Saturday, October 17, 2015

Trần Bình - thao thiết một hồn quê

Tác giả: Xuân Đức

     ( Giới thiệu tập thơ: Ta về trả lại ngày xưa cũ của Trần Bình)  
        Hẳn nhiều người còn nhớ câu hát trong một ca khúc nổi tiếng thời chống Mỹ trên đất Quảng Trị "Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới.." Gio An, một mảnh làng nhỏ âm thầm của miền tây Gio Linh-Quảng Trị, nơi có hệ thống giếng cổ là di tích văn hoá rất đặc sắc ghi dấu một thời phồn thịnh của người Chăm ở đất này. Trong lòng đồi đất đỏ ba-zan, những mạch nước ngầm trong ngần và trường cửu cứ lặng lẽ chảy ra, người dân địa phương gọi là nước mội. Nhiều thế kỷ trước, người Chăm đã biết xếp đá khoanh lại thành giếng quanh mội để lấy nước sinh hoạt và cấy lúa. Các nhà khảo cổ học gọi đó là những công trình thuỷ lợi "dẫn thuỷ nhập điền". Ở những mội nước đó có một loại rau cũng rất đặc biệt, nó chỉ sống được với khe nước trong veo chảy ra, chỉ cần vẩy chút bùn lên là rau sẽ chết. Đúng là rau sạch tuyệt đối. Rau ấy có tên là rau Liệt, hay còn gọi là xa-lách-xông...Trần Bình, tác giả tập thơ nhỏ này sinh ra, lớn lên và hiện vẫn đang sống lặng lẽ trong lòng mảnh làng ấy.
         Sở dĩ tôi nói lan man về giếng nước mội và giống cây rau Liệt trước khi bàn đến tập thơ bạn có trong tay, bởi nếu ai đó quen biết Trần Bình rồi. đọc thơ anh hẳn sẽ có cùng nhận xét với tôi, anh là hiện thân của cọng rau thuần khiết đó, tâm hồn anh được nuôi dưỡng bằng chính dòng nước trong veo và cũng rất thuần khiết của đất Gio An. Con người sống trên đời và sống trong thơ, ai cũng có nỗi buồn, niềm vui, ai cũng không thể thoát ra khỏi vòng thế tục, cũng nhớ nhung, dằn vật, trở trăn, thậm chí cả giận hờn uất ức...Nhưng tất cả các cung bậc cảm xúc đó đối vơí Trần Bình đều rất tinh khiết và chân chất.
Nơi chốn người đi qua nhớ nhung         Ta đau tình ấy những mùa trăng         Ngọt trong nguồn cội dòng tinh khiết         Ta tắm lời yêu nguyện đá vàng..
( Ta về giếng cổ thăm người cũ)
 Bình làm thơ cũng đã lâu nhưng rất ít khi gửi thơ đăng báo nên ít người biết được anh đã có đến hàng trăm bài thơ. Cũng như hầu hết những người làm thơ khác, cảm xúc đầu tiên, cảm xúc sâu nặng nhất là tình yếu ngỡ như vô hạn đối với mảnh đất đã nuôi dưỡng nên mình. Vùng đất đỏ Gio An của Trần Bình không chỉ âm thầm trong vắt mạch nước hàng trăm năm chắt ra các giếng cổ, mà đã từng có một thời đất rung, cây đổ, vòm trời mù mịt khói bom, và máu đổ đầm đìa nhuộm sẫm thêm màu đất đỏ. Tuổi thơ Trần Bình lớn lên giữa những năm tháng bi hùng đó. Bởi vậy mà bạn đọc sẽ chẳng hề ngạc nhiên khi những dòng thơ viết về quê hương, không có nhiều cái chất hương đồng cỏ nội, cây đa bến nước nên thơ như rất nhiều trang viết ban đầu của các thi nhân khác. Đổi lại, quê hương trên trang thơ anh thật da diết, thật nặng sâu, nhiều lúc còn thao thiết đến nghẹn lòng.Mẹ sinh tôi ra giữa làng        Năm bom đạn        Quê tôi thành làng trắng        Ngày khói lửa theo mẹ đi sơ tán        Tuổi thơ lưu lạc, xa nhà..        ( Làng ơi )
Cũng có cánh cò trên rẻo làng quê, nhưng cánh cò trong thơ Trần Bình nhoi nhói một nỗi đau của tấm lòng đứa con đất nghèo tự thấy nặng tội với mẹ vì chưa làm nên được gì để tròn đạo hiếu.
Để rồi khi con bĩu môi thả một ánh nhìn lạ lẫm         Vào cái mặt trăng nhăn nheo đồng quê         Vào câu hát ru, mẹ à ơi bến bãi         Cánh cò, cánh vạc chao chiều         Buốt lòng trái đắng cò ơi..         ( Cò ơi thao thiết)
Cũng có cây đa, nhưng cây đa trên quê của Bình là chứng nhân của máu và hương hồn người liệt sĩ bị kẻ thù găm đạn đến nát thịt xương. Người liệt sĩ ấy đã trở thành Thành Hoàng của làng Gio Bình. Cây đa ấy cũng là liệt sĩ, cũng vảng vất hồn vía nơi đây để chứng tích cho một thời bom lửa:
Hết chiến tranh chúng tôi tìm về         Cây đa chứng tích giờ thành thiên cổ        Trồng lại một cây đa lá đỏ        Đồng đội ơi, thương nhớ tháng năm dài..
        
( Cây đa và đồng đội)
Cũng có giếng nước, có mái đình, có cả ánh nắng chiều, đêm trăng thanh và bãi cỏ mịn...Tóm lại, trong thơ Trần Bình có tất thảy những gì được gọi là hồn quê. Nhưng tất cả đều day dứt, nặng trĩu và thao thiết. Ngay cả những bài thơ chỉ mang tính thù tạc, chạm chén rượu với bạn bè nơi đất khách quê người thì cái men nồng vẫn không đủ nguôi ngoai nỗi trở trăn hồn quê, đôi lúc còn xen cả sự mặc cảm,  hay chút giỗi hờn của một tâm hồn đầy mặc cảm:
Vô tư đi. Cứ vào nam mà sống...         Chả nhẽ rời quê- muôn kiếp mặn mòi         Chả nhẽ vì mẹ cha nghèo cực         Mà ta mơ thành kẻ mồ côi?       ( Đồng hương)
Là nói vậy, nhưng cũng không hoàn toàn chỉ có vậy. Hồn quê trong thơ Trần Bình không phải chỉ có sự dằn vật, ưu tư. Cuộc sống của chàng thi sĩ chân quê này không chỉ có những đêm thao thức.Vẫn còn đó những mùa trăng rời rợi sắc tình, vẫn có đêm đi hội Sim ngất ngây khúc hát ghẹo, vẫn có nhịp trống rộn ràng lễ hội Khe Me và tiếng đàn Ta-Lư réo rắt len lỏi vào trong từng giấc ngủ. Bởi lẽ giản đơn là, dài hơn những năm tháng máu lửa quặn đau là những mạch nước ngọt ngào trường cửu, sâu hơn nỗi ưu tư trăn trở vì cuộc sống mưu sinh và sự thiệt thòi bản thân một con người cụ thể là lòng đất đỏ quê hương ấm áp nghĩa tình. Và trên tất cả cõi riêng của một đời người cụ thể là khí chất của con người Quảng Trị gan góc,lạc quan. Vì vậy mọi cay đắng rồi sẽ qua, men đời cứ say trong từng câu hát. Cái chất ấy làm nên màu xanh của khung trời Quảng Trị, màu xanh thuần khiết của cọng rau liệt quê anh. Tôi thích bài lục bát này bởi nó rất Trần Bình, rất là trai Quảng Trị: 
  KHÚC TƠ TÌNH HỘI SIM
               
Rủ nhau lên bản mà chơi
Mà nghiêng câu hát lý lơi đêm tình
Sơn nữ ơi! Ta đi tìm
Đằm trong mắt suối cái nhìn lúng la
Bập bùng ngọn lửa kiêu sa
Ngực trần phô với núng na nói cười

Từng đôi,bên suối từng đôi...
chén yêu say khướt nghiêng trời tình nhân
Phập phồng đồi núi trăng ngân
Chung chiêng trắng một đêm xanh
hội tàn
Cuộc sống đang từng ngày đổi thay trên đất Gio An cũng như trên tất cả những mảnh làng khác của đất nước. Thơ Trần Bình cũng vậy. Tập thơ mỏng đầu tay này chỉ mới như là những lô đất vừa vỡ hoang. Chúng ta rất tin và có đầy đủ cơ sở để tin vào một hồn thơ đang lặng lẽ làm mùa trên vùng đất âm thầm mà sâu nặng, bên những mạch nước ngàn đời trong vắt đã nuôi những cánh rau thuần khiết nên xanh

             Trúc Sơn Trang- Đông Hà 9/12/2009
              
Xuân Đức

 Đăng ngày 22/12/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Nico - 22/12/2009

Lão Trang giới thiệu thơ hơi bị hay. Con mà là anh Trần Bình thì đọc xong chỉ có mà chết ngât. Surprised
Ta chờ và mong những luống rau sẽ sớm lên xanh.

  Gửi bởi: Đức Tiên - 23/12/2009

Chúc mừng Trần Bình với tập thơ đầu tay với bài viết giới thiệu của Xuân Đức thêm phần sang trọng chúc mùa giáng sinh vui !
  Gửi bởi: Trần Bình - 23/12/2009

Cám ơn nhà văn Xuân Đức đã có bài giới thiệu hay và sâu sắc về tác giả Trần Bình và tập thơ đầu tay. Cảm ơn sự động viên cả về vật chất và tinh thần của các bạn hữu để tập thơ ra mắt bạn đọc trong dịp năm mới Canh dần(năm tuổi của tác giả).
Tên tập thơ được sửa lại lần cuối là: CHIÊM BÁI QUÊ NHÀ, hy vọng được gởi tặng chị Nico như một món quà xinh xắn và lời chúc đầu năm tốt đẹp.
CAM ON CHU DUC TIEN .

  Gửi bởi: Nico - 24/12/2009

Hoan hô anh Trần Bình! Chưa biết ai già hơn nên tạm thời ta xưng anh chị cho oách trước đã rồi tính sau. Hi,hi...Đọc bài giới thiệu của Lão Trang Nico rất có ấn tượng về thơ anh. Định ngỏ lời xin một cuốn (thời nay là phải tranh thủ xin, tích cực cầm nhầm Laughing) nhưng rồi lại ngại nên...hổng dám. Vỡ đất xong rồi (khâu quan trọng), chúc anh chăm sóc  cho những hạt giống nảy mầm, những luống rau sẽ sớm lên xanh, hứa hẹn vụ mùa bội thu để đừng ai than thở "Em sẽ thôi không còng lưng gieo hạt nữa. Trên cánh đồng thất bát vụ mùa anh" nhé! hi,hi...
Nico rất cám ơn anh!

  Gửi bởi: Lê Bá Dương - 24/12/2009

<!-- /* Style Definitions */ p.MsoNormal, li.MsoNormal, div.MsoNormal {mso-style-parent:""; margin:0cm; margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:13.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-fareast-font-family:"Times New Roman";} p {mso-margin-top-alt:auto; margin-right:0cm; mso-margin-bottom-alt:auto; margin-left:0cm; mso-pagination:widow-orphan; font-size:12.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-fareast-font-family:"Times New Roman";} @page Section1 {size:612.0pt 792.0pt; margin:72.0pt 90.0pt 72.0pt 90.0pt; mso-header-margin:36.0pt; mso-footer-margin:36.0pt; mso-paper-source:0;} div.Section1 {page:Section1;} -->Đã  đi quá nửa cuộc đời
Nay về chiêm bái một thời chân quê
Ngái mùi mật cỏ bờ đê
Ầu ơ tiếng Mạ ru về ngày xưa

Chúc mừng Trần Bình và tập thơ  nặng nợ áo cơm. Hôm  tải bản thảo bài viết của ông bạn già từ hộp thư về để đưa vào trang, mãi mấy ngày sau ra Phú Yên dự đêm chung kết Sao Mai, khuya về mới có dịp đọc lại. Và sau khi đọc một hơi, lại đọc tiếp lần nữa, cho đến lần thứ 3 thì lôi nguyên bản thảo tập thơ ra mà ...ngẫm . Cám ơn ông bạn già.


  Gửi bởi: Lê Bá Dương - 24/12/2009

Đã đi quá nửa đời người
Nay về chiêm bái một thời chân quê
Ngái mùi mật cỏ bờ đê
Ầu ơ tiếng Mạ ru về ngày xưa
Chúc mừng Trần Bình đã có tập thơ cho vơi chút nợ áo cơm. và chúc mừng Trần Bình có được lời yêu thương, trân quý cùng bàn tay vun mầm. Bài viết giới thiệu của ông bạn già đã làm mình phải đọc lại mấy lần bản thảo của Trần Bình. Hi vọng là khi ra mắt, tập thơ sẽ hoàn hảo cả về hình thức , nội dung...

  Gửi bởi: Q.Sư cụ trụ trì - 25/12/2009

Tuổi già hồn vẫn chưa già
70 cứ ngỡ như là đang trai
Bình thơ nghe đã quá trời
Tha phương thao thức nhớ nơi quê nhà
Giá như rũ được cà sa
Ôm hôn cả tác (giả) lẫn nhà bình thơ
Ngỡ mình chai sạn nắng mưa
Bỗng đâu lòng lại ngẩn ngơ nỗi niềm
Cây đa, bến nước sân đình...
Quê nghèo neo mãi trong tim mỗi người
Gió Lào cát trắng ta ơi
Ân tình xin gửi mấy lời chân quê...


  Gửi bởi: Lão Trang - 25/12/2009

He he..Trần Bình nên bổ sung bài lục bát của Sư trụ trì vào phần phụ lục.
  Gửi bởi: Đất đỏ Vĩnh Linh - 28/12/2009

   Lối giới thiệu thơ không lạ nhưng quá đậm tình,đọc lên như nghe cả một bàn tình sử về một vùng quê bằng thơ Lục bát....Văn đã hay mà tình người cũng thật sâu...Rất mong tác giả Trần Bình gửi tặng cho độc giả Trúc Sơn Trang mấy bài ruột để làm tư liệu về  thơ ca Quảng Trị trong thời kỳ đổi mới(hiện tại chúng tôi đang gấp rút sáng tác và biên tập về chủ đề này nhưng khổ nổi.... đang mất cảm hứng và thiếu kinh phí) và đừng quá hưng phấn "Mãi chuyện Văn chương để gà bới bếp" vì lời phi lộ độc đáo của nhà nghiên kíu văn hóa Gio an kẻo cô vợ nấu cơm bằng giấy khen Huyện Đoàn cho xơi thì thi nhân cũng mướt mồ hôi trán!
  Gửi bởi: Phèn chua - 28/12/2009

đất đỏ VL răng mà bi quan rứa hè? đang biên tập về thơ ca QT trong thời kỳ đổi mới là sáng suốt, đúng chủ trương của tỉnh, hợp lòng dân, đi đúng lề phải rứa thì mần răng lại thiếu kinh phí và mất hứng? Chưa làm xong mà đã mất hứng thì mần răng mà mần tiếp được đây?
  Gửi bởi: Trần Bình - 30/12/2009

Trưa ngày hôm qua anh LBD đã đến nhà TB để làm lễ mở hủ rượu THƠ do vợ chồng anh Võ Thìn (thị xã QT) tặng TB để mời đọc giả nhân buổi ra mắt tập thơ làng sẽ được tổ chức vào đêm 9/1/2010 tại khu di tích văn hoá -lịch sử Cây Đa Giếng Đìa làng Gia Bình. Với tư cách là người biên tập và tài trợ một phần cho đêm thơ, LBD đã đưa ra ý tưỡng CHIÊM BÁI QUÊ NHÀ ở sân đình, cũng là một cách ứng xử với thơ độc đáo và có nét riêng, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Làng và gia đình tác giả (nhất là bà mẹ của 2 đứa con TB) . Mời các anh chị, các bạn đến chung vui với TB trong đêm ra mắt tập thơ (Vé vào cổng miển phí!)
Không thể biết đ/c của NiCô, của Q, sư cụ trụ trì (cho em xin luôn bài thơ của cụ nhe), Đất đỏ Vĩnh linh …để gửi vé và sách tặng (các bạn liên hệ ngay với Lão Trang để nhận cũng được). Ai cần xe đưa đón  kết hợp du lịch đến thăm khu di tích, coi bộ đội ngày xưa làm hầm chử A ra răng, hảy gọi ngay đến số …636363 vào chiều thứ bảy cùng ngày để được hướng dẫn về phương tiện.
Khu di tích vừa được Nhà nước xếp hạng và được đầu tư lớn, đảm bảo quí vị đến đó sẽ không phải chịu đựng bất cứ một loại ổ gà nào trên đường đi. Điều đặc biệt mà TB rút ra trong tất cả các lần làm hướng dẩn viên tình nguyện là : bất cứ văn nhân nào, khi đến thăm khu di tích này , trở về nhà đều phải ngồi viết hoặc lùa bàn phím về một bài văn hoặc một bài thơ… Mời các bạn đến chung vui với TB, món rượu Võ Thìn  và những bài thơ đang chờ các bạn, các bạn sẽ biết TB hiếu khách ra răng ...





  Gửi bởi: Nico - 30/12/2009

Chúc mừng anh TB có được những bà mụ đỡ đầu cự phách! Tiếc là Nico không xuống núi được nên nhờ anh gửi sách qua quán Lão Trang. Một ngày nào đó gần đây Nico này sẽ qua thăm Lão và nhận những món quà đặc biệt. Nhất định Nico sẽ nhờ Lão mời anh và ta liên hoan một chầu RTC anh nhé!Smile

  Gửi bởi: Mai Bang Qb - 22/11/2010

Mấy bưa ni anh có thêm bài thơ nào không?

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan