Saturday, October 17, 2015

VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM- sự lựa chọn nào cho tương lai?


Xuanduc.vn: Bạn bè thân quý!
Đã có vài bạn hữu Eimail tới hỏi dạo ni sao ít viết cái gì ngộ ngộ, vui vui lên trang, mà chỉ thấy ăn sẵn của người khác? Xin thưa, cả một tháng bảy và tháng tám vừa qua tôi quá bận bịu, đôi lúc ngỡ như hụt hơi. Thú thật chẳng phải tôi còn ham hố gì nữa, tất cả chỉ vì tình nghĩa không sao chối từ được. Ngay cả cuốn tiểu thuyết Kẻ song sinh chỉ còn vài chương nữa là kết, thế mà vẫn bị vứt qua vứt lại, chen ngang chen dọc khiến đến giờ này vẫn chưa thể dứt điểm. Đi Căm- pu- chia về, mấy tờ báo bảo nên viết một cái kí gì đó, tôi cũng máu lắm, thế mà phải tạm gác để dịp sau vậy. Có ba cú hợp đồng chen ngang thì đã xong được một. Kịch bản sân khấu cho Đoàn kịch Quân đội đã hoàn thành sau đúng 10 ngày, đoàn trưởng đã đích thân bay vào tận nơi mang ra. Từ hôm nay đên nửa tháng chin, lại hì hục cho xong hai chương trình ca múa đặc biệt, một là kỉ niệm 50 năm ngày truyền thống của cái trường cũ của tôi, một là chào mừng cái Thị xã mà tôi đang náu thân được phong hàm lên Thành phố. Thử hỏi mấy chuyện đó tôi làm sao ngoảnh mặt từ chối được.
       Sáng mai, 3/8/1009 tôi phải lên đường vào Hội An dự cuộc hội thảo do Hội đồng LLVHNT TW tổ chức. Âu cũng là tự giải thoát tấm thân để thay đổi không khí.Tạm biệt bạn bè vài ngày vậy.
      
Trước khi đi, tôi post bài tham luận sẽ đọc tại hội thảo lên trang để mọi người đỡ thấy trống trang nhiều ngày. Cái thứ này thì cũng chỉ đọc cho..vui mắt thôi. 
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM - Sự lựa chọn nào cho tương lai?
( Tham luận tại hội thảo khoa học " Tính dân tộc và tính hiện đại trong VHNT VN hiện nay" 
Trên Truyền hình Việt Nam hiện đang có chuyên mục dành cho công nghệ thông tin với tiêu đề " Sự lựa chọn cho tương lai". Từ những năm cuối của thế kỷ XX khi loài người chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ 3, chúng ta được nghe rất nhiều dự báo về thế kỷ 21, nào là kỷ nguyên của tin học, của vi sinh học, của tự động hoá, vân ..vân..Và lập tức ở Việt Nam xuất hiện một khẩu hiểu nghe đanh thép như là một mệnh lệnh, một phép dụng binh, cũng có thể coi là kim chỉ nam cho mọi hành động. Phương châm đó là: đi tắt, đón đầu.
       
Theo cách hiểu của tôi, mà cũng có thể là của một số đông khác, thì đi tắt đón đầu là bỏ qua một giai đoạn cần và đủ cho một phương thức tiếp cận khoa học, hưởng thụ và ứng dụng mọi thành quả kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nhất của thế giới để đưa nền kinh tế đất nước hội nhập và tiến bước ngang hàng cùng các quốc gia tiên tiến khác. Tôi không đủ trình độ để bàn luận xem, việc lựa chọn bước đi như thế trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã đúng và trúng chưa? Có thể là đúng, bởi cái đích của một công trình nghiên cứu khoa học là giống nhau cho dù đường đi tới đích có thể khác nhau. Khi mà cái đích ấy đã được xác định, đã nhìn thấy rõ thì kẻ chậm chân chẳng cần phải đi lại từ đầu, có thể nhảy thẳng vào vạch cán đích để cùng nhân loại đi tiếp. Tuy vậy, tôi cũng thấy không phải không có những hậu quả, những hệ luỵ do việc chẳng cần đi mà đến đó, bởi như ông cha mình nói, đi một ngày đàng, học một sàng khôn, ta không tự đi thì khó mà có cái khôn tích luỹ, làm sao có được bản lĩnh để dự phòng những rủi ro bất lường có thể xẩy ra. Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang xẩy ra được bắt đầu từ những nền kinh tế lớn nhất, ở những quốc gia có nên khoa học công nghệ tiên tiến nhất, hoặc việc báo động đỏ về thảm hoạ môi trường của trái đất, lẽ nào không làm cho chúng ta giật mình đến toát mồ hôi?
      Trở lại với câu chuyện văn học nghệ thuật. Có vẻ như cái phương châm đi tắt đón đầu rất hấp dẫn ấy vốn được dùng cho lính vức khoa học công nghệ nhưng đã có sự kích hoạt mạnh mẽ đến toàn bộ cơ thể xã hội Việt Nam, nó như một liều đô-pin mạnh khiến không ít người nhảy lồng lên như thể bất ngờ tìm ra phương thuốc thần diệu cho tất thảy mọi sự phát triển. Bởi thế, cho dù thuật ngữ đi tắt đón đầu vốn dùng cho khoa học công nghệ, không hề đã động gì đến phạm trù sáng tạo văn học nghệ thuật, nhưng đã thấy xuất hiện ngày càng nhiều ở trong giới chúng ta những câu hỏi sốt ruột kiểu như, bao giờ Việt Nam có giải Noben, bao giờ văn học ta mới thoát ra khỏinhân vật dân tộc để có được loại nhân vật nhân loại, hoặc tại sao Tiểu thuyết thế giới đã như thế này, thế nọ mà các nhà viết tiểu thuyết Việt Nam vẫn cặm cụi kể chuyện..vân..vân và vân vân.. Trong thơ ca, trong âm nhạc, trong mỹ thuật đều sôi lên những câu hỏi như vậy. Cá nhân tôi khẳng đinh là, những câu hỏi đó là tâm huyết và rất cần lắng nghe. Tuy nhiên từ sự sột ruột ấy đã dấy lên một làn sóng đi tắt đón đầu, lấy thành quả sáng tạo của thế giới mà ta vừa biết đến làm điểm xuất phát cho tư duy sáng tạo của ta, có khi sự sáng tạo đó đã xẩy ra dăm ba chục năm rồi và hiện thời đã bị chính các nước đó chối bỏ nhưng ta không biết.
      Là một người sáng tác không ai là không muốn những sáng tạo của mình luôn luôn phải được đổi mới, không thể sáng tạo ra cái thứ giống như của người khác hoặc của chính mình đã có. Là một công dân của đất nước Việt Nam ai trong chúng ta cũng đầy day dứt và mong muốn đổi mới đất nước, đổi mới trên tất thảy mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, cái gì tiến nhanh được chúng ta đều cổ suý. Phải tiến nhanh tiến kịp những quốc gia tiên tiến nhất. Tuy nhiên, chúng ta là những con người, là chủ thể của một cổ máy vận động chứ chúng ta không thể biến mình thành cổ máy. Cổ máy thì chỉ biết quay, quay tít mù, càng nhanh càng tốt, nếu lở long vít, bung ốc văng tung toé  ra đường thì cổ máy sẽ thành xác máy, người ta sẽ dọn nó đưa vào khu phế thải để thiêu huỷ. Còn nếu con người văng ra bên vệ đường thì sẽ ra sao? Chúng ta không thể không lường tới điều đó. Ví dụ: trên lĩnh vực chính trị, chúng ta cũng đã nhận ra nhiều điều bất cập rất cần đổi mới. Rất nhiều yếu tố trì trệ cần được loại bỏ. Tuy nhiên chúng ta, với tư cách là chủ thể của một nền chính trị, cần phải biết hướng cái đích tiến lên của mình tới đâu, đi tắt đón đầu để tiến kịp cái nền chính trị nào? Có thể là nước Mỹ chăng? Hay nước Pháp? Hay vương quốc Anh? Chúng ta phải thừa nhận nền chính trị của những nước đó là rất tiến bộ, có rất nhiều điều thật sự văn minh. Tuy nhiên, ngay bản thân trong đất nước của họ cũng đang đặt ra nhiều vấn đề quan trọng mà trong nhiều thập kỷ qua vẫn chưa thể giải quyết được. Ví dụ như nạn phân biệt chủng tộc, nạn bạo lực, hoặc khoảng cách giàu nghèo ngày một cách xa...Với một tinh thần cầu thị và tỉnh táo, một thái đội khao học và có trách nhiệm với dân tộc, chúng ta cần tiếp cận với những tiến bộ, những văn minh của các thể chế chính trị ấy để học tập, tiếp thu và cũng phải thấy ngay những nguy cơ mà các thể chế ấy đang đối mặt để có cách phòng tránh trước.
     Bây giờ xin được quay trở về lĩnh vực Văn học nghệ thuật. Cần khẳng định lại lần nữa là, cái khẩu hiệu đi tắt đón đầu tuyệt nhiên không phải để dùng trong lĩnh vực sáng tạo vặn học nghệ thuật. Bộ hồ sơ dày cộp mấy gang tay về các văn bản ký kết gia nhập WTO không có một văn bản nào ràng buộc về lĩnh vực văn học nghệ thuật theo nghĩa sáng tạo tác phẩm, nếu có thì chỉ là vấn đề bản quyền và phần quyền lợi kinh tế liên quan đến việc kinh doanh các tác phẩm ấy. Sáng tạo văn học nghệ thuật và sáng tạo khoa học công nghệ tuy cùng chung mục đích là thúc đẩy sự phát triển của nhân loại nhưng hai con đường đi và hai đích đến của nó lại rất khác nhau. Nhiều nhà khoa học cùng nghiên cứu một đề tài với nhiều phương thức tiếp cận khác nhau nhưng đích đến của nó chỉ có một. Ngược lại, có bao nhiêu nhà sáng tạo nghệ thuật thì sẽ có bấy nhiêu đích đến khác nhau bởi bản thân mỗi nhà sáng tạo là một thế giới khám phá. Cách tiếp thu thành quả tiến bộ của nhân loại của hai lĩnh vực này cũng khác nhau.  Thế giới đã nghiên cứu ra vác-xin phòng bệnh cúm gà, ta có thể bê ngay vac-xin ấy về tiêm chủng cho người Việt Nam, hoặc xin chuyển giao cái công thức điều chế ấy về để sản xuất. Đi tắt,đón đầu là vậy. Nhưng ta không thể dùng cái sáng tạo của người ta " ứng dụng" theo kiểu Việt hoá tác phẩm như cách làm mấy bộ phim truyền hình dở cười dở khóc vừa qua. Tiếp thu thành quả sáng tạo nhân loại có thể tạm ví như là có thêm những chiếc chìa khoá, rồi ta vẫn sẽ phải tự mở lấy cánh cửa tâm hồn mình, thế giới sáng tạo của mình, lại phải tự mình tìm hiểu, khám phá những gì còn chưa được khám phá trong chính bản thể ta, lại phải bước đi những bước nhọc nhằn, bỡ ngỡ như chưa hề có bước chân nào đi qua, như thể ta đang lạc vào một hoang mạc chưa từng được biết đến.
      Cái cá thể của người sáng tạo là một thế giới sáng tạo mà không bao giờ tới đích. Vì sao, vì thế giới đó không phải là một vũ trụ chết, ngược lại nó là sự vận động nằm trong quỹ đạo vận động của cộng đồng và nhân loại. Vì vậy, khám phá bản thể của mình nếu đúng và trúng tức là chúng ta đã tiếp cận được con người nhân loại hiện đại. Tất nhiên, cũng như mọi vật chất trong vũ trụ, mỗi bản thể của chúng ta không phải tự nhiên xuất hiện, nó đã được hình thành từ những tế bào huyết thống mang theo gen của tổ tông, mang sẵn màu vàng của da, màu đen của tóc, nó lớn lên mang theo hơi thở, lời ăn tiếng nói của ông cha, lời ru tha thiết dịu êm của bà, của mẹ, vị giác của nó từ thủa hoài thai đã ngấm vị đắng của nồi lá vằng mẹ uống lúc sinh đẻ, hơi cay nồng của quả ớt, hạt tiêu xứ nhiệt đới, vân vân. Có nghĩa là, trong sự chuyển hoá lên thành con người nhân loại hiện đại, nó vẫn đậm đà cái hồn vía, cái cốt cách tinh anh của một con dân Việt.
     Như vậy, rõ ràng quy luật sáng tạo của khoa học và nghệ thuật có một sự khác nhau rất cơ bản. Khoa học là sự phủ định của phủ định, liên tục phủ định để liên tục tiến lên. Nhưng nghệ thuật thì không thể như thế. Nó là cả một quá trình gạn lọc, tiếp thu, kế thừa những gì tinh tuý nhất của truyền thống, của nhân loại, tất cả tạo nên nguồn nhựa nguyên, rồi từng bản thể của người sáng tạo tự mình quang hợp với không gian sống để tạo thành luồng nhựa luyện của riêng mình , rồi tự mình vươn dậy thành đại thụ.
     Tôi xin được tóm tắt lại ý kiến của mình, rằng tôi rất nhất trí với nhận thức là khi đất nước ta đã hội nhập đầy đủ với thế giới, đang quyết tâm ngang hàng với các quốc gia khác trên toàn cầu thì sứ mạng của văn học nghệ thuật Việt Nam, hay nói cụ thể hơn là trách nhiệm của giới sáng tạo Việt Nam phải đưa nền VHNT nước nhà lên ngang tầm nhân loại. Đó không chỉ là khát vọng mà còn là sứ mệnh lịch sử. Đó chính là sự lựa chọn của VHNT Việt Nam trong tương lai.
Tuy nhiên chìa khoá cho việc ngang tầm nhân loại, quyết không thể là phương châm đi tắt đón đầu, mà phải giải mã cho được 2 thuộc tính cơ bản của cái gọi là tầm nhân loại. Một là, thế nào là tính nhân loại trong tư duy nghệ thuật của mỗi dân tộc. Hai là con đường đi tới đó phải bắt đầu từ đâu và sẽ đi như thế nào. Theo tôi, có hai yếu tố cơ bản nhất để có thể có được tính nhân loại trong sáng tạo nghệ thuật. Thứ nhất là VHNT phải đề cập được những vấn đề cốt tử, những mâu thuẩn, bức xúc nóng hổi đang đặt ra cho cả loài người, những khát vọng lớn lao nhất mà tất cả các dân tộc đang theo đuổi. Thứ hai là về hình thức, cần tiến tới có những ngôn ngữ biểu đạt chung khả dĩ mọi công dân trên trái đất đều có thể tiếp thu được. Khái niệm ngôn ngữ nói ở đây chính là phong cách, hình thức biểu đạt và chuyển tải nghệ thuật. Nhưng sẽ rất sai lầm nếu ai đó cho rằng, muốn có được tầm nhân loại thì phải vứt bỏ cái nôi dân tộc để đi tìm ở đâu đó trên trái đất nỗi âu lo nhân loại và cách thể hiện của nhân loại. Không. Cũng giống như kinh tế và xã hội, mục tiêu thiên niên kỉ của LHQ đặt ra không hề có gì cao siêu , xa lạ, ngược lại nó thân quen đến mức như cơm ăn, nước uống, hơi thở hàng ngày của từng dân tộc. Và vì vậy, để thực hiện được mục tiêu thiên niên kỉ của toàn thế giới thì từng quốc gia, từng dân tộc phải giải quyết cho bằng được những khát vọng sống, môi trường sống của chính dân tộc mình, ngay trên mảnh đất mình. Đó cũng chính là lời giải cho đường đi nước bước của dặm đường vươn tới tầm nhân loại của sáng tạo VHNT.Tôi xin được mạo muội đưa ra một dẫn dụ thế này. Nhà văn lớn Aitmatov có một cuốn tiểu thuyết rất dày với cái tựa để cũng rất tầm cỡ, đó là " Và một ngày dài hơn thế kỉ". Trong tác phẩm đồ sộ đó nhà văn đã đưa ra một cuộc đối đầu có tính giả tưởng là mối đe doạ toàn cầu với cuộc xâm lăng của lực lượng ngoài trái đất. Trước mối hoạ trùm lên trái đất đó, những quốc gia mang nặng mối tư thù chủ nghiã như Mỹ và Liên Xô phải làm gì. Nhìn vào cách tư duy đó, chúng ta rất dễ thống nhất nhận định rằng nhà văn đã cố gắng đưa tầm sáng tạo vượt ra khỏi những vấn đề dân tộc để vươn lên tầm nhân loại. Tuy nhiên, sau tất cả mọi điều, cái đọng lại với nhân gian và làm nên tầm cỡ bậc thầy thế giơí của Aitmatov không phải ở cuốn tiểu thuyết đồ sộ đó mà chính là những chuyện vừa thấm đẫm chất dân tộc Kigistan như Cây phong non trùm khăn đỏ, Người thầy đầu tiên hay Gammelia..
Văn học nghệ thuật là một bộ phận của văn hoá, lại là bộ phận tinh tuý nhạy cảm nhất của văn hoá. Đối với văn hoá, phương châm của chúng ta là bảo tồn và phát huy những giá trị tiêu biểu nhất của bản sắc dân tộc, tiếp thu có chọn lọc nền văn hoá tiên tiến của nhân loại.Tôi biết có một vài người rất ghét khẩu hiểu đó, họ cho rằng nói thế là bảo thủ, là cách nói của một thể chế chính trị bảo thủ hoặc của những người không có chút kiến thức nhân loại hiện đại. Tôi xin đặt trở lại một câu hỏi, nhân loại hiện đại là ai, Liên hiệp quốc có phải là một tổ chức lớn nhất đại diện cho tất cả các quốc gia hiện đại không? Vậy trong lúc Liên hiệp quốc kêu gọi toàn cầu hoá về kinh tế, tổ chức ra sân chơi chung cho thế giới về thương mại, đầu tư; thì đối với văn hoá khẩu hiệu của Liên hiệp quốc là gì? Có phải là bảo tồn và phát huy giá trị của bản sắc văn hoá các dân tộc không? Không chỉ là khẩu hiệu mà UNESCO còn bỏ ra hàng trăm tỉ đô la giúp đỡ các quốc gia các dân tộc để trùng tu, tôn tạo di tích văn hoá, bảo tồn các di sản thế giới, sưu tầp và phục dừng các giá trị di sản phi vật thể, các không gian văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc. Liên hiệp quốc cũng như tất cả các quốc gia trên thế giớ chưa hề đưa ra khẩu hiệu đồng nhất văn hoá, xoá hết dấu ấn dân tộc. Có thể thấy rõ ước muốn của nhân loại cho tương lai một thế giới đại đồng là các quốc gia hội nhập, có một nền kinh tế tương đồng trình độ để hợp tác với nhau, có một không gian chung về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và có một vườn văn hoá đa sắc, đa màu, đa thanh để làm phong phú cho nhau. Không ai lại ước muốn một thế giới đồng nhất một màu văn hoá, vì như thế là tiêu diệt văn hoá.                                                                        

                                                                         5/6/2009
                                                                               XĐ


 Đăng ngày 02/08/2009

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan