Tuesday, October 13, 2015

Những đứa trẻ Xóm Bãi Sông


Tác giả: Lưu Quôc Hoà


        Truyện ngắn 
Cái xóm ấy có khá lâu rồi. Dân quanh vùng quen gọi là xóm Bãi Sông. Nó mọc lên đơn lẻ rồi đông đúc, từ đông đúc thành chật chội và cho đến giờ này, chính quyền tỉnh Nam mặc nhiên phải công nhận và thu nạp thành một địa danh hành chính.



Thế là họ thành "người thành phố" hẳn hoi. Người thành phố đầu tiên có chứng chỉ là tấm giấy CMND. Cái thẻ công nhận quyền làm người trĩnh triện mực đen dấu đỏ. Họ làm đủ mọi nghề táp nham trong cái thành phố mới được khai sinh này. Góc phía Nam là dân vạn chài, cái dân "ăn đằng mũi, ỉa đằng lái" thất nghiệp dưới sông vì nạn nước đen thượng nguồn đổ về, họ ghé thuyền vào bãi và phát hoang một vạt cắm lều để sống qua ngày, không kiếm tôm cá thì đi làm thuê trên phố lấy miếng cơm chín cho vào miệng ...Góc phía Tây là đám xe lôi, xe ba gác, cửu vạn bến xe nhà quê mất ruộng, dắt nhau lên đây tá túc. Giữa xóm có đám đàn bà buôn thúng bán bưng. Vợ trước, chồng sau kéo vào dựng lều mà ở...Thế mà cũng thành làng, làng cũng như con đường ấy mà, cứ đi nhiều thành vệt thì gọi là đường, cứ lắm người ở thì gọi là làng, cái địa danh quân hồi vô phèng không có ai đứng đầu khuân xử các vụ việc. Họ tự cắt đặt lấy nhau. Nhưng đã thành địa danh hành chính rồi thì tất nhiên phải đủ lệ bội chức sắc và thế là góc phía Đông thành phố có Xóm Bãi Sông.
Dân nghèo mà lại mắn đẻ, có ai cấm họ đâu, họ bảo các cụ dạy : "Một của một con ai từ" nên càng đói khổ càng mắn con. Dân chài lưới đổ cho gió sông mát quá, hay do muỗi đốt khi nằm dưới đò không ngủ được nên tần mần, nên tý táu tý mẻ với nhau sinh lắm con. Dân xe kéo bảo : Nhà dột không ngủ được cũng sinh sự, dân cháo lòng tiết canh thì đổ tại lão chồng hay ăn hành sống, giá sống...Chả biết đâu mà lần, chỉ biết họ mắn đẻ nên sinh ra một làng đông trẻ con nhất cái thành phố mới đặt tên này. Lũ trẻ như đàn ong ve, mũi dãi nhệch nhạc, lê la bò toài. Chúng lớn lên như cỏ dại và vô bệnh tật. Ông giời đến là công bằng, nhà nghèo thuốc men đâu ra mà chữa bệnh trọng cho đám trẻ suốt ngày bêu nắng tóc vàng như rơm nếp. Mùa đông rét cắt thịt chúng vẫn phong phanh mảnh áo mỏng rồi chạy rình rịch, mặt mũi đỏ hân hân, sao chúng chẳng viêm phổi, chẳng cảm lạnh hay ho gió ho khan, ho gà, chúng uống nước lã tòm tọp rồi quệt mép, chúng trèo hái ổi xanh, khế chua nhem nhẻm ăn, chúng bắt cua, bắt ốc vệ sông rồi vơ lá nướng ăn sống xít...Kể về chúng tốn giấy mực lắm, chỉ biết rằng cái xóm vệ sông ấy cứ đàn đàn, lũ lũ thấc lên thành người, vô khối đứa cũng thành trai thanh gái lịch khi dậy thì... Thôi đấy là chuyện khác, để khi khác kể cũng chưa muộn, hãy tạm kể chuyện bây giờ đã, cái chuyện đám trẻ ven sông trong cái làng cũng ven sông, ven thị tứ mới được chính quyền tỉnh Nam đưa vào dư địa chí.
******************
Mặt trời lên đã mấy con sào. Những tia nắng đầu xuân e ngại lấp ló sau làm mây xám như chì. Ông mặt trời lười nhác, nửa muốn chui ra, nửa muốn ngủ vùi vào làn mây đã đóng bánh bao ngày phủ lấy ông... Ông ra rồi kia kìa! Ông bợt bạt như đàn bà hết xuân, hà tiện tãi nắng xuống vạn vật đang ẩm ướt...Giờ này cả xóm vắng bóng người lớn, họ túa ra chợ, họ nhoài xuống sông kiếm ăn, chỉ mấy ông bà già nghúc nghích, lệnh rệnh ra vào, thỉnh thoảng khum tay, hướng cái mắt đục như cùi nhãn lên ngóng mặt trời, lầm bầm ca cẩm, oán thán điều gì ấy. Mấy chị đang ở cữ, kiêng gió máy tùm hụp khăn che, róm rém ra vào, trước sân trắng lốp tã lót đem chờ hong nắng. Xóm Bãi Sông với những mái nhà mốc thếch ém mình sau bụi tre gai, bụi nhãn cũng "phơi gan cùng tuế nguyệt" để cho bao người tồn tại, họ tồn tại lúi xùi giữa chốn đô hội chỉ cách họ mấy bước chân. Chốn ấy bên kia con lộ nội đô, vừa làm đường giao thông vừa là đê quai chắn nước sông Châu mùa lũ...Bên ấy là những nhà cao tầng đủ màu đủ kiểu với những con người cũng đủ kiểu đủ màu phong lưu, đài các. Hai chốn ấy nhìn sang nhau nửa thương hại, nửa thách thức nhau về thân phận người đang cùng sống với nhau giữa gầm trời có tứ thời bát tiết .
Lũ trẻ xóm Bãi Sông hôm nay nghỉ học. Ngôi trường chúng cắp sách đến là cơ sở tình thương do một cô giáo là TNXP quá lứa lỡ thì, lấy việc dạy học không công cho lũ trẻ làm vui. Đã lâu rồi, đám trẻ mới có ngày tạnh ráo mà chơi trò, ngày nào cũng phải giúp cha mẹ cơm nước, đón em nhà gửi trẻ...Nhiều việc tập tàng lắm, chúng không phải chịu cảnh dậy thêm học thêm như luc trẻ bên kia đường nên không phải mang xề xễ kính trên mắt.
**************
Hôm nay chúng chơi trò "cô dâu chú dể". Đóng vai chính trò chơi là thằng Đùng làm chú rể và con Hẹn làm cô dâu. Hai đứa sinh cùng năm khác tháng, mặt mũi dễ coi hơn cả bọn. Thằng Đùng bố làm nghề đạp xích lô và mẹ đi phụ hồ cho hiệp thợ xây bên làng La Mịch bên kia sông. Con Hẹn bố chết sớm, mẹ ở vậy nuôi hai chị em bằng mẹt bánh khúc.
Đầu tiên là chúng tập hợp quân bằng hiệu lệnh riêng. Thằng Can trèo lên cây nhãn già , nó vơ một nắm lá, mang theo cái bật lứa ga , nó chọn cái chạc cây to nhất và nổi lửa. Nắm lá ngún khói và bay vằn vèo lên trời. Đứa nọ gọi đứa kia khi nhìn thấy làn khói. Địa điểm hội quân của tụi chúng là sau bức tường đổ của ngôi miếu đã phế tích. Hơn ba chục đứa trẻ ăn mặc nhem nhuốc bí mật lẻn xuống vệ sông và theo một lối mòn cố định để về tụ bạ sau miếu. Đây là địa điểm người lớn ít để ý vì họ đồn có ma. Lũ trẻ chẳng biết ma là gì nên vô tư chạy nhảy và bày trò.
Đã đủ mặt. Thằng Can, con độc nhất của một bà mẹ quá lứa lỡ thì mang bầu với gã xe ôm rồi hắn lẩn mất... chum hai ngón tay lên miệng ré lên thứ âm thanh kỳ quái. Lũ trẻ xếp hàng trật tự theo sự chỉ huy của thằng Can.
.Can lên giọng thủ lĩnh:
- Tụi mày nghe đây: Nhóm thằng Bùng Làm cơm cỗ đám cưới . Nhóm thằng Kênh dọn cỗ, nhóm cái Nhĩnh làm nhà làm phòng cưới cho con Hẹn lấy thằng Đùng. Cái My làm con của vợ chồng thằng Đùng...Chúng mày nghe rõ chưa?
Như một kịch bản được sắp sẵn rất điêu luyện, đám trẻ vào việc đều tăm tắp và rất kỷ luật.
Chúng tìm mảnh chai làm chảo, vỏ hến làm bát, ven sông này cơ man là đặc sản cho chúng làm cỗ cưới: Chuối xanh vặt trộm, khế, ổi, cua và ốc vặn ...Nhiều lắm, cứ tưởng tượng món ăn mà làm
La liệt là cõ bàn sơn hào hải vị. Chúng ghép mâm như người lớn, rót rượu ra vỏ ốc nhồi rồi mời nhau, rượu chúng là nước sông đựng trong những vỏ chai nhựa, chúng chạm ly lóc dóc, Mời các cụ! Trăm phần trăm nào! Hai ba...Dô
Nhà trai và nhà gái được tách biên giới bằng hàng que cắm. Cô dâu được trang điểm loè loẹt trên đầu là vòng hoa dâm bụt và tà áo dài khâu bằng bì bao tải xác rắn bỏ đi. Chú dể thắt cà vạt bằng lá rứa dại, đi dày Tây bằng bẹ chuối. Hai họ tưng bừng chuẩn bị và thỉnh thoảng chí choé cãi nhau.
************
Đấy là cuộc vui của đám trẻ lên năm lên ba, đứa vừa vào lớp Một, đứa còn tuổi đi mẫu giáo, chúng lôi tha nhau bồ nhếch bồ nhác dự cuộc chơi...Chúng vô tư hồn nhiên như cây cỏ ...Chúng có để ý đâu khi bên kia đường có một cô bé xinh như búp bê đang đứng trên gác thượng theo sát. Nó tên là Lan Kha, lên sáu , đang học ở trường tiểu học thành phố. Bố mẹ Lan Kha giàu nhất dãy phố và nghe đâu cũng giàu nhất nhì TP này với một Công ty buôn bán bất động sản. Mẹ em có văn phòng Luật tại trung tâm TP. Không mấy khi có mặt ở nhà. Mình cô bé một gian phòng đầy ắp tiện nghi và với những đồ chơi đắt tiền. Chiếc sập to giữa nhà chứa Gấu bông đủ các màu, chậu hoa và cây cảnh xùm xoà ngoài ban công. Lan Kha được cô giáo đến tận nhà dạy nhạc, cây đàn ogan đặt góc trái kề bên góc học tập. Lan Kha có một thế giới riêng cách biệt với bụi bặm phố phường...Tất cả sinh hoạt dư thừa, duy chỉ có một thiếu thốn là bạn. Lũ trẻ bên kia đường không bao giờ dám gọi lũ trẻ Xóm Bãi Sông. Chúng cũng nhận ra một điều bất cập về thân phận. Mà thường kẻ nghèo bao giờ chẳng tự ty, cái câu mỉa mai các cụ để lại "thấy sang bắt quàng làm họ" đã ngấm vào máu cha mẹ chúng và cố nhiên khi nằm trong bụng mẹ, lũ trẻ nghèo kia cũng đã lây nhiễm rồi...
Lan Kha cứ đứng như thế rất lâu, nỗi thèm bạn ngày một khó cưỡng nổi, nó biết lũ trẻ kia là một thế giơi riêng, Chúng hôi hám và bẩn thỉu với những bộ quần áo rẻ tiền, nhàu nhĩ. Bọn chúng làm gì có những đồ chơi hiện đại và loè loẹt như em, ngay cả cái Ty vi, cái đầu đĩa chúng cũng thèm thuồng mỗi khi ngang qua nhà giầu cứ đi chậm lại ngó vào...Nhìn trước, ngó sau, cửa vẫn mở, giờ này bà giúp việc vẫn quay lưng vào nhà tắm nhặt rau và yên chí cô chiêu nhà chủ đang chơi với gấu bông trên gác . Lan Kha lẻn trốn và đi về phía vệ sông với đám trẻ xóm Bãi .
Nó cứ đứng thế rất lâu mà ngắm, đúng rồi, các bạn nó đang chơi trò đám cưới. Nó như người ngoài hành tinh vừa hạ cánh xuống mặt đất đầy bụi bặm và rắc rối nhiêu khê. Tại sao người lại đẻ ra người nhỉ, đẻ thế nào mà sinh ra lắm người thế không biết. Tại sao lại gọi là vợ với chồng, sao vợ chồng lại phải làm đám cưới để mời nhau ăn cỗ...Kìa! Lũ trẻ đang đưa dâu, gớm chưa, chúng nó ngoạc mồm ra mà gào rồi rồng rắn đưa dâu vừa đi vừa đọc đến hay:
Cô Dâu chú dể
Đội rế lên đầu
Đi qua cây cầu
Đánh rơi mất rế...
Gớm chết, chú rể vừa đi vừa tỏm tẻm nhai quả sung chín, cô dâu mặc áo cưới bao tải rách te tua như bà lão ăn mày, môi lại đỏ loét như mụ Phù Thuỷ...Lan Kha tỏn tẻn cười rồi khanh khách cười thích thú.
Thằng Can là đứa phát hiện tiếng cười ấy đầu tiên và tiến lại đề nghị:
- Vào chơi với chúng tao đi! Sao cứ đứng đấy mà cười! Mày khinh chúng tao à?
Lý nhí, Lan Kha tõn tẽn trả lời:
- Thật nhá! Cho em chơi với nhá.
Đám cưới đến hồi kết. Có nghĩa là cô dâu chú rể phải vào " Phòng cưới"... Đấy là giai đoạn "gay go" nhất của cuộc chơi...Gã máy ảnh với cái ống nhòm hỏng nhặt ở bãi rác, nghiêng nghiêng vẹo vẹo đi lại, thỉnh thoảng lại quài tay lên cổ gãi nhanh nhách. Cái "phòng hạnh phúc" to bằng cái nong trong lùm duối được lót lá chuối khô có chăn là bì tải và gối là mấy hòn gạch xỉ được bọc giấy báo chờ cô dâu chú rể "động phòng hoa trúc" tất cả đã sẵn sàng. Ngó trước, ngó sau thằng Can hạ lệnh:

- Cho cái này làm cô dâu! À mà mày tên gì?
- Dạ em là Lan Kha ạ
- Mày làm được cô dâu không thì bảo?
- Làm cô dâu như trong phim chứ gì, em biết rồi? Em làm được đấy. nhưng em không mặc áo kia đâu. Bẩn lắm.
- Cũng được. Mày mặc váy thế còn đẹp hơn cô dâu! Nào đứng bên thằng Đùng đi, như trong phim đi, Lạy nhau đi, hai ba: Phu thế giao bái.
Lũ trẻ xướng to xướng đều như diễn tuồng và đôi "phu phụ" lụp cụp lạy nhau.
Nào chuẩn bị: Động phòng hoa trúc.
Cô dâu chú rể nằm bên nhau cùng ăn sung tem tẻm và cười như nắc nẻ...Đám bên ngoài bắt đầu nhảy múa như con choi choi, đứa nào thuộc câu nào cứ thế mà hát lên rồi múa may như cung quăng.
Đúng là trẻ con với trò chơi trẻ con ...Góc miếu hoang như đám vỡ chợ.
************************
Trên gác thượng vợ chồng ông Lâm vừa đi làm về. Như thông lệ, hai vợ chồng về đầu tiên là hôn nhau và cùng lên phòng chơi với con. Ông Đại gia này khôn lắm và cũng Tây lắm, ông rất phong tình và rất nhiều bồ nhí các nơi nhưng càng lắm bồ ông càng nịnh bà Luật sư đài các "chính thất" của mình...Phòng con bé Lan Kha vẫn mở, nó đi đâu nhỉ, xưa nay nó có được đi đâu khỏi phòng sau giờ học . Bà giúp việc đâu rồi. Ông bổ xuống tầng dưới và gọi, bà ngớ ra, chỉ tay lên tầng thượng như người đóng kịch câm, ấy là bà ấy cuống, bà ấy sợ cái lòng tử lợn luộc của ông chủ vừa nhướng lên...Chợt bà Luật sư la lên thất thanh như cô chiêu nhà bà vừa bị ai bắt cóc:
- Kia rồi anh ơi! Nó đang chơi chỗ Miếu Ma! Mau lên anh ơi...Chết mất thôi con ơi là con, sao lại thế này cơ chứ.
Cô dâu chú rể đang đắp bì tải nằm ăn sung thì bố mẹ xộc đến. Đầu tiên là "chú rể" bị thộp cổ ăn liền hai cái tát không thương tay. Máu mũi nó ộc ra! Lũ trẻ bị bà lấy roi quất túi bụi và luôn miệng chửi tục. Thằng Can bướng bỉnh vừa chạy vừa ngoái cổ lại chửi : Đ. mẹ chúng mày! Đ... mẹ vợ chồng nhà thằng ác...Bú con C... ông đây này.
**********************
Cuộc rượt đuổi bắt đầu. Lão Lâm vơ mấy hòn đá con ném theo thằng bé. Thằng Can ngang bướng vẫn vừa chạy vừa ngoái cổ lại chửi, lão Lâm càng cáu tiết. Can vòng về phía bể nước để chạy lối tắt lên đường lộ. Lão Lâm vẫn hăng hái rượt đuổi. Qua cái sân rêu cạnh bể nước lão trượt chân giáng mông đánh huỵch, đau điếng, như trả được hận, thằng Can đứng lại cười ...Thế này thì mày nhừ đòn con ạ! Lão vùng dậy tiếp tục rượt đuổi. Thằng Can lại chạy. Lần này nó hình dung được nỗi cay cú trong lòng địch thủ đang bốc lên ngùn ngụt, lão mà tóm được chỉ có nhừ xương. Can cắm cổ chạy và không còn dám ngoái lại. Con lộ kia rồi. Lên đến lộ có mà trời đuổi được nó, cố lên...Vừa chạm chân tới mặt đường bỗng một tiếng còi xe ré lên, một tiếng phanh gấp rợn người. Không kịp nữa rồi, chiếc tắc xi đâm chính diện người Can. Nó bị hất tung lên rồi rơi xuống lăn mấy vòng trên đường nhựa. Máu tai, máu mũi và một mảng đầu vỡ toác. Can giãy như con cá đang nằm trên thớt bị nhát dao đập bất thình lình, chỉ ít phút lòng con ngươi đã không còn hoạt động.
Lũ trẻ ào đến vây quanh khóc như ri, chúng hờ gọi tay thủ lĩnh có tài tổ chức những trò chơi nhất quỷ nhì ma bao năm nay ở cái xóm Bãi nghèo màn, buồn tẻ. Can như bừng tỉnh giây lát, con mắt như cố nhướng lên lần cuối để vĩnh biệt bao gương mặt bạn bè thân thương đã cùng nó vui buồn trong quãng tuổi thơ khốn khó. Tự nhiên khoé mắt Can ứa hai dòng lệ và khoé mép chảy ra một vệt máu tươi. Người ta bảo : Những người chết oan khi gặp người thân đều có hiện tượng ấy xảy ra
                                                        *
Đám tang em đông người vô kể. Lũ trẻ xóm bãi đều chít khăn tang, không ai phát khăn thì chúng tự kiếm lấy mà thắt lên đầu, những bì sác rắn ngoài bãi thải chúng nhặt về quấn vào người như tang phục người lớn vẫn đeo khi người thân quá cố. Chúng lặng lẽ đi sau quan tài Can ra nghĩa địa cách xóm dễ chừng 3 cây số. Dọc đường chúng thi nhau tìm hoa dại ngắt từng bó ôm vào người. Không đứa nào khóc cả. Hàm răng chúng nghiến ken két và bọn con trai mỗi đứa đều sắm , đều tự tạo cho mình một hung khí ém trong người...Những mũi dùi nhọn như kim đựơc mài từ thép phế, những con dao dọc giấy bằng y nốc được mài nhọn thành dao găm, bén đến ghê da thịt...Những súng cao su bắn bằng tên sắt. Chúng thầm thào vào tai nhau những điều bí hiểm...Tuổi thơ trong trắng của  chúng lần đầu tiên nảy ra lòng hận thù. Sự hận thù rất trẻ con và cũng rất thật.

                                                            *
Chuyện đã qua 6 tháng rồi...Những vòng hoa trắng viếng nó hôm đưa đám còn trơ lại những khung nứa mốc thếch, nhưng những bó hoa dại lũ trẻ đặt vào hôm ấy rụng hạt xuống lại nở vô vàn đoá hoa không tên. Cứ ngày nghỉ là lũ trẻ xóm bãi kéo nhau ra thắp hương và đặt lên đấy những chum ổi, chum khế chúng mới lượm sau miếu Ma bên bãi Sông Châu đầy nắng và gió. Chẳng biết có phải thằng Can thiêng không. Bao giờ chúng đến cũng có đàn bướm trắng bay về. Những cánh bướm rập rờn bên hoa dại. Con bướm to nhất đàn đậu lên vai, lên cổ, lên đầu mỗi đứa rồi mới chịu bay đi. Không đứa nào bắt bướm, chúng xòe tay nâng nâng để cánh bướm đậu vào rồi đồng thanh hát câu đồng dao:
Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lác...

                                                              *
Vợ chồng Lão Lâm rời Thành phố sau đận ấy, hình như cũng phải hầu toà vài lần nhưng vẫn nhơn nhơn cưỡi xe hơi về TP mỗi khi có việc. Nghe đâu án của lão được pháp luật cho là: Gián tiếp gây chết người không có chủ định...Tội ấy nhẹ thôi mà.


 Đăng ngày 19/04/2010

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan