Tác giả: Xuân Đức
Mặc dầu rất cực nhọc, nhưng cuối cùng những nụ lá non cũng đã nhú ra lơ thơ trên các nhánh liễu, nhìn chúng vừa dễ thương nhưng cũng đầy thấp thỏm rủi ro. Những mảnh lá li ti ấy có thể khô héo và rơi rụng bất cứ lúc nào.
Bên bờ hồ trong mảnh vườn nhỏ của tôi, ngoài tre trúc, tôi có mang về 5 gốc liễu rũ Hồ Tây. Trước đó tôi cũng đã trồng mấy gốc liễu Đà Lạt. Liễu Đà Lạt gốc xù xì như gốc tràm, vỏ nổi da xù xì, cành thì vặn vẹo, xương xẩu y như loại cây bị hãm lâu ngày trong chậu cảnh.. Nhìn xa xa cũng thấy cành nó buông xuôi xuống khá đẹp nhưng khi lại gần mới thấy lá nó vừa to vừa cứng cứ xếp nhau chỉa thẳng theo hướng ngọn cành. Cũng là họ nhà liễu nhưng thật khó để gọi nó là liễu rũ được.
Tôi nhớ cây liễu rũ Hà Nội như một phần hồn vía của xứ Hà thành, cũng là hồn vía của chính tôi trong những năm phiêu dạt. Mỗi lần nghĩ về nó tôi cứ thấy bần thần như kẻ nghiện nhớ điếu thuốc lào giữa đêm đông buốt giá.
Cuộc đời tôi mãi tới năm 1969 mới được biết Hà Nội. Nói cho thật chính xác là tới năm đó tôi mới vượt qua được đất thị xã Vinh ( Nghệ An) ra xứ Thanh về biển Sầm Sơn rồi dong ra Hà Nội.Kể đến đây lại chạnh lòng nhớ tới thầy tôi, nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm.
Anh Đào Hồng Cẩm biết tôi từ năm 1967 khi vào chiến trường Mặt trận B5 và Vĩnh Linh. Đến năm 69, Tổng cục chính trị giao cho anh mở một lớp bồi dưỡng những người viết kịch bản sân khấu trẻ trong Quân đội. Trong danh sách triệu tập về dự lớp anh Cẩm đã đặc biệt lưu ý đến tôi. Nhân có một đoàn cán bộ của phòng VNQĐ vào đất lửa công tác, anh đã yêu cầu đón tôi. Một buổi chiều khi tôi đang cùng đội Tuyên văn phục vụ trận địa cao xạ thì có một chiếc xe U Oát đít vuông chạy xồng xộc lên tìm tôi. Đó chính là đoàn nhà văn của VNQĐ, họ đã về BTL gặp Chính ủy và được BTL cho phép đón tôi ra Hà Nội. Khi đã ngồi yên vị trên xe tôi được giới thiệu. Ông trường đoàn công tác là Đại úy Đại Đồng, ngồi bên sau là 2 nhà thơ : Ngô Văn Phú và Phạm Đức. ( Hồi đó Phạm Đức cũng còn là cây bút trẻ nhưng Ngô Văn Phú thì đã nổi danh lắm rồi). Đây chính là chuyến " xuất ngoại" ra khỏi QK4 đầu tiên của tôi.( Trước đó tôi cũng đã ra tới Vinh rồi rẽ lên miền tây vùng Nghĩa Đàn, Tân Kì). Có hai kỉ niệm vừa buồn cười vừa khá sâu sắc đối với tôi trong chuyến thượng kinh ấy. Chuyện thứ nhất là lần đầu tiên tôi nhìn thấy con ngựa. Lúc đó trời vừa hửng sáng, xe chúng tôi đến địa phận huyện Quỳnh Lưu. Nghe tiếng gõ lộp bộp trên đường nhựa, tôi vội vén tấm bạt phủ đằng sau xe lên để nhìn ra ngoài. Bất ngờ tôi hét to : Ngựa ! Con ngựa! Các nhà văn trên xe đều tròn mắt nhìn tôi. Nhưng lúc ấy tôi chẳng thấy ngượng chút nào. Tâm thần tôi đang bị hút chặt vào chú ngựa đang kéo xe. Tuy nó ốm yếu gầy nhom nhưng là con ngựa thật chứ không phải trên phim ảnh. Cảm xúc của tôi lúc đó thật hào hùng ...
Chuyện thứ hai là khi ra đến Hà Nội đến bờ hồ nhìn thấy cấy liễu. Tôi đã đứng sững người hồi lâu, mồm lẩm nhẩm : là cây thật hay cây giả đây? Và để chắc ăn tôi rón rén đến gần với tay bấm vào một chót lá. Khi đã khẳng định chắc chắn là cây thật tôi mới lùi ra xa hơn để ngăm nghía. Không biết tôi đứng vậy bao lâu nhưng khi ngoảnh lại mới phát hiện ra có quá nhiều người đang " ngắm" tôi. Có lẽ với dân Hà Nội, cái thằng lính đang bận bộ quân phục nhàu nhò và đứng ngây người ra trước một gốc cây như thế cũng quá ư lạ lùng còn hơn cả cảm giác của tôi trước dáng cây kì diệu. Đêm đó tôi thao thức mãi với sự tủi thân, vì sao đất mình khổ thế. Chẳng những nghèo nàn cơm áo, chẳng những bom đạn đầy trời mà cả đến một giống cây đẹp cũng không có. Từ đó tôi ôm ấp một ước muốn là làm sao mang được một gốc liễu rũ ấy về quê.
Tôi đã 3 lần thực hiện ước muốn ấy nhưng đều thất bại. Không ngờ cái giống cây yêu kiều đó lại khó sống đến vậy. Năm ngoái tôi đã kì công mang về 5 gốc . Lần trồng này có vẻ chắc ăn, Cả năm cây đều sống. Thân cao gấp đôi thân người. Gốc to bằng gốc tre cán giáo. Mùa hè năm ngoái cành liễu đã rũ bóng xuống hồ Năm Hào trông thật dễ thương...
Nhưng than ôi, cứ khi gió bấc thổi, trời chớm rét là liễu khô rụi lá.Những chiếc cành trơ khấc ra như củi khô. Mùa đông vừa rồi, tôi ngỡ cả 5 cây đã chết. Cứ nghĩ là loại cây phương bắc quen chịu rét buốt, vào đất miền trung thì cái rét chẳng bõ bèn gì. Nhưng vì sao lại thế ? Bạn bè có ai biết kĩ thuật chăm nó mách bảo cho với.
Mấy hôm nay, trời ấm lên, le lói nắng, liễu lại le te nhú lá xanh. Mừng thì mừng những vẫn chẳng thể yên tâm. Cái lộc xuân ở đất miền trung này sao khắc khoải thế, sao mỏng manh đến thế ! Ngồi nhìn liễu, vô cớ thấy buồn. Mới đó mà đã 40 năm. Trời ơi, đã 40 năm sao ? Và thầy Đào Hồng Cẩm cũng đã khuất bóng gần trọn 20 năm.( Thầy mất đúng mùa xuân 1990). Thời gian thì cứ ào ào vô tâm như gió mùa đông bắc mà kiếp người lại cứ mảnh mai dễ héo như thân lá liễu vậy.
Đăng ngày 03/02/2009 |
Ý kiến về bài viết | ||||||||||||||||||||||||||||||
|