Sunday, October 18, 2015

Trở lại bến đò xưa lặng lẽ

xuanduc.vn: Rất bất ngờ nhận được bài viết của nhà Phê bình văn học Lê Thành Nghị về tiểu thuyết : Bến đò xưa lặng lẽ. Rất cảm ơn tấm lòng ưu ái của anh. Thôi, tạm xa cái đầm Cống Rộc đầy nước mắt, để trở về với Bến đò xưa...cũng đầy nước mắt. Xin giới thiệu với bạn hữu bài viết mới boc tem này 


TRỞ LẠI BẾN ĐÒ XƯA LẶNG LẼ

                        LÊ THÀNH NGHỊ     
                                                         
 Bến đò xưa lặng lẽ*  đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết năm 2005 của Hội nhà văn Việt Nam, được xem là một trong những cuốn sách thành công nhất trong số nhiều tác phẩm viết về chiến tranh của Xuân Đức, cũng là tác phẩm xuất sắc, được viết một cách xúc động, đậm tính nhân văn của dòng văn học hậu chiến viết về những ngày chiến tranh. Cho đến hôm nay, tuy đã ra mắt khá lâu, nhưng những gì tiểu thuyết của Xuân Đức đề cập đến vẫn nguyên vẹn sức hấp dẫn, vẫn tạo được sự đồng cảm lớn đối trong trái tim người đọc, đã và sẽ còn tạo ra những cảm nhận thẩm mỹ sâu sắc mỗi khi có dịp được tiếp xúc. Bởi vì cuốn tiểu thuyết  thuộc số không nhiều những tác phẩm văn học Việt Nam viết về chiến tranh, lâu lâu có thể mang ra đọc lại.

            Vậy điều gì đã tạo ra  sự lôi cuốn đặc biệt trong suốt trên 400 trang sách co chữ bé của Xuân Đức?
            Không gian là vùng đất phía tây Quảng Trị, nơi thượng nguồn sông Bến Hải, giáp ranh giữa hai chiến tuyến và thời gian  của tiểu thuyết kéo dài từ những năm cuối kháng chiến chống Pháp cho đến những ngày sau chiến tranh chống Mỹ. Vùng đất giáp ranh này chẳng những khốc liệt về bom đạn, đan xen các thế lực mà còn chất chứa biết bao bi  kịch của thân phận con người - một không gian nghệ thuật được lựa chọn với ý đồ thẫm mỹ của một ngòi bút tiểu thuyết đầy kinh nghiệm. Thời gian của Bến đò xưa lặng lẽ từ những năm cuối cuộc kháng chiến chín năm đến những năm đầu của hoà bình sau chống Mỹ, trên bốn mươi năm, đủ để theo dõi số phận của những cuộc đời với những bi kịch và bi tráng, với những được và mất, những tốt đẹp bản thể và những méo mó nhân cách, những sang chấn tinh thần và những cam chịu nghiệt ngã đầy éo le của đời người. Trên tất cả những điều đó là ân tình còn lại giữa những con người, với những kỷ niệm không quên một thời chiến tranh.
            Không thể không tin câu chuyện mà nhân vật tôi đang kể, một người đã hy sinh dũng cảm trong chiến tranh, là anh hồn của một liệt sỹ, kể lại, bình giá về những sự kiện mà anh và những người đã mất, những người đang sống đã từng chứng kiến, đã từng là người trong cuộc, không hát sử thi về một vùng quê, mà chỉ kể cổ tích đêm giao thừa ( tr.7).Tính khách quan được xác lập và cuốn tiểu thuyết nhanh chóng                                                                                                                                                                                     đem đến cho người đọc niềm tin qua lời dấn dụ thiêng liêng của một người đã ở bên kia cõi người.
            Nhân vật tôi người âm ấy, đang trong vai người đối chứng của một phiên toà kinh thiên động địa mà trong số những bị can có đồng đội thời trận mạc với anh. Vốn là một cán bộ Việt Minh đã từng gắn bó với phong trào cách mạng vùng Phước Tuyền - Bình Trị Thiên những năm còn bí mật, để che mắt địch, Khảm, nhân vật tôi nguỵ trang trong vai một người thầy bói thường qua lại vùng bến đò Hói Cụ, và như một định mệnh, tại đây anh gặp Lương và cô thôn nữ xinh đẹp ấy xô ập vào anh như một ma lực không sao cưỡng lại, là do sơn tạo và trời định ( tr. 21 ). Cuộc tình thầm lặng đầy hy sinh vì hoàn cảnh hoạt động bí mật ấy rồi cũng đến lúc không thể giữ kín mãi được. Họ có với nhau một bé gái, và bi kịch bắt đầu từ hạnh phúc này. Cũng từ sự kiện này cho đến khi hy sinh anh  dũng  trong  một  trận đánh và  cho đến  mãi  về sau này, khi đã là  một liệt sỹ, đã là
 người âm, Khảm luôn luôn day dứt, bất  yên nhớ về  bến đò xưa lặng  lẽ như  một vết cắt tinh thần không sao nguôi ngoai được bởi vì lòng trắc ẩn nơi anh như một sự tự trừng phạt thường trực của một tâm hồn thánh thiện. Hoàn cảnh chiến tranh cũng như để giữ bí mật với tổ chức, Lương và Khảm gửi con cho Li, một người bạn gái tốt bụng để dễ bề hoạt động và họ lao vào công việc vì trách nhiệm, vì con, vì quê hương mà không hề biết rằng những éo le bi kịch đang đợi sẵn phía trước. Họ hoàn toàn không biết rằng việc người con gái mới lớn như Li, chưa có gia đình riêng  phải nuôi một đứa bé lọt lòng như vậy cũng không hề dễ dàng, nhất là khi bố mẹ của cháu vì công việc đã bặt tin khá lâu. Từ lòng nhân ái cao cả, nhận nuôi con của bạn, đến  những nhen nhóm thù hận vì những dị nghị của xóm làng, vì cho rằng bố mẹ của đứa bé bất nhẫn, ích kỷ... Li đã rất đau khổ và năm tháng đã làm cô trở nên lỳ lợm, bất chấp, tự đến với Đọt như vợ chồng để che mắt thế gian và cũng lao vào công việc chung như một sự trả thù với những ý nghĩ do mình vẽ ra trong tưởng tượng. Chị đã phấn đấu trở thành một Uỷ viên thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra tỉnh kiên định và im lặng, kiên quyết và sắt đá, không dễ bề tha thứ cho những người như Khảm và Lương.
            Với một tính cách cố chấp như Li, vợ chồng Khảm Lương muốn gần con cũng không thể, họ coi như mất đứa con và vì thế như một lỗi lầm không thể chuộc lại, một nỗi ân hận không dễ giải toả, mỗi người tự đau theo một kiểu, như một sự tréo ngoe cho đến cuối cuộc đời. Tất cả đều không thanh thản. Một bên, không thể giải thích  sao bỏ con cho người khác nuôi, một bên không tha thứ cho việc bỏ con đó. Họ đã đi đến hết mỗi con đường của mình, theo cách của mình, cách mà hoàn cảnh chiến tranh áp đặt, quy định, không thể khác.Quả là không phải bao giờ cũng âm vang sử thi, huy hoàng chiến công, chiến tranh còn chất chứa  biết bao vết thương đau mà nếu không phải trong cuộc không ai có thể hiểu hết.
            Không thể nói vợ chồng Khảm và Lương hạnh phúc,mà đúng hơn hạnh phúc của họ như bị trôi dạt trong cơn bão lớn của thời cuộc. Khảm càng hăng hái chiến đấu càng nhận ra nỗi bất hạnh xa con, nhẫn tâm với con. Lương trở về vùng địch chiếm sống trong nỗi nghi hoặc của dân làng vì mối quan hệ của chị với cha cố Nguyễn Đình Cựu và trở thành một kẻ cô đơn, yếm thế trong chính ngôi làng của mình. Li và Phạm Đọt sống trong hạnh phúc giả vờ, tự bày đặt để che mắt mọi người. Cuộc chiến và quan niệm về đạo đức xã hội một thời là thủ phạm của những chia rẽ, những oán hờn, những éo le, bất hạnh mà dù không muốn cũng không ai tránh khỏi. Đất này, không ai thật sự hạnh phúc, đố ai sống thật với mình được(tr.88 ).Họ gặp nhau trong phiên toà, sau mấy chục năm, vì một con người mà lương tâm của họ đang bị cắn rứt.
            Hãy bắt đầu từ Li, một nhân vật được nhà văn gửi gắm nhiều tâm sự. Li nhận nuôi con cho Lương cũng đơn giản vì tình bạn giữa chị và Lương cao hơn mọi tính toán vị kỷ. Linh, đứa con kết quả tình yêu  đẹp giữa Lương và Khảm lớn lên trong sự đùm bọc cao cả của chị và chị yêu Linh như con đẻ của mình.Sau cái buổi sáng tôi ( Khảm ) thì thào với cô ấy ( Li ) câu chuyện đặc biệt vì sao Lương chưa thể nhận con, mong bạn gắng chịu đựng cho một thời gian ngắn nữa, còn Lương và tôi sẽ làm hết sức để bù đắp cho bạn, tạo điều kiện tốt nhất cho bạn phấn đấu... thì Ly đột ngột trở nên câm lặng. ( tr.96 ) Nhưng vì càng yêu quý Linh chị càng giận Lương, đúng hơn là càng hiểu nhầm Lương dám dứt tình với đứa bé sơ sinh vô tội cho dù với lý do gì đi nữa. Ly từ nén chịu đến quả quyết và  lạnh  lùng  ngăn cản  không  cho  Khảm nhận con mình trong một lần hiếm hoi
Khảm đến nhà.Đó là lần duy nhất cho đến ngày hy sinh, không có cách nào khác, ngồi trước con mà Khảm phải đóng vai người dưng theo yêu cầu của Li. Càng ngày Li càng cực đoan, sắt đá. Tuy nhiên không phải lúc nào Li cũng hãnh diện với con đường đi của mình...không ít lần chị nhận ra mình không còn là mình nữa..Tại sao mình lại trở nên ích kỷ độc ác như vậy...Tuy nhiên những câu hỏi phản tỉnh ấy chỉ loé lên như một ánh chớp xa mờ...không đủ tạo nên tiếng sét thức tỉnh con người chị (tr.276-277). Có thể biện hộ rằng chị đang giận Lương và Khảm, chị đang không muốn để Linh phải nhận ra những éo le mà họ đang gặp phải. Nhưng những gì chị thể hiện cho thấy sự quyết liệt trong trái tim người phụ nữ, cố tỏ ra cứng rắn một cách khác thường, làm ngơ trước nỗi đau của người khác.Đó là tính cách những người vẫn quen sống cận kề những đau đớn dường như quá sức chịu đựng của chiến tranh, quen sống lý trí một cách lạnh lùng, quen đặt mọi thứ cao hơn tình cảm. Nhưng chưa phải lạnh lùng, rắn rỏi đến khô cằn , tự sâu trong trái tim chị vẫn âm ỉ ngọn lửa ấm áp của lòng nhân ái với chồng con, với bè bạn, với đồng đội, với công việc. Li thương yêu Linh, Li một mình nuôi con cho Khảm và Lương trong một hoàn cảnh không bình thường, Li lo lắng cho Đọt với những thăng trầm trong số phận khá kỳ quặc của con người này từ những ngày chiến tranh cho đến những năm tháng hoà bình. Nhà văn muốn bạn đọc nhận ra tính cách không đơn giản của những người phụ nữ sống nơi miền đất chiến tuyến mà sự căng thẳng, quyết liệt, gian khổ và nguy hiểm có thừa đã nâng ý thức tự vệ thường trực ở họ lên thành bình diện tính cách và đạo đức không hẳn là đáng phê phán, nhưng cũng không phải là đáng để khẳng định.Qua nhân vật Li cũng như nhiều nhân vật khác của cuốn sách, Xuân Đức đang đem đến cho người đọc những cố gắng vượt qua lối xây dựng nhân vật một chiều thường thấy trong những cuốn sách viết về chiến tranh trước đây. Điều đáng ghi nhận là một hiện thực phức tạp như vậy, với những con người đa diện như vậy đã không những không làm cuộc sống mất đi những niềm tin cậy biện chứng của nó, mà ngược lại, càng cho thấy cái gân guốc, khoẻ khoắn và không đơn giản của cõi nhân gian mà mỗi con người đang dấn thân, cũng cho thấy văn học đang tìm cách xích gần lại bản chất của hiện thực như một trong những nguyên lý gốc của thẫm mỹ.
            Lương cũng là nhân vật khá phức tạp. Là bạn thân của Li, là một thiếu nữ tràn đầy sức sống của miền đất Phước Tuyền, nhưng chị mang những nỗi bất hạnh cho đến cuối cuộc đời. Thoạt đầu là nghe theo sự mách bảo bản năng của tình cảm, chị đã bị lâm vào bến mê của thánh đường Thiên chúa giáo mà ở đây là hình ảnh Cha Nguyễn Đình Cựu vừa mưu mô vừa kinh nghiệm đủ để hút hồn một cô gái mới lớn mà niềm tin giản đơn như bao cô gái nông thôn khác. Tình yêu với Khảm, một cán bộ Việt Minh đã kéo chị ra khỏi sự mê hoặc của nhà thờ, dẫn Lương sang một bến mê khác, và tại đây, nơi bến đò Hói Cụ, bến đò mà hình ảnh của nó suốt đời trở đi trở lại trong tâm khảm họ, họ đã có những ngày hạnh phúc vừa sinh con đầu lòng vừa tham gia hoạt động cách mạng. Nhưng rồi đứa bé nhỏ nhoi đó đã mở đầu cho những bi kịch ngoài mong muốn của tất cả mọi người. Vì công việc và vì tổ chức, Lương và Khảm đã buộc phải gửi con nhờ Li nuôi hộ và cũng từ đó họ không thể gần con được nữa do cái hoàn cảnh mà họ đang lâm vào, như một định mệnh không thể khác. Lương lao  vào hoạt động cách mạng, mong một ngày gặp lại con, nhưng rồi mơ ước không thành, chị phản ứng tiêu cực, trở về bên kia giới tuyến, sống trơ trọi ngay giữa quê hương mình, bất chấp và buông thả, giấu kín hình ảnh Khảm vào  ký  ức, đoạn  tuyệt  với  cách  mạng, công khai đi lại với Cha Cựu như một sự thách thức. Nhưng thực ra trong tâm khảm của con người này, ánh sáng của sự lương thiện, niềm tin với cách mạng, nỗi thương con, nhớ chồng vẫn day dứt không yên, và nếu có dịp chị lại trở về với những kỷ niệm nơi bến đò xưa lặng lẽ, chị lại sẵn sàng hợp tác với du kích.. Lương là một người không thành đạt, không toại nguyện, mang một nỗi hận đời không dễ giải toả, mà mọi nguyên nhân chỉ có thể gọi tên đó là cuộc đời đa đoan mà chúng ta đang sống.
            Nếu Li và Lương đang ở hai thái cực của số phận thì Phạm Đọt cũng như sinh ra để chịu những éo le, trắc trở không kém. Từng là bạn của cả Li và Lương, anh sống hiền lành, tốt bụng với dân làng, với bạn bè và chiến đấu ngoan cường với kẻ thù tự nhiên như cuộc sống phải vậy. Lúc thời bình anh là một công nhân chăn bò mẫn cán của nông trường, lúc chiến sự căng thẳng anh là một chiến sỹ quả cảm. Lương vì hoàn cảnh đặc biệt nên gửi con cho Li và đẩy Li vào tình thế đặc biệt và vì vậy Li quyết định lấy Đọt để che mắt thế gian. Đọt đã từng thầm yêu Li nhưng anh biết đây là hạnh phúc giả vờ, và mặc cho sự dắt dẫn trớ trêu của số phận. Người công nhân chăn bò truyền đời, người chồng bất đắc dĩ, người chiến sỹ giải phóng dũng cảm, kẻ từng là tù nhân của Mỹ nguỵ, cũng từng là tù nhân của phía cộng sản ( dưới hình thức là trại thu dung điều dưỡng ) nay đang là bị can của một phiên toà đặc biệt xét xử những kẻ táng tận lương tâm dám chia xương xẻ cốt những liệt sỹ để khai không nhận tiền chính sách, Phạm Đọt như là nơi hội tụ của những éo le của thân phận làm người, hạnh phúc và xót xa, trong sáng mà vẫn oan uổng, dũng cảm mà vẫn thua thiệt, chân thành mà vẫn không thoát khỏi lao lý. Bản năng gốc của con người Đọt là sự lương thiện và quả báo mà anh nhận được là sự đắng đót của số phận. Với Đọt, mọi sự đời đều trở nên đơn giản. Không hề lo sơ trước mối quan hệ tình ái bất hợp pháp có thể xảy ra khiến anh sụp đổ uy tín, không hề để ý đề phòng có kẻ ganh tỵ, lúc nào cũng có thể chọc dao vào mạng sườn mình. Ngay cả với kẻ thù trước mặt, Đọt cũng chẳng quá lo xa, anh thường tính rất kỹ cho một trận đánh, một chuyến đi vào ấp, nhưng không hề lo liệu đến thế cờ xa hơn, cứ đánh cú nào thắng giòn cú ấy là được. Chính cái tính cách ấy của Đọt đã dẫn anh rơi vào hiểm hoạ sau này (tr. 177 ). Con người đơn giản ấy đã từng là gấu xám vang dội của núi rừng những ngày chiến tranh, cũng đã từng là nửa như thánh nhân, nửa là quỷ đói ( tr.323 ) những ngày ở trại thu dung, đến mức khi được lệnh tha, Đọt quên hẳn đường về nhà ( thực tình là anh không biết về đâu ). Phạm Đọt cũng là nơi nhà văn gửi gắm nhiều tâm sự, rằng thượng đế rất bận nên thật lơ đãng và cẩu thả khi sinh ra thân phận của con người, rằng thượng đế đã rất không công bằng với một con người đã sinh ra làm kiếp một hạt bụi người không được ai để mắt tới, không ai biết được, hiểu được, ngoài một người bạn đã thành liệt sỹ là Khảm đang chứng giám cho lòng trung của một con người bé tý trong một cõi nhân gian bé tý, rằng cuộc đời có thể quên đi một lớp người, nhưng tại sao chính họ cũng đang quên đi chính bản thân họ...(tr.321 ).
            Nhưng Khảm là một nhân chứng cũng đồng thời là một nạn nhân của khoảnh khắc lịch sử không đơn giản mà anh đang dấn thân. Khảm là nhân chứng trong bóng tối của phiên toà đang xét xử Đọt và đồng bọn. Tội ác cần được nhận diện, cần được vạch mặt, nhưng người lương thiện đang bị oan ức như Đọt cũng cần được bảo vệ. Có thể  không môt ai trong phiên toà nhận ra người lương thiện, nhưng linh hồn của Khảm đang chở  che  người  vô tội, đang dẫn người đọc đến sự công minh của luật đời. Khảm cũng là nhân chứng của cuộc đời Li và Lương, nhân chứng của những bất hạnh mà họ chịu đựng. Nhưng Khảm cũng là nạn nhân của một quan niệm đạo đức một thời mà vì nó anh đã coi như mất vợ, mất con, mất bạn vĩnh viễn. Sự trăn trở không thanh thản suốt một đời ngay cả khi đã trở thành người âm của Khảm vô hình như một lời tố giác không thể làm người ta dững dưng.Bạn nói suốt đời bạn đi theo một lý tưởng. Vậy bạn đã từng nghe những tiếng kêuđồng chí khắc khoải như thế mấy lần rồi. Cuộc sống giờ đây, đôi khi người ta gọi nhau bằng hai từ ấy, là lúc thật sự đã đặt nhau ra trước một sự đối chọi khó có thể khoan dung...(tr.107). Những tiếng kêu khắc khoải này không chỉ hướng đến Khảm mà còn ám ảnh tất cả chúng ta, những ai vẫn quen miệng nói đến lý tưởng như một lời xưng tụng vô hồn, nằm ngoài vùng kiểm soát của hành vi mỗi cá nhân. Thật đáng sợ nếu sống không có lý tưởng, nhưng đáng sợ gấp nhiều lần nếu nhân danh một lý tưởng để trở nên vô cảm dẫn đến sự bầm dập trong những mối quan hệ xưa nay vẫn được xem là thiêng liêng như quan hệ đồng chí. Cuốn sách của Xuân Đức dù trực tiếp hay gián tiếp đánh thức trong mỗi con người chẳng phải những bài học cao siêu nào mà là những bài học chúng ta từng thuộc và đang bị mai một trong cuộc sống của mỗi người!
            Cuốn tiểu thuyết xoay quanh số phận của bốn nhân vật vừa kể. Lẽ thường họ đã bị quên lãng trong cuộc sống xô bồ thường nhật hôm nay, nếu không có phiên toà xử những kẻ phạm tội với xương cốt của những liệt sỹ. Và như một tất yếu, đến lượt Phạm Đọt. Kinh nghiệm và hiểu biết chiến trường của anh đã bị lợi dụng để đi tìm hài cốt đồng đội. Lối sống đơn giản đã được kẻ khác tận dụng để anh tham gia vào tội ác và một tất yếu khác đang chờ, đó là vành móng ngựa nóng bỏng những lời nguyền rủa, mà anh không đủ sức để hiểu những cạm bẫy đời biến mình  thành nạn nhân. Trong cái ồn ào của đám đông hiếu kỳ tại phiên toà, Li và Lương từng là bạn thân, là tình nhân, là tình chồng vợ...cũng có mặt; Khảm từng là đồng đội của Đọt, hy sinh trong chiến tranh cũng đang về bên anh. Và như những thước phim chậm và buồn, bi tráng và bi đát...những trang viết qua giọng kể thâm trầm của người đã mất, thấp thoáng bến đò Hói Cụ xưa như chứng nhân một thời máu lửa, mỗi nhân vật hiện lên sống động trong cảm quan hiện thực của một ngòi bút từng trải, trang viết đầy sức lan toả, kích thích suy nghĩ của người đọc, gạn lọc âm thầm trong tâm tư họ, để mỗi người bỗng nhận ra những gì là lương thiện tưởng đã ngủ yên trong sâu thẳm tình cảm của mình. Đó chính là khả năng đánh thức của văn chương nghệ thuật, bình dị và lặng lẽ như hình bóng con đò trong cuộc đời mênh mông mà Xuân Đức lựa chọn để tâm sự cùng chúng ta.
                                                                                               
                                                                                    Tháng 12-2011
---------------------
 Bến đò xưa lặng lẽ, tiểu thuyết của Xuân Đức, nhà xuất bản Văn Hoá Sài Gòn,2006.

Đăng ngày 07/02/2012

Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Đình Chiến - 07/02/2012

Bác Đức ơi,bác viết hay quá ! Khi nào có dịp vào Đông Hà ,xin bác một chữ kí  vào trang đầu của tiểu thuyết nhé .
  Gửi bởi: Hoài Tố Hạnh- 0903908406 - 06/04/2012

Chúc mừng anh Xuân Đức! Em chưa đọc truyện anh nhưng đọc lời giới thiệu của Lê Thành Nghị và thấy quá hay. Em sẽ đọc cuốn sách rất tuyệt này. Bạn em Vi Ngã là một người đọc kinh hồn đánh giá Bến đò xưa lặng lẽ của anh trên tầm các nhà văn xuôi hiện đại Việt nam trong đó có Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nam Cao, Ma Văn Kháng anh ạ.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan