Lê Nguyên Hồng
"Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ Tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay!Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?"
(Ca dao)
Câu chuyện xẩy ra tại một miền quê ở vùng châu thổ Bắc bộ thuở xa xưa.
Có chàng trai con nhà nghèo, bố mẹ quanh năm đi làm mướn để nuôi con. Chàng trai càng lớn càng khôi ngô, sáng dạ, gương mặt toát lên vẻ thông minh, lanh lợi. Chàng theo bố mẹ làm thuê cho nhà giàu. Do bản tính thích hiểu biết nên anh ta vừa làm cho chủ, vừa lắng nghe con cháu nhà chủ học bài do một ông giáo trên Phủ về dạy. Một hôm, mải chăm chú nghe bọn trẻ học bài, anh chàng quên đổ nước vào bể, bị ông chủ bắt gặp đánh đòn, suýt nữa bị đuổi việc. Con gái nhà ông chủ rất cảm tình với chàng trai nghèo. Hàng ngày cô ta nấp sau cánh cửa nhìn trộm chàng trai xách nước, làm cỏ cần mẫn trong vườn nhà mình. Tự nhiên cô bé thấy lòng xốn xang lạ. Những lúc vắng chàng trai, cô bé lòng như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Cô đã đem lòng yêu chàng trai tự lúc nào không hay. Tên cô gái là Tầm Xuân. Cái tên đẹp và thuần khiết như một loài hoa. Nói là con nhà giàu nhưng Tầm Xuân là cô gái nết na, có một tấm lòng đôn hậu. Tình cảm và sự quan tâm của cô gái làm chàng trai cảm động. Nhưng chuyện giàu nghèo ngày xưa không phải chuyện đùa, khoảng cách xa nhau như dòng sông cuộn xiết, trai gái khác cảnh khó mà đến với nhau được. Hai người thầm yêu, trộm nhớ, nhưng chưa một lần dám bày tỏ nỗi niềm. Nghèo không có tội nhưng chàng trai mặc cảm với thân phận nghèo, cố tình lảng tránh cô gái. Biết được ý chàng trai, cô gái rất buồn, tỏ ra khó tính với mọi người trong nhà. Những ngày chàng trai không đến làm, Tầm Xuân vào ra thẩn thờ. Tình yêu như ngọn lửa cháy âm ỷ nhưng quyết liệt, không thể dập tắt nổi trong lòng nàng và chàng. Có lần chàng trai thổ lộ với bố mẹ:
-Con gái nhà ấy yêu con thực lòng. Bố mẹ thử đánh tiếng với bố mẹ cô ấy rằng: con yêu cô Tầm Xuân. Nếu họ chấp thuận thì suốt đời đi làm thuê cho nhà người ta con cũng bằng lòng. Được lấy cô ấy thì dù vất vả mấy con cũng chịu được.
Nghe thế, bố mẹ giãy nảy lên:
-Đừng nghĩ dại thế con ơi! Nhà người ta là dòng dõi cao sang, với không thấu đâu. Họ cười cho thối mũi đấy. Không khéo họ bảo nhà mình dở hơi, đũa mốc dám chòi mâm son thì bẽ mặt lắm...
Bố mẹ nói đúng. Chàng trai thở dài, buồn cho thân phận, nghĩ thương bố mẹ nghèo. Từ đó cậu ta không nhắc đến chuyện yêu đương nữa. Hàng ngày làm thuê, chàng cố lãng tránh những cái nhìn âu yếm của Tầm Xuân. Nhưng tình yêu không dễ dàng đoạn tuyệt. Ai đã dính vào chuyện yêu đương sẽ thấu rõ điều ấy. Hàng ngày được nhìn thấy nhau, cả hai đều thấy lòng ấm áp.
Người nghèo là số đông.Người nghèo cũng có thú vui riêng. Đêm đến, con trai con gái trong làng tụ tập hò hát, đối đáp tận khuya. Trong đám nam nữ đó có cả chàng trai mà Tầm Xuân yêu thương. Những lời đối đáp cất lên thật quyến rũ. Tầm Xuân thường nấp từ xa để ngắm chàng và xem những cuộc hò hát nam nữ rộn ràng như thế. Chàng nổi bật hẳn so với đám con trai, khiến Tầm Xuân lặng nhìn, khao khát. Bên nam cất giọng hò đầy vẻ nuối tiếc:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay...
Bên nữ hò đáp lại đầy vẻ trách móc:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lòng như cá cắn câu.
Bên nam cũng không vừa, xui bên nữ:
Lỡ cắn câu giật cần mà lủi
Bị nhốt rồi, phá cũi mà bay.
Bên nữ đáp lại nghe giọng buồn buồn:
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lòng biết thuở nào ra?
Bên nam biết bị đuối lý đành thông cảm. Có mấy anh không chịu, hăng hái buông lời trêu ghẹo mấy em chưa chồng:
Người về ta dặn người rằng
Đâu hơn người kết, đâu bằng đợi ta.
Anh về thưa với mẹ cha
Sắm sanh lễ vật tới nhà em chơi...
Bên nữ cũng không vừa, nhưng các cô không muốn bên nam buồn nên đáp lại có ý trêu đùa:
Trăm năm bậc cũ lở rồi
Đò đưa bến khác, bạn ngồi đợi ai?
Thôi về cuốc đất trồng khoai
Chờ ai khôn lớn cùng ai hẹn hò
Có cần," chị" mối giúp cho...?
Chắc là bên nữ có thầy bày nên sáng tác lời đối đáp rất nhanh, nghe chan chát, rất phù hợp với hoàn cảnh? Bọn con gái đối đáp xong, khoái chí ôm nhau reo cười, chờ mãi mà không nghe câu đối đáp của cánh con trai. Biết bọn con gái nói đểu, nhưng đám con trai không đáp lại, vì sợ các "chị" cao tay hơn nên im lặng cho qua, thể hiện đàn ông quân tử, không thèm chấp chuyện nhỏ nhặt với chị em.
Trong những cuộc vui như vậy, hai bên đều vỗ tay tán thưởng, cổ vũ lẫn nhau, đúng là anh hát em khen, ai chen vô lọt? Tự dưng, Tầm Xuân ao ước mình là con nhà nghèo để được tự do vui chơi thỏa thích, vô tư như những nam thanh nữ tú trong làng. Bao nhiêu lần được nghe những câu hát như thế cũng không chán, Tầm Xuân thuộc làu như người trong cuộc. Cái nụ tầm xuân trong bài ca dao đối đáp kia không biết có liên quan gì đến Tầm Xuân hay không nhưng sao cô cứ thấy ám ảnh tâm trí như người nghiện, bâng khuâng mỗi khi được nghe câu hát, nhất là từ khi biết thế nào là tình yêu? Nhưng trong chế độ cũ: "Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" thì khó có chuyện trai gái tự do yêu nhau rồi đi đến hôn nhân. Đối với con nhà giàu khi dựng vợ gã chồng thì phải "môn đăng hộ đối" mới được chấp thuận. Nhưng không ít cặp trai gái vẫn tìm cách vượt rào, chịu mọi tai tiếng, bị gia đình đánh mắng để đến với nhau, rồi nên duyên chồng vợ. Không ít cặp phải trốn nhà, đi sống nơi khác để được ở bên nhau.
*
* *
Năm ấy "giặc cỏ" nổi loạn khắp nơi chống lại triều đình, đánh phá kho lương thực để lấy thóc chia cho dân nghèo, tỏ thái độ phản đối nhà vua quan liêu để quan lại địa phương lộng quyền tăng thuế, tham nhũng, làm dân đói khổ. Nhà vua khẩn cấp xuống lệnh tuyển chọn trai tráng đi dẹp loạn. Chàng trai bị sức vào lính và cấp tốc theo đoàn quân lên đường. Chàng ra đi mà lòng cứ bứt rứt không yên, tâm trạng hướng về nơi xóm nhỏ. Ở đó có cô gái thầm yêu trộm nhớ mà trước khi lên đường, chàng không kịp một lời hẹn ước. Tuy vậy, trong lòng của chàng, Tầm Xuân mãi mãi là hình bóng đợi chờ, là nổi niềm khắc khoải khôn nguôi. Sau khi dẹp tan giặc cỏ, đoàn quân tiếp tục nhận lệnh của triều đình đến vùng biên ải để chặn giặc ngoại bang đang lăm le bờ cõi. Thế là chàng trai đành biền biệt xa quê, không hẹn ngày trở lại. Thuở ấy, đàn ông đi vào cơn binh loạn thì chuyện trở về thật lắm gian nan. Chuyện sống chết nơi chân trời góc bể của người lính xông pha trận mạc ám ảnh bao gia đình ở chốn quê xa lắc xa lơ, mòn mỏi chờ tin con năm này qua năm khác. Gia đình chàng trai ngày ngày vẫn đi làm thuê cho nhà Tầm Xuân. Cô gái coi bố mẹ của chàng như là người ruột thịt nhưng không dám hé lộ tình cảm. Cô mong ước chàng trai trở về để cô nói với bố mẹ cho cô kết duyên cùng chàng, dù bố mẹ đánh mắng cũng mặc. Nếu bố mẹ không đồng ý, cô sẽ trốn theo chàng. Càng ngày, cô gái càng xinh đẹp rực rỡ như bông hoa đồng nội đến kỳ khoe sắc, làm cho nhiều thanh niên khát khao, thèm muốn. Sắc đẹp của Tầm Xuân đã được nhiều gia đình kén dâu nhòm ngó tới.
Rồi một hôm...
Có lẽ đó là cái ngày định mệnh khắc nghiệt của cô gái. Cả nhà Tầm Xuân đang nghỉ trưa thì có một đoàn người sang trọng đi xe ngựa có lộng che từ xa đến. Họ vào thẳng nhà. Có cả Lý trưởng cũng ở trong đoàn người ấy. Không để chủ nhà kịp suy nghĩ, một phụ nữ (có lẽ bà mối) vừa chỉ vào các thứ đồ lễ vừa vào thẳng vấn đề:
-Ông bà có đứa con gái tên là Tầm Xuân đã đến tuổi lấy chồng. Gia đình chúng tôi cất công tới đây để đặt vấn đề với gia đình ông bà cho đứa con trai chúng tôi làm rể. Đây là lễ vật giao ước, ông bà nhận cho.
Tầm Xuân nằm trong buồng như bị điện giật khi nghe câu chuyện giữa bố mẹ và những người lạ kia. Thì ra, đó là một gia đình quyền thế trên Phủ. Họ có quyền, có tiền thì thích làm gì mà chả được? Bố mẹ Tầm Xuân ở vào thế bị động, không dám trái lời họ. Việc sắp đặt của hai gia đình thế là xong, có cả Lý trưởng thay mặt chính quyền địa phương chứng kiến. Người đàn bà lúc nãy còn nói:
-Gia đình chúng tôi đã định, đúng mười ngày nữa là làm lễ cưới. Mọi chuyện chúng tôi đã tính kỹ rồi. Xin ông bà lưu ý cho.
Họ đưa gia đình Tầm Xuân vào thế đã rồi, buộc phải chấp nhận. Đoàn người đi rồi, để lại cho cả nhà một không khí nặng nề, ngột ngạt. Nghe đâu thằng con trai của nhà ấy hơn Tầm Xuân một giáp, không được khôn như những thanh niên khác. Có người bảo thằng ấy bị bệnh tâm thần, chạy chữa khắp nơi không khỏi, nhưng lúc tỉnh táo thì cứ đòi bố mẹ hỏi vợ cho nó, mà phải chọn cô thật đẹp cơ. Nó thích lấy vợ thì tìm đám khác, trên Phủ thiếu gì, sao lại nhằm đúng vào người con gái đẹp nhất của xã này? Tầm Xuân buồn bã, nằm khóc mấy ngày, không chịu cơm nước gì cả, bố mẹ dỗ dành, động viên mãi nó cũng không chịu nghe. Nhớ đến chàng trai đang ngoài biên ải, Tầm Xuân ruột rối như tơ. Đau lòng lắm. Không lấy được chàng trai mà nàng đã trót yêu thì đời này, kiếp này, nàng sẽ không yêu ai cả.
Chỉ còn vài ngày nữa là bên nhà trai đến đón cô dâu. Đã tới nước này rồi, nàng không còn tiếc thân mình nữa. Chế độ hà khắc, tàn nhẫn không để cho con người tự do lựa chọn hạnh phúc lứa đôi, không được định đoạt vận mệnh của mình thì hy vọng gì cho mệt. Trong đầu Tầm Xuân lóe lên những suy nghĩ cay đắng ấy. Và nàng quyết định táo bạo theo suy nghĩ riêng của mình...
Đêm không trăng. Chỉ có sao trời dày đặc, nhấp nha nhấp nháy như đùa nghịch. Quang cảnh này rất hợp cho trai gái đang yêu. Tầm Xuân chả còn bụng dạ nào mà để ý đến cảnh vật xung quanh."Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?". Cô vận bộ quần áo lụa mới may, đẹp nhất cùng với bọc khăn gói và số tiền dành dụm được bấy lâu, lặng lẽ trốn khỏi nhà. Mấy con chó dữ quen hơi chủ nên ngoắt đuôi mừng, không một tiếng sủa. Cả nhà ngủ say. Nàng đến bên bờ sông, một mình thui thủi ngồi khóc, thầm gọi tên chàng trai, hai vạt áo ướt đầm. Lúc ấy chừng đã canh ba. Trong xóm có tiếng gà lúc gần lúc xa, nghe buồn rười rượi. Cả một vùng sông nước mênh mang, yên tĩnh đến rợn người. Hôm nay sao không có một chiếc đò xuôi ngược? Tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng tấu lên bản nhạc vang âm, vui tai của đồng đất quê hương, sao hôm nay nghe thật não lòng? Mùi bùn từ ruộng bốc lên hăng hắc, quen thuộc, cứ phảng phất như quấn chặt lấy hồn người. Vùng đồng bằng về đêm thật quyến rủ. Chỉ vài ngày nữa sẽ về làm dâu nhà người, sống với một gã đàn ông ngố, dở dở ương ương gọi là chồng ư? Phận con gái sao mà phũ phàng, bèo bọt thế? Sinh ra phận hồng nhan ở chế độ phong kiến là một kiếp nạn hẩm hiu. Sống thế, chẳng khác chi con vật, nhục lắm. Ban đầu, nàng có ý định trốn thật xa về miệt cuối dòng sông để lánh "nạn" ép duyên như một số cô gái đã từng làm, sau đó sẽ tính đến một cuộc sống khác, để có dịp tìm gặp lại người yêu. Nhưng hoàn cảnh không chiều theo suy nghĩ của nàng. Thời gian thật gấp gáp. Dòng sông êm đềm trước mặt như thấu hiểu tâm trạng chán chường của cô gái. Vẫn không có một chiếc đò nào trong đêm thanh vắng. Không còn chần chừ được nữa. "Một liều, ba bảy cũng liều...". Tầm Xuân buộc chặt gói tay nải vào người, lao mình vào dòng nước mát lạnh, vĩnh biệt chốn trần gian khổ đau nhất của buổi đầu đời cay đắng, phủ phàng. Thôi, Vĩnh biệt gia đình, vĩnh biệt người yêu...Vĩnh biệt!.
*
* *
Gia đình cùng người thân đau đớn tỏa đi tìm nhưng tin tức về Tầm Xuân vẫn bặt vô âm tính. Người ta tìm dọc sông, vớt được một xác chết trôi nhưng không phải Tầm Xuân. Ai cũng xót thương cô gái đẹp người đẹp nết nhưng xấu số, bạc mệnh. Người ta nghĩ cô gái đã nhảy sông tự tử nhưng có lẽ mắc kẹt vào hốc đá hoặc hang sâu nên xác không nổi lên. Bàn thờ con gái được bố mẹ lập để hương khói, lấy ngày Tầm Xuân mất tích làm ngày giỗ. Từ ngày ấy, bố mẹ khổ đau, gia đình làm ăn sa sút. Lý trưởng bực bội vì bị vị quan Phủ quở trách chuyện để cho cô gái sắp làm dâu nhà họ biến mất. Gia đình của Tầm Xuân không được Lý trưởng che chở, bảo vệ như hồi nào. Đau đớn vì mất đứa con gái yêu, mặt khác bị quan địa phương ghẻ lạnh, o ép, bố mẹ của Tầm Xuân không còn ngóc dậy được, mọi sự mất mát, thua thiệt cứ kéo đến từng ngày bao trùm lên gia đình vốn một thời giàu có. Hai ông bà đã già, nay lại chịu cú sốc quá lớn nên đổ bệnh, rồi lần lượt qua đời. Con cái của họ cũng làm ăn xuống dốc...
*
* *
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên ải, vì có tài và có công lao với triều đình, chàng trai được cất nhắc làm quan đứng đầu một Phủ ở một miền quê khác. Trước khi đến nhậm chức ở địa bàn mới, chàng cùng đoàn tùy tùng về quê thăm gia đình, làng xóm, tìm gặp Tầm Xuân. Một dòng sông rộng chắn ngang, khách phải qua đò. Lúc ấy trời đã sâm sẩm tối. Cả quan và lính dừng lại nghỉ ngơi đợi đò. Ở bên bến sông là một khu đất rộng, có quán ăn, quán nước. Khách qua đò thường vào quán ăn uống, tụ tập trong những lều bạt để đánh bạc, nghe hát xẩm. Ban ngày, bến sông rất náo nhiệt. Trời sắp tối nên khách cũng vãn. Lúc này có một đám hát đang phục vụ những người đợi đò. Đám hát cả nam lẫn nữ chừng năm, sáu người, có cả trẻ con. Lúc đầu, chàng không chú ý lắm. Tâm trạng của chàng muốn về nhà càng nhanh càng tốt. Nhưng đến khi nghe cô gái cất giọng bài "Nụ tầm xuân" theo lối hát sẩm thì chàng trai giật mình. Bài hát này, chàng cùng các bạn đã từng hát đối đáp hồi còn ở nhà, sao ở đây cũng có, không sai một từ?. Nhưng hôm nay, giọng hát nghe buồn bã, chỉ một cô gái hát từ đầu đến cuối, tự mình đối đáp, không có giọng nam. Người nghe rất cảm động. Có người đề nghị hát lại. Cô gái vẫn chiều lòng khách.
...Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không...?
Tiếng hát như cứa vào lòng chàng trai, gợi về kỷ niệm giữa chàng với cô gái ở quê. Lời bài hát láy đi láy lại theo lối hát sẩm như nổi niềm thổn thức của người hát thầm nói với bạn tình.
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lòng như cá cắn câu...
Chỉ có ai trong cuộc mới thấm thía điều ấy. Lời bài hát hay tâm trạng cô gái? Chàng trai bỗng nôn nao nhớ Tầm Xuân vô hạn. Lần này chàng phải gặp nàng, nếu nàng chưa có chốn có nơi thì xin được lấy nàng làm vợ, không thể bỏ lỡ cơ hội. Địa vị của chàng nay đã khác. Chàng lấy tiền đưa anh lính đem bỏ vào cái tô sành cạnh người hát. Có một đứa nhỏ chừng 3 tuổi ngồi sau lưng cô gái, chắc là con của nàng. Sao tiếng cô gái nghe quen quen và gần gủi lạ? Chàng ngờ ngợ, nhìn chăm chăm về phía người hát. Trời nhá nhem, không thấy rõ mặt cô gái. Nhưng chàng trai đâu ngờ, mọi cử chỉ của chàng không qua được mắt nàng. Chàng đứng lên để đi đến phía người hát.
Vừa lúc đó thì đò đã ghé bờ. Chàng trai cùng đoàn tùy tùng vội vã xuống đò. Tiếng hát của cô gái vẫn cất lên, bám theo, như thầm nhắn gửi một điều gì da diết với chàng:
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?
Chim vào lồng biết thuở nào ra?...
Lời ca nhỏ dần... nhỏ dần rồi mất hút. Con đò mỗi lúc một xa bờ, chìm vào hoàng hôn, sương lạnh...
Chốn quê của chàng cũng chả có gì thay đổi. Cuộc sống vẫn bình lặng như thuở chàng ra đi. Nắng mưa đã làm cho những ngôi nhà mái rạ thêm phạc phờ, ảm đạm hơn. Những gì xẩy ra trong nhiều năm qua, nghe xóm làng kể lại làm chàng đau lòng. Gia đình Tầm Xuân không còn thịnh vượng như hồi nào. Bố mẹ Tầm Xuân không còn nữa. Khi tìm hiểu, chàng trai mới vở lẽ mọi chuyện. Thì ra, vì chàng mà Tầm Xuân đã quyên sinh. Chàng rất đau đớn và quyết đi tìm người mình yêu dấu...
*
* *
... Tầm Xuân trẫm mình trôi theo dòng sông, nhưng đến một ngã ba, bất ngờ một cơn lốc xoáy đẩy cái xác rẽ vào một con mương rộng. Không hiểu sao, cái xác không chìm. Có một ông già chăn vịt phát hiện thấy có người trôi bập bềnh liền vớt lên, đem vào lán để cứu chữa. Gói quần áo vẫn trên người cô gái vẫn còn. Cũng may, hôm ấy thằng con của ông chưa đi thả lưới. Hai cha con dốc ngược cô gái lên cho ộc nước ra và làm hô hấp, đốt lửa sưởi nên cô gái dần dần tỉnh lại. Theo lời đề nghị của cô gái, hai cha con giấu biệt chuyện cô bị ép duyên nên tự tử. Sau một thời gian được gia đình người chăn vịt chăm sóc, cô khỏe lại. Từ lúc ấy, cô trở thành con cái trong nhà. Hàng ngày, cô nấu ăn, giặt giũ, phụ việc với gia đình. Bố con người chăn vịt thì thì đơm nò tôm, kéo lưới để kiếm cá đem ra chợ bán. Con trai của người chăn vịt rất hiền hậu, khỏe mạnh nhưng nghèo nên chưa lấy được vợ. Cô gái dạt vào đây, âu cũng là duyên số ông trời đưa đẩy? Tầm Xuân chấp nhận làm vợ của anh ta. Có lẽ đó là cơ duyên trời định? Cái nghề chăn vịt cũng bị bọn cường quyền chèn ép. Chăn vịt cánh đồng nào là phải cống nộp cho bọn Lý trưởng, Hương thôn ở vùng ấy, nếu không thì chúng cho người đuổi đi hoặc tịch thu vịt. Cả nhà phải bán hết vịt, giải nghệ, làm nghề hát rong là ăn chắc nhất, chả cần vốn liếng. Nhờ nghề hát rong mà cả nhà đỡ hẳn, thu nhập khá lên, không bị nộp thuế. Đứa con dâu đẹp người, có giọng hát hay, mẹ chồng và em gái chồng cũng biết hát xẩm, còn bố chồng hồi trai tráng đã biết đánh nhị, gõ phách nên gánh hát rất ăn khách, đến đâu cũng được mời đón. Tầm Xuân đã sinh được đứa con trai. Hôm ở bến đò ấy, Tầm Xuân cùng gia đình hát cho mọi người nghe lần cuối để rồi âm thầm chào tạm biệt bến đò những tháng năm gắn bó thân thuộc, ngày mai lên mạn ngược, chọn nơi lập nghiệp ở một vùng giáp biên giới, bỏ nghề hát rong. Có lẽ trời xui đất khiến, hôm ấy nàng may mắn thấy lại người yêu sau nhiều năm xa cách, để rồi mãi mãi mất nhau. Nàng đã sang ngang, chuyện tình xưa phải gạt khỏi tâm trí. Đã là số kiếp thì phải nhận lấy, dù buồn phiền cũng chớ kêu ca.
*
* *
Sau những ngày về thăm quê để chuẩn bị cho một chuyến đi dài, chàng trai đã hiểu ra tất cả. Chàng ngờ ngợ về Tầm Xuân hôm ở bến sông và vội vã đi tìm. Khi hỏi những gia đình xung quanh bến sông thì ai cũng nói rằng: Người hát ấy chính là cô Tầm Xuân ở nơi xa đến từ mấy năm nay. Có người còn tiết lộ thân phận của cô gái cho chàng nghe. Ai cũng khen cô gái có nét đẹp đoan trang mà gặp cảnh trớ trêu nên phải chịu kiếp nạn hồng nhan. Khi chàng trai đến thì cả nhà cô gái đã giã biệt bến sông ngay sau đêm hát cuối cùng ấy. Họ đi đâu, chả ai biết. Mọi người luyến tiếc vì từ nay không còn được nghe Tầm Xuân hát nữa. Bài "nụ tầm xuân" phải chính Tầm Xuân hát mới da diết lòng người. Ai có hoàn cảnh và tâm trạng như Tầm Xuân mà nghe bài hát ấy cũng nức nở con tim...
Chàng trai vô cùng đau khổ. Thế là hết! Biết tìm em ở đâu? Sống mà không tìm gặp được nhau, có gì đau đớn bằng? Chàng thẩn thờ ra bến sông giống kẻ mất hồn. Như còn vọng lại đâu đây dư âm của bài ca dao mà lần cuối cùng Tầm Xuân đã kịp hát cho người yêu nghe, gửi tâm trạng u uất vào sông nước, trải tất cả nổi niềm xót xa tràn ngập hoàng hôn, khói sương mờ ảo:
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra...?
Đã mấy lần chàng trai cất công đi tìm cô gái nhưng đều vô hiệu. Những nơi chàng đến đều nghe trai gái hát về nụ tầm xuân, còn Tầm Xuân bằng xương bằng thịt của chàng chẳng biết ở phương nào?. Hỏi cô gái có tên Tầm Xuân, chả ai biết. Thật kỳ lạ.
Khi đến miền quê mới, gia đình Tầm Xuân vỡ đất trồng rừng, trồng các loại cây ăn quả và thảo dược, gắn bó với miền sơn cước. Do yêu ca hát, Tầm Xuân lập một đội văn nghệ, dạy mọi người hát xoan, hát xẩm. Nàng truyền lại cho đội văn nghệ những bài hát về tình yêu nam nữ bắt nguồn từ ca dao mà nàng thuộc lòng, được mọi người say mê, nhất là trai gái đang yêu. Những bài ca ấy như có cánh bay xa, xa mãi và tồn tại cùng năm tháng.
...Sau này, đâu đâu cũng thấy lưu truyền nhiều bài ca dao về tình yêu nam nữ. Nhưng bài ca dao "nụ tầm xuân" được chú ý hơn cả. Mỗi vùng quê có một cách biểu cảm riêng về bài ca dao trữ tình đó. "Nụ tầm xuân" lưu truyền trong dân gian, đi vào trang sách học trò, khiến cho bao thế hệ nao lòng về tình duyên trắc trở mà những nàng, những chàng phải gánh nỗi đa đoan, để cho người đời tốn nhiều giấy mực thổn thức về những cuộc tình dang dở ngày xưa, man mác nỗi buồn nhân ảnh chốn hồng trần - sinh -li - xa xót. Lời ca dao xưa vẫn còn ngân vọng mãi:
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay...
Đăng ngày 13/10/2012 |