Sunday, October 18, 2015

Tai biến- sự trở lại của một thương hiệu

Tác giả: Hoàng Hồng

Toquoc)-Đã quá lâu, kịch Việt Nam không dựng vở mới, nếu như không phải là kịch lịch sử theo kiểu "mượn xưa nói nay". Thế nên, Tai biến khiến khán giả phải giật mình thích thú trước sự trở lại của một thương hiệu kịch.

"Xin cho tôi nói thẳng"

Cái dẫn đề về giáo dục của Hồ Ngọc Đại này dường như chính là tâm thế của Xuân Đức lúc chắp bút viết kịch bản Tai biến.

Không khó để nhận ra cái chất Xuân Đức trong cách dẫn chuyện, cách đối thoại và cả cách bài trí sân khấu tâm đầu ý hợp giữa vị nhà văn và họa sỹ sân khấu "đắt show" Doãn Bằng. Có nhiều chi tiết trong Tai biến khiến người xem liên tưởng tới Những mặt người thấp thoáng - vở diễn đã làm hả hê khán giả tại Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2012. Nhưng nếu như trong Những mặt người thấp thoáng, Xuân Đức còn dè dặt - dè dặt viết và dè dặt nghĩ là "chắc gì đã qua được vòng thẩm định", thì với Tai biến, ông đã được phóng tay. Phóng tay ở bối cảnh - cuộc sống hiện đại ngày hôm nay; phóng tay ở vấn đề - bất động sản và tham nhũng; phóng tay ở tầm mức của vấn đề: sự tha hóa của cán bộ từ cấp Bộ đến cấp Trung ương; phóng tay ở cách kết thúc vấn đề: cái thiện thất bại, cái xấu không thỏa thiệp và không nhượng bộ. Chỉ có một tòa án tâm linh được mở ra ám ảnh người chứng kiến, chỉ cho ta rõ đúng - sai/thiện - ác, để mỗi người tự soi lại mình, chứ không đặt ra một sự sám hối khiên cưỡng, mà nếu có, sẽ mang tiếng là "viễn cảnh", là "tô hồng hiện thực".

Cảnh trong vở "Tai biến"


Tâm điểm của Tai biến là 3 nhân vật: Trần Tiến - thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra, Hoàng Đạo - Tổng giám đốc một tổng công ty nhà nước, Vũ Lân - một vị Thứ trưởng thường trực.

Ba người từng là bạn chiến đấu, sau đó lại cùng đi du học ở Nga, nếm trải đủ cay đắng, ngọt bùi cùng nhau. Khi về nước, mỗi người theo đuổi một con đường, nhưng vẫn giữ tình bạn gắn bó hiếm thấy. Song, quyền lực, tiền tài, địa vị đã bóc dần đi từng lớp nghĩa tình. Chỉ còn giữ chiếc áo bằng hữu che đậy, lấp liếm cho mối quan hệ sưng phồng lợi ích.

Hoàng Đạo nhờ Vũ Lân để có được các dự án tỷ đô. Vũ Lân nhờ Hoàng Đạo mà làm giàu trên ghế Thứ trưởng. Hoàng Đạo và Vũ Lân lại nhờ Trần Tiến để qua mắt các thương vụ phi pháp. Còn Trần Tiến - người duy nhất giữ được sự trong sạch trước "tiền-quyền" - lại không đủ sự mạnh mẽ, sắt đá và cương trực của một vị Bao Thanh Thiên, biết bạn mình sai mà không ngăn cản được, cũng không dám lộ mặt điều tra, xử lý, càng không dám chối từ một lãng hoa chúc mừng sinh nhật đầy ẩn dụ của vị lãnh đạo cấp trung ương dù biết ông ta cùng đường dây với Vũ Lân, để cuối cùng bất lực mà lên cơn tai biến đột tử.

Song, cả ba nhân vật chính này đều bị chi phối, điều khiển bởi một nhân vật có tên mà không có mặt: Hai Chính. Hai Chính chính là vị lãnh đạo cấp cao kia. Hai Chính chỉ có tiếng nói chỉ đạo qua điện thoại với Vũ Lân. Nhưng toàn bộ các nút thắt mở do một tay Hai Chính tạo nên. Hai Chính làm chủ các cơn "tai biến" và là người duy nhất nằm ngoài tòa án tâm linh. Thủ pháp xây dựng nhân vật giấu mặt Hai Chính của Xuân Đức không mới, như Phan Gia Liên đã làm với Những quân bài định mệnh, và như chính tác giả đã làm với Những mặt người thấp thoáng, song đến Hai Chính mới là một khắc họa mạnh bạo và quyết liệt hơn cả.

"Tai biến" là tên vở, là "ông ba bị" để các nhân vật mang ra dọa nhau, nhưng trên hết là một ẩn dụ đầy châm biếm chua xót về xã hội hôm nay. Một xã hội nhiều hỗn loạn, nhiều giá trị lật lọng. Một xã hội mà người ta có thể làm bất kỳ điều gì ngoài sức tưởng tượng và khả năng chịu đựng bản năng, mà cả thủ phạm lẫn nạn nhân chỉ có thể trợn mắt, đau tim, khó thở, xuất huyết não và bất lực buông xuôi phó mặc.

Một câu thoại ám ảnh người xem giữa Trần Tiến và Lưu khi vị thủ trưởng quyết định đưa anh lính trẻ giả mạo công an thải hồi để xâm nhập điều tra:

" - Đây là thuốc phòng tai biến, cháu luôn phải giữ bên mình.

- Thế có thuốc gây tai biến không chú?

- (Trần Tiến bối rối, rồi quát) Không được hỏi những điều không được phép hỏi".

Thật kinh khủng khi người ta phải sẵn sàng đối mặt với việc giải quyết các cơn tai biến, chứ không có khả năng tìm hiểu và diệt trừ cái thứ thuốc gây ra tai biến. Đó đang là một góc tối của xã hội hôm nay.

Hoàng Đạo chết vì thứ thuốc gây tai biến của vợ Vũ Lân - mà thực chất là "người của Hai Chính". Trần Tiến chết vì lên cơn tai biến trong sự bất lực quá đỗi. Và rất có thể Vũ Lân cũng sẽ tai biến trong nỗi sợ hãi ám ảnh vì gây ra cái chết của hai người bạn thâm niên. Những cái chết đột ngột vì tai biến không những không xoa dịu được ai mà còn làm người sống phải đau đớn, hoang mang.

Cái cách dùng tòa án tâm linh để nói hộ nỗi lòng người chết và kẻ sống của tác giả là một cách giải quyết vấn đề thú vị. Cũng đừng hy vọng vào một sự sám hối của cái ác, bởi nếu thế, cái ác đã chẳng đi đến tận cùng. Chỉ có cái thiện mới cần nghe, cần xem sự phán quyết của tâm linh để giữ cho mình dừng lại trước ranh giới địa phận của cái ác.

Giá mà hoàn hảo hơn

Đó là một chút tiếc nuối của khán giả khi xem tổng duyệtTai biến ở rạp Hồng Hà. Vở kịch sẽ trở nên nhuyễn hơn nếu các diễn viên trẻ đóng vai phụ hóa thân sắc hơn, đài từ tự nhiên hơn, để không bị quá chênh lệch với những diễn xuất "ngọt lừ" của Lan Hương, Thúy Phương, Ánh Hồng, Hồng Quang, Việt Thắng, Vĩnh Xương. Và sẽ đẩy cảm xúc vào sâu hơn nếu phần chọn nhạc tinh tế hơn. Ca khúc Con cò (ca sỹ: Tùng Dương, sáng tác: Lưu Hà An) bị đưa vào những cao trào làm vỡ xúc cảm của người xem. Nên chăng, trong lúc người xem đang nghẹn ngào, đang suy tư, hãy nổi lên vài giai điệu không lời.


"Tai biến" khiến khán giả thích thú trước sự trở lại của một thương hiệu kịch

Dẫu sao, với Tai biến, NSƯT Anh Tú đã không làm người hâm mộ chính kịch của anh ở Nhà hát Tuổi trẻ phải thất vọng. Đã có vài sự chột dạ khi thấy Anh Tú đứng tên đạo diễn của vở.Bởi nhiều người e ngại rằng, cái mật độ hài hước hơi dày của sân khấu Tuổi trẻ có thể làm mất đi chất chính luận của sân khấu Kịch Việt Nam . Nhưng người làm nghề chuyên nghiệp là người luôn biết rạch ròi. Và Anh Tú đã thành công trong việc tiết chế cũng như làm ra được cái màu của nhà hát mà anh đang làm lãnh đạo.

Và quan trọng nhất là, với Tai biến, người yêu kịch đã có thêm một câu chuyện văn nghệ để nhắc đến phút trà dư tửu hậu. To tát hơn, là có thêm một niềm tin vào sự thức dậy của một thương hiệu kịch bấy lâu tự nhốt mình vào lãng quên.

Hoàng Hồng
Theo: Tổ Quốc- Báo mới

Đăng ngày 19/06/2013

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan