Tuesday, October 6, 2015

THẤY HIU HIU GIÓ

XUÂN ĐỨC - Tản văn




 Một chuyến đi cam tâm trong những ngày rét đậm, gió bấc thổi như lá mía cắt vào mặt, và mưa cứ lai rai, lòe nhòe suốt mấy ngày không ngớt. Đấy là chưa nói đến chuyện con đường trục đất đỏ nhão nhoẹt lúc nào cũng có thể đưa cả chiếc xe bốn chỗ ngồi trôi tuột xuống vệ đường, và nếu điều đó xẩy ra thì tôi chỉ còn nước kêu trời.
        Ai cũng can gián tôi thôi đừng đi vì cái lí do lãng xẹt, khánh thành một nhà văn hóa cấp xóm.
Xin nhắc lại là nhà văn hóa cấp xóm chứ không phải cấp thôn. Ngay bản thân tôi khi nhận giấy mời cũng có sự nhầm lẫn. Từ trước tới nay tôi  nhớ là mình đã từng chỉ đạo quy hoạch xây dựng các tụ điểm văn hóa cấp cơ sở là thôn. Trong hệ thống hành chính hiện tại thì thôn được coi là " cánh tay nối dài" của chính quyền xã, là cái điểm chót cùng của cái thân hành chính dài ngoẵng từ Trung ương đến cơ sở. Ngay cả khi đã bước chân vào cái rạp che trước sân ngôi nhà tường gạch, mái tôn rộng chừng 70 mét vuông ( chỉ bằng một phòng khách của những ngôi nhà khá giả trong tỉnh lị), tôi hỏi cậu cán bộ xóm là nhà nước có hỗ trợ 50% kinh phí như quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh không, cậu ta nói không, tôi đã rất lấy làm thắc mắc định bụng khi về tỉnh sẽ hỏi lại..Về sau mới nhớ ra, đây là Nhà văn hóa cấp xóm, mà trong đề án xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở trước đây Hội đồng nhân dân phê chuẩn để hỗ trợ đầu tư theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm là 50-50 chỉ có từ cấp thôn trở lên...         
Một chuyến đi cam tâm trong những ngày rét đậm, gió bấc thổi như lá mía cắt vào mặt, và mưa cứ lai rai, lòe nhòe suốt mấy ngày không ngớt. Đấy là chưa nói đến chuyện con đường trục đất đỏ nhão nhoẹt lúc nào cũng có thể đưa cả chiếc xe bốn chỗ ngồi trôi tuột xuống vệ đường, và nếu điều đó xẩy ra thì tôi chỉ còn nước kêu trời.
        Ai cũng can gián tôi thôi đừng đi vì cái lí do lãng xẹt, khánh thành một nhà văn hóa cấp xóm.
           Đôi khi trong tôi, và có thể ở vài ba người khác, ba khái niệm: làng, thôn, xóm gần như một! 
*
Xóm này được gọi là xóm Năm, thuộc thôn Hiền Dũng xã Vĩnh Hòa. Trong bài diễn văn của vị tổ trưởng Mặt trận xóm có nói đến chuyện xóm Năm đã từng 5 lần đổi tên. Lúc đó tôi không thật chú ý nên giờ cũng không còn nhớ rõ 5 lần ấy mang những tên gì. Nhưng trong kí ức tôi chỉ có hai cái tên: xóm Tây Hiền và Đội Năm. Giờ thêm tên xóm Năm nữa là ba. Trong ba tên đó, Tây Hiền có lẽ là cái tên in sâu đậm nhất trong nỗi nhớ của tôi, và thú thực đó cũng chính là lí do giục giã nhất khiến tôi đội mưa, chịu rét trở về với buổi lễ khánh thành cái nhà văn hóa chỉ bằng ngôi nhà tình thương cỡ trung bình này.
         Xã Vĩnh Hòa của tôi xa xưa được gọi chung là đất Huỳnh công. Sau cách mạng tháng 8 và trong kháng chiến chống Pháp, nhà nước Cách mạng thành lập nên xã Vĩnh Hòa và lấy những cái tên rất cách mạng để đặt tên thôn: Hiền, Hòa, Hùng, Dũng.
          Thực ra lúc đầu chỉ có ba tên thôn: Tây Hiền, Tây Hòa và Tây Hùng. Không biết cái tên Dũng có tự lúc nào, hình như từ khi thành lập Hợp tác xã cấp thấp. Lúc đó người ta chia Tây Hòa ra làm hai, Hòa Đông và Hòa Nam. Còn lấy một phần đất Tây Hùng nhập vào Tây Hiền để thành thôn Hiền Dũng, sau đó là Hợp tác xã Hiền Dũng..Rồi thì cái tên Tây Hiền vốn là tên thôn bỗng nhiên bị " hạ cấp" thành xóm Tây Hiền, rồi là đội 5 của HTX Hiền Dũng, và bây giờ được gọi tên mới là xóm Năm!
          Tây Hiền là một xóm nhỏ nằm lút sâu vào vùng đồi đất đỏ ba zan rậm rịt cây cối. Nếu chiếu theo hướng bắc, chính xác là tây-bắc, thì Tây Hiền là xóm cuối cùng của Vĩnh Hòa giáp với xã Vĩnh Nam qua một con khe kêu bằng khe Su, và bên kia khe là đường Cáp Lài xuôi về Rú Lịnh. Hướng chính tây xưa kia là một khu rừng cằn, chủ yếu là lùm bụi chạy thẳng lên thị trấn Hồ Xá bằng một con đường mòn được chủ đồn điền cao su người Pháp khai thông và đặt tên đường 12. Còn phía đông và đông- nam là xóm Tây Hòa. Nói đại lược vậy để thấy xóm nhỏ này heo hút và chìm sâu đến mức nào trong một vùng cũng được coi là hẻo lánh của huyện Vĩnh Linh.
          Nhưng với tôi, Tây Hiền lúc nào cũng bổi hổi và thao thức, lúc nào cũng lung linh như một nỗi hoài niệm tình yêu. Đôi lúc giữa phố thị Đông Hà, cái xóm nhỏ heo hắt ấy vẫn hiện lên trong giấc ngủ.
Bố tôi sinh ra ở đây, rồi bố mẹ tôi sinh ra tất cả mấy anh chị em tôi cũng ở xóm nhỏ này. Tôi chào đời lúc người lớn đang chịu đựng với những cuộc lùng sục của giặc Pháp. Tôi không nhớ được nhiều chuyện hồi đó, chỉ nhớ duy nhất cái lần lính Bảo vệ về bắt cả nhà tôi lên chợ huyện. Bố tôi trốn thoát cùng mấy ông hàng xóm núp đằng sau bụi tre vườn nhà..Rồi thì các anh chị lớn được gả chồng, lấy vợ ra ăn ở riêng. Tôi là đứa út ở lại cùng bố trong căn nhà cột gỗ mít, mái lợp tranh nằm trong khu vườn khá rộng, ước chừng bốn sào. Tôi không hiểu vì sao bố lại chọn miếng đất ngoài bìa xóm này để làm nhà, chỉ biết rằng hàng chục năm, ngôi nhà tôi gần như tách riêng ra một phía ngoài cùng của Tây Hiền. Xóm vốn đã heo hút, khu vườn tôi càng vắng lặng hơn.
         Từ nhà vào xóm có hai lối đi. Phía tây, cách vườn tôi một sở đất là một truông rậm, đấy là đường ra ruộng của cả xóm. Còn phía đông ngay sát cạnh vườn tôi còn có một lối nhỏ đi men theo bờ đất các mảnh vườn khác. Tôi thường đi gánh nước giếng Mít, giếng Choi hoặc vô xóm chơi bằng lối đi đó. Giữa xóm Tây Hiền với nhà tôi được ngăn cách bằng một đoạn đường nối với đường 12. Đến thời xây dựng Hợp tác xã cấp cao người ta đã đầu tư đoạn này thành đường trục ngang  cắt vuông góc với đường trục dọc nối cả xã Vính Hòa ra ngoài chân ruộng Hiền Lương.
          Mảnh vườn cũ của tôi cách trục ngang chừng năm mươi mét, cách trục dọc chưa tới nửa cây..
          Và hôm nay cái nhà văn hóa cấp xóm ấy nằm ngay bên con đường trục ngang, sát cạnh lối mòn nhỏ thời xưa tôi vẫn thường đi gánh nước và cách cái vườn cũ của tôi chỉ độ 50 mét.
Tôi chào hỏi cậu cán bộ thôn ( mà tôi không thể biết cậu ta là con cái nhà ai), đảo mắt một vòng nhìn lớp con cháu lạ hoắc ngồi chật kín trong rạp đang hào hứng xem các tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" của xóm, rồi tiến vào ngó ngàng qua quýt ngôi nhà đang chuẩn bị được khánh thành, xong mấy " thủ tục" đó, lập tức lén tách ra khỏi đám đông với đầy ắp tiếng loa nhạc ầm ĩ, men theo con đường nhỏ vội vã, lập bập đi xuống mảnh vườn xưa... 
*
Mảnh vườn xưa..Nó đây. Chỉ cách cái nhà văn hóa xóm chừng 50, nhưng sao tiếng loa, tiếng hát xập xình, náo nhiệt ngoài đó không lọt được tới chỗ này? Vườn xưa vẫn hoang lạnh và vắng ngắt như tờ.
         Bây giờ dân xóm Tây Hiền đã không còn bám trụ vào vùng đất cũ lút sâu tận khe Su như thủa trước mà đã tràn ra ở ngập kín xung quanh khu vườn cũ của tôi. Lý do sự dịch chuyển ra triền đất ngoài vì bình độ đất thấp hơn để tìm mạch nước, và với sự đổi mới tư duy thời nay, dân Tây Hiền đã đào được giếng nước. Nhà nào cũng có giếng. Nhớ lại cái thời xa xưa ấy, tôi phải đi gánh nước từ gà gáy sáng men theo lối mòn rậm rịt cỏ lá mất gần một giờ đồng hồ để ra Giếng Mít, thả gàu xuống đáy giếng kiên nhẫn chắt nước vào gàu, vét lên từng bát..Mà thế còn là may. Đến tháng cao điểm mùa hè, giếng Mít, giếng Choi khô khốc, dân xóm tôi lại phải quay về hướng đông-nam, đường xa gấp đôi để múc nước từ Mội Võng, hoặc Khe Bùi giáp xã Vĩnh Hiền...Bữa nay sẽ chẳng bao giờ có lại những kí ức cực khổ ấy nữa. Ngồi kể lại những chuyện đó, đám thanh niên  trẻ đang hát hò ồn ã trong cái nhà văn hóa kia tròn mắt ra, cứ như nghe cổ tích, huyền thoại.
        
         Mảng vườn xưa..Nó đây.  Bố tôi chia vườn ra thành hai khu. Phía ngoài là khuông đất làm nhà ở cùng với chè xanh, rau cỏ, phía sau để lại gần ngàn mét vuông hình chữ nhật để trồng mít, sắn, khoai. Bao bọc ba chiều là những rặng tre cây gai rậm rịt. Phía còn lại là hàng cây chua mót làm ranh giới với nhà hàng xóm, một người có bà con gần với tôi nhưng lại là dân xóm Hòa đông. Mít vườn tôi nhiều vô kể. Vào mùa mít chín, cứ sáng ra là vác sào khua một vòng, quả nào có tiếng kêu "bệch..bệch" có nghĩa là chín hoặc sắp chín..Đôi khi vì mắc bận chuyện gì đó quên kiểm tra, vài ngày sau đã thấy một vài quả rơi vỡ nhão nhoẹt trên mặt đất. Vì chỉ có hai bố con nên chuyện đi chợ bán mít đương nhiên là việc của tôi. Gánh toòng teng ba bốn quả mít trên vai, đi bộ từ Vĩnh Hòa theo đường 12 lên chợ Hồ Xá để bán, đó chắc chắn là việc không dễ chịu chút nào với một thằng con trai. Nhưng tôi không còn sự lựa chọn. Nhớ nhất là những dịp lễ kỉ niệm Quốc khánh mùng 2 tháng 9. Hồi đó, ngày lễ Quốc khánh huyện Vĩnh Linh thường tổ chức mét tin lớn trên thị trấn. Dân khắp các xã được tổ chức kéo lên từ lúc trời còn chưa sáng. Lễ mét tin chỉ diễn ra ngắn gọn, sau đó là tuần hành. Các đoàn tuần hành đi theo đội hình từng xã, sau khi hết đoạn đường của thị trấn thì dân xã nào rẽ về xã đó..Đấy chính là thời điểm tôi gánh mít lên chợ. Và cái mặt tôi chờm ra xáp mặt dân tuần hành trên con đường 12. Đôi khi tôi tủi thân bật khóc. Đương nhiên đó là cách sĩ diện trẻ con, hơn nữa lại là trẻ con thời xưa, thời mà thái độ con người với đồng tiền chưa thật mặn mà. Chứ thời nay, đám trẻ vẫn nói, làm gì có tiền là làm, kể cả chống đầu xuống đất, hất cẳng lên trời trồng cây chuối cả ngày cho thiên hạ tiêu khiển cũng không có gì phải xấu hổ...
Mảnh vườn xưa...Nó đây. Bây giờ toàn bộ mảnh vườn đã thuộc chủ sở hữu của một gia đinh khác. Là ai tôi cũng không muốn tìm hiểu, vì ai thì cũng là dân Tây Hiền. Mà có hỏi chắc chi chủ vườn đã biết. Về xóm cũ lần này, đứng trước cả đám đông màu mỡ và náo nhiệt trong buổi lễ khánh thành nhà văn hóa tôi chỉ còn nhận ra bốn người. Chị Thanh, anh Lực, anh Hiệp và cậu Kĩ. Ba người thuộc lớp anh cả, chị thứ của tôi. Còn Kĩ là bạn học. Nay Kĩ là tổ trưởng Mặt trận, mặt mũi nhăn nheo..Tôi tự biết tất nhiên mặt mình cũng như vậy. Còn lại tất tất là lớp con cháu, chẳng đủ sức để hỏi xem con cái nhà ai, chỉ biết đứa nào cũng xinh đẹp, mỡ màu tươi tốt. Vậy là mừng lắm rồi, là cái phúc cho cả xóm. Thế cho nên, chủ nhân mới của khu vườn cũ của tôi nếu có lần hỏi chắc cũng sẽ là một cháu nào đó, tôi sẽ không biết cháu và đương nhiên cháu cũng sẽ chẳng biết tôi, càng khó mà biết đến bố tôi. Chỉ có điều này làm tôi mừng rõ, chủ nhân đã chọn khu đất sau làm nhà ở, còn toàn bộ khu trước trồng tiêu. Thành thử giờ này tôi có thể tự do lần bước vào vườn, tự do ngắm nhìn, ngẫm nghĩ đến cái không gian quá khứ của mình mà không bị vướng cản bới bất cứ thứ gì. Đây là ngõ vào, một ngõ nhỏ được bắt đầu bằng hai cây trồng hai bên, một cây ươi, một cây bồ quân. Lỗi vào và dãy dâm bụt. Bố tôi ngày trước rất thích hoa. Cây ươi khi quả nứt ra có màu đỏ như nhung. Dâm bụt nở hoa cả bốn mùa. Còn trước sân ông thường trồng hoa mào gà, hoa chuối..Bố còn có một trò vui ngộ nghĩnh. Ông cắm trước sân một cành cây khô nhiều nhánh nhỏ. Mỗi lần ăn một quả trứng gà hay trứng vịt, ông lấy vỏ cắm vào một nhánh khô. Nhiều ngày, tự nhiên có được một cây "hoa trứng" trắng phau, ai đến chơi cũng cười to và khen cụ sáng tạo...Cứ thế tôi tẩn mẩn lần theo kí ức, xác định từng không gian chi tiết, đây là chỗ đặt bàn thờ, đây là vị trí mình kê chiếc bàn gỗ mít  ngồi học..kia là chỗ đặt chiếc chõng tre và bố thường nằm ngửa vắt chân chữ ngũ ngâm nga tích Lưu Bình- Dương Lễ hoặc đôi ba câu Kiều.
Mảnh vườn xưa..Nó đây. Ngày giặc Mỹ ném bom ra Vĩnh Linh, người ta bất ngờ gọi tôi đi bộ đội. Bố tôi đã đứng như câm lặng hàng chục phút, sau đó ông âm thầm chui vào gường nằm không nói một lời. Ngày đó tôi mới tuổi 18, rất hăng hái và lại được giáo dục rất kĩ lí tưởng cách mạng. Tôi đã mang tất cả những lí lẽ cao cả đó để thuyết phục, động viên bố. Nghĩ lại tôi chỉ muốn òa lên khóc và tự xấu hổ cho mình. Tôi làm sao lại có thể hiểu lẽ sống hơn bố mà dám giảng giải cơ chứ. Không phải tới hôm nay khi tôi đã già hơn tuổi bố tôi ngày đó mới tự thấy xấu hổ, mà ngay mấy năm sau ngày nhập ngũ, trước lúc cùng tiểu đoàn 47 vượt sông vào chiến trường thì biết tin ngôi nhà của tôi bị bom ném cháy, đơn vị cho tôi chạy về thăm bố..Tôi đã chạy như điên dại, chạy không kịp thở để rồi đứng sững người trước cảnh cả ngôi nhà với bao kí ức của bố con tôi đã thành đống tro hầm hập lửa. Và bố tôi cúi lom khom, tay cầm một que cời cào cào vào tro như cố tìm lại vài vật gì đó..Tôi đã trào nước mắt và tự kêu thầm lên trong lòng: Tại sao lại nỡ để bố ở lại một mình?
Sau lần cháy nhà đó, bố đã vào hẳn trong xóm, đào địa đạo cùng sống với bà con đội Năm. Tiếp sau nữa là cùng hàng vạn dân Vĩnh Linh đi sơ tán ra tận Tân Kỳ- Nghệ An. Hết chiến tranh, về lại quê, bố cũng làm một ngôi nhà nhỏ vào sâu trong xóm. Như vậy nghĩa là, mảnh vườn cũ đã không còn là của chúng tôi kể từ khi quả bom Mỹ ném xuống, toàn bộ gia tài cũng kí ức của bố con tôi đã thành tro bụi.
         Nhưng không. Với tôi, mảnh vườn xưa ấy chưa từng mất đi, chưa từng phai nhạt..Chỉ có điều vì nhiều lí do mà tôi chưa lần nào được trở lại với nó mà thôi. 
Nhân một dịp giỗ bố, tôi đã có viết bài thơ nhớ bố. Bài thơ có mấy câu thế này:
                   ...Bố không phải thi nhân
                   Nhưng biết dạy con gieo vần lục bát
                   Bố không phải nhà nho
                   Vẫn bày cho con viết chữ 
tâm, chữ đức
                   Bố không là nghệ sĩ
                   Vẫn tập cho con điệu Lý qua đèo..
                 
Bố tôi là vậy. Một cuộc sống cô đơn, cơ cực và lầm lũi không làm cho ông mất đi cốt cách một văn nho và tâm thế một nghệ sĩ. Có lẽ đó là di sản lớn nhất mà ông đã để lại cho tôi.. Giờ thì Ông đã đi xa..xa lắm rồi, nhưng mảnh vườn xưa vẫn còn gần như nguyên vẹn. Cây trong vườn giờ là hồ tiêu được người chủ mới trồng để khai thác nguồn lợi kinh tế. Những bụi ươi, gốc bồ quần, dãy dâm bụt hay những hàng mít ngày ấy đã không còn chút dấu tích. Nhưng tôi tin, những vệt cỏ xè xè, lún phún kia hẳn đã mọc ra từ gốc cỏ thời ấy., và ngọn gió lao xao trên tán lá kia vẫn từ cội nguồn cơn gió ngày nào..Tôi đứng rất lâu trong vườn, lặng nhìn những ngọn cỏ, lá cây, ngửa mặt hứng hơi lạnh từ hiu hiu ngọn gió..Chợt nhớ câu Kiều mà bố vẫn thường ngâm:Trông lên ngọn cỏ lá cây / thấy hiu hiu gió..                Tôi khẽ kêu thầm: Bố ơi!




 Đăng ngày 10/01/2013
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Đức Tiên - 11/01/2013

Những ký ức xưa xa thủa trẻ con mãi mãi in đậm trong trí nhớ đến già. Nhớ lắm !
  Gửi bởi: Lê H.N - 12/01/2013

Lão Trang hay thật !Chừng ấy năm trời mà Lão vẫn còn nhớ và tìm ra được dấu vết gốc vườn xưa .Cảm xúc của Lão khi về với chốn sâu xa vẫn còn tươi nguyên, đậm đà ,chân chất của người con đất Vĩnh .Phải chăng Lão là người may mắn khi được sống gần quê hương (Từ Đông Hà ra Vĩnh Hòa của Lão có chưa đầy 30 Km) Nhưng thời gian ,thời gian thì quả thật là xa ngái vậy mà ....Lão hay thật ! Chứ không như tôi có 24 năm xa cái đất Vĩnh Hòa mà ngày trở lại phải nghẹn ngào mà thốt lên rằng : Hai bốn năm rồi Quảng Trị ta ơi
               Vẫn thế mưa dầm ,vẫn hun nắng lửa
               Ta về trong chiều run run bở ngỡ
               Đâu rồi bến cũ, đâu rồi đò xưa !?

  Gửi bởi: Vũ Thị Sự - 12/01/2013

Một tản văn xao động lòng người! Em đọc và cảm động rơi nước mắt  trước hình ảnh:"Tôi đã chạy như điên dại, chạy không kịp thở để rồi đứng sững người trước cảnh cả ngôi nhà với bao kí ức của bố con tôi đã thành đống tro hầm hập lửa. Và bố tôi cúi lom khom, tay cầm một que cời cào cào vào tro như cố tìm lại vài vật gì đó..Tôi đã trào nước mắt và tự kêu thầm lên trong lòng: Tại sao lại nỡ để bố ở lại một mình?" đọc đoạn văn này em nhớ biết bao nhiêu hình ảnh bố em cào bới căn nhà đổ sập sau trận bom Mĩ hủy diệt thị xã Hòn Gai ngày 10.5.1972. Em đã khóc nấc lên khi đọc đoạn này. Nhớ biết bao nhiêu những kỉ niệm về gia đình, về tuổi thơ, về một thời bom đạn. Bố em là Vệ Quốc Quân là bộ đội tình nguyện chiến đấu ở Lào. Bố em kể rất nhiều chuyện về Thanh Hóa, Vinh, về con người ở dải đất miền Trung. Nhất định sẽ có ngày em sẽ đi thăm lại những nơi đó. 

  Gửi bởi: Nguyên Hồng - 14/01/2013

Trong tâm hồn của mỗi người đều có một khung trời kỷ niệm, có thể là đau buồn, có thể là ngọt ngào da diết. Khi đọc " thấy hiu hiu gió", tôi Cũng chạnh lòng với bao nỗi niềm trắc ẩn của một thời quá vãng, đồng cảm với tác giả. Vùng quê đất đỏ nhà" miềng "chứa đựng bên trong bao câu chuyện của một thời tuổi trẻ, dù đi đâu, ở đâu vẫn không quên được. thật cảm động và gợi nhớ trong lòng. " Nhớ thuở đói nghèo tháng Ba ngày Tám/nếp nhà tranh đạm bạc bữa cơm chiều/Mắt mẹ quầng sâu, ngọn đèn mờ tỏ/Con như cây thầm lặng thấm bao điều...".

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan