Tác giả: Tân Linh
Vâng, họ khóc cho cả hai lý do. Tôi chắc thế. Và nghĩ thế mới thấy nó biện chứng hơn... Có một thời Vũ "bùng nổ" ghê gớm. Anh viết có mấy năm mà đến năm chục vở kịch lớn. Có vở cùng lúc bảy tám đoàn dựng. Có vở như Hồn Trương Ba da hàng thịt được các đoàn đưa đi diễn ở nước ngoài, tại Nga tại Mỹ gây tiếng vang không nhỏ. Những Sống mãi tuổi 17, Tôi và chúng ta, Ông không phải là bố tôi; Lời thề thứ 9... được dựng từ nam chí bắc. Nhiều vở tôi xem mấy lần mà lần nào cũng thấy có người xúc động lau nước mắt.. .
Nhưng cái phận người thăm thẳm. Nào ai biết nó nông sâu. Vũ mất đột ngột trong một tai nạn thảm khốc, cùng với người bạn thơ, bạn đời là nữ sĩ Xuân Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ. Không có huân chương nào được tặng, trước và sau lúc ấy. Chỉ đến khi tác giả khuất xa, một giải thưởng Nhà nước được truy tặng. Sự muộn mằn ấy phải chăng để làm thanh thản ai đó, trong số những người còn sống ở trên đời?
Sức mạnh qua kịch của Vũ an ủi và vực dậy bao nhiêu linh hồn tội nghiệp. Vũ nổi lên như một người anh hùng. Nhưng đến khi muốn đưa thi hài anh vào nhà lạnh BV Việt Xô, hay bạn bè muốn đem quàn anh ở ngôi nhà văn nghệ sĩ 51 Trần Hưng Đạo thật không dễ bởi sự cứng nhắc về "tiêu chuẩn" và cả sự vô cảm lạnh lùng... Phải chạy vạy, phải cần đến sự ra tay của bạn bè, cả khi đưa về an táng ở nghĩa trang Văn Điển... Chao ôi! Làm cái kiếp người trong thăm thẳm đoạn trường hình như thân phận nào cũng có bi kịch. Sự mất mát nào mà chả buồn. Lại có những sự buồn ngoài những mất mát.
Bây giờ sau những ồn ào kỷ niệm, dù hai thập kỷ qua đi, lòng tôi lại thấy như được an ủi...Nhưng được - mất gì, bây giờ cũng chẳng để làm gì nữa rồi. Ôi chao! Phận người thăm thẳm...
Đăng ngày 26/10/2008 |