầy là bà đồng nát đi rạc giò vài chục cây số mỗi ngày, hô khẩu hiệu mỏi cổ- ai có ve chai bán không...Em lại khóc rồi đây anh ạ...Hàng ngày không biết bao nhiêu tiếng rao ve chai bán không qua lại trước cửa nhà em khiến em lại ứa nước mắt nhớ tới thầy Trác và gia đình thầy. Cả nhà thầy bớt ăn góp gạo, khoai, rau nuôi em anh ạ. Người có công lớn nhất là bác Lục- em gái của thầy. Em ăn ở bên nhà bác Lục hàng tháng trời để ôn thi tốt nghiệp cấp 3, thi đại học vì nhà thầy Trác quá đông, quá nghèo...
Thầy Hà Đức Qui dạy em môn sử, tư duy triết học. Giống thầy Trần Trọng Diện, thầy Qui là người lính từ nhiều năm ở chiến trường trở về- sốt rét, da xanh mét, ốm đau hoài, người da bọc xương. Thầy cực kỳ sắc sảo và hóm hỉnh, quí thương em tận trong sâu thẳm và đi đến đâu cũng khoe về cô học trò nhỏ giỏi giắn, vượt khó, tội tình... Thầy Phạm Doan dạy em môn Văn, thầy bình thơ hay tuyệt vời, cả lớp chết lặng, thoát tục bay bổng lên chín tầng mây khi thầy Doan thăng hoa trong những áng thơ văn... Càng lặng phắc- nghẹn ngào khi xen trong lời thầy rút ruột nhả tơ là tiếng thầy khúc khắc ho...Thầy Doan chết vì lao phổi, thầy Qui chết vì ung thư, thầy Diện chết vì suy gan thận cấp, thầy Trác chết vì tai biến. Hàng năm nếu có thể được, em đều thu xếp về thăm viếng mộ các thầy. Thầy Diện chính tay em xây cho thầy ngôi mộ to, đẹp hoành tráng nhất làng thời đó, con cháu thầy đứa bệnh đau, khó nghèo, đứa đi học thiếu xe đạp, xe máy, khi thầy mất lâu rồi em còn giúp con cháu thầy hàng chục triệu giải quyết khó khăn và dặn các con thầy ai có khó khăn gì nhớ gọi cho chị một tiếng. Thầy Trác bao lần lâm bệnh nặng cũng như khi thầy lâm chung, em đều từ TP. HCM bay về bên thầy. Vợ, con cháu các thầy giáo trên cả tuyệt vời của em- không riêng ai- em đều hết lòng trong điều kiện có thể- kể cả vay mượn được để báo đáp. Mà liệu có trăm ngàn tỉ cũng không đền đáp được ân nghĩa chừng ấy đâu anh huống chi vài đồng lẻ của bần nông Hoài Tố Khổ...
Sáng nay sang trang anh, mừng vì anh treo Nhớ thầy lên, vội ghi lại đôi dòng để báo đáp ân tình xưa cũng là thay lời cám ơn lão Trang Trang Sơn Sơn Trúc Trúc Trúc bằng tiểu luận lụp bụp này huhuhu...
Kính chúc anh, gia đình và bà con Sơn Trang Trúc buổi sáng an lành! Một đời thanh thản, yên vui...

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan