Tác giả: Xuân Đức
Chương ba
Giả sử có một phiên điều trần trong quá khứ, những nhân chứng (mà cũng có thể là thủ phạm) ấy sẽ nói gì?
Nhân chứng (mà cũng có thể là thủ phạm) thứ nhất
Đấy, thấy chưa, bây giờ thì hắn đã trở mặt. Hắn rất sợ sự có mặt của tui trên đời. Hắn hoảng hốt khi nghĩ rằng bàn dân thiên hạ có thể nghe được lời nói của tui. Không chừng đến lúc nào đó hắn vấp ngã thì đích thân hắn và cả cái dòng họ Thái, tất tất dân làng Cau lại vu cho tui là thủ phạm.
Không, lạy Phật, tui không phải là thủ phạm. Người ta nói, giọt máu đào hơn ao nước lã. Tui với hắn là anh em, mà tui là thằng anh, lẽ nào anh lại xui em mình làm những điều bậy bạ. Phải, chính tui là thằng anh, hắn là em, mặc dù hắn chui ra ngoài đời trước tui đến những bốn mươi lăm năm. Có hai chứng cứ để xác định chuyện này. Một là tui có trí khôn hơn hắn. Cho dù hiện thời hắn có làm đến ông này ông nọ thì vẫn là thằng ngố. Một tẹo nữa tui sẽ kể cái chuyện ngố của hắn cho mọi người nghe. Thứ hai, tui có râu, còn hắn mặt nhẵn như chùi. Hắn có thể lấy cớ là làm quan chức lúc nào cũng phải mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao, nhưng tui mặc kệ. Tui râu tốt tươi đáng gọi bằng ông, còn hắn chỉ là thằng. Điều duy nhất tui thua kém hắn là tui không có tình yêu.Tui không biết yêu ai, cũng không ai yêu tui, đương nhiên cũng không có người ghét.Tui không có ai là kẻ thù, ngoại trừ hắn. Nhưng người biết yêu thương đâu có phải lúc nào cũng là kẻ khôn ngoan?
Hắn nhập ngũ tháng tám năm 1967. Chính tui là người động viên hắn ra đi. Hai đứa thầm thì với nhau cả đêm ở trong túp lều dột nát bên cái bờ nước bàu thuỷ đọng. Nói thực lòng cả tui lẫn hắn cũng chẳng phải vì lí tưởng gì cao siêu ghê gớm cả. Tui muốn thoát ra khỏi cái làng ao tù nước đọng này. Còn hắn, hắn là đứa con Phật ngoan đạo, hắn trung thành với lời trăn trối của cái lão mà bọn tui vẫn gọi bằng cha như con chó trung thành với chủ. Hắn đi tìm cái người mà hắn vẫn cứ tưởng là chú ruột. Mọi người nghĩ coi như vậy có đáng gọi là thằng ngố không? Năm đó trong làng có đến dăm bảy anh cùng đi, cả huyện gần bảy chục. Tuổi trẻ thời đó khác bữa ni lắm, nói đi là đi, phơi phới náo nức, tâm hồn lãng mạn như kiểu tráng sĩ thời xưa sắp tung vó ngựa chốn hồng trần. Chẳng ai như hắn, đi lầm lũi như đi tìm kho báu. Bởi ngay từ dạo ấy hắn đã rắp tâm sống dựa vào kẻ khác rồi.
Cũng chẳng khó khăn gì lắm trong việc tìm chú Tấn. Năm đó chú Tấn đã là Tham mưu trưởng mặt trận BZ, tiếng tăm nổi như cồn. Hắn nhập ngũ tháng tám, huấn luyện chưa tới một tháng thì cả Trung đoàn được lệnh hành quân lên miền tây. Trung đoàn đóng trong một miệt rừng già âm u, ẩm dột. Tháng chín tháng mười dương lịch là bắt đầu mùa mưa lũ ở miền Trung. Rừng tối mù mịt, sên vắt dày đặc trên lá cây, ngọ nguậy khắp mọi lối đi. Trung đoàn tập trung chỉnh quân, suốt ngày ngồi nghe cấp trên giảng bài về thời cơ chín muồi, so sánh thế lực bên ta bên địch, nói tóm lại phen này oánh một trận sẽ quét sạch kẻ thù. Các thủ trưởng quân sự, chính trị từ cấp tiểu đoàn trở lên thay nhau lên chỉnh huấn trên Mặt trận. Lớp này về, lớp khác đi. Nhờ đó mà hắn có điều kiện viết thư liên tục cho chú Tấn. Có lẽ phải mất đến năm sáu lần gửi thư, hắn mới nhận được lệnh gọi. Hắn có mặt ở Bộ Tư lệnh Mặt trận BZ vào những tháng cuối cùng của năm 1967. Nếu tui nhớ không lộn thì là khoảng cuối tháng mười, đầu tháng mười một dương lịch. Âm lịch năm đó gọi là năm Đinh Mùi. Khoảng ba tháng nữa là bước qua năm Mậu Thân.
Hắn được làm liên lạc kiêm cần vụ cho Tham mưu trưởng. Công việc cụ thể tóm tắt như sau. Sáng phải dậy sớm, chạy ngay xuống nhà bếp chắt đầy một bi đông nước sôi. Lấy khăn bông và ruột chăn cũ quấn nhiều lớp để giữ nhiệt cho nước. Mang ấm chén ra suối kì cọ thật sạch, nhân đó lấy thêm một bi đông khác nước suối thật trong, lại mang chiếc khăn bông Trung Quốc lúc nào cũng trắng xốp như mới của thủ trưởng giặt lại lần nữa, sau đó giục nhà bếp chuẩn bị khẩn trương cơm sáng cho thủ trưởng. Thủ trưởng tỉnh giấc, vươn vai, dạng chân vài cái cho giãn gân cốt, ấy là lúc hắn phải nhanh nhẹn mang khăn, bàn chải đánh răng và bi đông nước suối lại. Thủ trưởng cầm bàn chải, hắn phải đưa ra ngay cái ca men. Thủ trưởng đánh răng, súc miệng, hắn phải chêm thêm nước vào ca men như kiểu người ta chêm rượu lúc làm lễ cúng. Thủ trưởng sạch răng rồi, ngay lập tức một tay hắn đón nhận lấy cái bàn chải, hơi xoay người qua một bên vẩy nhẹ hai cái, còn tay kia đưa cho thủ trưởng chiếc khăn mặt đã tẩm ướt nước...Thủ trưởng lau mặt, moi lỗ mũi, ngoáy lỗ tai, xong, hắn lập tức đón chiếc khăn để tí nữa chạy ù ra suối giặt kỹ. Tiếp đó là pha trà. Lúc nào cũng phải dự trữ đủ trà Hồng Đào. Sau đó là ăn sáng. Là nói thủ trưởng ăn chứ không phải hắn. Hắn ăn vào lúc nào không quan trọng, thậm chí nhiều bữa gấp công chuyện quá, hắn không kịp ăn, vắt cơm sáng để đến trưa dồn hai nắm làm luôn một bữa. Trong lúc thủ trưởng chậm rãi ăn bữa sáng, hắn quấn tăng, võng, mùng của thủ trưởng cho vào ba lô cóc, thay pin vào chiếc đài bán dẫn, lấy chiếc gậy trúc đặt cạnh khẩu súng ngắn K59, sẵn sàng đợi lệnh.
Nói cho công bằng, làm cần vụ không phải lúc nào cũng bận bịu. Thậm chí nhiều khi còn rất nhàn hạ. Nếu so với lính dưới đơn vị thì quả là một trời một vực. Quan trọng nhất là phải nhanh nhạy và các động tác phải cực kì chính xác. Thêm nữa, phải tinh tường mọi sở thích của thủ trưởng. Còn chức phận liên lạc cũng chỉ cực lúc tác chiến, chứ còn ngày thường chỉ chạy qua chạy lại mấy Ban, gọi người này lên gặp thủ trưởng, bảo bộ phận kia gửi báo cáo...Mà ngay cả khi tác chiến thì anh liên lạc ở dưới đại đội, tiểu đoàn mới cực, chứ liên lạc cấp Bộ Tư lệnh như hắn chỉ cần cầm cái máy a lô thôi. Khổ nhất cuộc đời hắn chính là lúc thủ trưởng đi công tác. Thủ trưởng chỉ khoác một chiếc xà-cột, đeo khẩu súng cực ngắn bên hông, tay cầm chiếc gậy đen bóng. Còn cái thân hắn như một con lạc đà, ngoài đồ đạc tư trang và vũ khí của mình ra, phải thồ đủ thứ cho thủ trưởng như áo quần, tăng võng kể cả ấm trà, đài bán dẫn, thức ăn, rượu bổ xương cốt v..v...
Nhiều đêm tui thầm thì với hắn - Có lẽ tụi mình nên xin về đơn vị tác chiến đi, làm thằng con trai thời loạn, hoặc xanh cỏ hoặc đỏ ngực, điều cốt yếu là mình được sống đúng như ý mình...Tui tưởng hắn sẽ giải thích với tui rằng việc chi cũng là việc cách mạng, cũng là góp công góp sức cho chiến công chung. (Ấy là vì thời đó câu giải thích trên là câu châm ngôn cửa miệng ) Ai dè hắn lại thở dài : cha chết còn có chú, được ở bên chú, được chú che chở dạy bảo còn chi may mắn hơn...Từ đó tui đã biết hắn hết thuốc chữa.
Khu căn cứ Bộ Tư lệnh BZ những ngày này nhộn nhịp một cách khác thường. Mãi sau này tui mới biết đó là những ngày chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công Mậu Thân, nhưng lúc ấy thì chẳng biết nếp tẻ chi cả, chỉ thấy vui ơi là vui, vui gấp trăm lần ở quê. Đặc biệt nhất là được xem văn công múa hát. Các cô gái quần xanh quần đỏ, áo ngắn áo dài múa lượn theo nhịp trống, tiếng nhạc cứ hoa cả mắt. Văn công diễn trong cái hang lớn chứa tới mấy trăm người ngồi, xong lại về từng Ban, từng Cục, từng Phòng diễn ngay dưới các tán cây rậm rịt. Chưa đã, các thủ trưởng triệu về lán riêng của từng vị, vừa ăn cháo gà, uống sữa, mút kẹo sôcôla, vừa hát, vừa nói chuyện cười đùa cứ như là lễ tết. Chính nhờ những ngày đó mà bọn tui, nghĩa là hắn và tui mới gặp Thõn. Thật bất ngờ khi thấy Thõn đã trở thành diễn viên múa của đoàn văn công Mặt trận. Cái đoàn múa hát này được thành lập mới tròn ba tháng mà coi hấp dẫn hơn cả văn công Tổng cục. Ấy là các thủ trưởng Bộ Tư lệnh tự khen thế. Người xưa vẫn nói, con hát mẹ khen hay mà.Và các vị thủ trưởng tự hào với đám muá hát này lắm. Họ không gọi đoàn văn công, cũng không kêu bằng đoàn nghệ thuật ca múa, mà là đám múa hát. Gọi thế nó nhanh gọn, nó dân dã mà thân tình như bố mẹ gọi tên con bằng thằng cu, cái đĩ. Các vị thủ trưởng bảo thế.
Hắn và Thõn nhận ra nhau ngay từ buổi biểu diễn ra mắt trong hang lớn. Cả hai cùng hét to lên ngay ở cửa hang nơi có rất đông người, bọn hắn cứ làm như thể đây là chợ quê ở làng Cau khiến mọi người xung quanh ngơ ngác, rồi tất cả phá lên cười, nửa như thông cảm nửa như thương hại. Nhưng hắn đâu có để ý. Đã bảo hắn là thằng ngố mà. Chỉ có tui là xấu hổ đến đỏ gay cả mặt. Cũng may chẳng ai nhìn thấy tui. Tui rúc đầu trốn kĩ trong bụng hắn.
Hắn là thằng ngố, đại ngố, tui khẳng định như vậy. Nhưng nếu chỉ ngố thôi thì có lẽ cũng chẳng đến nỗi nào. Người đời thường nói, khôn cho người ta hãi dại cho người ta thương. Đằng này hắn không cam phận dại khờ, lại còn liều lĩnh, lại kèm thêm tí gian mãnh nữa. Đấy là nói riêng về chuyện yêu đương của hắn và Thõn. Gặp nhau lần đầu ở cửa hang nơi tổ chức buổi biểu diễn mừng công toàn Bộ Tư lệnh, gặp nhau lần thứ hai khi Thõn được đích danh Tham mưu trưởng mời về lán riêng để ăn cháo gà và mút kẹo sôcôla. Đó là một buổi tối rất đặc biêt, có thế nói là do đức Phật sắp đặt. Bởi vì cho dù đoàn văn công Mặt trận được thành lập hơn ba tháng rồi, nhưng vì họ là quân của Cục Chính trị nên Tham mưu trưởng chưa hề quen biết ai cả. Riêng với Thõn, tuy là đồng hương nhưng Tấn đi khỏi làng từ khi Thõn còn chưa sinh ra, thành thử cả hai chẳng ai biết ai. Bỗng dưng đêm nay, ở tận miệt rừng ngàn xa hun hút này, trước giờ phút thiêng liêng của những con người sắp xả thân nơi trận mạc, bất ngờ có đến ba người nhận ra nhau là đồng hương, lại còn cả tình cảm chú cháu nữa..Có ai tưởng tượng được họ vui sướng thế nào không? Họ gặm xương gà và uống rượu Nếp mới. Chú Tấn uống nhiều đã đành, cô gái văn công ẻo lả cũng liên tục cụng li. Còn hắn, thân phận chỉ là thằng cần vụ đáng ra chỉ nên đứng hầu bên cạnh thì cũng chồm người lên bàn vừa rót rượu cho thủ trưởng vừa tự rót cho mình rồi cụng cái cốp qua li cô bạn gái. Tui cứ giật thót cả người nhưng chẳng thể nào can ngăn hắn được. Thế rồi bắt đầu hát. Lúc đầu, vị thủ trưởng cất giọng đơn ca: Trên đường ta qua không một dấu chân người, có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác. Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát, ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi... Cái giọng của Tham mưu trưởng có lẽ cũng chẳng đến nỗi nào, nhưng vì rượu Nếp mới nặng đô quá nên cổ họng trở thành khê đặc và lời ca thỉnh thoảng lại hụt hơi nấc lên, nghe như thể vừa khóc vừa hát. Tuy nhiên chẳng vì thế mà giảm đi niềm cảm hứng. Cảm hứng là thứ dễ lây.Vì thế mà Thõn cũng bắt đầu lắc lư hát theo như lên đồng. Trường Sơn Trường Sơn ơi, đèo vút cao vượt qua mây núi, đạp nát đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân...Bây giờ thì đến lượt hắn hát theo. Nói đúng ra, hắn chỉ hoạ theo bằng cách lấy chiếc đũa gõ vào miệng bát men và lắc lư cái đầu bờm xờm tóc. Từ xưa tới nay, hắn không thuộc lấy được một câu hát nào. Hắn chưa từng hát. Say. Không biết say rượu, say hát hay say thứ gì, nhưng cả ba đều đã say. Tấn choàng tay ôm ghì lấy Thõn, Thõn cũng khoác tay ra đằng sau lưng để ôm lấy cái vòng bụng quá cỡ của chú Tấn, còn lại hai tay, họ bắt chước hắn vớ lấy mấy chiếc thìa gõ chan chát vào miệng chiếc soong cháo gà. Cứ thế hát. Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió, trời vắng trăng sao nhưng tim ta rực lửa, đi ta đi tung cánh đại bàng...
Sau lần gặp thứ hai đó, hắn bỗng trở nên liều lạc. Hắn chủ động hẹn Thõn ra một con suối vắng. Ngày hôm đó chú Tấn bận họp trên Bộ Tư lệnh. Hắn chỉ loay hoay lo cho tròn tất cả những thao tác buổi sáng, sau đó hoàn toàn rảnh rỗi. Còn bên đoàn văn công, chỉ có bộ phận ca và nhạc là tập bài mới, còn lại cũng được nghỉ. Đúng là người tính không bằng trời tính.
*
- Em nhập ngũ được mấy tháng rồi?
- Bữa ni nữa là...hơn ba tháng.
- Nhớ nhà không?
- Không.
- Ủa, người chi hay rứa?
- À, có sơ sơ thôi, ở nhà có còn ai đâu mà nhớ. Con Thẽn nó cũng đi biệt phái rồi.
- Đi biệt phái là đi cái chi?
- Em cũng chẳng biết nữa. Lúc đầu khi đoàn văn công về tuyển, em rủ hắn cùng đi cho có chị có em, hắn bĩu môi ra vẻ khinh bỉ. Cái hôm em được báo trúng tuyển, mừng quýnh lên chạy về định khoe với nó, không ngờ nó lại khoe trước, tao cũng trúng rồi. Mi tuyển đoàn nào? Không, tao không đi văn công, tao đi biệt phái. Biệt phái là cái chi? Là làm cán bộ chỉ huy...Thì ra hắn có máu làm cán bộ. Em thì khác, em chỉ ham vui thôi..
Đoạn suối nơi họ ngồi lòng suối mở ra khá rộng nhưng nước lại cạn, có thể đếm được tất cả những viên cuội đủ màu sắc ở dưới đáy. Bờ suối rất nhiều đá xếp chèn lên nhau như bầy nghé nằm nghỉ. Họ chọn một viên phẳng trơn nhất để ngồi. Một cây bộp lá to, tán rộng choàng ra che kín trên đầu họ.
- Làm răng em biết có văn công tuyển người, hay họ về tận làng mình tuyển ?
- Không, họ tuyển trên Phòng Văn hoá. Mãi đến ngày thứ ba thì mấy thím bán cá trên chợ về kháo chuyện em
mới biết. Tức muốn khóc được. Cái làng mình biệt lập quá, suýt nữa thì em mất cơ hội.
- Rứa người tuyển có đông không?
- Cả huyện có mười một người dự tuyển..
- Ít hè. Rứa được mấy người trúng?
- Chín.
- Há? Mười một người tuyển mà trúng đến chín, văn công cái kiểu chi..
Cả hai đều cười. Cười vui sướng, cười mãn nguyện và cũng có phần hài hước nữa.
- Lúc đầu em cũng tức cười lắm. Cái con Thung con thím Rọ anh có nhớ không, nó lùn tịt, mập ú mà cũng trúng tuyển. Rồi cái Loan, Loan cà cưỡng ấy, tay thì lèo khèo, chân lại vòng kiềng..
- Răng? Con Loan cũng tuyển được à?
- Rứa mới nói...tức cười chết đi được.
- Nhưng mấy hôm nay anh có gặp tụi nó đâu..
- Đâu nữa mà gặp. Là em kể dạo mới tuyển kia. Khi bọn em tập trung, cả đoàn có tới trên tám mươi người, trông mà khiếp. Sau mười ngày huấn luyện cấp trên mới loại dần ra. Số cho đi làm cấp dưỡng nuôi quân, số được đi học y tá, có mấy con tuy hơi lùn và mập nhưng mặt mày sáng sủa như kiểu con Thung được điêù lên làm văn thư bảo mật...Người thôn mình trong đoàn giờ chỉ còn em và anh Bang.
- Bang nào?
Thõn nhoẻn cười rất tươi tắn:
- Bang tức là Báng, con ông Sụt đó.
Hắn kêu to lên:
- Ối, cái thằng cha ba bớp đó mà lại được làm múa hát ư? Hồi trước chuyên trị trộm chó...
- Chính nhờ tài tháo vát nớ đó anh ơi, bữa ni anh ta có thớ lắm, lên chức Tổ trưởng tổ Hậu đài Hành chính rồi, quát lác chỉ huy như tể tướng ấy..
Hắn lắc đầu cười rồi quay lại nịnh :
- Mình đi coi thấy cả đoàn chỉ có Thõn là đáng mặt văn công thôi.
- Úi, không phải đâu, nhiều người giỏi lắm, nhất là thầy Phụng...
- Nhạc sĩ à?
- Không, nhà thơ..
Hắn lại ngớ mặt ra:
- Nhà thơ? Em có lộn không đó, nhà thơ răng lại ở văn công?
Thõn hơi nhăn mũi lại, nguýt nhẹ một cái:
- Anh chả biết gì cả. Thầy Phụng là giáo sư đó, có thớ lắm, cả cái Cục Chính trị này ai cũng nể. Chuyện chi trên đời cũng thông thạo hết. Mà nói chuyện mê không chịu được.
Khuôn mặt hắn bỗng như tối sầm lại, giọng lạc đi:
- Em cũng mê à?
Cái thằng đúng là ngố, mà quê một cục nữa. Tui phải nhắc hắn, cái đám này là văn nghệ sĩ, chuyện mê nhau là rất bình thường, chưa chi mà mi dở máu ghen là mất cả chì lẫn chài đó. Hắn nín lặng thở dài.
- Anh Quả làm sao vậy?
- À, có sao đâu...
Cũng may Thõn là người vô tư, chẳng có chút để ý gì. Cô vẫn thao thao kể:
- Thầy Phụng là người dưới thành phố, rất có uy với sinh viên học sinh. Vì viết báo, làm thơ yêu nước, chống đối lại chế độ nên bị truy bắt phải nhảy rừng. Cục Chính trị Mặt trận bố trí về đoàn, phụ trách tổ trưởng tổ chuyên môn, chủ yếu làm thơ...
Mặt hắn càng nhăn lại:
- Nhưng...đây là đoàn múa hát thì làm thơ làm chi?
- Anh đúng là chả hiểu chi chuyên môn nghệ thuật cả. Thầy làm ra thơ, bài thì diễn viên ngâm, bài thì nhạc sĩ phổ thành bài hát... Có khi mấy chú biên đạo múa lấy ý của một bài thơ để dựng nên điệu múa, anh hiểu không ?
Hắn cười một cách thật thà
- Không hiểu chi cả. Tóm lại nghệ thuật các cô là chúa phức tạp, không hiểu được...
Chuyện cứ vậy mà dây cà rê ra dây muống, hết kể về trò múa hát lại ôn những kỷ niệm thủa con nít ở làng Cau. Sau đó, không biết do ai chủ động, họ ngồi sít lại bên nhau, rồi choàng tay lên vai nhau, rồi ôm chặt lấy nhau. Họ ngồi vậy khá lâu mà không ai nói thêm câu gì, rồi bất ngờ giọng nói của Thõn nhỏ hẳn lại như tiếng thở :
- Mấy tháng nữa thì tết, anh?
- Hơn hai tháng... bữa ni mới cuối tháng mười âm.
Thõn xoay mặt lại nhìn hắn môi nhoẻn một nụ cười rất tươi :
- Bữa ni anh Quả giỏi ha, ngày âm lịch mà cũng nhớ vanh vách.
Hắn thật thà :
- Giỏi gì đâu. Tại vì Tham mưu trưởng rất hay nhắc đến ngày âm, đặc biệt là tết Nguyên Đán. Hình như các thủ trưởng đang tính chuyện chi đó liên quan đến tết... Mà này, tại răng tự nhiên Thõn cũng hỏi đến tết?..
Có một tiếng thở dài rất khẽ:
- Thì... cũng hỏi lung tung rứa thôi...
Vòng tay của hắn xiết chặt hơn, giọng hắn cũng nhỏ hẳn lại :
- Rứa mà lại bảo không nhớ nhà...
*
Nhân chứng và thủ phạm thứ hai
Không, mình vô can. Thậm chí cả việc làm nhân chứng mình cũng không thể. Đơn giản mình chỉ là một người yêu nước. Mình chỉ biết căm thù quân ngoại bang. Mình muốn từ lá cây ngọn cỏ quê hương này chỉ thấm đẫm thơ ca nhạc hoạ như Nguyễn Trãi từng mơ ước. Mình chỉ biết yêu hoà bình. Mình có thể hát trăm bài nhạc Trịnh để cầu chúc hoà bình. Nếu các vị cần, mình có thể dẫn cho các vị một trăm trang sử chứng minh cho khát vọng độc lập của dân tộc này, một nghìn điển tích về tấm gương trung quân báo quốc, vân vân, còn bảo làm chứng cái chuyện ấy, xin lỗi, cứ coi như thằng Phụng này mắt đui, tai điếc.
Tất nhiên, cái buổi sáng đó, cha Tấn có gặp mình. Nhưng chuyện này rất ngẫu nhiên. Mình không biết gì về chuyện cô Thõn đã ra suối với cha gì đó mà cha gì đó vừa kể. Hơn nữa, cha Tấn qua bên Cục Chính trị là để thăm anh chị em văn công. Mình thấy các cha lãnh đạo mà có tấm lòng quan tâm đến anh em văn nghệ như vậy là tốt. Vì vậy mà mình quý các cha ấy. Cái buổi sáng đó, đoàn chỉ có bộ phận ca và nhạc tập bài mới, các bộ phận khác nghỉ tự do. Các cha phụ trách đoàn cũng biến đâu hết. Thành thử mình phải tiếp. Sau một hồi lâu, cha Bang, Tổ trưởng Hành chính Hậu đài mới về. Chuyện đơn giản có vậy. Mình không ngờ cha Tấn làm công việc tham mưu tác chiến mà có máu thơ văn đến vậy. Ở đây không bàn đến chuyện thơ hay hay dở, ngay các cha tự xưng là nhà thơ nhà thiếc này nọ mà thơ phú có ra cái quái gì, vấn đề là con người biết yêu văn chương là con người có tâm hồn đẹp. Làm cộng sản hay làm gì thì trước hết con người phải có tấm lòng, có trái tim biết rung cảm. Mình tin những người biết yêu văn chương là những người thiện, không thể làm điều ác được. Nói đâu xa, ngay các cha bên Cục Chính trị, tiếng là làm công tác tư tưởng nhưng có khi nào, có cha nào chịu ngồi nghe hết một bài thơ đâu. Thế nên mình rất có cảm tình với cha Tấn. Chẳng lẽ như thế là sai ?
Thế rồi cha Tấn rủ mình đến chiều ghé qua bên chỗ cha ấy chơi, cha cũng có mấy bài thơ, cha nói buồn thì làm cho nó khuây khoả chứ không chắc đã thành thơ. Nói như vậy là biết người, biết của. Cái thời buổi đó, với loại cán bộ công nông chính hiệu đó mà nói là buồn và làm thơ cho khuây khỏa thì thú vị còn gì bằng. Đáng kết bạn tâm giao lắm chứ. Cha lại bảo, bên cha có rượu Nếp mới, chao ôi rượu nếp, nghe nói thôi mình đã muốn nhảy lên mà ca một khúc nhạc Trịnh rồi. Rồi cha nói, nếu có cháu nào ham vui bảo qua nghe thơ, hát hò cho vui. Đến đó thì mình cũng hơi băn khoăn, biết "cháu" nào dám qua chơi với Tham mưu trưởng. Thấy mình nhíu mày, cha cười xuề xòa, bảo: " Đứa nào thích thì cứ cho chúng nó đi, đừng ngại chi hết. Hôm trước, con bé Thõn qua ăn cháo gà hò hát suốt cả buổi đó, vui không tả được". À, thế là mình hiểu, ý cha muốn bảo cô Thõn đi. Thì có sao đâu. Làm cách mạng cũng phải biết vui chứ. Thế nên chiều tối đó mình bảo Thõn cùng đi với mình. Chuyện đơn giản có vậy. Còn về sau, Thõn có qua lại nữa không, bao nhiêu lần, mình không biết. Mà giả sử biết mình cũng mặc kệ. Mình chỉ biết yêu nước, căm thù quân ngoại bang. Còn chuyện nam nữ yêu đương nhau, mình cho là mặc kệ người ta. Đã đi đánh giặc được thì tức là có thể dám làm bất cứ điều gì. Thời buổi binh đao loạn lạc ấy mà làm tròn được bổn phận một công dân yêu nước để không hổ thẹn với nòi giống tổ tiên là xứng đáng sống rồi, không thể bắt mình làm bố kẻ khác được.
*
Nhân chứng và thủ phạm thứ ba.
Tên tôi là Bang, lý lịch quân nhân ghi hẳn hoi như thế chứ không có chuyện báng với bổ như lũ mất nết ấy nói bậy đâu.
Tôi thừa nhận là tôi có có ý đồ. Nhưng không phải ý đồ hại người khác. Tại sao tôi phải hại họ? Mà cái thứ cán bộ quèn gần sát thứ dân như tôi dù có mưu đồ xấu đi chăng nữa thì hại sao nổi cỡ quan đại bự ấy. Cho nên tôi nói có ý đồ tức là ý đồ có lợi cho bản thân tôi. Như vậy có gì không đúng. Các vị tự soi lại mình thử coi, hãy thật thà mà tự nói ra đi, suốt cuộc đời các vị có ai là không mưu lợi cho bản thân mình.
Sáng đó tôi chạy lăng quăng qua bên Cục Hậu cần. Để làm gì ư? Để xin xỏ. Xin xỏ là nghề nghiệp, là chức trách mà cũng là tài năng riêng của tôi, nếu không làm được chuyện đó thử hỏi làm sao tôi tồn tại được ở cái đoàn múa hát này chứ đừng nói là giữ chức Tổ trưởng Hành chính - Hậu đài nữa. Tôi xin bất cứ cái gì có thể. Khi thì lương khô, khi thì sữa bột, hoặc thêm vài cái tăng, võng, hoặc vài bánh xà phòng thơm Trung Quốc dành riêng cho chị em. Ở đoàn hát múa này, đám con gái gọi tôi bằng bố, con trai thì lại gọi mẹ. Là bố mẹ thì phải biết lo lắng cho đám con. Có kẻ ác miệng nói rằng, tôi lo cho đám ấy thực chất là lo cho chính mình. Toàn là miệng lưỡi lũ mất dạy. Nhưng không sao, cứ cho là như thế thì cũng có chi không thỏa đáng. Toàn đoàn vui vẻ, khoẻ mạnh đương nhiên cá nhân tôi cũng có vị trí vững chắc. Cả hai bên đều có lợi, rất chi công bằng.
Tuy nhiên sáng đó cuộc xuất hành của tôi thất bại vì cái thằng bạn "nội gián" của tôi bên Cục Hậu cần đi vắng. Không kiếm chác được gì nên tôi quay về sớm. Vì thế mà gặp Tham mưu trưởng. Tôi thấy ông đang cười nói gì đó với lão "giáo sư" Phụng, có vẻ tâm đắc lắm, cứ như bạn bè. Tất nhiên là tôi khó chịu. Tại sao cấp trên lại chơi thân với loại người tiểu tư sản đó. Tôi, dù sao cũng là con nhà cách mạng nòi, tuy gia đình tôi chẳng ai làm gì nhưng quê tôi là quê cách mạng, gia đình tôi là bần cố nông, lẽ đương nhiên tôi phải là cái gốc của cách mạng. Tôi nói thế có đúng không? Tuy bực mình nhưng tôi là kẻ khôn ngoan, không để lộ ra một biểu hiện gì. Tôi nở nụ cười rất tươi và cất tiếng chào dõng dạc: - Chào thủ trưởng! - Ông Tấn quay lại: Cậu là?... - Dạ, em là Bang, tổ trưởng hậu đài hành chính của đoàn... À, thế hả, hay quá, ngồi đây chơi... Cảm ơn thủ trưởng, để em đi lấy trà ngon mời thủ trưởng. Ông tỏ ra ngạc nhiên: Đây cũng có trà ngon? Vâng, cũng nhờ các thủ trưởng thương, hôm biểu diễn Đại hội mừng công xong, các thủ trưởng cho mấy gói Hồng Đào...Ồ, chè Hồng Đào là hảo hạng đấy... Tôi lại cười rất tươi và chạy đi luôn. Tôi lấy chè pha vào chiếc ca men, xong kiếm cớ có chút việc rời khỏi chỗ đó. Con người ta phải biết giới hạn, đừng tưởng bở quá đà có khi mang vạ, đúng không? Cho nên thực chất tôi vẫn không biết cái cặp ấy, một nhà cách mạng sừng sỏ với một kẻ chưa chắc đã là cách mạng, nói với nhau những gì. Tôi không biết gì hết.
Tôi thú nhận, nói không biết không có nghĩa là tôi không muốn biết. Ngược lại, cả đời tôi, tôi không chịu được khi có chuyện gì đó đáng ra phải biết mà mình vẫn chưa biết. Vì vậy, tuy bỏ đi nhưng mắt tôi vẫn để ý, không nghe được câu chuyện nhưng vẫn cố nhìn mặt họ để dò đoán nội dung. Đến chiều hôm đó, khi thấy cái lão "giáo sư" đó dẫn theo con bé Thõn ra đi, vẻ mặt tung tẩy, tôi không thể không bám theo. Chẳng lẽ thế là sai? Tôi là người quản lý hành chính đơn vị kia mà. Thế nếu lỡ ra hai đứa đó bàn chuyện phản động, gián điệp hay bỏ trốn về đồng bằng thì sao. Cho đến giờ tôi vẫn khẳng định sự đúng đắn và sáng suốt của mình.
Cả hai đứa hắn vào lán Tham mưu trưởng. Lúc đó có thằng Quả cần vụ. Tôi dừng lại nấp vào một bụi rậm phía ngoài lán . Tuy không nghe rõ lời nhưng qua quan sát, tôi biết họ chào hỏi nhau vui vẻ. Rồi họ rót rượu. Sau đó tôi thấy tham mưu trưởng mở ra một cuốn sổ tay, đưa cao lên đọc cái gì đó. Lão "giáo sư" lim dim mắt gật gù... Lúc này thì tôi thấy chán vì biết chắc rằng chẳng có chuyện gì quan trọng. Thật mất công tốn sức bám theo. Nán thêm một tẹo nữa tôi quyết định quay về, thì bất ngờ, tôi thấy Tham mưu trưởng gọi thằng Quả bảo cái gì đó. Thằng cần vụ kiêm liên lạc ấy dập gót chân đứng nghiêm. Rồi nó nhanh nhẹn quay qua hầm bên, choàng khẩu súng AK, quàng thêm túi lựu đạn nữa, lại khoác tấm dù ngụy trang rồi chạy nhanh ra ngoài. Nó đi đâu? Cái kiểu mang vác như vậy tức là đi khá xa, không phải chỉ chạy quàng qua bên Ban này Ban nọ. Có nhiệm vụ chi khẩn cấp lúc này nhỉ? Mà nếu có nhiệm vụ gì đột xuất, khẩn trương thì vẻ mặt người chỉ huy phải khác chứ. Đằng này, sau khi Quả chạy đi, Tham mưu trưởng vẫn đưa cao cuốn sổ lên ê a cái gì đó. Lão "giáo sư" vẫn tiếp tục gật gù. Rồi rượu lại rót tràn li, và cụng... Có một chớp loé trong đầu tôi. Mãi sau này tôi vẫn không ngờ được mình lại là người thông minh đến vậy, nhanh nhạy đến vậy. Nói thật, tôi là kẻ sinh bất phùng thời, đáng ra tôi phải trở thành kẻ nổi tiếng mới xứng.
Thế là tôi quyết định nán lại. Kiên trì bám trụ. Cho đến khi lão "giáo sư" ngất ngưởng ra về, mồm nghêu ngao cái khúc hát run rẩy của cái lão gì đó mà cha "giáo sư" ấy cứ nhập tâm như thể con chiên tụng kinh thánh. Cái chớp lóe trong đầu tôi lúc nãy bây giờ thì bừng sáng. Tôi đoán quả thật không sai. Cái vị thủ trưởng oai phong lẫm liệt ấy đã ôm ghì lấy con Thõn. Mà cái con trời đánh ấy không hề có chút gì gọi là kháng cự. Ngồi ngoài xa tôi cũng có thể cảm nhận được cái thân thể của hắn mềm nhừ.
Vì sao lúc đó tôi lại bước vào ư? Thú thật ngay giây phút đó chính tôi cũng không sao giải thích được. Trong đời tôi có rất nhiều việc mà ngay tức thời tôi không ý thức được hành động của mình. Tôi hành động như có ma xui khiến, tuy nhiên chỉ sau đó một tẹo thôi tôi tự nhận thấy mình quả thật thông minh. Tôi cất tiếng " báo cáo thủ trưởng" rồi liền theo đó là "ối, em xin lỗi"... Dĩ nhiên cả hai con người đó lập tức cứng đờ ra như hai khúc gỗ. Ngay từ giây phút đó, tôi đã ý thức được vị thế mới của mình, không những với cô diễn viên hạng nhất trong đoàn mà còn với cả vị chỉ huy cao cấp trên Mặt trận nữa. Sáng hôm sau và nhiều ngày sau đó nữa, tôi lúc nào cũng tỏ ra vô tư, tuyệt nhiên không có một biểu hiện gì. Chỉ cần một tuần lễ yên bình trôi qua, tôi đã nhìn thấy thành quả. Tham mưu trưởng lại đến thăm đoàn, ông chào chung mọi người một câu rồi nháy mắt gọi tôi ra ngoài lán. Tôi chạy ra nhanh nhẹn, cố làm bộ mặt vô tư, không cười cợt mà cũng không xoi mói. Thủ trưởng nhìn găm vào tôi, giọng nói đầy uy lực.
- Mình nghe các anh bên tuyên huấn khen cậu nhanh nhẹn lắm.
- Dạ, các thủ trưởng động viên bọn em mà...
- Nhưng mình cũng thấy vậy. Cái đoàn này mà có được người như cậu là thuận lợi đấy.
- Dạ, cám ơn thủ trưởng, em hứa sẽ cố gắng hơn nữa..
- Tốt. Mình có trao đổi với mấy cậu tuyên huấn nên đề bạt cậu lên đoàn phó... Cậu phải cố gắng công tác đừng phụ sự tin cậy của các thủ trưởng đấy.
- Báo cáo rõ !
Hết. Tôi chỉ biết có vậy, sau đó tôi không biết gì nữa, tức là tôi cố tình không biết . Vì sao ư? Vì tôi nghĩ rằng cái gì cũng có chừng mực, được nước mà cứ làm tới là toi. Và vì tôi đã hiểu " đừng phụ sự tin cậy của các thủ trưởng" nghĩa là thế nào.
*
Trở lại nhân chứng thứ nhất.
Lần đi chơi đầu tiên có thể coi như khúc nhạc dạo đầu của một màn múa. Đến lần thứ hai, tức là buổi sáng sau cái chiều mà Thõn được thầy Phụng rủ lên lán Tham mưu trưởng nghe thơ, chính Thõn đã chủ động hẹn hắn. Đương nhiên là hắn đi ngay. Dạo này Bộ Tư lệnh họp liên miên. Thủ trưởng càng bận thì cần vụ càng thoải mái. Lần này hai đứa không ngồi một chỗ trên đá như hôm trước mà dắt tay nhau lội dọc khe nước. Đi thế để làm gì cả hai đều không ý thức được. Có lẽ là ma xui bọn hắn. Đến đoạn nước sâu cả hai phải men theo mép suối mà đi. Cứ dẫm lên những viên cuội trơn nhẫy mà rón rén từng bước. Thế rồi Thõn trượt chân. Hắn vội đỡ lấy, ôm ngang eo lưng dìu lên một phiến đá. Quần và nửa thân áo của Thõn ướt sũng. Thế là ma lại tiếp tục xui hắn, chứ không phải tui... Tui là kẻ vô tri, tui tuyệt nhiên không có những thèm khát như hắn. Không những tui không xui mà còn quá bất ngờ trước hành động của hắn. Lạy Phật, bọn mình là con Phật mà, ai lại làm thế. Tui đã kêu lên với hắn như vậy, nhưng hắn đâu có để tâm.
Đó, cho nên tui nói hắn không chỉ có dại mà còn liều và ma mãnh nữa. Đêm đó hắn nhớ lại chuyện buổi sáng, tủm tỉm một mình rồi thầm thì hỏi tui, vì sao Thõn cho hắn sờ mó dễ dàng đến vậy. Lúc đầu hắn run lắm. Hắn chỉ thử liều khoác tay lên vai em, làm giống như thủ trưởng Tấn đã làm cái hôm cùng hát ở lán Tham mưu trưởng. Sau đó một tẹo thấy em chẳng nói gì, người em có vẻ như nóng lên, hắn mới sít vòng tay vào nách... Một tẹo nữa, hắn đưa tay phía trước lên giả vờ vô tình chạm lên ngực em, thấy em hơi ngoảnh mặt đi nhìn hướng khác, hắn dừng bàn tay lại chỗ đó. Ngực em phập phồng trong lớp áo vải dày màu xanh, cổ áo gấp chéo hở toang hoác. Hắn lách tay vào trong lớp áo dày ấy, lại gặp lớp áo dệt kim rất mỏng. Dù mỏng nhưng cũng là vải chẳng sướng chút nào, thế là hắn lại lách năm ngón tay vào bên trong áo lót, lại cạy cả chiếc nắp bịt ngực ra, hắn bóp. Em hơi khẽ nhăn mặt một tý nhưng lại cười. Thế nên hắn càng tự tin, dùng cả bàn tay lộn cái nắp bịt kia ra, phanh cả núm vú hồng tím ra giữa ánh sáng mặt trời để nhìn. Chưa thật đã, hắn vục đầu vào ngậm lấy cái núm đó mà mút. Em ré lên cười ngặt nghẽo.
Hắn cứ thầm thì một mình, răng em lại dễ rứa hè, hay em quá yêu tôi ? Tui muốn kêu lên, không, tui muốn chưởi cho hắn một trận. Răng trên đời này có kẻ ngu si đến vậy. Răng hắn không biết được rằng, trước hắn đã có kẻ khỏa chân khuấy bùn cái lòng suối mà hắn tưởng vẫn trong ngăn ngắt ấy. Ai ư, còn ai ngoài bức tượng mà hắn luôn lau chùi thờ phụng đó. Nhưng rồi tui không nói gì, tui giận hắn, tui căm hắn vì bỗng nhiên nhận ra, dù răng thì hắn cũng đã được hơn tui quá nhiều, hắn đã được nếm mùi đời rồi, có chết cũng thỏa. Còn tui, mãi mãi vẫn ở trong bóng tối. Vậy thì khôn ngoan để làm chi, râu dài để làm chi? Thế nên tui hận hắn mà không thèm nói cho hắn biết, rằng từ hôm đó, hắn đã bắt đầu đùa với cọp.
Trước tết âm lịch năm đó, cả khu đại ngàn nơi Mặt trận BZ đóng quân vẫn im lìm trong những đợt mưa rỉ rắc. Nếu ai đó ngoài cuộc đến đây sẽ chẳng thấy có chuyện gì đặc biệt cả. Nhưng người trong cuộc lại thấy rất rõ, có cái gì đó rất không bình thường đang âm thầm chuyển động. Sự chuyển động càng lúc càng khẩn trương, dữ dội, có thể ví như cái bào thai đã gần ngày đạp bụng chui ra ngoài. Trong từng con người cũng vậy. Cả Tấn, cả Thõn và hắn đều tự thấy có chuyện chi đó rất không bình thường. Thõn tránh gặp hắn, hắn ngại nhìn thẳng vào mặt người chú, còn Tham mưu trưởng thì bỗng nhiên trở tính, hay cau có, càu nhàu cho dù các thao tác phục dịch của đứa cháu cần vụ vẫn nhanh nhẩu và chính xác. Cách tết Nguyên đán khoảng ba tuần, bất ngờ có tiếng sấm. Nhớ lại hồi trước dân làng Cau nói, năm nào dông sớm sẽ mất mùa trên cạn. Sấm chuyển rầm rì đâu đó xa xa rồi bất ngờ nghe uỳnh một cái trên đầu. Lại nghe nói mỗi lần có sấm ai nấp dưới những tán cây rậm rịt sẽ rất nguy hiểm. Nhưng giữa rừng đại ngàn thế này thì còn biết tránh né vào đâu.
Chẳng né tránh vào đâu được nên cái gì đến rồi nó phải đến. Trong một buổi chiều rầm rì cơn giông như thế, bất ngờ Tham mưu trưởng cho gọi hắn. Theo thói quen hắn nhào vào rất lanh lợi, đứng nghiêm chờ lệnh.
Tấn khẽ đưa mắt nhìn hắn một tí, có cái gì đó hơi căng thẳng. Hắn thấy tim mình nhảy đùm đụp. Bất ngờ người chú kính yêu nở nụ cười, hai mắt khẽ lim dim.
- Cháu nhập ngũ được mấy tháng rồi?
Hắn hơi run:
- Dạ... thưa chú gần năm tháng..
- Ừ... ở đây với chú cháu thấy thế nào?
- Thưa chú... được chú thay cha dạy dỗ cháu rất chi là... may mắn ạ
Người chú bỗng thở dài :
- Thì chú cũng như cha mà... không lo mọi sự cho cháu, chú còn biết ăn nói làm sao với vong linh cha cháu.
Hắn thật sự cảm kích, mắt rơm rớm nước. Chú Tấn bất ngờ ngồi thẳng người dậy, nói như hạ đạt mệnh lệnh.
- Này, cháu nghe đây, mặt trận sắp sửa bước vào một chiến dịch lớn chưa từng thấy. Đây là một phen sống mái với kẻ thù. Chẳng biết vài hôm nữa, chú cháu mình ai còn ai mất..
- Kìa chú... Hắn bỗng thấy ớn lạnh sống lưng.
- Sao thế, sợ à? Tấn ngước lên nhìn hắn nghiêm khắc. Hắn hốt hoảng:
- Không ạ.
- Hừ, làm thằng lính cách mạng thì dù cái chết đã kề cổ vẫn không được biểu hiện sự hoang mang, rõ chưa?
- Dạ...
- Tuy nhiên, có một việc mà chú thấy không được yên tâm lắm... Nếu một mai chú có làm sao mà cháu vẫn thế này thì chú rất ân hận với cha cháu. - Ngừng lại một tí cốt để cho đứa cháu không được thông minh kia có đủ thì giờ ngẫm nghĩ, rồi tiếp tục, vẫn với cái giọng nửa như mệnh lệnh nửa lại bùi ngùi - Chú nghĩ là... đã đến lúc phải lo chuyện vợ con cho cháu.
Hình như lại có tiếng sấm nổ trên đầu, hay ít ra hắn cảm thấy thế. Hắn không sao dò đoán được cái ý nghĩa sâu hun hút phía sau chỉ thị kia của người chú uy danh lừng lẫy. Hắn đành đứng trơ khấc ra như cây bị sét đánh. Bất ngờ ngưòi chú ngẩng phắt dậy nhìn chiếu tướng vào hắn.
- Này, chú hỏi thực, cháu thấy con bé Thõn thế nào?
Hắn rụng rời tay chân. Hai đầu gối run bần bật, cả hai hàm răng cũng run. May thay chú Tấn bỗng phá lên cười, cười to, thoải mái :
- Làm chi mà nhát gái thế... Chú nói thiệt, con bé ấy được đó chớ. Lại cùng xóm cùng làng nữa... Nếu cháu đồng ý thì chú tổ chức cưới cho. Cưới ngay tại đây, cưới ngay trước chiến dịch... Suy nghĩ mau mau đi rồi nói cho chú biết hí.
Đến đó thì hắn không làm chủ đôi chân được nữa, hai đầu gối rung lên như bị sốt rét, như bị động kinh. Hắn run một cách thê thảm. Nhưng không phải vì sợ mà vì quá sung sướng, quá bất ngờ, còn hơn cả đào được kho vàng.
Không phải chỉ có hắn bất ngờ mà bản thân Thõn cũng không sao lường được sự việc lại xoay theo chiều hướng đó. Thõn không phải loại con gái ngố, thậm chí còn có thể gọi là thông minh, đó là điều cô ấy khác hẳn hắn. Cũng không phải là loại đàn bà vụ lợi, rắp tâm chui sâu trèo cao quyết bám chắc vào kẻ có quyền thế. Không, mọi người đừng vội quy oan cho cô ấy mà tội nghiệp, ít nhất là vào thời điểm ấy. Vào thời điểm ấy, loại con gái nhà quê đậm đặc, mà lại là cái quê biệt lập như thôn Bàu thủy đọng thì đầu óc đám con gái mới lớn như Thõn chẳng có chi để suy nghĩ nhiều. Mấy cái từ vụ lợi, cơ hội là của các ông các bà thời nay, đừng đem nhét vào đầu óc trắng trong của lớp hồi ấy mà phải tội. Đúng là Thõn lúc ấy rất trắng trong, tui xin thề đấy, trắng như một cánh hoa dại giữa rừng, trong như con suối đầu nguồn nơi mà đại bản doanh Mặt trận BZ đóng quân, nơi mà buổi sáng thằng Quả hẹn cô ra để vuốt ve, sờ mó, buổi chiều, lúc mặt trời sắp trốn vào những chóp núi xa xăm thì chú Tấn lại đưa cô ra để tâm sự tỉ tê về cái làng quê mơ hồ như là truyện cổ tích. Một đứa con gái ở cái nơi ao tù nước đọng bịt bùng quanh năm, nay bỗng dưng như được lên thiên đàng, suốt ngày lâng lâng, suốt đêm phập phồng mơ tưởng. Thõn như đang tan chảy, như đang bốc hơi, cái cơ thể thon thả nõn nà ấy ngày nào cũng được vỗ về, nhào nặn để lên men và được chưng cất thành cái thứ làm cho đàn ông say mèm.
Khi đã say mèm thì cái sự tỉnh lại không thể ngay lập tức như người ta tỉnh dậy sau một giấc ngủ no nê, yên lành, mà nó cứ mơ màng và ê ẩm, đầu óc u u minh minh, thêm chút gì đó của sự bần thần, nỗi thảng thốt lo âu. Có phải vậy không hỡi các con ma rượu? Thế nên cái sự tỉnh lại của Thõn được bắt đầu rất mơ hồ, nói đơn giản là tỉnh mà hình như chưa tỉnh. Cảm giác đầu tiên là sự mệt mỏi. Đi lại mệt mỏi, ăn uống mệt mỏi, ngủ ngáy cũng không còn say nồng như dạo trước. Rồi tự nhiên qua tháng hơn tuần lễ mà không thấy kinh, cũng chẳng biết vì sao bởi từ trước tới giờ có ai dạy bảo cho đâu mà biết. Rồi lại thấy hơi thở gấp hơn, tim đập nhanh hơn, rồi bắt đầu xuất hiện mấy đường gân xanh ở cổ... Lại thấy lờm lợm trong họng như kiểu say xe... Lại thấy hay hoa mắt chóng mặt, chỉ chực ngã...
Thõn chẳng biết gì cả, không phải vì ngố mà vì cơn say chưa hoàn toàn tỉnh và còn vì từ bé tới nay sống ở trong cái làng Cau ấy chẳng ai dạy bảo cho chuyện này.
Nhưng người chú kính yêu thì đã nhận biết. Rứa có tài không? Là đàn ông lẽ ra phải ngờ nghệch chuyện ấy, nhưng chú Tấn lại là một người đàn ông đặc biệt, nói như trong chuyện cổ của người Tàu là loại đã lăn lộn giang hồ, lại thêm bản lĩnh của con nhà tham mưu tác chiến, say mau và tỉnh cũng rất mau. Nếu không làm sao bài binh bố trận được, làm sao nhận biết sớm nhất mọi mối nguy hiểm lấp ló quanh mình, làm sao nghĩ ngay được mưu mẹo tập kích, đánh úp hay nghi binh vu hồi... Thật không hổ danh là con Hùm xám vùng rừng BZ. Chính con Hùm xám ấy đã nói cho Thõn biết cái gì đang xẩy ra với cô, cái điều mà thông thường thì người con gái phải tự biết, hay ít ra là mẹ, chị em hoặc bạn gái mới dám hỏi và bảo ban giúp nhau.
Còn hơn cả tiếng sét nổ trên đầu, Thõn ngồi chết lặng, đôi môi khẽ giật giật, hai bàn tay lạnh ngắt. Giá như lúc đó, chú ấy ôm chặt cô vào lòng, hôn lên đôi môi cô như mọi lần vẫn làm thế thì có thể lòng cô sẽ ấm lên đôi chút. Đằng này con Hùm vẫn ngồi ngay ngắn trên phiến đá, một tay cầm que củi vạch vạch lên mặt đất như phác hoạ ra một tình huống đánh tập kích cho bộ đội :
- Cháu phải biết rằng làm thằng lính trong chiến đấu mà có chuyện này với nhau là mang trọng tội. Hơn nữa, toàn mặt trận sắp bước vào chiến dịch lớn, việc ấy lại càng không thể chấp nhận được. Chú thề là chú rất yêu cháu, chú mà có nửa lời gian dối thì đợt này ra trận quả đạn cối sẽ cắm thẳng xuống đầu chú. Nhưng chú không thể công khai tình cảm của mình được, bi kịch là thế đó. Thứ nhất, trong hồ sơ lí lịch chú đã có vợ ở quê, mặc dù chú với thím đã li thân mấy chục năm rồi, việc này cháu biết rõ hơn ai hết. Chú lại là cán bộ cao cấp, chú là người chỉ huy, phải trở thành tấm gương cho chiến sĩ toàn mặt trận. Cháu gỡ cho chú chuyện này chính là góp một phần cực kì quan trọng vào sự thắng lợi của chiến dịch sắp tới đó, cháu hiểu không? Cháu hiểu điều hệ trọng chú vừa nói không?
Tất nhiên là Thõn không thể hiểu được những điều hệ trọng đó bởi cô đâu có xứng tầm để hiểu, cô chỉ là một tân binh, mà không, Thõn thậm chí cũng chưa đáng được gọi là tân binh, cô nào đã có lấy một ngày huấn luyện học tập làm người lính đâu. Cô đơn giản chỉ là đứa con gái nhà quê mới lớn, được gọi vào đoàn văn công, học cấp tốc ba tháng múa, vừa học cơ bản vừa kết hợp dàn dựng chương trình kịp phục vụ nhiệm vụ chính trị. Hơn nữa, tất cả những gì vừa xẩy ra gần hai tháng nay đối với Thõn là một giấc mơ Lúc đầu là giấc mơ say rồi bỗng dưng trở thành ác mộng. Những nụ hôn, những lời thầm thì tâm sự, những cọ xát vào vùng cấm khiến thân thể như muốn bốc cháy, rồi đến cái giây phút thần tiên đê mê ấy nữa, tất cả đều xẩy ra trong choáng váng men say. Thế rồi chưa kịp định thần sau cơn choáng váng vì có cái gì đó bất thường xuất hiện trong cơ thể thì lại bất ngờ nhận cái mệnh lệnh bán gả cho Quả, sự giải thích trơn tuột và khô khốc, cả những lời thề độc gọn ghẽ như một câu khẩu hiệu kia càng làm cho Thõn thêm ngơ ngác. Cô hầu như không còn tin vào tai mình, không tin vào mắt mình, không tin tất cả những gì đang có xung quanh, cả tán lá trên đầu, con suối trong veo trước mặt, không thể tin rằng mình có những người đồng hương chan chứa tình cảm, có người chú vô vàn quý trọng tự hào. Thậm chí cô không tin vào sự tồn tại của mình. Hình như đây chỉ là một mảnh hồn lạc lối vào cái cõi mê cung địa đàng nào đó, còn cái con Thõn có thực vẫn đang giam mình nơi bàu nước đen sì với cái lời tiên tri ác độc của cái lão gì đó thủa xa xưa...
*
Sau khi đám cưới tổ chức được hai ngày, tức là vào chiều hăm ba tháng chạp, chú Tấn gọi Quả lên, vẫn với cái giọng nửa như cha, nửa là bề trên đầy quyền thế:
- Chuyện gia đình rứa là xong, chừ cháu phải nghĩ ngay tới sự nghiệp. Cháu không thể cứ loanh quanh bên chú mãi được. Thứ nhất, sau khi chuyện cưới hỏi của cháu, người ta đã biết cháu là cháu của chú. Nếu giữ cháu làm cần vụ, họ lại xì xèo nói chú là gia đình trị, lại coi thường cháu là kẻ chỉ biết dựa ô dù. Thứ hai, đời cháu còn dài, cần phải tính con đường tiến thủ, không thể suốt đời làm cái anh phục vụ kẻ khác. Cháu đã rõ chưa? Tóm lại, chú quyết định cho cháu về đơn vị chiến đấu, làm Tiểu đội trưởng. Như vậy là có chức có quyền rồi đấy. Cố gắng rèn luyện, chiến đấu thật tốt thì sẽ có cơ hội phát triển. Cháu rõ chưa?
Chuyện gì chú hắn nói thì hắn đều rõ. Còn những chuyện chú không nói đương nhiên hắn không thể nào hiểu được. Thì tui đã nói hắn là thằng ngố mà. Nhưng Thõn thì khác. Sau những ngày choáng váng như một kẻ vừa thoát khỏi cơn bạo bệnh, Thõn đã dần dần tỉnh táo trở lại. Cô cố xâu chuỗi tất cả những việc đã xẩy ra, từ tiếng gõ chát chúa vào miệng soong buổi tối đầu tiên ở lán Tham mưu trưởng cùng bài hát song ca ngất ngưởng như lên đồng, đến những buổi chiều bên con suối có bãi đá giống bầy nghé con nằm phơi bụng, rồi cái đám cưới với Quả được tổ chức vội vã như ăn trộm, cuối cùng là quyết định điều chuyển Quả về đơn vị chiến đấu ngay trước tết Nguyên Đán. Tất cả diễn ra quá nhanh, quá chính xác như một trò ảo thuật. Bất giác cô thấy rùng mình.
Đêm hăm lăm tháng chạp là đêm cuối cùng bọn hắn được ôm nhau nằm trong chiếc lán nhỏ lợp lá đùng đình. Đây cũng là một đặc ân của người chú bởi ở cơ quan Mặt trận BZ, từ cấp đại uý trở xuống phải ngủ trên võng, dưới vòm tăng ni lon. Cái lán này trước đó dùng làm nơi đặt máy phát 15 oát của bộ phận thông tin. Lệnh của Tham mưu trưởng chuyển máy vào trong hang nhường lán cho đôi tân hôn duy nhất của cơ quan.
Có lẽ cho đến hết cuộc đời sống trên trần gian và dẫu sau này cả hai đều ngồi chễm chệ trên những địa vị đáng nể trọng cùng với vô khối cách ăn chơi thời thượng, thì cái đêm chia tay ở chiếc lán lụp xụp giữa rừng ngàn ấy vẫn mãi cắm đinh vào kí ức của cả hai đứa không sao nhổ ra được. Từ hôm cưới đến đêm nay chúng hắn được công khai ăn nằm với nhau chẵn năm đêm. Cơn hoan lạc cứ tụt dần năm bậc. Cái đêm đầu tiên sau lễ cưới, cả hai hầu như không còn biết đến trời đất, không để tâm đến sên, vắt, muỗi và có thể cả rắn rết nữa, cũng không thèm quan tâm xem có đám lính trẻ nào vạch lá nhòm vào không, chúng hắn vật lộn nhau như thể không còn có ngày mai nữa. Đêm thứ hai, cũng với niềm đắm say đó, cũng không thèm mặc lại quần sau một hiệp vật lộn, nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, đuối sức. Rồi những ngày sau đó cả hai đứa phạc phờ dần, uể oải dần, nắm cơm buổi sáng nuốt rất khó trôi, nụ cười trên môi cũng trở nên nhợt nhạt. Tuy nhiên cái mệt thể xác chủ yếu dồn lên Quả, còn Thõn lại là sự rệu rã tinh thần. Từng đêm, sau cơn cuồng bạo vắt cạn sức lực, Quả lăn ra ngáy ầm ầm khiến Thõn không sao chợp mắt được. Không ngủ được nên sinh ra nghĩ ngợi. Càng nghĩ ngợi càng thấy không tài nào giải thích được vì sao số phận mình bỗng dưng phải gắn bó với người đàn ông to con nhưng bé đầu như vậy. Vì sao "chú ấy" đột ngột dứt tình một cách quá nhẹ nhàng như vậy. Mặc dù chưa có một chút kinh nghiệm gì trong đường đời nhưng với bản tính đàn bà Thõn đã lờ mờ cảm thấy sự bạc mệnh của số kiếp hồng nhan phủ bóng lên đời mình từ hôm nay.
Khác với mọi dự đoán có phần thèm khát của đám lính trẻ trong đại đội thông tin rằng đêm nay hai đứa hắn sẽ vần nhau đến ngất xỉu vì ngày mai đã phải mỗi đứa một đường, mà chiến tranh thì chẳng thể nói trước được ngày gặp lại để truy lĩnh, đêm hăm lăm tháng chạp cả hai bỗng nhiên nằm như bất động. Mặc dầu bàn tay Quả vẫn chuồi vào bên trong quần lót của vợ như một bệnh nghiện không cai được, nhưng ngón tay đêm nay không ngọ nguậy như những lần trước. Cả tấm thân Thõn trở nên lạnh ngắt. Không đứa nào chịu mở miệng nói trước. Ngày mai chúng hắn sẽ phải chia tay. Và linh cảm của cả hai đều mách bảo rằng, cuộc chia tay này có thể là khởi điểm cho một cặp người vốn sinh ra để phải chịu cảnh sống hờ ghép tạm cho hết kiếp ở trần gian.
*
Quả xách ba lô về đơn vị đúng chiều hăm sáu tết. Cũng chiều ấy đoàn múa hát cũng lên đường về vùng giáp ranh. Nhờ một câu gợi ý của Tham mưu trưởng mà Thõn được ở lại giúp công việc nuôi quân cơ quan Bộ Tư lệnh. Ông nói xa xa thế này, con bé ấy hình như có bầu rồi, cái đám thanh niên bữa nay hay ăn cơm trước kẻng lắm. Cái tội thằng cháu tôi để tôi trị cho, nhưng...làm cách mạng phải có tình nhân ái, với lại cũng phải nghĩ đến thế hệ xây dựng đất nước sau này chứ. Nói thì hời hợt nhưng ý tứ sâu xa. Bổn phận những anh cấp dưới là phải hiểu. Thế là Thõn ngay lập tức được lệnh không theo đoàn đi nữa. Đó cũng là việc làm cuối cùng của chú Tấn đối với Thõn trước khi ông dẫn Sở chỉ huy tiền phương về đồng bằng.
Cặp uyên ương ấy chia tay nhau với hai tâm trạng hoàn toàn trái ngược nhau, lại cũng cực kì trái nhau cách xử sự. Quả thì buồn nẫu ruột, nhớ thương vợ đến quay quắt, nhưng lại tỏ ra hừng hực khí thế nam nhi. Cái mồm hắn thường trực nụ cười, có khi đến méo mó. Hắn đi bắt tay không sót một ai trong cơ quan Tham mưu, thậm chí có người hắn bắt tay đến hai lần. Hắn không dám quẩn quanh bên vợ vì sợ người khác nhìn vào đánh giá lập trường của hắn. Thõn thì ngược lại, cô cứ lẽo đẽo đi cạnh hắn, lúc nào cũng để sẵn khuôn mặt bịn rịn nhớ nhung. Nhưng lòng cô đang khô đanh lại như miếng cau phơi nắng. Ngay cả chút thương hại kẻ dại khờ cũng không có. Nói thật lúc đó tui căm con bé ấy vô cùng. Vì sao nó lại ghét thằng Quả cơ chứ. Thằng em tui có hại gì nó, thậm chí chỉ có Quả mới yêu nó hết lòng. Mà xét cho cùng, trong chuyện này kẻ thiệt thòi là em tui chứ cái con múa may đó thì thiệt gì nào. Nó hời nữa là khác. Tui ghét Thõn từ dạo đó. Tui cầu trời lạy phật cho chuyến chia tay này là chia tay mãi mãi, để cái thằng em khờ khạo của tui mãi mãi đừng thừa hưởng cái của nợ ấy nữa. Nhưng trời ơi, quả thật người tính không bằng trời tính.
Nhân chứng (mà cũng có thể là thủ phạm) thứ nhất
Đấy, thấy chưa, bây giờ thì hắn đã trở mặt. Hắn rất sợ sự có mặt của tui trên đời. Hắn hoảng hốt khi nghĩ rằng bàn dân thiên hạ có thể nghe được lời nói của tui. Không chừng đến lúc nào đó hắn vấp ngã thì đích thân hắn và cả cái dòng họ Thái, tất tất dân làng Cau lại vu cho tui là thủ phạm.
Không, lạy Phật, tui không phải là thủ phạm. Người ta nói, giọt máu đào hơn ao nước lã. Tui với hắn là anh em, mà tui là thằng anh, lẽ nào anh lại xui em mình làm những điều bậy bạ. Phải, chính tui là thằng anh, hắn là em, mặc dù hắn chui ra ngoài đời trước tui đến những bốn mươi lăm năm. Có hai chứng cứ để xác định chuyện này. Một là tui có trí khôn hơn hắn. Cho dù hiện thời hắn có làm đến ông này ông nọ thì vẫn là thằng ngố. Một tẹo nữa tui sẽ kể cái chuyện ngố của hắn cho mọi người nghe. Thứ hai, tui có râu, còn hắn mặt nhẵn như chùi. Hắn có thể lấy cớ là làm quan chức lúc nào cũng phải mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao, nhưng tui mặc kệ. Tui râu tốt tươi đáng gọi bằng ông, còn hắn chỉ là thằng. Điều duy nhất tui thua kém hắn là tui không có tình yêu.Tui không biết yêu ai, cũng không ai yêu tui, đương nhiên cũng không có người ghét.Tui không có ai là kẻ thù, ngoại trừ hắn. Nhưng người biết yêu thương đâu có phải lúc nào cũng là kẻ khôn ngoan?
Hắn nhập ngũ tháng tám năm 1967. Chính tui là người động viên hắn ra đi. Hai đứa thầm thì với nhau cả đêm ở trong túp lều dột nát bên cái bờ nước bàu thuỷ đọng. Nói thực lòng cả tui lẫn hắn cũng chẳng phải vì lí tưởng gì cao siêu ghê gớm cả. Tui muốn thoát ra khỏi cái làng ao tù nước đọng này. Còn hắn, hắn là đứa con Phật ngoan đạo, hắn trung thành với lời trăn trối của cái lão mà bọn tui vẫn gọi bằng cha như con chó trung thành với chủ. Hắn đi tìm cái người mà hắn vẫn cứ tưởng là chú ruột. Mọi người nghĩ coi như vậy có đáng gọi là thằng ngố không? Năm đó trong làng có đến dăm bảy anh cùng đi, cả huyện gần bảy chục. Tuổi trẻ thời đó khác bữa ni lắm, nói đi là đi, phơi phới náo nức, tâm hồn lãng mạn như kiểu tráng sĩ thời xưa sắp tung vó ngựa chốn hồng trần. Chẳng ai như hắn, đi lầm lũi như đi tìm kho báu. Bởi ngay từ dạo ấy hắn đã rắp tâm sống dựa vào kẻ khác rồi.
Cũng chẳng khó khăn gì lắm trong việc tìm chú Tấn. Năm đó chú Tấn đã là Tham mưu trưởng mặt trận BZ, tiếng tăm nổi như cồn. Hắn nhập ngũ tháng tám, huấn luyện chưa tới một tháng thì cả Trung đoàn được lệnh hành quân lên miền tây. Trung đoàn đóng trong một miệt rừng già âm u, ẩm dột. Tháng chín tháng mười dương lịch là bắt đầu mùa mưa lũ ở miền Trung. Rừng tối mù mịt, sên vắt dày đặc trên lá cây, ngọ nguậy khắp mọi lối đi. Trung đoàn tập trung chỉnh quân, suốt ngày ngồi nghe cấp trên giảng bài về thời cơ chín muồi, so sánh thế lực bên ta bên địch, nói tóm lại phen này oánh một trận sẽ quét sạch kẻ thù. Các thủ trưởng quân sự, chính trị từ cấp tiểu đoàn trở lên thay nhau lên chỉnh huấn trên Mặt trận. Lớp này về, lớp khác đi. Nhờ đó mà hắn có điều kiện viết thư liên tục cho chú Tấn. Có lẽ phải mất đến năm sáu lần gửi thư, hắn mới nhận được lệnh gọi. Hắn có mặt ở Bộ Tư lệnh Mặt trận BZ vào những tháng cuối cùng của năm 1967. Nếu tui nhớ không lộn thì là khoảng cuối tháng mười, đầu tháng mười một dương lịch. Âm lịch năm đó gọi là năm Đinh Mùi. Khoảng ba tháng nữa là bước qua năm Mậu Thân.
Hắn được làm liên lạc kiêm cần vụ cho Tham mưu trưởng. Công việc cụ thể tóm tắt như sau. Sáng phải dậy sớm, chạy ngay xuống nhà bếp chắt đầy một bi đông nước sôi. Lấy khăn bông và ruột chăn cũ quấn nhiều lớp để giữ nhiệt cho nước. Mang ấm chén ra suối kì cọ thật sạch, nhân đó lấy thêm một bi đông khác nước suối thật trong, lại mang chiếc khăn bông Trung Quốc lúc nào cũng trắng xốp như mới của thủ trưởng giặt lại lần nữa, sau đó giục nhà bếp chuẩn bị khẩn trương cơm sáng cho thủ trưởng. Thủ trưởng tỉnh giấc, vươn vai, dạng chân vài cái cho giãn gân cốt, ấy là lúc hắn phải nhanh nhẹn mang khăn, bàn chải đánh răng và bi đông nước suối lại. Thủ trưởng cầm bàn chải, hắn phải đưa ra ngay cái ca men. Thủ trưởng đánh răng, súc miệng, hắn phải chêm thêm nước vào ca men như kiểu người ta chêm rượu lúc làm lễ cúng. Thủ trưởng sạch răng rồi, ngay lập tức một tay hắn đón nhận lấy cái bàn chải, hơi xoay người qua một bên vẩy nhẹ hai cái, còn tay kia đưa cho thủ trưởng chiếc khăn mặt đã tẩm ướt nước...Thủ trưởng lau mặt, moi lỗ mũi, ngoáy lỗ tai, xong, hắn lập tức đón chiếc khăn để tí nữa chạy ù ra suối giặt kỹ. Tiếp đó là pha trà. Lúc nào cũng phải dự trữ đủ trà Hồng Đào. Sau đó là ăn sáng. Là nói thủ trưởng ăn chứ không phải hắn. Hắn ăn vào lúc nào không quan trọng, thậm chí nhiều bữa gấp công chuyện quá, hắn không kịp ăn, vắt cơm sáng để đến trưa dồn hai nắm làm luôn một bữa. Trong lúc thủ trưởng chậm rãi ăn bữa sáng, hắn quấn tăng, võng, mùng của thủ trưởng cho vào ba lô cóc, thay pin vào chiếc đài bán dẫn, lấy chiếc gậy trúc đặt cạnh khẩu súng ngắn K59, sẵn sàng đợi lệnh.
Nói cho công bằng, làm cần vụ không phải lúc nào cũng bận bịu. Thậm chí nhiều khi còn rất nhàn hạ. Nếu so với lính dưới đơn vị thì quả là một trời một vực. Quan trọng nhất là phải nhanh nhạy và các động tác phải cực kì chính xác. Thêm nữa, phải tinh tường mọi sở thích của thủ trưởng. Còn chức phận liên lạc cũng chỉ cực lúc tác chiến, chứ còn ngày thường chỉ chạy qua chạy lại mấy Ban, gọi người này lên gặp thủ trưởng, bảo bộ phận kia gửi báo cáo...Mà ngay cả khi tác chiến thì anh liên lạc ở dưới đại đội, tiểu đoàn mới cực, chứ liên lạc cấp Bộ Tư lệnh như hắn chỉ cần cầm cái máy a lô thôi. Khổ nhất cuộc đời hắn chính là lúc thủ trưởng đi công tác. Thủ trưởng chỉ khoác một chiếc xà-cột, đeo khẩu súng cực ngắn bên hông, tay cầm chiếc gậy đen bóng. Còn cái thân hắn như một con lạc đà, ngoài đồ đạc tư trang và vũ khí của mình ra, phải thồ đủ thứ cho thủ trưởng như áo quần, tăng võng kể cả ấm trà, đài bán dẫn, thức ăn, rượu bổ xương cốt v..v...
Nhiều đêm tui thầm thì với hắn - Có lẽ tụi mình nên xin về đơn vị tác chiến đi, làm thằng con trai thời loạn, hoặc xanh cỏ hoặc đỏ ngực, điều cốt yếu là mình được sống đúng như ý mình...Tui tưởng hắn sẽ giải thích với tui rằng việc chi cũng là việc cách mạng, cũng là góp công góp sức cho chiến công chung. (Ấy là vì thời đó câu giải thích trên là câu châm ngôn cửa miệng ) Ai dè hắn lại thở dài : cha chết còn có chú, được ở bên chú, được chú che chở dạy bảo còn chi may mắn hơn...Từ đó tui đã biết hắn hết thuốc chữa.
Khu căn cứ Bộ Tư lệnh BZ những ngày này nhộn nhịp một cách khác thường. Mãi sau này tui mới biết đó là những ngày chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công Mậu Thân, nhưng lúc ấy thì chẳng biết nếp tẻ chi cả, chỉ thấy vui ơi là vui, vui gấp trăm lần ở quê. Đặc biệt nhất là được xem văn công múa hát. Các cô gái quần xanh quần đỏ, áo ngắn áo dài múa lượn theo nhịp trống, tiếng nhạc cứ hoa cả mắt. Văn công diễn trong cái hang lớn chứa tới mấy trăm người ngồi, xong lại về từng Ban, từng Cục, từng Phòng diễn ngay dưới các tán cây rậm rịt. Chưa đã, các thủ trưởng triệu về lán riêng của từng vị, vừa ăn cháo gà, uống sữa, mút kẹo sôcôla, vừa hát, vừa nói chuyện cười đùa cứ như là lễ tết. Chính nhờ những ngày đó mà bọn tui, nghĩa là hắn và tui mới gặp Thõn. Thật bất ngờ khi thấy Thõn đã trở thành diễn viên múa của đoàn văn công Mặt trận. Cái đoàn múa hát này được thành lập mới tròn ba tháng mà coi hấp dẫn hơn cả văn công Tổng cục. Ấy là các thủ trưởng Bộ Tư lệnh tự khen thế. Người xưa vẫn nói, con hát mẹ khen hay mà.Và các vị thủ trưởng tự hào với đám muá hát này lắm. Họ không gọi đoàn văn công, cũng không kêu bằng đoàn nghệ thuật ca múa, mà là đám múa hát. Gọi thế nó nhanh gọn, nó dân dã mà thân tình như bố mẹ gọi tên con bằng thằng cu, cái đĩ. Các vị thủ trưởng bảo thế.
Hắn và Thõn nhận ra nhau ngay từ buổi biểu diễn ra mắt trong hang lớn. Cả hai cùng hét to lên ngay ở cửa hang nơi có rất đông người, bọn hắn cứ làm như thể đây là chợ quê ở làng Cau khiến mọi người xung quanh ngơ ngác, rồi tất cả phá lên cười, nửa như thông cảm nửa như thương hại. Nhưng hắn đâu có để ý. Đã bảo hắn là thằng ngố mà. Chỉ có tui là xấu hổ đến đỏ gay cả mặt. Cũng may chẳng ai nhìn thấy tui. Tui rúc đầu trốn kĩ trong bụng hắn.
Hắn là thằng ngố, đại ngố, tui khẳng định như vậy. Nhưng nếu chỉ ngố thôi thì có lẽ cũng chẳng đến nỗi nào. Người đời thường nói, khôn cho người ta hãi dại cho người ta thương. Đằng này hắn không cam phận dại khờ, lại còn liều lĩnh, lại kèm thêm tí gian mãnh nữa. Đấy là nói riêng về chuyện yêu đương của hắn và Thõn. Gặp nhau lần đầu ở cửa hang nơi tổ chức buổi biểu diễn mừng công toàn Bộ Tư lệnh, gặp nhau lần thứ hai khi Thõn được đích danh Tham mưu trưởng mời về lán riêng để ăn cháo gà và mút kẹo sôcôla. Đó là một buổi tối rất đặc biêt, có thế nói là do đức Phật sắp đặt. Bởi vì cho dù đoàn văn công Mặt trận được thành lập hơn ba tháng rồi, nhưng vì họ là quân của Cục Chính trị nên Tham mưu trưởng chưa hề quen biết ai cả. Riêng với Thõn, tuy là đồng hương nhưng Tấn đi khỏi làng từ khi Thõn còn chưa sinh ra, thành thử cả hai chẳng ai biết ai. Bỗng dưng đêm nay, ở tận miệt rừng ngàn xa hun hút này, trước giờ phút thiêng liêng của những con người sắp xả thân nơi trận mạc, bất ngờ có đến ba người nhận ra nhau là đồng hương, lại còn cả tình cảm chú cháu nữa..Có ai tưởng tượng được họ vui sướng thế nào không? Họ gặm xương gà và uống rượu Nếp mới. Chú Tấn uống nhiều đã đành, cô gái văn công ẻo lả cũng liên tục cụng li. Còn hắn, thân phận chỉ là thằng cần vụ đáng ra chỉ nên đứng hầu bên cạnh thì cũng chồm người lên bàn vừa rót rượu cho thủ trưởng vừa tự rót cho mình rồi cụng cái cốp qua li cô bạn gái. Tui cứ giật thót cả người nhưng chẳng thể nào can ngăn hắn được. Thế rồi bắt đầu hát. Lúc đầu, vị thủ trưởng cất giọng đơn ca: Trên đường ta qua không một dấu chân người, có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác. Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát, ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi... Cái giọng của Tham mưu trưởng có lẽ cũng chẳng đến nỗi nào, nhưng vì rượu Nếp mới nặng đô quá nên cổ họng trở thành khê đặc và lời ca thỉnh thoảng lại hụt hơi nấc lên, nghe như thể vừa khóc vừa hát. Tuy nhiên chẳng vì thế mà giảm đi niềm cảm hứng. Cảm hứng là thứ dễ lây.Vì thế mà Thõn cũng bắt đầu lắc lư hát theo như lên đồng. Trường Sơn Trường Sơn ơi, đèo vút cao vượt qua mây núi, đạp nát đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân...Bây giờ thì đến lượt hắn hát theo. Nói đúng ra, hắn chỉ hoạ theo bằng cách lấy chiếc đũa gõ vào miệng bát men và lắc lư cái đầu bờm xờm tóc. Từ xưa tới nay, hắn không thuộc lấy được một câu hát nào. Hắn chưa từng hát. Say. Không biết say rượu, say hát hay say thứ gì, nhưng cả ba đều đã say. Tấn choàng tay ôm ghì lấy Thõn, Thõn cũng khoác tay ra đằng sau lưng để ôm lấy cái vòng bụng quá cỡ của chú Tấn, còn lại hai tay, họ bắt chước hắn vớ lấy mấy chiếc thìa gõ chan chát vào miệng chiếc soong cháo gà. Cứ thế hát. Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió, trời vắng trăng sao nhưng tim ta rực lửa, đi ta đi tung cánh đại bàng...
Sau lần gặp thứ hai đó, hắn bỗng trở nên liều lạc. Hắn chủ động hẹn Thõn ra một con suối vắng. Ngày hôm đó chú Tấn bận họp trên Bộ Tư lệnh. Hắn chỉ loay hoay lo cho tròn tất cả những thao tác buổi sáng, sau đó hoàn toàn rảnh rỗi. Còn bên đoàn văn công, chỉ có bộ phận ca và nhạc là tập bài mới, còn lại cũng được nghỉ. Đúng là người tính không bằng trời tính.
*
- Em nhập ngũ được mấy tháng rồi?
- Bữa ni nữa là...hơn ba tháng.
- Nhớ nhà không?
- Không.
- Ủa, người chi hay rứa?
- À, có sơ sơ thôi, ở nhà có còn ai đâu mà nhớ. Con Thẽn nó cũng đi biệt phái rồi.
- Đi biệt phái là đi cái chi?
- Em cũng chẳng biết nữa. Lúc đầu khi đoàn văn công về tuyển, em rủ hắn cùng đi cho có chị có em, hắn bĩu môi ra vẻ khinh bỉ. Cái hôm em được báo trúng tuyển, mừng quýnh lên chạy về định khoe với nó, không ngờ nó lại khoe trước, tao cũng trúng rồi. Mi tuyển đoàn nào? Không, tao không đi văn công, tao đi biệt phái. Biệt phái là cái chi? Là làm cán bộ chỉ huy...Thì ra hắn có máu làm cán bộ. Em thì khác, em chỉ ham vui thôi..
Đoạn suối nơi họ ngồi lòng suối mở ra khá rộng nhưng nước lại cạn, có thể đếm được tất cả những viên cuội đủ màu sắc ở dưới đáy. Bờ suối rất nhiều đá xếp chèn lên nhau như bầy nghé nằm nghỉ. Họ chọn một viên phẳng trơn nhất để ngồi. Một cây bộp lá to, tán rộng choàng ra che kín trên đầu họ.
- Làm răng em biết có văn công tuyển người, hay họ về tận làng mình tuyển ?
- Không, họ tuyển trên Phòng Văn hoá. Mãi đến ngày thứ ba thì mấy thím bán cá trên chợ về kháo chuyện em
mới biết. Tức muốn khóc được. Cái làng mình biệt lập quá, suýt nữa thì em mất cơ hội.
- Rứa người tuyển có đông không?
- Cả huyện có mười một người dự tuyển..
- Ít hè. Rứa được mấy người trúng?
- Chín.
- Há? Mười một người tuyển mà trúng đến chín, văn công cái kiểu chi..
Cả hai đều cười. Cười vui sướng, cười mãn nguyện và cũng có phần hài hước nữa.
- Lúc đầu em cũng tức cười lắm. Cái con Thung con thím Rọ anh có nhớ không, nó lùn tịt, mập ú mà cũng trúng tuyển. Rồi cái Loan, Loan cà cưỡng ấy, tay thì lèo khèo, chân lại vòng kiềng..
- Răng? Con Loan cũng tuyển được à?
- Rứa mới nói...tức cười chết đi được.
- Nhưng mấy hôm nay anh có gặp tụi nó đâu..
- Đâu nữa mà gặp. Là em kể dạo mới tuyển kia. Khi bọn em tập trung, cả đoàn có tới trên tám mươi người, trông mà khiếp. Sau mười ngày huấn luyện cấp trên mới loại dần ra. Số cho đi làm cấp dưỡng nuôi quân, số được đi học y tá, có mấy con tuy hơi lùn và mập nhưng mặt mày sáng sủa như kiểu con Thung được điêù lên làm văn thư bảo mật...Người thôn mình trong đoàn giờ chỉ còn em và anh Bang.
- Bang nào?
Thõn nhoẻn cười rất tươi tắn:
- Bang tức là Báng, con ông Sụt đó.
Hắn kêu to lên:
- Ối, cái thằng cha ba bớp đó mà lại được làm múa hát ư? Hồi trước chuyên trị trộm chó...
- Chính nhờ tài tháo vát nớ đó anh ơi, bữa ni anh ta có thớ lắm, lên chức Tổ trưởng tổ Hậu đài Hành chính rồi, quát lác chỉ huy như tể tướng ấy..
Hắn lắc đầu cười rồi quay lại nịnh :
- Mình đi coi thấy cả đoàn chỉ có Thõn là đáng mặt văn công thôi.
- Úi, không phải đâu, nhiều người giỏi lắm, nhất là thầy Phụng...
- Nhạc sĩ à?
- Không, nhà thơ..
Hắn lại ngớ mặt ra:
- Nhà thơ? Em có lộn không đó, nhà thơ răng lại ở văn công?
Thõn hơi nhăn mũi lại, nguýt nhẹ một cái:
- Anh chả biết gì cả. Thầy Phụng là giáo sư đó, có thớ lắm, cả cái Cục Chính trị này ai cũng nể. Chuyện chi trên đời cũng thông thạo hết. Mà nói chuyện mê không chịu được.
Khuôn mặt hắn bỗng như tối sầm lại, giọng lạc đi:
- Em cũng mê à?
Cái thằng đúng là ngố, mà quê một cục nữa. Tui phải nhắc hắn, cái đám này là văn nghệ sĩ, chuyện mê nhau là rất bình thường, chưa chi mà mi dở máu ghen là mất cả chì lẫn chài đó. Hắn nín lặng thở dài.
- Anh Quả làm sao vậy?
- À, có sao đâu...
Cũng may Thõn là người vô tư, chẳng có chút để ý gì. Cô vẫn thao thao kể:
- Thầy Phụng là người dưới thành phố, rất có uy với sinh viên học sinh. Vì viết báo, làm thơ yêu nước, chống đối lại chế độ nên bị truy bắt phải nhảy rừng. Cục Chính trị Mặt trận bố trí về đoàn, phụ trách tổ trưởng tổ chuyên môn, chủ yếu làm thơ...
Mặt hắn càng nhăn lại:
- Nhưng...đây là đoàn múa hát thì làm thơ làm chi?
- Anh đúng là chả hiểu chi chuyên môn nghệ thuật cả. Thầy làm ra thơ, bài thì diễn viên ngâm, bài thì nhạc sĩ phổ thành bài hát... Có khi mấy chú biên đạo múa lấy ý của một bài thơ để dựng nên điệu múa, anh hiểu không ?
Hắn cười một cách thật thà
- Không hiểu chi cả. Tóm lại nghệ thuật các cô là chúa phức tạp, không hiểu được...
Chuyện cứ vậy mà dây cà rê ra dây muống, hết kể về trò múa hát lại ôn những kỷ niệm thủa con nít ở làng Cau. Sau đó, không biết do ai chủ động, họ ngồi sít lại bên nhau, rồi choàng tay lên vai nhau, rồi ôm chặt lấy nhau. Họ ngồi vậy khá lâu mà không ai nói thêm câu gì, rồi bất ngờ giọng nói của Thõn nhỏ hẳn lại như tiếng thở :
- Mấy tháng nữa thì tết, anh?
- Hơn hai tháng... bữa ni mới cuối tháng mười âm.
Thõn xoay mặt lại nhìn hắn môi nhoẻn một nụ cười rất tươi :
- Bữa ni anh Quả giỏi ha, ngày âm lịch mà cũng nhớ vanh vách.
Hắn thật thà :
- Giỏi gì đâu. Tại vì Tham mưu trưởng rất hay nhắc đến ngày âm, đặc biệt là tết Nguyên Đán. Hình như các thủ trưởng đang tính chuyện chi đó liên quan đến tết... Mà này, tại răng tự nhiên Thõn cũng hỏi đến tết?..
Có một tiếng thở dài rất khẽ:
- Thì... cũng hỏi lung tung rứa thôi...
Vòng tay của hắn xiết chặt hơn, giọng hắn cũng nhỏ hẳn lại :
- Rứa mà lại bảo không nhớ nhà...
*
Nhân chứng và thủ phạm thứ hai
Không, mình vô can. Thậm chí cả việc làm nhân chứng mình cũng không thể. Đơn giản mình chỉ là một người yêu nước. Mình chỉ biết căm thù quân ngoại bang. Mình muốn từ lá cây ngọn cỏ quê hương này chỉ thấm đẫm thơ ca nhạc hoạ như Nguyễn Trãi từng mơ ước. Mình chỉ biết yêu hoà bình. Mình có thể hát trăm bài nhạc Trịnh để cầu chúc hoà bình. Nếu các vị cần, mình có thể dẫn cho các vị một trăm trang sử chứng minh cho khát vọng độc lập của dân tộc này, một nghìn điển tích về tấm gương trung quân báo quốc, vân vân, còn bảo làm chứng cái chuyện ấy, xin lỗi, cứ coi như thằng Phụng này mắt đui, tai điếc.
Tất nhiên, cái buổi sáng đó, cha Tấn có gặp mình. Nhưng chuyện này rất ngẫu nhiên. Mình không biết gì về chuyện cô Thõn đã ra suối với cha gì đó mà cha gì đó vừa kể. Hơn nữa, cha Tấn qua bên Cục Chính trị là để thăm anh chị em văn công. Mình thấy các cha lãnh đạo mà có tấm lòng quan tâm đến anh em văn nghệ như vậy là tốt. Vì vậy mà mình quý các cha ấy. Cái buổi sáng đó, đoàn chỉ có bộ phận ca và nhạc tập bài mới, các bộ phận khác nghỉ tự do. Các cha phụ trách đoàn cũng biến đâu hết. Thành thử mình phải tiếp. Sau một hồi lâu, cha Bang, Tổ trưởng Hành chính Hậu đài mới về. Chuyện đơn giản có vậy. Mình không ngờ cha Tấn làm công việc tham mưu tác chiến mà có máu thơ văn đến vậy. Ở đây không bàn đến chuyện thơ hay hay dở, ngay các cha tự xưng là nhà thơ nhà thiếc này nọ mà thơ phú có ra cái quái gì, vấn đề là con người biết yêu văn chương là con người có tâm hồn đẹp. Làm cộng sản hay làm gì thì trước hết con người phải có tấm lòng, có trái tim biết rung cảm. Mình tin những người biết yêu văn chương là những người thiện, không thể làm điều ác được. Nói đâu xa, ngay các cha bên Cục Chính trị, tiếng là làm công tác tư tưởng nhưng có khi nào, có cha nào chịu ngồi nghe hết một bài thơ đâu. Thế nên mình rất có cảm tình với cha Tấn. Chẳng lẽ như thế là sai ?
Thế rồi cha Tấn rủ mình đến chiều ghé qua bên chỗ cha ấy chơi, cha cũng có mấy bài thơ, cha nói buồn thì làm cho nó khuây khoả chứ không chắc đã thành thơ. Nói như vậy là biết người, biết của. Cái thời buổi đó, với loại cán bộ công nông chính hiệu đó mà nói là buồn và làm thơ cho khuây khỏa thì thú vị còn gì bằng. Đáng kết bạn tâm giao lắm chứ. Cha lại bảo, bên cha có rượu Nếp mới, chao ôi rượu nếp, nghe nói thôi mình đã muốn nhảy lên mà ca một khúc nhạc Trịnh rồi. Rồi cha nói, nếu có cháu nào ham vui bảo qua nghe thơ, hát hò cho vui. Đến đó thì mình cũng hơi băn khoăn, biết "cháu" nào dám qua chơi với Tham mưu trưởng. Thấy mình nhíu mày, cha cười xuề xòa, bảo: " Đứa nào thích thì cứ cho chúng nó đi, đừng ngại chi hết. Hôm trước, con bé Thõn qua ăn cháo gà hò hát suốt cả buổi đó, vui không tả được". À, thế là mình hiểu, ý cha muốn bảo cô Thõn đi. Thì có sao đâu. Làm cách mạng cũng phải biết vui chứ. Thế nên chiều tối đó mình bảo Thõn cùng đi với mình. Chuyện đơn giản có vậy. Còn về sau, Thõn có qua lại nữa không, bao nhiêu lần, mình không biết. Mà giả sử biết mình cũng mặc kệ. Mình chỉ biết yêu nước, căm thù quân ngoại bang. Còn chuyện nam nữ yêu đương nhau, mình cho là mặc kệ người ta. Đã đi đánh giặc được thì tức là có thể dám làm bất cứ điều gì. Thời buổi binh đao loạn lạc ấy mà làm tròn được bổn phận một công dân yêu nước để không hổ thẹn với nòi giống tổ tiên là xứng đáng sống rồi, không thể bắt mình làm bố kẻ khác được.
*
Nhân chứng và thủ phạm thứ ba.
Tên tôi là Bang, lý lịch quân nhân ghi hẳn hoi như thế chứ không có chuyện báng với bổ như lũ mất nết ấy nói bậy đâu.
Tôi thừa nhận là tôi có có ý đồ. Nhưng không phải ý đồ hại người khác. Tại sao tôi phải hại họ? Mà cái thứ cán bộ quèn gần sát thứ dân như tôi dù có mưu đồ xấu đi chăng nữa thì hại sao nổi cỡ quan đại bự ấy. Cho nên tôi nói có ý đồ tức là ý đồ có lợi cho bản thân tôi. Như vậy có gì không đúng. Các vị tự soi lại mình thử coi, hãy thật thà mà tự nói ra đi, suốt cuộc đời các vị có ai là không mưu lợi cho bản thân mình.
Sáng đó tôi chạy lăng quăng qua bên Cục Hậu cần. Để làm gì ư? Để xin xỏ. Xin xỏ là nghề nghiệp, là chức trách mà cũng là tài năng riêng của tôi, nếu không làm được chuyện đó thử hỏi làm sao tôi tồn tại được ở cái đoàn múa hát này chứ đừng nói là giữ chức Tổ trưởng Hành chính - Hậu đài nữa. Tôi xin bất cứ cái gì có thể. Khi thì lương khô, khi thì sữa bột, hoặc thêm vài cái tăng, võng, hoặc vài bánh xà phòng thơm Trung Quốc dành riêng cho chị em. Ở đoàn hát múa này, đám con gái gọi tôi bằng bố, con trai thì lại gọi mẹ. Là bố mẹ thì phải biết lo lắng cho đám con. Có kẻ ác miệng nói rằng, tôi lo cho đám ấy thực chất là lo cho chính mình. Toàn là miệng lưỡi lũ mất dạy. Nhưng không sao, cứ cho là như thế thì cũng có chi không thỏa đáng. Toàn đoàn vui vẻ, khoẻ mạnh đương nhiên cá nhân tôi cũng có vị trí vững chắc. Cả hai bên đều có lợi, rất chi công bằng.
Tuy nhiên sáng đó cuộc xuất hành của tôi thất bại vì cái thằng bạn "nội gián" của tôi bên Cục Hậu cần đi vắng. Không kiếm chác được gì nên tôi quay về sớm. Vì thế mà gặp Tham mưu trưởng. Tôi thấy ông đang cười nói gì đó với lão "giáo sư" Phụng, có vẻ tâm đắc lắm, cứ như bạn bè. Tất nhiên là tôi khó chịu. Tại sao cấp trên lại chơi thân với loại người tiểu tư sản đó. Tôi, dù sao cũng là con nhà cách mạng nòi, tuy gia đình tôi chẳng ai làm gì nhưng quê tôi là quê cách mạng, gia đình tôi là bần cố nông, lẽ đương nhiên tôi phải là cái gốc của cách mạng. Tôi nói thế có đúng không? Tuy bực mình nhưng tôi là kẻ khôn ngoan, không để lộ ra một biểu hiện gì. Tôi nở nụ cười rất tươi và cất tiếng chào dõng dạc: - Chào thủ trưởng! - Ông Tấn quay lại: Cậu là?... - Dạ, em là Bang, tổ trưởng hậu đài hành chính của đoàn... À, thế hả, hay quá, ngồi đây chơi... Cảm ơn thủ trưởng, để em đi lấy trà ngon mời thủ trưởng. Ông tỏ ra ngạc nhiên: Đây cũng có trà ngon? Vâng, cũng nhờ các thủ trưởng thương, hôm biểu diễn Đại hội mừng công xong, các thủ trưởng cho mấy gói Hồng Đào...Ồ, chè Hồng Đào là hảo hạng đấy... Tôi lại cười rất tươi và chạy đi luôn. Tôi lấy chè pha vào chiếc ca men, xong kiếm cớ có chút việc rời khỏi chỗ đó. Con người ta phải biết giới hạn, đừng tưởng bở quá đà có khi mang vạ, đúng không? Cho nên thực chất tôi vẫn không biết cái cặp ấy, một nhà cách mạng sừng sỏ với một kẻ chưa chắc đã là cách mạng, nói với nhau những gì. Tôi không biết gì hết.
Tôi thú nhận, nói không biết không có nghĩa là tôi không muốn biết. Ngược lại, cả đời tôi, tôi không chịu được khi có chuyện gì đó đáng ra phải biết mà mình vẫn chưa biết. Vì vậy, tuy bỏ đi nhưng mắt tôi vẫn để ý, không nghe được câu chuyện nhưng vẫn cố nhìn mặt họ để dò đoán nội dung. Đến chiều hôm đó, khi thấy cái lão "giáo sư" đó dẫn theo con bé Thõn ra đi, vẻ mặt tung tẩy, tôi không thể không bám theo. Chẳng lẽ thế là sai? Tôi là người quản lý hành chính đơn vị kia mà. Thế nếu lỡ ra hai đứa đó bàn chuyện phản động, gián điệp hay bỏ trốn về đồng bằng thì sao. Cho đến giờ tôi vẫn khẳng định sự đúng đắn và sáng suốt của mình.
Cả hai đứa hắn vào lán Tham mưu trưởng. Lúc đó có thằng Quả cần vụ. Tôi dừng lại nấp vào một bụi rậm phía ngoài lán . Tuy không nghe rõ lời nhưng qua quan sát, tôi biết họ chào hỏi nhau vui vẻ. Rồi họ rót rượu. Sau đó tôi thấy tham mưu trưởng mở ra một cuốn sổ tay, đưa cao lên đọc cái gì đó. Lão "giáo sư" lim dim mắt gật gù... Lúc này thì tôi thấy chán vì biết chắc rằng chẳng có chuyện gì quan trọng. Thật mất công tốn sức bám theo. Nán thêm một tẹo nữa tôi quyết định quay về, thì bất ngờ, tôi thấy Tham mưu trưởng gọi thằng Quả bảo cái gì đó. Thằng cần vụ kiêm liên lạc ấy dập gót chân đứng nghiêm. Rồi nó nhanh nhẹn quay qua hầm bên, choàng khẩu súng AK, quàng thêm túi lựu đạn nữa, lại khoác tấm dù ngụy trang rồi chạy nhanh ra ngoài. Nó đi đâu? Cái kiểu mang vác như vậy tức là đi khá xa, không phải chỉ chạy quàng qua bên Ban này Ban nọ. Có nhiệm vụ chi khẩn cấp lúc này nhỉ? Mà nếu có nhiệm vụ gì đột xuất, khẩn trương thì vẻ mặt người chỉ huy phải khác chứ. Đằng này, sau khi Quả chạy đi, Tham mưu trưởng vẫn đưa cao cuốn sổ lên ê a cái gì đó. Lão "giáo sư" vẫn tiếp tục gật gù. Rồi rượu lại rót tràn li, và cụng... Có một chớp loé trong đầu tôi. Mãi sau này tôi vẫn không ngờ được mình lại là người thông minh đến vậy, nhanh nhạy đến vậy. Nói thật, tôi là kẻ sinh bất phùng thời, đáng ra tôi phải trở thành kẻ nổi tiếng mới xứng.
Thế là tôi quyết định nán lại. Kiên trì bám trụ. Cho đến khi lão "giáo sư" ngất ngưởng ra về, mồm nghêu ngao cái khúc hát run rẩy của cái lão gì đó mà cha "giáo sư" ấy cứ nhập tâm như thể con chiên tụng kinh thánh. Cái chớp lóe trong đầu tôi lúc nãy bây giờ thì bừng sáng. Tôi đoán quả thật không sai. Cái vị thủ trưởng oai phong lẫm liệt ấy đã ôm ghì lấy con Thõn. Mà cái con trời đánh ấy không hề có chút gì gọi là kháng cự. Ngồi ngoài xa tôi cũng có thể cảm nhận được cái thân thể của hắn mềm nhừ.
Vì sao lúc đó tôi lại bước vào ư? Thú thật ngay giây phút đó chính tôi cũng không sao giải thích được. Trong đời tôi có rất nhiều việc mà ngay tức thời tôi không ý thức được hành động của mình. Tôi hành động như có ma xui khiến, tuy nhiên chỉ sau đó một tẹo thôi tôi tự nhận thấy mình quả thật thông minh. Tôi cất tiếng " báo cáo thủ trưởng" rồi liền theo đó là "ối, em xin lỗi"... Dĩ nhiên cả hai con người đó lập tức cứng đờ ra như hai khúc gỗ. Ngay từ giây phút đó, tôi đã ý thức được vị thế mới của mình, không những với cô diễn viên hạng nhất trong đoàn mà còn với cả vị chỉ huy cao cấp trên Mặt trận nữa. Sáng hôm sau và nhiều ngày sau đó nữa, tôi lúc nào cũng tỏ ra vô tư, tuyệt nhiên không có một biểu hiện gì. Chỉ cần một tuần lễ yên bình trôi qua, tôi đã nhìn thấy thành quả. Tham mưu trưởng lại đến thăm đoàn, ông chào chung mọi người một câu rồi nháy mắt gọi tôi ra ngoài lán. Tôi chạy ra nhanh nhẹn, cố làm bộ mặt vô tư, không cười cợt mà cũng không xoi mói. Thủ trưởng nhìn găm vào tôi, giọng nói đầy uy lực.
- Mình nghe các anh bên tuyên huấn khen cậu nhanh nhẹn lắm.
- Dạ, các thủ trưởng động viên bọn em mà...
- Nhưng mình cũng thấy vậy. Cái đoàn này mà có được người như cậu là thuận lợi đấy.
- Dạ, cám ơn thủ trưởng, em hứa sẽ cố gắng hơn nữa..
- Tốt. Mình có trao đổi với mấy cậu tuyên huấn nên đề bạt cậu lên đoàn phó... Cậu phải cố gắng công tác đừng phụ sự tin cậy của các thủ trưởng đấy.
- Báo cáo rõ !
Hết. Tôi chỉ biết có vậy, sau đó tôi không biết gì nữa, tức là tôi cố tình không biết . Vì sao ư? Vì tôi nghĩ rằng cái gì cũng có chừng mực, được nước mà cứ làm tới là toi. Và vì tôi đã hiểu " đừng phụ sự tin cậy của các thủ trưởng" nghĩa là thế nào.
*
Trở lại nhân chứng thứ nhất.
Lần đi chơi đầu tiên có thể coi như khúc nhạc dạo đầu của một màn múa. Đến lần thứ hai, tức là buổi sáng sau cái chiều mà Thõn được thầy Phụng rủ lên lán Tham mưu trưởng nghe thơ, chính Thõn đã chủ động hẹn hắn. Đương nhiên là hắn đi ngay. Dạo này Bộ Tư lệnh họp liên miên. Thủ trưởng càng bận thì cần vụ càng thoải mái. Lần này hai đứa không ngồi một chỗ trên đá như hôm trước mà dắt tay nhau lội dọc khe nước. Đi thế để làm gì cả hai đều không ý thức được. Có lẽ là ma xui bọn hắn. Đến đoạn nước sâu cả hai phải men theo mép suối mà đi. Cứ dẫm lên những viên cuội trơn nhẫy mà rón rén từng bước. Thế rồi Thõn trượt chân. Hắn vội đỡ lấy, ôm ngang eo lưng dìu lên một phiến đá. Quần và nửa thân áo của Thõn ướt sũng. Thế là ma lại tiếp tục xui hắn, chứ không phải tui... Tui là kẻ vô tri, tui tuyệt nhiên không có những thèm khát như hắn. Không những tui không xui mà còn quá bất ngờ trước hành động của hắn. Lạy Phật, bọn mình là con Phật mà, ai lại làm thế. Tui đã kêu lên với hắn như vậy, nhưng hắn đâu có để tâm.
Đó, cho nên tui nói hắn không chỉ có dại mà còn liều và ma mãnh nữa. Đêm đó hắn nhớ lại chuyện buổi sáng, tủm tỉm một mình rồi thầm thì hỏi tui, vì sao Thõn cho hắn sờ mó dễ dàng đến vậy. Lúc đầu hắn run lắm. Hắn chỉ thử liều khoác tay lên vai em, làm giống như thủ trưởng Tấn đã làm cái hôm cùng hát ở lán Tham mưu trưởng. Sau đó một tẹo thấy em chẳng nói gì, người em có vẻ như nóng lên, hắn mới sít vòng tay vào nách... Một tẹo nữa, hắn đưa tay phía trước lên giả vờ vô tình chạm lên ngực em, thấy em hơi ngoảnh mặt đi nhìn hướng khác, hắn dừng bàn tay lại chỗ đó. Ngực em phập phồng trong lớp áo vải dày màu xanh, cổ áo gấp chéo hở toang hoác. Hắn lách tay vào trong lớp áo dày ấy, lại gặp lớp áo dệt kim rất mỏng. Dù mỏng nhưng cũng là vải chẳng sướng chút nào, thế là hắn lại lách năm ngón tay vào bên trong áo lót, lại cạy cả chiếc nắp bịt ngực ra, hắn bóp. Em hơi khẽ nhăn mặt một tý nhưng lại cười. Thế nên hắn càng tự tin, dùng cả bàn tay lộn cái nắp bịt kia ra, phanh cả núm vú hồng tím ra giữa ánh sáng mặt trời để nhìn. Chưa thật đã, hắn vục đầu vào ngậm lấy cái núm đó mà mút. Em ré lên cười ngặt nghẽo.
Hắn cứ thầm thì một mình, răng em lại dễ rứa hè, hay em quá yêu tôi ? Tui muốn kêu lên, không, tui muốn chưởi cho hắn một trận. Răng trên đời này có kẻ ngu si đến vậy. Răng hắn không biết được rằng, trước hắn đã có kẻ khỏa chân khuấy bùn cái lòng suối mà hắn tưởng vẫn trong ngăn ngắt ấy. Ai ư, còn ai ngoài bức tượng mà hắn luôn lau chùi thờ phụng đó. Nhưng rồi tui không nói gì, tui giận hắn, tui căm hắn vì bỗng nhiên nhận ra, dù răng thì hắn cũng đã được hơn tui quá nhiều, hắn đã được nếm mùi đời rồi, có chết cũng thỏa. Còn tui, mãi mãi vẫn ở trong bóng tối. Vậy thì khôn ngoan để làm chi, râu dài để làm chi? Thế nên tui hận hắn mà không thèm nói cho hắn biết, rằng từ hôm đó, hắn đã bắt đầu đùa với cọp.
Trước tết âm lịch năm đó, cả khu đại ngàn nơi Mặt trận BZ đóng quân vẫn im lìm trong những đợt mưa rỉ rắc. Nếu ai đó ngoài cuộc đến đây sẽ chẳng thấy có chuyện gì đặc biệt cả. Nhưng người trong cuộc lại thấy rất rõ, có cái gì đó rất không bình thường đang âm thầm chuyển động. Sự chuyển động càng lúc càng khẩn trương, dữ dội, có thể ví như cái bào thai đã gần ngày đạp bụng chui ra ngoài. Trong từng con người cũng vậy. Cả Tấn, cả Thõn và hắn đều tự thấy có chuyện chi đó rất không bình thường. Thõn tránh gặp hắn, hắn ngại nhìn thẳng vào mặt người chú, còn Tham mưu trưởng thì bỗng nhiên trở tính, hay cau có, càu nhàu cho dù các thao tác phục dịch của đứa cháu cần vụ vẫn nhanh nhẩu và chính xác. Cách tết Nguyên đán khoảng ba tuần, bất ngờ có tiếng sấm. Nhớ lại hồi trước dân làng Cau nói, năm nào dông sớm sẽ mất mùa trên cạn. Sấm chuyển rầm rì đâu đó xa xa rồi bất ngờ nghe uỳnh một cái trên đầu. Lại nghe nói mỗi lần có sấm ai nấp dưới những tán cây rậm rịt sẽ rất nguy hiểm. Nhưng giữa rừng đại ngàn thế này thì còn biết tránh né vào đâu.
Chẳng né tránh vào đâu được nên cái gì đến rồi nó phải đến. Trong một buổi chiều rầm rì cơn giông như thế, bất ngờ Tham mưu trưởng cho gọi hắn. Theo thói quen hắn nhào vào rất lanh lợi, đứng nghiêm chờ lệnh.
Tấn khẽ đưa mắt nhìn hắn một tí, có cái gì đó hơi căng thẳng. Hắn thấy tim mình nhảy đùm đụp. Bất ngờ người chú kính yêu nở nụ cười, hai mắt khẽ lim dim.
- Cháu nhập ngũ được mấy tháng rồi?
Hắn hơi run:
- Dạ... thưa chú gần năm tháng..
- Ừ... ở đây với chú cháu thấy thế nào?
- Thưa chú... được chú thay cha dạy dỗ cháu rất chi là... may mắn ạ
Người chú bỗng thở dài :
- Thì chú cũng như cha mà... không lo mọi sự cho cháu, chú còn biết ăn nói làm sao với vong linh cha cháu.
Hắn thật sự cảm kích, mắt rơm rớm nước. Chú Tấn bất ngờ ngồi thẳng người dậy, nói như hạ đạt mệnh lệnh.
- Này, cháu nghe đây, mặt trận sắp sửa bước vào một chiến dịch lớn chưa từng thấy. Đây là một phen sống mái với kẻ thù. Chẳng biết vài hôm nữa, chú cháu mình ai còn ai mất..
- Kìa chú... Hắn bỗng thấy ớn lạnh sống lưng.
- Sao thế, sợ à? Tấn ngước lên nhìn hắn nghiêm khắc. Hắn hốt hoảng:
- Không ạ.
- Hừ, làm thằng lính cách mạng thì dù cái chết đã kề cổ vẫn không được biểu hiện sự hoang mang, rõ chưa?
- Dạ...
- Tuy nhiên, có một việc mà chú thấy không được yên tâm lắm... Nếu một mai chú có làm sao mà cháu vẫn thế này thì chú rất ân hận với cha cháu. - Ngừng lại một tí cốt để cho đứa cháu không được thông minh kia có đủ thì giờ ngẫm nghĩ, rồi tiếp tục, vẫn với cái giọng nửa như mệnh lệnh nửa lại bùi ngùi - Chú nghĩ là... đã đến lúc phải lo chuyện vợ con cho cháu.
Hình như lại có tiếng sấm nổ trên đầu, hay ít ra hắn cảm thấy thế. Hắn không sao dò đoán được cái ý nghĩa sâu hun hút phía sau chỉ thị kia của người chú uy danh lừng lẫy. Hắn đành đứng trơ khấc ra như cây bị sét đánh. Bất ngờ ngưòi chú ngẩng phắt dậy nhìn chiếu tướng vào hắn.
- Này, chú hỏi thực, cháu thấy con bé Thõn thế nào?
Hắn rụng rời tay chân. Hai đầu gối run bần bật, cả hai hàm răng cũng run. May thay chú Tấn bỗng phá lên cười, cười to, thoải mái :
- Làm chi mà nhát gái thế... Chú nói thiệt, con bé ấy được đó chớ. Lại cùng xóm cùng làng nữa... Nếu cháu đồng ý thì chú tổ chức cưới cho. Cưới ngay tại đây, cưới ngay trước chiến dịch... Suy nghĩ mau mau đi rồi nói cho chú biết hí.
Đến đó thì hắn không làm chủ đôi chân được nữa, hai đầu gối rung lên như bị sốt rét, như bị động kinh. Hắn run một cách thê thảm. Nhưng không phải vì sợ mà vì quá sung sướng, quá bất ngờ, còn hơn cả đào được kho vàng.
Không phải chỉ có hắn bất ngờ mà bản thân Thõn cũng không sao lường được sự việc lại xoay theo chiều hướng đó. Thõn không phải loại con gái ngố, thậm chí còn có thể gọi là thông minh, đó là điều cô ấy khác hẳn hắn. Cũng không phải là loại đàn bà vụ lợi, rắp tâm chui sâu trèo cao quyết bám chắc vào kẻ có quyền thế. Không, mọi người đừng vội quy oan cho cô ấy mà tội nghiệp, ít nhất là vào thời điểm ấy. Vào thời điểm ấy, loại con gái nhà quê đậm đặc, mà lại là cái quê biệt lập như thôn Bàu thủy đọng thì đầu óc đám con gái mới lớn như Thõn chẳng có chi để suy nghĩ nhiều. Mấy cái từ vụ lợi, cơ hội là của các ông các bà thời nay, đừng đem nhét vào đầu óc trắng trong của lớp hồi ấy mà phải tội. Đúng là Thõn lúc ấy rất trắng trong, tui xin thề đấy, trắng như một cánh hoa dại giữa rừng, trong như con suối đầu nguồn nơi mà đại bản doanh Mặt trận BZ đóng quân, nơi mà buổi sáng thằng Quả hẹn cô ra để vuốt ve, sờ mó, buổi chiều, lúc mặt trời sắp trốn vào những chóp núi xa xăm thì chú Tấn lại đưa cô ra để tâm sự tỉ tê về cái làng quê mơ hồ như là truyện cổ tích. Một đứa con gái ở cái nơi ao tù nước đọng bịt bùng quanh năm, nay bỗng dưng như được lên thiên đàng, suốt ngày lâng lâng, suốt đêm phập phồng mơ tưởng. Thõn như đang tan chảy, như đang bốc hơi, cái cơ thể thon thả nõn nà ấy ngày nào cũng được vỗ về, nhào nặn để lên men và được chưng cất thành cái thứ làm cho đàn ông say mèm.
Khi đã say mèm thì cái sự tỉnh lại không thể ngay lập tức như người ta tỉnh dậy sau một giấc ngủ no nê, yên lành, mà nó cứ mơ màng và ê ẩm, đầu óc u u minh minh, thêm chút gì đó của sự bần thần, nỗi thảng thốt lo âu. Có phải vậy không hỡi các con ma rượu? Thế nên cái sự tỉnh lại của Thõn được bắt đầu rất mơ hồ, nói đơn giản là tỉnh mà hình như chưa tỉnh. Cảm giác đầu tiên là sự mệt mỏi. Đi lại mệt mỏi, ăn uống mệt mỏi, ngủ ngáy cũng không còn say nồng như dạo trước. Rồi tự nhiên qua tháng hơn tuần lễ mà không thấy kinh, cũng chẳng biết vì sao bởi từ trước tới giờ có ai dạy bảo cho đâu mà biết. Rồi lại thấy hơi thở gấp hơn, tim đập nhanh hơn, rồi bắt đầu xuất hiện mấy đường gân xanh ở cổ... Lại thấy lờm lợm trong họng như kiểu say xe... Lại thấy hay hoa mắt chóng mặt, chỉ chực ngã...
Thõn chẳng biết gì cả, không phải vì ngố mà vì cơn say chưa hoàn toàn tỉnh và còn vì từ bé tới nay sống ở trong cái làng Cau ấy chẳng ai dạy bảo cho chuyện này.
Nhưng người chú kính yêu thì đã nhận biết. Rứa có tài không? Là đàn ông lẽ ra phải ngờ nghệch chuyện ấy, nhưng chú Tấn lại là một người đàn ông đặc biệt, nói như trong chuyện cổ của người Tàu là loại đã lăn lộn giang hồ, lại thêm bản lĩnh của con nhà tham mưu tác chiến, say mau và tỉnh cũng rất mau. Nếu không làm sao bài binh bố trận được, làm sao nhận biết sớm nhất mọi mối nguy hiểm lấp ló quanh mình, làm sao nghĩ ngay được mưu mẹo tập kích, đánh úp hay nghi binh vu hồi... Thật không hổ danh là con Hùm xám vùng rừng BZ. Chính con Hùm xám ấy đã nói cho Thõn biết cái gì đang xẩy ra với cô, cái điều mà thông thường thì người con gái phải tự biết, hay ít ra là mẹ, chị em hoặc bạn gái mới dám hỏi và bảo ban giúp nhau.
Còn hơn cả tiếng sét nổ trên đầu, Thõn ngồi chết lặng, đôi môi khẽ giật giật, hai bàn tay lạnh ngắt. Giá như lúc đó, chú ấy ôm chặt cô vào lòng, hôn lên đôi môi cô như mọi lần vẫn làm thế thì có thể lòng cô sẽ ấm lên đôi chút. Đằng này con Hùm vẫn ngồi ngay ngắn trên phiến đá, một tay cầm que củi vạch vạch lên mặt đất như phác hoạ ra một tình huống đánh tập kích cho bộ đội :
- Cháu phải biết rằng làm thằng lính trong chiến đấu mà có chuyện này với nhau là mang trọng tội. Hơn nữa, toàn mặt trận sắp bước vào chiến dịch lớn, việc ấy lại càng không thể chấp nhận được. Chú thề là chú rất yêu cháu, chú mà có nửa lời gian dối thì đợt này ra trận quả đạn cối sẽ cắm thẳng xuống đầu chú. Nhưng chú không thể công khai tình cảm của mình được, bi kịch là thế đó. Thứ nhất, trong hồ sơ lí lịch chú đã có vợ ở quê, mặc dù chú với thím đã li thân mấy chục năm rồi, việc này cháu biết rõ hơn ai hết. Chú lại là cán bộ cao cấp, chú là người chỉ huy, phải trở thành tấm gương cho chiến sĩ toàn mặt trận. Cháu gỡ cho chú chuyện này chính là góp một phần cực kì quan trọng vào sự thắng lợi của chiến dịch sắp tới đó, cháu hiểu không? Cháu hiểu điều hệ trọng chú vừa nói không?
Tất nhiên là Thõn không thể hiểu được những điều hệ trọng đó bởi cô đâu có xứng tầm để hiểu, cô chỉ là một tân binh, mà không, Thõn thậm chí cũng chưa đáng được gọi là tân binh, cô nào đã có lấy một ngày huấn luyện học tập làm người lính đâu. Cô đơn giản chỉ là đứa con gái nhà quê mới lớn, được gọi vào đoàn văn công, học cấp tốc ba tháng múa, vừa học cơ bản vừa kết hợp dàn dựng chương trình kịp phục vụ nhiệm vụ chính trị. Hơn nữa, tất cả những gì vừa xẩy ra gần hai tháng nay đối với Thõn là một giấc mơ Lúc đầu là giấc mơ say rồi bỗng dưng trở thành ác mộng. Những nụ hôn, những lời thầm thì tâm sự, những cọ xát vào vùng cấm khiến thân thể như muốn bốc cháy, rồi đến cái giây phút thần tiên đê mê ấy nữa, tất cả đều xẩy ra trong choáng váng men say. Thế rồi chưa kịp định thần sau cơn choáng váng vì có cái gì đó bất thường xuất hiện trong cơ thể thì lại bất ngờ nhận cái mệnh lệnh bán gả cho Quả, sự giải thích trơn tuột và khô khốc, cả những lời thề độc gọn ghẽ như một câu khẩu hiệu kia càng làm cho Thõn thêm ngơ ngác. Cô hầu như không còn tin vào tai mình, không tin vào mắt mình, không tin tất cả những gì đang có xung quanh, cả tán lá trên đầu, con suối trong veo trước mặt, không thể tin rằng mình có những người đồng hương chan chứa tình cảm, có người chú vô vàn quý trọng tự hào. Thậm chí cô không tin vào sự tồn tại của mình. Hình như đây chỉ là một mảnh hồn lạc lối vào cái cõi mê cung địa đàng nào đó, còn cái con Thõn có thực vẫn đang giam mình nơi bàu nước đen sì với cái lời tiên tri ác độc của cái lão gì đó thủa xa xưa...
*
Sau khi đám cưới tổ chức được hai ngày, tức là vào chiều hăm ba tháng chạp, chú Tấn gọi Quả lên, vẫn với cái giọng nửa như cha, nửa là bề trên đầy quyền thế:
- Chuyện gia đình rứa là xong, chừ cháu phải nghĩ ngay tới sự nghiệp. Cháu không thể cứ loanh quanh bên chú mãi được. Thứ nhất, sau khi chuyện cưới hỏi của cháu, người ta đã biết cháu là cháu của chú. Nếu giữ cháu làm cần vụ, họ lại xì xèo nói chú là gia đình trị, lại coi thường cháu là kẻ chỉ biết dựa ô dù. Thứ hai, đời cháu còn dài, cần phải tính con đường tiến thủ, không thể suốt đời làm cái anh phục vụ kẻ khác. Cháu đã rõ chưa? Tóm lại, chú quyết định cho cháu về đơn vị chiến đấu, làm Tiểu đội trưởng. Như vậy là có chức có quyền rồi đấy. Cố gắng rèn luyện, chiến đấu thật tốt thì sẽ có cơ hội phát triển. Cháu rõ chưa?
Chuyện gì chú hắn nói thì hắn đều rõ. Còn những chuyện chú không nói đương nhiên hắn không thể nào hiểu được. Thì tui đã nói hắn là thằng ngố mà. Nhưng Thõn thì khác. Sau những ngày choáng váng như một kẻ vừa thoát khỏi cơn bạo bệnh, Thõn đã dần dần tỉnh táo trở lại. Cô cố xâu chuỗi tất cả những việc đã xẩy ra, từ tiếng gõ chát chúa vào miệng soong buổi tối đầu tiên ở lán Tham mưu trưởng cùng bài hát song ca ngất ngưởng như lên đồng, đến những buổi chiều bên con suối có bãi đá giống bầy nghé con nằm phơi bụng, rồi cái đám cưới với Quả được tổ chức vội vã như ăn trộm, cuối cùng là quyết định điều chuyển Quả về đơn vị chiến đấu ngay trước tết Nguyên Đán. Tất cả diễn ra quá nhanh, quá chính xác như một trò ảo thuật. Bất giác cô thấy rùng mình.
Đêm hăm lăm tháng chạp là đêm cuối cùng bọn hắn được ôm nhau nằm trong chiếc lán nhỏ lợp lá đùng đình. Đây cũng là một đặc ân của người chú bởi ở cơ quan Mặt trận BZ, từ cấp đại uý trở xuống phải ngủ trên võng, dưới vòm tăng ni lon. Cái lán này trước đó dùng làm nơi đặt máy phát 15 oát của bộ phận thông tin. Lệnh của Tham mưu trưởng chuyển máy vào trong hang nhường lán cho đôi tân hôn duy nhất của cơ quan.
Có lẽ cho đến hết cuộc đời sống trên trần gian và dẫu sau này cả hai đều ngồi chễm chệ trên những địa vị đáng nể trọng cùng với vô khối cách ăn chơi thời thượng, thì cái đêm chia tay ở chiếc lán lụp xụp giữa rừng ngàn ấy vẫn mãi cắm đinh vào kí ức của cả hai đứa không sao nhổ ra được. Từ hôm cưới đến đêm nay chúng hắn được công khai ăn nằm với nhau chẵn năm đêm. Cơn hoan lạc cứ tụt dần năm bậc. Cái đêm đầu tiên sau lễ cưới, cả hai hầu như không còn biết đến trời đất, không để tâm đến sên, vắt, muỗi và có thể cả rắn rết nữa, cũng không thèm quan tâm xem có đám lính trẻ nào vạch lá nhòm vào không, chúng hắn vật lộn nhau như thể không còn có ngày mai nữa. Đêm thứ hai, cũng với niềm đắm say đó, cũng không thèm mặc lại quần sau một hiệp vật lộn, nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, đuối sức. Rồi những ngày sau đó cả hai đứa phạc phờ dần, uể oải dần, nắm cơm buổi sáng nuốt rất khó trôi, nụ cười trên môi cũng trở nên nhợt nhạt. Tuy nhiên cái mệt thể xác chủ yếu dồn lên Quả, còn Thõn lại là sự rệu rã tinh thần. Từng đêm, sau cơn cuồng bạo vắt cạn sức lực, Quả lăn ra ngáy ầm ầm khiến Thõn không sao chợp mắt được. Không ngủ được nên sinh ra nghĩ ngợi. Càng nghĩ ngợi càng thấy không tài nào giải thích được vì sao số phận mình bỗng dưng phải gắn bó với người đàn ông to con nhưng bé đầu như vậy. Vì sao "chú ấy" đột ngột dứt tình một cách quá nhẹ nhàng như vậy. Mặc dù chưa có một chút kinh nghiệm gì trong đường đời nhưng với bản tính đàn bà Thõn đã lờ mờ cảm thấy sự bạc mệnh của số kiếp hồng nhan phủ bóng lên đời mình từ hôm nay.
Khác với mọi dự đoán có phần thèm khát của đám lính trẻ trong đại đội thông tin rằng đêm nay hai đứa hắn sẽ vần nhau đến ngất xỉu vì ngày mai đã phải mỗi đứa một đường, mà chiến tranh thì chẳng thể nói trước được ngày gặp lại để truy lĩnh, đêm hăm lăm tháng chạp cả hai bỗng nhiên nằm như bất động. Mặc dầu bàn tay Quả vẫn chuồi vào bên trong quần lót của vợ như một bệnh nghiện không cai được, nhưng ngón tay đêm nay không ngọ nguậy như những lần trước. Cả tấm thân Thõn trở nên lạnh ngắt. Không đứa nào chịu mở miệng nói trước. Ngày mai chúng hắn sẽ phải chia tay. Và linh cảm của cả hai đều mách bảo rằng, cuộc chia tay này có thể là khởi điểm cho một cặp người vốn sinh ra để phải chịu cảnh sống hờ ghép tạm cho hết kiếp ở trần gian.
*
Quả xách ba lô về đơn vị đúng chiều hăm sáu tết. Cũng chiều ấy đoàn múa hát cũng lên đường về vùng giáp ranh. Nhờ một câu gợi ý của Tham mưu trưởng mà Thõn được ở lại giúp công việc nuôi quân cơ quan Bộ Tư lệnh. Ông nói xa xa thế này, con bé ấy hình như có bầu rồi, cái đám thanh niên bữa nay hay ăn cơm trước kẻng lắm. Cái tội thằng cháu tôi để tôi trị cho, nhưng...làm cách mạng phải có tình nhân ái, với lại cũng phải nghĩ đến thế hệ xây dựng đất nước sau này chứ. Nói thì hời hợt nhưng ý tứ sâu xa. Bổn phận những anh cấp dưới là phải hiểu. Thế là Thõn ngay lập tức được lệnh không theo đoàn đi nữa. Đó cũng là việc làm cuối cùng của chú Tấn đối với Thõn trước khi ông dẫn Sở chỉ huy tiền phương về đồng bằng.
Cặp uyên ương ấy chia tay nhau với hai tâm trạng hoàn toàn trái ngược nhau, lại cũng cực kì trái nhau cách xử sự. Quả thì buồn nẫu ruột, nhớ thương vợ đến quay quắt, nhưng lại tỏ ra hừng hực khí thế nam nhi. Cái mồm hắn thường trực nụ cười, có khi đến méo mó. Hắn đi bắt tay không sót một ai trong cơ quan Tham mưu, thậm chí có người hắn bắt tay đến hai lần. Hắn không dám quẩn quanh bên vợ vì sợ người khác nhìn vào đánh giá lập trường của hắn. Thõn thì ngược lại, cô cứ lẽo đẽo đi cạnh hắn, lúc nào cũng để sẵn khuôn mặt bịn rịn nhớ nhung. Nhưng lòng cô đang khô đanh lại như miếng cau phơi nắng. Ngay cả chút thương hại kẻ dại khờ cũng không có. Nói thật lúc đó tui căm con bé ấy vô cùng. Vì sao nó lại ghét thằng Quả cơ chứ. Thằng em tui có hại gì nó, thậm chí chỉ có Quả mới yêu nó hết lòng. Mà xét cho cùng, trong chuyện này kẻ thiệt thòi là em tui chứ cái con múa may đó thì thiệt gì nào. Nó hời nữa là khác. Tui ghét Thõn từ dạo đó. Tui cầu trời lạy phật cho chuyến chia tay này là chia tay mãi mãi, để cái thằng em khờ khạo của tui mãi mãi đừng thừa hưởng cái của nợ ấy nữa. Nhưng trời ơi, quả thật người tính không bằng trời tính.
Đăng ngày 24/11/2009
Ý kiến về bài viết | ||||||||||||
|