Sunday, October 18, 2015

Trả lời phỏng vấn của Pv Báo QĐND về Lễ hội thống nhất non sông

Tác giả: Xuân Đức

Tối qua ngồi nhà xem chương trình nghệ thuật trong lễ hội Thống nhất non sông. Cũng ngày qua, 28/4, Báo QĐND cuối tuần đăng bài trả lời phỏng vấn của tôi về lễ hội này. Có lẽ vì khuôn khổ báo có hạn nên họ cắt đi mấy chỗ..nghĩ cũng tiếc. Xin được đăng nguyên văn câu chữ của tôi để bạn bè chia sẻ.



1 – Xin Nhà văn cho biết Lễ hội Thống nhất Non sông được tổ chức tại Quảng Trị từ bao giờ? Ý tưởng về lễ hội này đến với nhà văn-Giám đốc sở hồi đó như thế nào? Nhà văn hãy kể chi tiết về Lễ hội tổ chức lần đầu tiên, cũng như kỷ niệm của ông về những lần tổ chức Lễ hội ấn tượng nhất?

XĐ: Lễ hội thống nhất non sông với tư cách là một lễ hội cách mạng cấp tỉnh được tổ chức ở khu di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải lần đầu tiên vào sáng 1/5/ 2005, kỉ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi nói là lễ hội với tư cách cấp tỉnh, bởi vì trước đó, những năm sau chiến thắng lịch sử 1975, tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập, huyện Vĩnh Linh ( bắc sông Bến Hải), Gio Linh và Cam Lộ ( nam sông) nhập thành huyện lớn với tên gọi huyện Bến Hải. Con sông Bến Hải từng là lằn ranh chia cắt đất nước suốt 21 năm, lúc này trở thành con sông chảy xuyên giữa lòng huyện Bến Hải. Vì vậy, vào dịp 30/4 hàng năm, huyện Bến Hải thường tổ chức các hoạt động mang tính lễ hội tại cầu Hiền Lương để cùng cả nước kỉ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ Quốc. Những hoạt động ấy chủ yếu là đua thuyền truyền thống, thi đấu bóng chuyền và biểu diễn văn nghệ. Mặc dầu các hình thức tổ chức còn đơn sơ nhưng những dịp đó nhân dân cả hai huyện về dự khá đông..Nhiều du khách trong nước và nước ngoài cũng có mặt. Họ về với sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là về với một miền kí ức có cả cay đắng, bi thương và cả những kỉ niệm oanh liệt tự hào.

            Trước khi nói đến ý tưởng xây dựng lễ hội cách mạng mang tên Lễ hội thống nhất non sông của tỉnh, tôi muốn nói lại một chút về hoàn cảnh của Quảng Trị lúc đó. Sau khi tỉnh Quảng Trị được tái lập, với một gia tài gần như tay trắng trên hầu hết các bình diện, đảng bộ và nhân dân Quảng Trị xác định lại điểm xuất phát và hướng đi của mình trên tất cả mọi hoạt động từ kinh tế đến văn hóa, xã hội. Những năm đầu tiên ấy, với trách nhiệm là người được lãnh đạo tỉnh giao lãnh đạo ngành văn hóa, tôi suy nghĩ rất nhiều về hướng đi, cách phát triển sự nghiệp văn hóa trên quê hương mình. Làm văn hóa theo tôi có hai việc lớn phải xác định. Đấy là không gian văn hóa và môi trường văn hóa. Vậy, không gian văn hóa Quảng Trị là gì? Cuộc chiến tranh hủy diệt đi qua trên mảnh đất Quảng Trị đã để lại cho đất và người ở đây những hậu quả vô cùng nặng nề, đồng thời cũng để lại những di sản đặc sắc về văn hóa và lịch sử mà không có nơi nào sánh được. Đấy chính là những di tích lịch sử, những địa danh chấn động địa cầu như Bến Hải- Hiền Lương, Khe Sanh Trường Sơn, như Thành cổ Quảng Trị..Có người đã ví không quá rằng, cả Quảng Trị là một bảo tàng khổng lồ của lịch sử chiến tranh cách mạng..Chiến tranh đi qua, nhưng hồi ức về nó mãi mãi không thể phai nhạt. Hằng năm, có hàng vạn, hàng triệu người khắp cả nước, cả những người lính phía bên kia vẫn thưởng về đây để hoài niệm lại những năm tháng đã qua, để suy ngẫm về những giá trị của hòa bình và đoàn tụ. Vậy nên, một không gian văn hóa điển hình ở mảnh đất này chính là không gian hồi ức và tưởng niêm. Từ suy nghĩ ấy, chúng tôi đã xây dựng thành công 2 lễ hội cách mạng lớn: Lễ hội huyền thoại Trường Sơn trong chương trình Lễ tri ân tháng bảy và lễ hội thả hoa tưởng niệm chiến sĩ hy sinh ở Thành cổ. Cũng trên nhận thức ấy, ngành du lịch cũng đã xây dựng thành công Tour du lịch: Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội.
           
Bây giờ nói về lễ hội Thống nhất non sông. Khi nhắc đến di tích cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, người ta thường nói tới nỗi đau chia cắt. Nhưng theo tôi, cao hơn sự chia cắt chính là, nơi chứng kiến sự chia cắt đau đớn này của dân tộc chính là nơi thể hiện cụ thể nhất, day dứt nhất khát vọng đoàn tụ, ước mơ về ngày bắc nam sum họp một nhà. Lời nói bất hủ của Bác Hồ: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi…có lẽ không ở đâu lại được vang lên tha thiết và nóng bỏng bằng nơi đây. “ Cách một dòng sông đó thương đây nhớ / Chỉ bảy nhịp cầu duyên nợ xa nhau/ Đấu tranh cho nước nhà thống nhất mau mau/ Để duyên đôi lứa trước sau vẹn toàn.”( Thơ ca dân gian Vĩnh Linh.) Nhận thức như vậy, cho nên chúng tôi nghĩ tới một lễ hội cách mạng ở trên cầu Hiền Lương sông Bến Hải không chỉ để nhắc lại nỗi đau chia cắt đất nước, không phải chỉ để ngợi ca chiến công, cho dù những ý nghĩa ấy cũng hết sức cần thiết, mà đặc sắc hơn, cao cả hơn, đấy là khẳng định khát vọng thống nhất, ngợi ca tinh thần đoàn kết, hòa hợp của dân tộc Việt Nam, tôn vinh chiến thắng của một dân tộc vượt qua bão giông của sự thù hận, chia li để đến được với ngày thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối. Và nói cho cùng, mục tiêu thống nhất non sông, tiến tới hòa hợp dân tộc để đại gia đình Việt Nam trở về một mái nhà chung cùng xây dựng Việt Nam phát triển sánh vai với bạn bè trên thế giới mới chính là mục tiêu cao cả nhất, là ý nghĩa có tính bản chất nhất của cuộc chiến đấu sinh tử này chứ không phải là cuộc chiến vì ý thức hệ, càng không phải là cuộc huynh đệ tương tàn như nhiều kẻ hiện nay đang cố tình xuyên tạc.

Kỉ niệm của tôi về lần tổ chức lễ hội Thống nhất non sông đầu tiên, đấy chính là câu chuyện vì sao lại tổ chức vào sáng 1/5? Lẽ hội này được xác định là nằm trong không gian cả nước kỉ niệm chiến thắng lịch sử 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam. Các hoạt động kỉ niệm đó thường được bắt đầu từ lễ kỉ niệm chiến thắng Buôn-mê-thuột..tiếp theo là các mốc giải phóng các tỉnh thành từ Huế vào đến thành phố Hồ Chí Minh. Khi chúng tôi ra báo cáo đề án tổ chức lễ hội Thống nhất ( dự kiến lúc đầu là ngày 30/4) với Đài Truyền hình Việt Nam để xin kế hoạch truyền hình trực tiếp thì được trả lời là không còn khoảng trống. Từ lễ kỉ niệm chiến thắng ở Tây Nguyên cho đến ngày cuối cùng là 30/4, đài đã có kế hoạch liên tục truyền trực tiếp các lễ kỉ niệm của tất cả các tỉnh thành. Riêng ngày 30/4 phải ưu tiên truyền các hoạt động ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi rất thất vọng. Nếu tổ chức một lễ hội với ý nghĩa là ngày hội thống nhất đất nước mà nhân dân cả nước lại không hề chứng kiến thì làm sao thỏa nguyện được. Lúc đó các anh lãnh đạo tỉnh cũng tự an ủi, thôi thì ta cứ làm “ nội bộ” để nhân dân tỉnh nhà được thỏa mãn cũng là tốt rồi. Riêng cá nhân tôi không chịu. Sau mấy đêm suy nghĩ, tôi đã viết tờ trình lên Thường vụ Tỉnh ủy, xin lùi ngày tổ chức sang 1/5 với lí lẽ thế này. 30 tháng 4 mới giải phóng Sài Gòn thì 1/.5 dân tộc mới thực sự có điều kiện đoàn tụ. Như vậy từ đầu tháng 3 đến 30/4, các cuộc kỉ niệm trên cả nước đều kỉ niệm chiến thắng, thì sáng 1/5, trên cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Quảng Trị xin kết thúc bằng lễ hội Thống nhất non sông. Thường vụ tỉnh ủy nhất trí với đề xuất này và trình gấp ra Ban Bí thư. Thật may mắn, chỉ một thời gian ngắn, chúng tôi nhận được ý kiến Ban Bí thư, nhất trí lấy lễ hội Thống nhất non sông tại Quảng Trị vào sáng 1/5 làm điểm kết thúc chuỗi các hoạt động kỉ niệm chiến thắng lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nội dung và cách thức tổ chức lễ hội Thống nhất non sông lần đầu tiên cũng có nhiều điều khá thú vị. Khi chấp bút kịch bản, tôi nghĩ mãi đến cái “ tứ” sum họp, đoàn tụ..Tôi đã đề nghị Lãnh đạo tỉnh, ngoài việc mời lãnh đạo Trung ương và đại diện các tỉnh kề cận như Quảng Bình- Thừa Thiên Huế thì cần mời hai đoàn đại biểu ở hai địa phương cực nam và cực bắc đất nước. Đó là Cà Mau và Lạng Sơn. Rồi tôi điện cho hai sở Văn Hóa của hai tỉnh bạn ấy, đề nghị cố gắng đưa về hai nắm đất nơi hai địa đầu đất nước. Thật cảm động khi biết được, hai tỉnh không những ủng hộ mà còn tổ chức rất trang nghiêm lễ lấy đất. Họ tổ chức hẳn một lễ lấy đất có sự chứng kiến của lãnh đạo cao nhất tỉnh ( có quay hình làm tư liệu), sau đó trao cho hai đoàn đại biểu mang về dâng lên Kì đài Hiền Lương. Kịch bản của Lễ hội được xác định như sau: Bắt đầu bằng việc tái hiện khung cảnh đoàn tụ bắc nam. Nói là “tái hiện” nhưng không phải là thứ Sân khấu hóa như nhiều nơi vẫn làm, mà chúng tôi có con người thật của lịch sử. Đấy là hai đoàn cán bộ nhân dân hai tỉnh Cà Mau và Lạng Sơn. Hầu hết trong số đại biểu ấy đều chưa một lần được đặt chân tới sông Hiền Lương. Chúng tôi tổ chức cho hai đoàn từ hai bờ nam bắc tiến ra gặp nhau chính giữa cầu di tích. Một cảnh tượng vô cùng xúc động đối với hai đoàn và với tất cả mọi người tham dự lễ hội. Tiếp đến là lễ thượng cờ Tổ quốc lên Kì đài Hiền Lương. Như mọi người đều biết, lá cờ Tổ Quốc trên cột cờ lịch sử đầu cầu giới tuyến là niềm tự hào, là biểu tượng của ý chí không có gì độc lập tự do, là huyền thoại về một cuộc chiến đấu kì lạ để bảo vệ lá cờ trong cuộc chiến hủy diệt. Thời còn chia cắt, lá cờ bên bờ bắc chính là niềm tin, là sức mạnh cho bà con bờ nam chiến đấu. Có câu chuyện một bà mẹ lặn lội từ Cà Mau ra tận Hiền lương để được tận mắt nhìn thấy cờ đỏ sao vàng..Nơi cột cờ giới tuyến nay đã được tôn tạo thành Kì đài, điểm nhấn nổi bật trong quẩn thể di tích Đôi bờ Hiền Lương Bến Hải. Vì vậy, lễ thượng cờ Tổ Quốc là một nội dung trọng đại. Tôi đặt hàng cho nhạc sĩ Xuân Vũ viết một Hợp xướng có tiêu đề Bài ca thống nhất. Lần đầu tiên, khi tiếng còi báo yên vang lên, cả không gian Hiền Lương như lặng đi. Lá cờ đỏ sao vàng với khổ lớn 96 m2 ( bằng khổ cờ lớn nhất trong lịch sử của lá cờ giới tuyến) lừng lững kéo lên rồi bung ra lồng lộng trong gió khiến hàng ngàn người có mặt không cầm được nước mắt. Tiếp đến là lễ tiếp nhận hai nắm đất của hai miền địa đầu đất nước. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiến lên Kì đài trang trọng nhận món quà vô cùng ý nghĩa đó trong tiếng hát xốn xang và hào hùng của bản hợp xướng Bài ca thống nhất. Hai nắm đất thiêng liêng ấy hiện vẫn được lưu giữ trong nhà bảo tàng của Di tích Hiền Lương- Bến Hải. Và lễ thượng cờ là nghi lễ chính thức được xác định trước các lễ hội Thống nhất non sông của tất cả những lần sau.
           Kỉ niệm xúc động thứ hai là bài văn tế Liệt sĩ đã ngã xuống xuống giữa dòng sông và hai bờ Hiền Lương- Bến Hải. Bài văn tế này tôi viết và tự mình đọc trong lễ thả đèn hoa trên sông vào giờ hoàng hôn hôm đó, trước khi chương trình nghệ thuật Bài ca Thống nhất diễn ra. Hàng vạn đồng bào, đồng chí, quan khách đứng chật hai bờ sông, đứng dày trên chiếc cầu di tích đã lặng ngắt trong xúc động khi nghe những lởi thống thiết nhắc lại những năm tháng đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của giới tuyến sông Hiền Lương.
              “…
Bên nớ Cát Sơn, bên ni Tùng Luật mẹ bồng con khắc khoải ruột gan
              Nọ là Võ Xá, này là Hiền Lương vợ ngóng chồng chờ mong héo hắt.
              Đem áo ra sông mà giặt, áo mòn dạ vẫn trinh nguyên
              Đưa lưới xuống bến để phơi, lưới khô mắt thì đẫm huyết
...
                  
Tình trong lá thiếp một câu hò trên bến Hiền Lương   
                   
Chí ở ngọn cờ hai ngón tay hẹn ngày thống nhất..”
              
Cho đến hôm nay, dư âm bài tế đó vẫn con vang vọng trong tâm khảm người dân Quảng Trị và những quan khách đã có mặt trong buổi lễ hôm đó.

2 - Ý nghĩa và vai trò của Lễ hội này đối với người dân Quảng Trị nói riêng, nhân dân cả nước nói chung hiện nay như thế nào? Tại sao?

XĐ: Như tôi nói ở trên, chiến thắng trong chiến dịch mùa xuân 1975 là một chiến thắng vĩ đại. Nhưng cái vĩ đại nhất của nó không phải chỉ nằm ở chỗ ta đã diệt bao nhiêu tên địch, giải phóng bao nhiêu vùng đất, mà giá trị nhất là nó đã kết thúc những năm tháng đau thương, chia cắt dân tộc Việt Nam. Cái đích cuối cùng của cuộc chiến không phải là giải phóng được Sài Gòn, không phảỉ là đã chiến thắng hoàn toàn Mỹ Ngụy mà là đã thống nhất được đất nước, giang sơn thu về một mối và người Việt Nam đã cùng trở về trong một mái nhà chung. Vì vậy, lễ hội Thống nhất non sông có ý nghĩa như là khẳng định thắng lợi trọn vẹn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mặt khác, với đường lối khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, hòa hợp dân tộc, đại đoàn kết toàn dân để cùng nhau xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như mong ước của Bác Hồ thì ngày Hội thống nhất non sông cũng chính là ngày hội cho ý chí thống nhất, hòa hợp dân tộc vả biểu dương sức mạnh đại đoàn kết để cùng nhau xây dựng giang sơn đất nước Việt Nam.

3 - Trong quá trình tổ chức Lễ hội này, có những vấn đề gì còn phải hoàn thiện, nâng cấp và làm thế nào để Lễ hội trở thành nhu cầu tinh thần thực sự hơn nữa của người dân?

XĐ: Khái niệm Lễ hội vốn là khái niệm về không gian văn hóa trong di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Thường thì các sinh hoạt lễ hội chỉ có trong kho tàng văn hóa dân gian truyển thống. Vì thế, khi xây dựng mô hình lễ hội mới, nhất là các lễ hội cách mạng, chúng ta hay mắc phải một số sai lầm, hạn chế. Ví dụ, có sự nhầm lẫn giữa khái niệm lễ hội với những cuộc mét tin, lễ trọng để kỉ niệm các sự kiện lịch sử. Chúng ta nhầm rằng việc huy động được hàng vạn người đến dự một cuộc mét tin lớn coi như đã là lễ hội? Sự thực không phải vậy. Bởi một cuộc mét tin, một buổi lễ kỉ niệm dù hoành tráng đến đâu cũng chỉ là hoạt động nhất thời, không phải là hình thức tập họp cộng đồng định kì, thường xuyên và tự nguyện mà trong nội hàm của lễ hội gọi là những cuộc hành hương. Không có yếu tố tự nguyện hành hương của cộng đồng và du khách về với điểm lễ hội theo một định kì nào đó thì không thể gọi đó là lễ hội. Vì vậy, muốn lễ hội Thống nhất non sông và những lễ hội cách mạng khác đã được tổ chức rất thành công ở Quảng Trị được duy trì thường xuyên, có sức lan tỏa ngày càng lớn thì điều cần thiết là phải quảng bá ngày càng sâu rộng giá trị phi vật thể của Di tích Hiền Lương Bến Hải, phải biến nơi này thật sự trở thành Cõi thiêng, thành miền hoài niệm kí ức trong tâm khảm dân tộc để từ đó thúc giục mọi ngưởi, mọi nhà không bao giờ quên và luôn muốn tìm về với miền kí ức khôn phai ấy.
           Về hình thức tổ chức ( tức kịch bản lễ hội) cũng luôn có sự sáng tạo, đổi mới để không bị nhàm chán. Theo tôi, phần lễ là phần cứng đã xác định, đấy là lễ thượng cờ Tổ Quốc. Còn phần hội là mềm cần luôn luôn sáng tạo. Trong lần tổ chức thứ 2, năm 2010, không thể lặp lại hình ảnh mang hai nắm đất về đặt ở chân Kì đài Hiền Lương nữa, chúng tôi đã mời đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng và một đoàn ở đồng bằng sông Cửu Long, họ đã mang về những bầu nước được lấy từ suối Băc-pó và sông Cửu Long rồi cùng hòa chung vào dòng nước sông Bến Hải..Đấy chính là sự sáng tạo mới..
            Có một điểm cần lưu ý là trong cách thức tổ chức các chương trình nghệ thuật, bây giờ người ta nghiêng về việc mời và khoán trắng cho những nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp. Họ lên kịch bản nghệ thuật, tuy cũng bám vào nội dung chỉ đạo của địa phương, tuy nhiên nhiều chương trình tỏ ra rất cứng, nhạt, rất thiếu cảm xúc. Tôi nhớ ở lần tổ chức lễ hội Thống nhất non sông đầu tiên, ngoài việc chuẩn bị một số tiết mục mang tính chuyên nghiệp, tôi đã dành một “ không gian mở” cho các tiết mục quần chúng. Hai đoàn Cà Mau và Lạng Sơn được mời lên giao lưu, được yêu cầu sáng tác tại chỗ trên sân khấu những bài dân ca theo cách đàn ca tài tử và dân ca các dân tộc Lạng Sơn. Thi sáng tác tại chỗ với chủ đề Thống nhất non sông, diễn viên cầm giấy ca tại chỗ..Thật bất ngờ là những tiết mục ấy đã gây nên sự hứng thú và xúc động cho khán giả. Thậm chí có khán giả ở phía dưới còn nhoài người lên kêu to, “ cò mồi” cho người sáng tác trên sân khấu. Bây giờ người ta hay nói đến khái niệm tương tác nghệ thuật chính là như thế. Tôi rất mong những người tổ chức lễ hội hiện nay không ngừng tư duy, không ngừng sáng tạo để lễ hội Thống nhất non sông cũng như các loại lễ hội khác ngày một có chất lượng hơn.


 Đăng ngày 29/04/2015
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Lê Nguyên Hồng - 04/05/2015

Bài trả lời phỏng vấn của Nhà văn Xuân Đức với báo QĐND rất sâu sắc. Đoạn kết nói rất chí lý.  Bởi vì hôm tường thuật trực tiếp của VTV1, lời bình dẫn chương trình ca nhạc có cảm giác là viết về đâu đó chung chung, không lột được nội dung nói về Quảng Trị, đặc biệt là Hiền Lương-Bến Hải( nơi nỗi đau chia cắt và khát vọng độc lập tư do, thống nhất non sông mà cái lằn ranh dòng Bến Hải- cầu Hiền Lương-vĩ tuyến 17 là điểm nhấn)chưa nói được những ý tưởng như nhà văn nêu ở phần đầu bài trả lời phỏng vấn. Giá như toàn bộ lời bình đó là người trong cuộc (Quảng Trị) viết thì không phải như thế, cho nên người nào có chút tư duy về viết lách thì cảm thấy nội dung lời bình quá một nửa thể hiện phần đầu chương trình nghệ thuật hôm Truyền hình trực tiếp nhạt quá...
  Gửi bởi: cu Tèo - 06/05/2015

Ôi, VTV thời gian gần đây sao cẩu thả, thiếu kiến thức sơ đẳng và trách nhiệm quá!
Từ chuyện nhặt xương cho thầy, rồi dàn dựng điều ước thứ 7 đến lời bình của BTV " động đất Nepal với những con số ấn tượng" và cuối cùng là chương trình "điệp vụ tuyệt mật" dời hẳn Hà nội sang Trung Quốc.
Từ ngày bác Trần Đăng Tuần ra đi...Buồn!

  Gửi bởi: Đat Vinh - 09/05/2015

Hình như có câu dẫn dòng Bến Hải đổ ra biển đông tạo thành hai cửa Là Cửa Việt và Cửa Tùng mang nỗi chia cắt nữa đó. Ai có băng vidio ngày hội thống nhất non song 30-4-2015 post lại xem thử
  Gửi bởi: Nhi (con ba Hung) - 27/05/2015

Cháu Nhi (con ba Hùng) đây!
Bác ơi cháu đang làm đề tài về lễ hội nên cần sử dụng tư liệu bài báo của Bác, cháu tìm mãi trên trang quân đội nhân dân cuối tuần mà không được, Bác gửi cho cháu đường link được  không ạ. Cháu cám ơn Bác nhiều!

  Gửi bởi: Xuân ĐỨc - 28/05/2015

Tìm số cuối tuần của QDND ngày 28/4. Không chuyển đường lin được.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan