Lúc tôi làm công tác toà án, Bác còn nhắc tôi coi chừng đừng sa vào cảnh bị mua chuộc, phải trong sạch, liêm khiết. Dầu là đứa học trò dở nhất của Bác, lời dặn dò, dạy dỗ của Bác vẫn là kim chỉ nam đối với mọi hoạt động của một chánh án có nhiều quyền.
Nhờ sự giáo dục tận tình như vậy, tôi tránh được hai lần bị mua chuộc bằng thể xác và nhiều lần bằng vật chất. Dẫu tôi ở cảnh túng thiếu nghèo nàn.
Giải oan cho một tử tội
T.V.H bị toà án tỉnh xử tử hình về tội giết người để lấy người tình. Bị cáo kháng cáo kêu oan. Có trách nhiệm xét xử lại, tôi nhận nhiều đơn khiếu oan, nhưng không nói rõ oan ở chỗ nào. Hồ sơ chứng minh đầy đủ là vợ y bị giết và xác liệng xuống sông để phi tang. Đến tỉnh để xét xử, bị cáo đòi gặp chánh án, tôi xin công an tỉnh cho phép tôi gặp T.V.H. Bước đầu công an từ chối vì T.V.H bị xử tử hình nên giam ở xà lim, nếu gặp chánh án y có khả năng hành hung. Vì có đơn kêu oan hơn nữa vì quyền lợi của người dân, tôi phải gặp họ. Đó là trách nhiệm. Không trích xuất T.V.H để dẫn giải đến tôi, nhưng tôi có thể đến xà lim với sự bảo vệ của công an. Bởi yêu cầu của tôi là chính đáng nên cuối cùng công an chấp nhận. Gặp bị cáo tại xà lim, T.V.H không có đặc điểm gì cần lưu ý, song nhìn con người tôi cho rằng y có vẻ chất phác. Giọng nói của y, cách diễn tả sự việc, tôi nhận thấy có điều uẩn khúc.
Tôi cho y biết là toà phúc thẩm cần biết hết sự thật và sẵn sàng minh oan cho y nếu y vô tội. Điểm mà toà án cần biết là lúc vợ y bị giết y ở đâu, phải nêu cho được bằng chứng cụ thể. T.V.H im lặng rất lâu và cuối cùng y thổ lộ là lúc đó y đang ở với một phụ nữ mà chồng đã đi B từ lâu. Nếu câu chuyện vỡ lở thì người phụ nữ mà y rất yêu mến sẽ rơi vào cảnh đau khổ, hạnh phúc cũng như cuộc đời sẽ tan vỡ, vì lẽ đó y không khai nên bị xử oan.
Hôm sau, tôi hoãn xét xử vụ T.V.H. Tôi có thể giao hồ sơ và phản ảnh mọi sự việc với cơ quan điều tra tỉnh, nhưng kinh nghiệm cho tôi biết là cơ quan tỉnh ít quan tâm đến điểm mới của hồ sơ, cứ bám vào cái cũ. Về Hà Nội, tôi giao hồ sơ cho cục Chấp pháp của bộ Công an tiến hành điều tra. Một thời gian, cục Chấp pháp hoàn thành cuộc điều tra, vì đã bắt kẻ giết người đã thú tội với chứng cứ rõ ràng.
Theo hồ sơ mới thì tên bị bắt thú nhận là cùng đi buôn hàng chuyến và đã hẹn với vợ của T.V.H ở một nơi vắng. Biết chị ta có nhiều tiền nên tại nơi vắng người, y giựt số tiền của chị. Do phản ứng của nạn nhân, y bắt buộc phải bóp cổ, vì bóp quá mạnh nên vợ anh T.V.H nghẹt thở đã chết. Y đã liệng xuống sông để phi tang.
Ngoài đồng bào địa phương cho biết tên này đã mua sắm nhiều và cục Chấp pháp đã tìm trong gối của y đôi bông tai của vợ T.V.H. Trước những bằng chứng cụ thể như vậy, tôi mở phiên toà tạm trả tự do cho T.V.H đã minh oan cho y.
Cãi lệnh trên
Một vụ điển hình khác. P.V.T chủ nhiệm xí nghiệp dược phẩm ở Hải Dương bị giam giữ và bị toà sơ thẩm xử về tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa dầu hồ sơ không có chứng cứ rõ ràng. Nguồn gốc của vụ án là do mâu thuẫn trong cấp uỷ và lãnh đạo địa phương ở chỗ anh T, đảng viên, bị bắt trước đây và bị đày ra Côn Đảo nên có nghi vấn khai báo đầu hàng địch. Dẫu nghi vấn được chứng minh nó không liên quan đến tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa. Vì lẽ đó mà cán bộ, đảng viên công tác tại Hải Dương không tán thành biện pháp truy tố và xét xử và đã có ý kiến phản đối.
Dẫu thật trạng là như vậy, đồng chí uỷ viên Bộ Chánh trị, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn ra lịnh truy tố và xét xử. Không rõ một số thẩm phán toà hình sự Toà án nhân dân tối cao cũng đồng tình và gợi ý là khi xử lại tôi nên y án sơ thẩm. Toà án tối cao cũng theo ý kiến của đồng chí uỷ viên Bộ Chánh trị. Biết tôi không tuân lịnh một cách mù quáng nên có đồng chí thẩm phán Toà án tối cao nói với tôi: “Coi chừng cái niêu của anh”. Tôi chỉ trả lời, nếu “vì cái niêu” tôi đã theo bọn thực dân.
Tôi đi Hải Dương với tâm trạng như vậy. Để cho quần chúng, đặc biệt là công nhân viên chức ở Hải Dương có điều kiện tham dự phiên toà để chứng minh là toà án có trách nhiệm bảo vệ luật pháp là “chân lý”, là đường lối của Đảng, tôi có công văn chánh thức mượn hội trường lớn của uỷ ban nhân dân tỉnh để mở phiên toà, yêu cầu của tôi không được chấp nhận.
Vì toà án Hải Dương xử sơ thẩm không thông với quyết định bị áp đặt của mình, tôi kiến nghị với toà án Hải Dương là sẽ xử vụ án tại phòng xử án nhỏ bé của tỉnh với điều kiện là cho mắc loa thêm ngoài đường phố xung quanh trụ sở của phòng xử án tỉnh. Để cho công nhân viên chức tỉnh Hải Dương có điều kiện dự phiên toà và theo dõi mọi diễn biến, phiên toà sẽ bắt đầu hồi 18 giờ. Cuộc thẩm vấn công khai tại phiên toà làm cho chứng cứ mong manh của hồ sơ bị phá sản. Mọi người dự và nghe cuộc phỏng vấn và chất vấn đều có thể nhận định như vậy. Viện kiểm sát phúc thẩm, một bộ phận của Viện kiểm sát tối cao đã nhận chỉ thị của lãnh đạo nên (dầu các chứng cứ đã bị đánh tan) vẫn cứ bám vào luận điểm buộc tội vì cho rằng có đủ cơ sở thành tội.
Quần chúng đứng xung quanh phòng xử án phản ứng bằng cách la lối, Viện kiểm sát phúc thẩm không thuyết phục được quần chúng. Khi nghị án lời lẽ và lập luận của bản án với quyết định án cho rằng anh T. không có tội và được tha bổng thì cuộc vỗ tay không ngớt của quần chúng đã chấm dứt phiên toà. Tuy trời còn tối (khoảng 2 giờ sáng) Viện kiểm sát phúc thẩm vẫn lên đường về Hà Nội để báo cáo.
Luật sư NGUYỄN THÀNH VĨNH