Saturday, October 17, 2015

Đóng góp lớn nhất của thơ Nguyễn Bính

Tác giả: Hồng Diệu

( nhân kỉ niệm 90 năm ngày sinh Nguyễn Bính)
Nguyễn Bính và bà Hồng Châu

Nếu tôi không lầm, thì các nhà nghiên cứu và cả người đọc của chúng ta, từ trước đến nay, chưa ai trực tiếp đặt ra và lý giải vấn đề này - vấn đề đóng góp lớn nhất của thơ Nguyễn Bính, hay giá trị lớn nhất của thơ Nguyễn Bính thì cũng thế. Tôi nghĩ, đây là vấn đề quan trọng trong việc tìm hiểu thơ Nguyễn Bính nói riêng và nghiên cứu thơ Việt Nam hiện đại nói chung.
Cũng như nhiều nhà thơ (và nhà văn) Việt Nam hiện đại khác, đời thơ Nguyễn Bính chia làm hai giai đoạn chính, mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là ranh giới. Trong hai giai đoạn ấy, thơ Nguyễn Bính có những đặc điểm chung và riêng, có kế thừa và phát triển. Có điều, theo tôi, sau Cách mạng, Nguyễn Bính vẫn có những bài thơ hay, nhưng thành tựu nổi bật của Nguyễn Bính vẫn ở nhiều bài thơ viết trước Cách mạng. Dư luận chung dường như cũng nhất trí như vậy. Tuy nhiên, thành tựu ấy, đóng góp ấy của Nguyễn Bính, theo ý riêng tôi, không phải ở chỗ, từ lâu nay, đã được một số người nhấn mạnh - trước hết từ đầu đề, sau đó là nội dung - trong các bài viết và các quyển sách, để đưa người đọc đến một kết luận rằng Nguyễn Bính là thi sĩ của đồng quênhà thơ chân quê, nhà thơ chân quê - chân tài hoặc thi sĩ của hồn quê, thi sĩ của thương yêu hay nhà thơ của tình yêu, v.v... Kể ra, những cách định danh quen thuộc như trên, và sự diễn đạt để chứng minh cho chúng - trong đó không khỏi có người chỉ... lặp lại người đi trước - trong một phạm vi nhất định, cũng nói được một phần đặc điểm thơ Nguyễn Bính và đóng góp của thơ anh. Nhưng tôi cho đó chưa phải là những gì cơ bản, cũng chưa phải những gì riêng biệt của thơ Nguyễn Bính; chúng còn có thể đúng với các nhà thơ khác, dù với mức độ đậm nhạt khác nhau. Sở dĩ xảy ra hiện tượng này, có lẽ vì đã từ lâu lắm, dư luận chung bị ám ảnh nhiều từ bài thơ Chân quê, Nguyễn Bính viết năm 1936, in báo và in đầu tập Tâm hồn tôi (1940) có những câu như "nhắc nhở": Hoa chanh nở giữa vườn chanh Thầy u mình với chúng mình chân quê Và có những câu như than phiền, trách móc: Hôm qua em đi tỉnh về Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. Hay là bị ám ảnh bởi lời bình thơ Nguyễn Bính ở quyển Thi nhân Việt Nam (1932-1941) của Hoài Thanh (và Hoài Chân), trong đó tác giả nhấn rất mạnh đến "bản chất nhà quê" ở "người nhà quê của Nguyễn Bính"; hoặc cũng có thể là bị ám ảnh từ những Cô hái mơ, Mùa xuân xanh, Thơ xuân, Xuân về... của Nguyễn Bính, ở đó, thôn quê có một không khí thơ mộng, cảnh sắc xanh tươi, bầu trời trong sáng, và con người thì vô tư, thanh thản; hay cũng có thể là bị ám ảnh bởi những: Hội làng mở giữa mùa thu/ Giời cao gió cả giăng như ban ngày; với Thôn Vân có biếc có hồng/ Hồng trong nắng sớm, biếc trong vườn chiều/ Đê cao có đất thả diều/ Giời cao lắm lắm có nhiều mây bay... Thành thử, trong những bài viết và các công trình nghiên cứu lâu nay, đóng góp lớn nhất của thơ Nguyễn Bính, như tôi thấy, đã bị chìm đi, hay là bị đặt ngang hàng, thậm chí bị đặt thấp hơn những đóng góp khác của thơ Nguyễn Bính vốn cũng quan trọng nhưng không phải quan trọng nhất, vốn cũng lớn nhưng không phải lớn nhất. Thật vậy. Hơn tất cả những gì khác, thơ Nguyễn Bính cứ trở đi trở lại trong tâm trí tôi những con người với những cảnh đời đầy những buồn đau, bất hạnh, ở nhiều cung bậc. Này là bà mẹ có mỗi một cô con gái, trước lúc con về nhà chồng, khuyên con đủ điều, chỉ để mong con đừng khóc (mà ngày trước,khấp như thiếu nữ vu qui nhật - Khóc như cô gái ngày đi lấy chồng), và để con gái yên lòng đi làm dâu; nhưng rồi người sẽ khóc và không yên lòng và cô đơn lại chính là bà: Đưa con ra đến cửa buồng thôi Mẹ phải xa con khổ mấy mươi Con ạ, đêm nay mình mẹ khóc Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi! (Lòng mẹ) Một bà mẹ khác (trong bài Phơi áo, sau đổi thành Không đề) còn cô đơn hơn một mức nữa, đó là: bà lão lưng còng có hai cô gái lấy chồng cả hai gió thu thở ngắn than dài Bà đem áo rét phơi ngoài cửa thưa[1] Lại một bà mẹ khác (trong Những bóng người trên sân ga) cũng mang nỗi buồn đau tương tự, có khi còn hơn, đó là: bà già Đưa tiễn con đi trấn ải xa Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng Lưng còng đổ bóng xuống sân ga Trong thơ Nguyễn Bính còn có người mẹ trẻ quanh năm Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con, có người mẹ góa, trước lúc phải bước đi bước nữa, dặn con lớn thay mình nuôi đàn em nhỏ, và cay đắng mà thốt lên: Mai mốt con ơi mẹ lấy chồng Chúng con coi mẹ có như không! Có người Mẹ già một nắng hai sương, để người con gái đi lấy chồng phải đau khổ than với em mình: Chị đi một bước, trăm đường xót xa, có cô gái chết lúc còn rất trẻ, để: Người mẹ già kia tuổi đã nhiều Đã từng đau khổ biết bao nhiêu Mà nay lại khóc thêm lần nữa Nước mắt còn đâu buổi xế chiều! (Viếng hồn trinh nữ) Sau người mẹ thì đến những thiếu nữ. Người ta thấy một chút buồn nhẹ nhàng, man mác vì những lần lỡ làng hẹn hò với bạn trai của một cô con gái trong khung cửi - Dệt lụa quanh năm với mẹ già (Mưa xuân); một nỗi buồn sâu xa của "cô em" (trong bài Quan Trạng) khi cô bỗng nhớ lại thuở hàn vi của "anh khóa" và tuổi trẻ của cô ngày trước, bây giờ thì anh đã đỗ Trạng, "vinh qui qua làng", chắc chẳng còn nhớ gì đến cô nữa! (Cũng có thể hiểu như nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn: "cô gái tiếc ngẩn tiếc ngơ rằng tại sao mình lại đi lấy chồng vội vã như thế"[2]). Rồi một cô gái đi làm dâu nhà người mà chỉ thấy: Buồn thôi chả thiết nói cười/ Đắng cay sống những ngày dài như năm! Rồi một cô trinh nữ "vừa mới hôm nào" còn ngây thơ, thẹn thùng ấp ủ bao nhiêu ước mơ của tuổi trẻ, bỗng phải từ giã cõi đời, để lại cho người thân nỗi đau vĩnh viễn xa cách (Viếng hồn trinh nữ). Và cũng thật bất hạnh là người con gái Lỡ bước sang ngang. Cô xa mẹ và em đi lấy chồng với tâm trạng: Đêm qua là trắng ba đêm/ Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn; và đinh ninh rằng: Một lần này bước ra đi/ Là không hẹn một lần về nữa đâu. Quả nhiên, tình duyên của cô đầy trắc trở, đổ vỡ đến mấy lần, để rồi phải thốt lên với em mình một cách tuyệt vọng: Chị giờ sống cũng bằng không Coi như chị đã ngang sông đắm đò! Cái thân phận người con gái mà cô nghiệm ra không chỉ đúng với một mình cô: Tuổi son má đỏ môi hồng Bước chân về đến nhà chồng là thôi! Bài thơ Lỡ bước sang ngang phản ánh một hiện tượng phổ biến trong xã hội mọi thời: sự ngang trái, lỡ dở của tình duyên, và đụng đến nỗi đau sâu thẳm tự đáy lòng người con gái (và không chỉ riêng người con gái). Cũng có thể lấy bài thơ này chứng minh cho sự gần gũi giữa ngôn ngữ thơ với môn toán lôgich mờ (hay lý thuyết tập mờ) được giáo sư - tiến sĩ Lêphôti Giađê (người Adécbaigian) phát minh năm 1965: bài thơ, trong màn sương khói mờ mờ khêu gợi suy nghĩ và kích thích sự "đồng sáng tạo" của người đọc, tạo nên chuyện "khả giải bất khả giải chi gian" lý thú của thơ. Người đọc không thể (và không cần) khẳng định người em trong bài thơ là nữ hay nam; cuộc tình duyên của cô gái trắc trở, đổ vỡ do ai, vì lẽ gì... Người ta chỉ biết đó là bi kịch của một đời thiếu nữ được giãi bày với rất nhiều thương cảm. Đấy là Nguyễn Bính nói về người đời. Còn về chính bản thân mình, Nguyễn Bính cũng bộc bạch chân thành những cảnh ngộ, nỗi niềm, tâm trạng... của một thanh niên, một thi sĩ trong tình trạng nghèo túng, cô đơn, đau khổ và bế tắc, tuyệt vọng. Nghèo túng đến: Túi rỗng, nợ nần hơn chúa chổm Áo quần trộm mượn, túng đồ thay (Giời mưa ở Huế) hay: Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết Riêng mình em vẫn cứ tay không (Xuân tha hương) hoặc: Mấy khoa thi chót thầy ơi Sao không thi đỗ để rồi làm quan Để rồi lắm bạc nhiều vàng Để cho con được lấy nàng thầy ơi! (Nhà tôi) v.v... Cô đơn đến: Bốn mùa trơ lại một thân tôi (Nàng Tú Uyên) hay: Những tưởng anh em đầy bốn biển Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian (Tạ từ) hoặc: Anh viết tình chung lên gối chiếc Một nghìn dòng lệ, một nghìn đêm (Em về) lại: Em đi dệt mộng cùng người Lẻ loi riêng một góc trời riêng anh (Rượu xuân) và: Người có đôi, ta rất một mình (trong bài Một mình. Hãy lưu ý ở đây cách dùng từ của riêng Nguyễn Bính), v.v... Đau khổ như: Cho tôi được khóc vì tôi thấy Tôi đã tan hoang cả kiếp người (Cho tôi được khóc) hay: Anh đắm say rồi, đau khổ quá Mắt mờ vì đã khóc bao đêm (Mong thư) v.v... Và bế tắc, tuyệt vọng như: Đi không kẻ đợi người chờ Bọt bèo trôi dạt bến bờ nào đây (Một đêm ly biệt) hay: Đời có còn gì tươi đẹp nữa Buồn thì đến khóc, chết thì chôn (Nàng thành thiếu phụ) hoặc: Tỉ tê chết cả nắng vàng Tay buông xuôi xuống thế gian: nhà mồ Sâu thăm thẳm, tối mờ mờ Đời xa lạ quá! Ai đưa đám mình! (Một chiều chết) v.v... Dù mới chỉ đọc một ít như vậy, đã có thể thấy điều mà thơ Nguyễn Bính nói được nhiều và sâu sắc hơn cả, đáng được tâm đắc hơn cả, nhớ nhiều hơn cả là ở loại thơ đã nói trên đây; chứ không phải loại thơ Hôm qua em đi tỉnh về... Thầy u mình với chúng mình chân quê, v.v... Không thể không nói thêm về bài thơLỡ bước sang ngang. Tôi chưa từng thấy bài thơ nào được nhiều người ưa thích đến thế. Cũng chưa từng thấy bài thơ nào được nhiều người dẫn ra cùng với những câu chuyện, để chứng tỏ sự tâm đắc của nhiều người đối với nó như thế! Chính người đang viết những dòng này hồi bảy, tám tuổi đã nghe dì mình nằm võng hát ru một đứa cháu: Em ơi em ở lại nhà Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương Về sau, tôi lại gặp khá nhiều người kể chuyện tương tự trên sách báo. Chẳng hạn, nhà văn Tô Hoài cho biết, hồi Lỡ bước sang ngang mới ra đời, có những hôm ông cùng Nguyễn Bính "ra bờ sông Tô Lịch mua xu rau muống, có hôm xin được mớ rau của các cô bơi thúng hái rau sinh ra hảo tâm bởi đã thuộc lòng cả bàiLỡ bước sang ngang", và ở Nghĩa Đô quê ông, "những cô Tý, cô Mơ, cô Hứa, cô Tơ - gái làng canh cửi thuộc Kiều lại thuộc cả quyển Lỡ bước sang ngang nữa"[3]. Nhà thơ Bảo Định Giang (1919 - 2005) thì cho biết, hồi 1942-1943, Lỡ bước sang ngang là bài thơ rất được thanh niên tỉnh Tiền Giang quê ông "ưa chuộng"[4]. Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn kể: đầu năm 1952, ông cùng mấy người bạn về công tác ở khu du kích vùng Hải Hậu - Nam Định, khi vào một cơ sở kháng chiến, có lần trong đêm khuya, ông nghe thấy hàng xóm có người ru: Tôi ra đứng tận đầu làng Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa Và thời ấy, báo Công dân của tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Nam Định, trong một phóng sự có "kể chuyện những chuyến đò từ chợ Lương Công Múc xuôi xuống chợ Cồn (xã Hải Anh), và ngược lại, thỉnh thoảng khách đi đò lại được nghe mấy chị buôn chuyến đọc thơ Lỡ bước sang ngang"[5]. Nhà văn Phạm Tường Hạnh thì viết: "Hàng chục năm liền, từ cái năm 1940 xa xưa ấy, có cô nữ sinh nào, có những nàng trong khuê các nào, nói chung là phụ nữ nào của cái thời buồn tẻ trong cảnh nước mất nhà tan ấy lại không thuộc từng câu, chữ trong bài Lỡ bước sang ngang"[6]. Nhà văn Trần Bạch Đằng (1926-2007) thì kể trong hồi ký của ông một chuyện khá thú vị và rất có ý nghĩa liên quan đến "anh Ba" (Lê Duẩn) - một cán bộ cao cấp của Đảng hồi kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam): "Một lần tin Tây càn quét Đồng Tháp Mười, cơ quan di chuyển, tôi được phân công đi cùng với anh Ba trên chiếc xuồng ba lá. Tôi bơi lái, anh Ba bơi mũi, xuất phát từ xã Nhơn Hòa Lập, xuôi theo kinh Dương Văn Dương ra sông Vàm Cỏ Tây. Đường xa bơi đêm để quên mệt, tôi đọc bài thơ Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính. Anh Ba bảo tôi đọc to một chút. Anh vừa bơi vừa nghe, thỉnh thoảng lại bình: Hay!... Rồi đến nơi an toàn, mặc dù gần sáng, anh bảo tôi đọc lại một lần nữa. Anh gật gù: Tay Nguyễn Bính này giỏi thật!"[7]... Như thế là, chính vì có sự đồng cảm sâu sắc trước thân phận của những kiếp người, lại có sự diễn đạt tài tình bằng mọi nghệ thuật dân gian giản dị nhiều khi hiện đại, Nguyễn Bính đã tạo nên nhiều câu thơ, bài thơ chứa đầy khổ đau và bất hạnh, để lại ấn tượng rất sâu, với một sức lay động rất mạnh đến một lớp công chúng rất rộng (có những khi đến mức làm cho người ta quên đi cả những gì là sáo mòn, là bất cập trong đó). Đấy cũng là ý nghĩa cao đẹp của văn chương, và là một cái đích mà thơ cần đi tới. (Và đừng quên Nguyễn Bính viết những bài thơ như thế lúc mới trên dưới hai mươi tuổi). Theo ý riêng tôi, xét về diện(những lớp người khác nhau, những cung bậc khổ đau và bất hạnh khác nhau) cũng như xét về điểm (từng con người cụ thể, từng cảnh ngộ cụ thể), thơ Nguyễn Bính có được một ý nghĩa xã hội đặc biệt sâu sắc, và trong lĩnh vực này, không một nhà thơ Việt Nam hiện đại nào sánh được. Đóng góp lớn nhất của thơ Nguyễn Bính, giá trị lớn nhất của thơ Nguyễn Bính chính là ở đây. 2008
H.D.  

[1] Hai chữ cuối của câu này, trong bản in lần đầu ở tậpNgười con gái ở lầu hoa, tác giả viết song thưa, về sau đổi thành cửa thưa. Song cũng gần với cửa, nhưng "bình dân" hơn. Có những nhà nghiên cứu, khi dẫn câu này lại chépgiậu thưa; thế là lầm với thơ Lưu Trọng Lư: Áo đỏ người phơi trước giậu thưa, đâu còn là thơ Nguyễn Bính!. [2] Bùi Hạnh Cẩn: Nguyễn Bính và tôi - tái bản có bổ sung - Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 1999, tr.180. [3] Tô Hoài -Những gương mặt - in lần thứ hai - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1995, tr.144. [4] Bảo Định Giang - Một vài kỷ niệm với Nguyễn Bính trong quyển Nguyễn Bính - về tác gia và tác phẩm - Nhà xuất bản Giáo dục, 2001, tr.79. [5] Bùi Hạnh Cẩn - Nguyễn Bính và tôi - in lần thứ hai - Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, tr.13. [6] Phạm Tường Hạnh - Giọt mật cho đời - Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 1994, tr.60. [7] Dẫn theo Hoàng Tấn: Nguyễn Bính - một vì sao sáng, Nhà xuất bản Đồng Nai, 1999, tr.110-111.
Nguồn: hoinhavanviẹtnam.vn

 Đăng ngày 30/12/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Thân Thơ - 30/12/2008

Nếu (vẫn là nếu) có ai đó,
khi nào đó,
ở chỗ nào đó
hỏi tôi (và tôi coi đó là một vinh dự lớn trong đời):
-  trong hết thảy những nhà thơ tôi biết, tôi đọc, ... thì ai là nhà thơ tôi thích nhất, và chỉ chọn một thôi?
Không giây chần chừ, không thoáng lưỡng lự, không chút ưu tư... tôi trả lời ngay: NGUYỄN BÍNH.

mộc mạc
chân quê
hồn quê
đằm thắm
...
nhưng rất sâu
rất sắc
Rất bén
lay động
lung linh
...
gây
suy tư
Khơi dậy
tự cảm
tự vấn
...
và ngât ngây thật.

  Gửi bởi: Vũ Điều - 30/12/2008

Bài viết rất nhạt, vụn vặt và chỉ nhắc lại những điều ai cũng đã biết. Có lẽ chất phê bình của Hồng Diệu là như thế chăng? Không có đóng góp gì mới. Còn Lỡ bước sang ngang không phải là bài thơ hay. Nguyễn Bính có nhiều bài hay hơn thế. Nói tóm lại, Thơ Bính hay nhưng viết về thơ Bính như Hồng Diệu thì chán quá.
  Gửi bởi: Cuội - 31/12/2008

Gởi ông Vũ Điều.
Thơ hay hay không là ở  sự đồng vọng với người đọc, trong lòng chính người phát ngôn, không phải trong lời phán truyền của ông . Xin hãy nhớ cho.

  Gửi bởi: Ngân Huyền - 01/01/2009

Đọc thơ Nguyễn Bính nhiều và cũng nhận ra những điều H.D. viết nhưng đọc bài viết này vẫn thấy thích và vẫn gợi được rung cảm trong lòng người đọc, vẫn làm cho người ta lại thấy hứng khởi và muốn đọc lại Nguyễn Bính. Cảm ơn tác giả H.D. nhiều.Đây là nhà thơ N.H. thích nhất.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan