Tác giả: Xuân Đức
Chương 2
CHIẾN TRANH-
ĐỜI LÍNH VÀ NHỮNG TRANG VĂN ĐẦU TIÊN.
Người đi ! Ừ nhỉ, người đi thực
!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay.
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say !
( Tống biệt hành – Thâm Tâm) Mẹ thà coi như chiếc lá bay.
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say !
Nói chính xác
thì những trang viết đầu tay của tôi được bắt đầu từ thủa còn học cấp 2. Học trò
cấp 2 hồi đó (từ lớp 5 đến lớp 7 theo hệ 10 năm) lớn tuổi lắm. Rất nhiều cu cậu
đã biết yêu đương từ lớp 5, thậm chí cuối cấp 1 đã có dư luận thầy yêu trò..Tôi
cũng không ngoại lệ. Năm lớp 7, tôi cũng đã có những sự thân thiết với bạn học
con gái có vẻ gần như là tình yêu..Đương nhiên chỉ là kiểu yêu mơ mộng, thoang
thoảng của tuổi học trò thôi. Và thế là tôi viết tiểu thuyết..Bản thảo tiểu
thuyết ấy chỉ mới có mấy chương, bởi sau những cảm xúc thơ mộng của hai nhân vật
chính thì.. không còn biết phải hư cấu cốt truyện thế nào nữa..Tôi nhớ lúc đó
tôi có đọc cho một người bạn nam khá thân nghe..Cậu ta tỏ ra kinh ngạc vô cùng.
Người bạn ấy tên là Lý, có lúc gọi là Cháu, là dân Thừa Thiên ra ngụ cư ở xã
Vĩnh Thái, Vĩnh Linh. Nguyễn Xuân Lý là học sinh giỏi môn toán, còn tôi giỏi
văn. Lý cũng thi học sinh giỏi toàn miền Bắc một kì với tôi và cũng đạt giải
nhì. Đấy là năm 1963, học sinh cấp 2 Hồ Xá Vĩnh Linh bội thu. Hai tốp học sinh
giỏi Toán và Văn đều giật giải cao miền Bắc. Đội toán còn có Nam đạt giải nhất.
Cùng năm đó, Trần Đức Vầy, về sau đổi tên là Trần Đức Vân đang học cấp 1 ( lớp
4) đạt giải nhất về toán. Sau này, Giáo sư, tiến sĩ Trần Đức Vân trở thành tên
tuổi lớn của thế giới về toán. Tiếc rằng anh mắc một căn bệnh hiểm nghèo, mà
nguyên nhân nghe nói chỉ vì không đủ đạm, cả cơ thể tê liệt, chỉ còn bộ não vẫn
làm việc cho đến khi bộ não cũng ngừng nốt. Vân mất khi tuổi còn khá
trẻ.
Nguyễn Xuân
Lý học toán giỏi nhưng văn thì rất thường, còn tôi môn toán cũng được xếp loại
giỏi. Vì vậy nhiều hoạt động của đội giỏi toán tôi đều được nhà trường bắt phải
tham gia. Tôi và Lý trở nên thân nhau vì lẽ đó..Thậm chí, năm 1964, khi trường
cấp 3 Vĩnh Linh có một phân hiệu sơ tán về Vĩnh Hòa, Lý đã ở trọ ngay trong nhà
tôi..Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, cả hai thằng đều nhận thấy, hai đứa
học giỏi mà ở chung thì chỉ tổ phá nhau, không tập trung học tập. Vì thế, Lý đã
chuyển đi trọ chỗ khác.
Lý nhập ngũ
quân đội sau tôi một năm. Nghe nói lúc đầu anh ta tuyển vào phi công, nhưng sau
không đủ sức khỏe nên chuyển qua ra đa. Rồi chuyển ngành đi học Liên Xô..Khi
chúng tôi gặp lại nhau, vào cái thời tôi khốn khó nhất thì Nguyễn Xuân Lý đã là
cán bộ cao cấp của tỉnh Bình Trị Thiên, chức Chủ tịch Liên đoàn lao động
tỉnh..Khi Bình Trị Thiên chia tách, Lý làm Phó Chủ tịch trực của tỉnh Thừa Thiên
Huế. Tôi về làm Giám đốc sở VHTT Quảng Trị. Rồi Lý lên Chủ tịch tỉnh, có ra
Quảng Trị vài lần với tư cách khách mời trong các dịp lễ lạc. Tuy nhiên những
lần gặp đó, cử chỉ của Lý đối với tôi là rất “ xã giao”. Tôi biết ý cũng giữ một
thái độ “vừa phải”. Không chỉ với riêng tôi, quan hệ của Lý đối với tất cả đám
bạn học ngày trước trên địa bàn Quảng Trị đều có cung cách xã giao như vậy. Có
lẽ cũng nên thông cảm cho Lý. Con người ta khi đã ở một vị trí cao thì thường có
cung cách ứng xử làm sao để “ quan trên nhìn xuống, người ta nhìn vào”. Điều
đáng buồn là, sau khi đã nghỉ hưu, trong mấy lượt kỉ niệm ngày truyền thống
trường cấp 3 Vĩnh Linh, Lý có về dự nhưng khi gặp đám bạn như chúng tôi, Lý vẫn
rất xã giao, chào to, cười lớn, sau đó lại tách riêng, không bù khú với đám bạn
học cũ mà lại hẹn hò với mấy quan cỡ bự của tỉnh.. Rất nhiều bạn học tỏ vẻ bực
mình. Riêng tôi thì không cảm thấy gì hết. Tôi đã quá quen với những chuyện như
thế.
Trở lại
chuyện viết văn. Ngay từ những ngày còn học cấp 2, tôi đã tập viết kịch, dàn
dựng và diễn kịch. Mấy vở kịch ngắn tôi sáng tác cho tổ văn nghệ của lớp biểu
diễn tham gia vào các cuộc hội diễn của nhà trường đều được giải cao. Những
người bạn diễn kịch thủa đó bây giờ vẫn còn. Lãm theo nghề giáo viên nay nghỉ
hưu tại Hồ Xá. Đặc biệt Lê Mậu Đạt là bạn thân nhất, lâu bền nhất. Đạt không chỉ
là bạn văn nghệ mà còn là một thành viên trong tổ học sinh giỏi văn. Sau này,
Đạt là một thầy giáo dạy văn giỏi có tiếng của trường. Khi trường cấp 3 sơ tán
về Vĩnh Hòa, Đạt và tôi chơi với nhau như một cặp bồ..Sau này, chúng tôi vẫn rất
gần nhau. Lúc tôi gặp đại nạn, cháy sạch nhà cửa, Đạt đã đưa cho tôi chiếc
giường về nằm. Lúc Đạt làm nhà, tôi cũng làm nhà, tuy thế tôi vẫn nhường cho Đạt
mấy chục đòn tay bằng gỗ huệng để lợp nhà Đạt..Tôi làm Giám đốc sở văn hóa Thông
tin thì Đạt giữ chức Thư kí văn xã của Ủy ban tỉnh, cho nên chúng tôi thường
xuyên quan hệ với nhau. Lê Phước Long cũng là bạn học cùng khóa, sau này làm
Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo tỉnh, về hưu sau tôi 2 năm..Lại còn Điểu, Sửu,
Hường, Thê..và vài bạn nữa..Bây giờ cả bọn chúng tôi đều đã nghỉ hưu, nhưng
chúng tôi vẫn cứ gặp nhau, chơi với nhau như thủa còn đi học. Ở đời có được
những đứa bạn tri kỉ như thế thật là may mắn.
*
Tôi nhập ngũ
ngày 26-5-1965. Với cá nhân tôi, năm 1965 là cột mốc đặc biệt. Từ tháng tư, bom
Mỹ đã ném tràn lan khắp Miền Bắc. Trường cấp 3 Vĩnh Linh trúng bom. Một thầy
giáo và 8 học sinh bị chết. Đấy là một sự kiện không thể nào quên. Tôi đang học
lớp 9b. Bình thường lớp tôi học buổi chiều. Không hiểu sao, đúng ngày đó ( chứ
không phải sớm hơn hoặc muộn hơn), lớp 9b lại chuyển qua học sáng. Chiều đó
chừng khoảng 4 giờ chiều, đứng ở Vĩnh Hòa nhìn lên thấy máy bay bổ nhào, bom nổ
và khói bụi đùn cao đen sịt cả bầu trời..Sáng ngày mai tôi mới biết tin
xấu..Ngay sau sự kiện đó, trường cấp 3 Vĩnh Linh được chia nhỏ thành mấy Phân
hiệu sơ tán về các vùng nông thôn. Phân hiệu có lớp của tôi chuyển về Vĩnh Hòa,
sát cạnh nhà của tôi..Học thêm hơn một tháng nữa thì tôi được gọi nhập
ngũ.
Ấn tượng của
một học sinh cấp 3 như tôi đối với năm 1965 chỉ có vậy. Mãi sau này, khi bắt tay
chuẩn bị viết tiểu thuyết Cửa
Gió và kịch bản phim truyền hình Đối mặt, tôi buộc phải đọc tài
liệu chiến sự về năm 1965, thì mới nhận ra cái cột mốc đặc biệt lúc đó đối với
lịch sử chiến tranh Việt Nam. Đấy là năm đánh dấu bước ngoặt rất quan trọng
trong ý đồ chiến lược của các nhà lãnh đạo Miền Bắc đối với cuộc chiến ở Miền
Nam.
Ở chiến
trường Miền Nam, Mỹ đã ồ ạt đổ quân, lúc cao nhất lên đến 50 vạn. Tên tướng
Oét-mo-len bay sang Sài Gòn và đưa ra chiến dich 5 mũi tên nhằm triệt phá chớp
nhoáng các vùng giải phóng..Trước thế cuộc đó, những nhà lãnh đạo Hà Nội đưa ra
quyết định mở chiến dịch đường Chín, bắc Quảng Trị nhằm kéo quân Mỹ ra sát Miền
Bắc để đối mặt với các lực lượng chính quy của bộ đội ta. Tiểu đoàn 47 thuộc Bộ
tư lệnh Vĩnh Linh được thành lập trong thế cờ đó. Và tôi là một trong những
thằng lính đầu tiên của tiểu đoàn.
Cần nói rõ
một chút về đơn vị này, vì nó sẽ còn ám ảnh lâu dài và sâu sắc đến những trang
viết của tôi trong suốt cả cuộc đời viết văn, và cả những chuyện lằng nhằng, rắc
rối ngoài văn chương mà tôi buộc phải nhắc tới ở phần sau cuốn sách
này.
Khi Vĩ tuyến
17 chia đôi đất nước thì huyện Vĩnh Linh, mảnh đất tiền đồn của Miền Bắc, được
đôn lên thành một đơn vị hành chính ngang cấp tỉnh với tên gọi Đặc khu Vĩnh
Linh. Theo đó, mọi đơn vị khác trong huyện đều được gọi kèm theo tiếng “ khu”
như Khu ủy, Khu đội..Lực lượng vũ trang trên địa bàn bao gồm Khu đội chủ yếu phụ
trách lực lượng dân quân du kích, còn bộ đội chính quy thì có Trung đoàn 270, là
lực lượng bộ đội bảo vệ giới tuyến đã có mặt rất sớm ở mảnh đất này. Ngoài ra
còn lực lượng gọi là Công an vũ trang, tức bộ đội biên phòng hiện nay, chủ yếu
làm nhiệm vụ canh gác ở cầu Hiền Lương, Cửa Tùng và chốt giữ một số đồn biên
phòng trên miền tây. Về sau lực lượng này sáp nhập vào công
an.
Tiểu đoàn 47
được thành lập lúc đầu là đơn vị của Khu đội Vĩnh Linh. Chúng tôi tập trung tại
xã Vĩnh Hòa, sau đó nhận quân trang ở trong Rú Lịnh, một khóm rừng nguyên sinh
hiếm hoi còn sót lại giữa vùng đất đỏ Vĩnh Hòa. Tiếp đến, toàn tiểu đoàn được di
chuyển về Vĩnh Thạch, một xã sát biển để huấn luyện. Quả thật tôi không sao
lường trước được những nỗi nhọc nhằn của cuộc đời người lính. Chưa hề biết đến
chiến đấu, chỉ mới lăn lê bò toài, hay nửa đêm bị thức dậy đứng gác, hay tập báo
động, khuân vác nặng chạy dưới đường hào, vân vân..cũng đủ để cho một cậu học
sinh với thân hình nhỏ nhoi như tôi cảm thấy không sao chịu nổi. Bao nhiêu mơ
mộng về một cuộc sống đượm chất anh hào từng tưởng tượng ra khi còn ngồi trên
ghế nhà trường bỗng tắt lịm, thay vào đó là nỗi vất vả ê chề, cam chịu qua từng
đêm, từng ngày…Thế nên khi bất ngờ được gọi lên Khu đội bộ, dù chưa biết sẽ làm
việc gì tôi cũng có cảm giác như kẻ bị ngạt thở trong buồng kín được thoát ra
ngoài.
Nguyên nhân
Khu đội điều tôi lên cơ quan là vì lúc ấy ban Binh vận thiếu một trợ lí có thể
viết được các bài binh vận. Họ lục tìm trong đống hồ sơ tân binh của tiểu đoàn,
biết tôi là học sinh giỏi văn nên quyết định điều động. Khi gặp thủ trưởng Đạt,
Trưởng ban, ông ấy nói rõ cho tôi biết yêu cầu công việc rồi ngay lập tức giao
bài bảo tôi viết thử, nếu thấy đạt yêu cầu thì chính thức giữ lại. ( Cơ quan Khu
đội lúc đó có hai ông cùng tên Đạt. Trần Thanh Đạt, người thôn Tùng Luật, xã
Vĩnh Giang, hàm thiếu tá là Khu đội trưởng. Còn ông Đạt mà tôi đang nói là
Trưởng ban Binh vận). Lúc đó tôi rất lo sợ bởi dù cũng có chút năng khiếu văn
chương nhưng là thứ văn học trò, tôi không hình dung được phải viết thế nào cho
ra dáng văn chính trị, để có thể đạt được yêu cầu tuyên truyền cho binh lính bên
kia tuyến “nhận ra chân lí”. Lo thì lo, nhưng không thể lo bằng việc bị trả trở
lại đơn vị để đêm đêm phải thức dậy đứng gác, ngày ngày phải tập lăn lê bò toài
rồi mang vác đến vẹo cả sườn hành quân dã chiến.. Tôi thức suốt đêm nghĩ kế. Rồi
tôi chợt nhớ lại, dạo còn đi học, mỗi lần bị ép phải viết một vở kịch ngắn cho
văn nghệ của lớp diễn, tôi thường lục lọi tìm đọc mấy vở kịch của những tác giả
chuyên nghiệp, sau đó bịa ra một câu chuyện tương tự nhưng khác đề tài, cũng bắt
chước gần giống các tình tiết của kịch người ta để tạo ra kịch của mình..Bây giờ
người ta gọi thứ đó là đạo văn. Nhưng hồi đó, tôi chỉ là học sinh, hơn nữa viết
kịch cho văn nghệ nhà trường diễn chứ đâu phải đăng báo chí gì mà sợ. Mấy lại,
cái loại kịch bản được đăng đâu đó rất ít kẻ đọc nên hầu như không ai biết. Nếu
kể về nghề viết kịch, tôi đã bắt đầu bằng cách ăn cắp như vậy.
Trở lại
chuyện viết bài binh vận. Tôi nhớ tới mẹo ăn cắp kịch nên mới đến gặp thủ trưởng
Đạt, nói: Thủ trưởng cho em mượn đọc ít bài của thủ trưởng để học tập, rút kinh
nghiệm. Ông Đạt Trưởng ban khen, cậu rất biết cầu thị đấy, rồi xởi lởi đưa cho
tôi cả đống bài. Tôi vùi đầu đọc suốt đêm..Thế là tôi đã biết được cái kiểu hành
văn, kiểu lập luận của bậc tiền bối..Và tôi bắt đầu bịa theo đúng cái cách mà
các bài viết của thủ trưởng đã viết. Ngay từ bài đầu, tôi đã được chính ông
Trưởng ban khen. Coi như đã vượt qua kì sát hạch, tôi chính thức trở thành trợ
lí ban Binh vận.Tôi đã viết rất nhiều bài. Không biết có tên lính ngụy nào bên
kia giới tuyến đã nghe mấy cái bài của tôi phát trên sóng phát thanh rồi buông
súng “ trở về chính nghĩa” không? Điều quan trọng là tôi đã trở thành một trợ lí
ban Binh vận, được ngồi viết bài “chuyên nghiệp” khi còn đeo quân hàm binh nhì
và tuổi đời chỉ mới 18. Có trợ lí nào trong quân đội non trẻ như tôi nữa
không?
Giai đoạn hai là từ tết Mậu Thân ( 1968), tiểu đoàn được lệnh vượt sông trở lại mặt trận bắc Quảng Trị nhưng xuống hẳn khu đông với nhiệm vụ đánh địch ở Cửa Việt để chặn đứng con đường tiếp viện của Mỹ lên Khe Sanh tạo điều kiện để mặt trận phía tây đánh lớn. Tôi lúc đó không còn là chiến sĩ của tiểu đoàn mà là cán bộ sáng tác của đội Tuyên Văn Bộ tư lệnh, được cử về bám sát đơn vị “ tìm hiểu thực tế” để sáng tác. Chuyến trở về này tôi cùng đi với hai nhà báo chuyên nghiệp của báo Quân đội nhân dân, là Hồ Thừa ( Nguyễn Đình Dư) và Hồng Nhu. Cả hai đều đã hy sinh trong chiến dịch đó. Như vậy là, giữa hai giai đoạn cùng tiểu đoàn 47 vượt sông vào bờ nam chiến đấu thì có một thời gian tôi cùng tiểu đoàn được trở ra chuẩn bị tác chiến trên đất Vĩnh Linh. Đấy là giai đoạn bản lề của đơn vị giữa hai lần vượt sông Bến Hải, nhưng với riêng tôi, thời gian trở ra Vĩnh Linh chuẩn bị trận địa chống đổ bộ đường không cũng là giai đoạn bản lề..chuẩn bị cho tôi bắt đầu bước vào thời kì mới của cuộc đời, thời kì cầm bút viết văn chuyên nghiệp mà tôi sẽ nói kĩ ở phần sau.
Tuy nhiên,
nói như người xưa : ngày vui ngắn chẳng tày gang, tôi chỉ được làm chức trợ lí
chưa tới một tháng thì cơ quan Khu đội gặp sự cố. Tôi không còn nhớ rõ lúc ấy
bếp ăn của cơ quan xẩy ra chuyện gì, hình như anh Quản lí có vấn đề gì đó nên
buộc phải bị điều đi..Nhà bếp không có người làm Quản lí. Các thủ trưởng loay
hoay tìm người. Cơ quan Khu đội có rất ít nhân lực, đa phần là sĩ quan, họ đều
có chức trách quan trọng ở các ban như ban Tham mưu tác chiến, ban Chính trị,
ban Hậu cần, Thông tin, Cơ yếu..Còn nếu là lính thì chỉ mấy anh làm liên lạc,
cần vụ cho thủ trưởng, hoặc lính thông tin, nấu ăn..Những cậu lính ấy hoàn toàn
không có trình độ văn hóa để làm Quản lí. Thế là..sứ mạng lịch sử lại đặt lên
vai tôi. Binh nhì Nguyễn Xuân Đức được điều động từ ban Dân vận sang ban Hậu cần
và “được bổ nhiệm” làm Quản lí bếp ăn cơ quan. Tôi hoang mang lo sợ vô cùng.
Nhưng ông Bảo, trung úy, người có căn bệnh đau đầu kinh niên, lúc nào cũng xuýt
xoa nhăn nhó, lúc đó là Trưởng phòng tài vụ của Ban hậu cần đã kịp giảng dạy cho
tôi mấy nghiệp vụ cơ bản, chủ yếu là cách ghi sổ trong các cột: có, nợ, thu, chi
v..v..Lớp “tập huấn” diễn ra chừng vài chục phút, xong, tôi nghiễm nhiên trở
thành Quản lí.
Kể ra, so với
cái chức trợ lí bên ban Dân vận thì chức Quản lí bên Hậu cần có phần “oai” hơn.
Trợ lí thì chỉ là trợ lí, giúp việc..Còn cái chức trách Quản lí trong đợn vị bộ
đội gần giống như kế toán hiện nay ở một đơn vị hành chính, nhưng có khác ở chỗ,
kế toán chỉ làm tham mưu chi tiền, nhưng muốn chi lại cần có chữ kí Thủ trưởng,
còn Quản lí tức là đã có cả quyền hạn của người quyết định chi, tất nhiên là chi
trong khuôn khổ bếp ăn và phân phối các hàng hóa, nhu yếu phẩm. Quản lí ít nhất
cũng được coi là “thủ trưởng” của ba bốn cậu lính nấu ăn, được ra lệnh, thậm chí
là cáu gắt nữa..Mấy sĩ quan với quân hàm thiếu úy, trung úy ở các ban thường
xuống bếp, khi thì xin ớt, hành, khi thì nài nỉ mua chịu thứ gì đó..đôi lúc còn
xin ứng trước tem phiếu đường sữa của tháng sau nữa..Họ thường cười đùa rất “
thân ái” với Quản lí. Có anh còn xưng hô : báo cáo thủ trưởng Đức..Dĩ nhiên tôi
biết họ chỉ gọi đùa, nhưng vẫn thấy khoái.
Cơ quan Khu
đội đóng ở một triền đất ngoài cùng của xã Vĩnh Hiền, giáp xã Vĩnh Thành. Xóm đó
gọi là xóm Tân Phúc, có giếng mội ba vòi nước mát lạnh và trong suốt quanh năm.
Gọi là giếng mội ba vòi vì nước ở
đây bắt nguồn từ một mạch ngầm rất lớn gọi là mội, được người đời xưa dùng đá
xếp quanh thành một bể chứa rồi đặt ba máng dẫn bằng đá để tạo thành ba vòi nước
chảy ra.. Sau này, khi có điều kiện nghiên cứu về văn hóa Quảng Trị, tôi mới
hiểu, giếng mội ba vòi ở Vĩnh Hiền cùng với nhiều giếng cổ vùng Gio An- Gio Linh
chính là hệ thống thủy lợi tiêu biểu của người Chăm, được gọi bằng cái tên hệ
thống thủy lợi dẫn thủy nhập
điền.
Xóm Tân Phúc
cũng là xóm ở của chị đầu của tôi. Từ bếp ăn của Khu đội lên nhà chị gái tôi chỉ
cách chừng vài trăm mét. Công việc của một Quản lí rất nhàn, buổi sáng xuất kho
cho nuôi quân ( bao gồm gạo, thực phẩm theo thực đơn của bếp), xong là đi tìm
nguồn thực phẩm trong các thôn xóm, các xã lân cạnh để nhập về. Đấy là cái cớ
cho tôi đi chơi, hoặc về nhà chị gái vui đùa với các cháu. Tôi được trang bị một
khẩu súng ngắn, mặc dù đi lại trên đất Vĩnh Linh chẳng hề cần đến vũ khí nhưng
lúc nào tôi cũng mang lủng lắng bên hông. Thử tưởng tượng xem, một anh lính trẻ
măng ( mới 18 tuổi mà), không bao giờ đeo quân hàm trên ve áo ( vì chỉ là binh
nhì), bên hông thường xuyên có khẩu súng lục thì làm sao không hãnh diện
được..Tóm lại, mấy tháng làm Quản lí bếp ăn ở cơ quan Khu đội là quãng thời gian
“vẻ vang và sang trọng” nhất trong đời lính của tôi. Và tôi chợt nghĩ, làm lính
mà thế này mình có thể ở đến trọn đời vẫn không chán!!!
Tôi không thể
ngờ rằng, ngay trong những ngày tôi cứ mải rinh rang ngất ngưởng đi khắp các
làng quê với khẩu súng lục bên hông, thì Khu đội Vĩnh Linh, mà nói chính xác là
mấy vị Chỉ huy Khu đội đang phải đôn đáo, nháo nhác với một quyết định lịch sử.
Đấy là việc cấp trên quyết định sáp nhập Khu đội với Trung đoàn 270 để ra đời
một cơ quan chỉ huy mới. Đấy là Bộ tư lệnh Vĩnh Linh. Lẽ đời xưa nay việc sáp
nhập hay chia tách các đơn vị bao giờ cũng mang theo việc sắp xếp lãnh đạo, mà
phần hơn thuộc về anh lớn, phần thiệt anh bé phải chịu. Khu đội nếu so vai vế
thì rõ ràng là vai dưới của Trung đoàn 270. Vì vậy, cuối cùng ông Thiếu tá Trần
Thanh Đạt, Khu đội trưởng chỉ nhận được chức Phó tư lệnh và cũng chỉ tạm bợ thời
gian ngắn sau đó đi đâu mất, còn ông Đại úy Trần Tình, Chính trị viên Khu đội
được xếp làm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh. Còn lại một loạt các sĩ quan khác trong
cơ quan Khu đội coi như tan loãng vào các ban, các phòng của cơ quan mới và đều
chỉ được làm trợ lí hoặc cấp phó của các ban..Tôi chẳng nhớ gì về họ, chỉ nhớ
mỗi ông Tình vì có chuyện liên quan trực tiếp đến cuộc đời tôi. Việc sáp nhập
đơn vị rồi phân chia vị trí công tác mới là chuyện của mấy vị chỉ huy và hàng
ngũ các sĩ quan, trợ lí..Loại lính tráng binh nhì như tôi đâu có biết gì..Cả gần
chục ngày trời, tôi thấy cán bộ các ban liên tục xuống bếp xin ứng đủ mọi thứ,
từ tem đường, sữa, bột ngọt..thậm chí cả gạo, nước mắm..Họ rất niềm nở với Quản
lí..Số người xưng “ thủ trưởng” với tôi cũng tăng lên cùng với những nụ cười vô
cùng thân thiện..Tất nhiên tôi thấy khoái và vì thế mà rất dễ tính..Tôi đã cho
họ ứng rất nhiều..Không một ai trong số họ hé lộ cho tôi biết chuyện gì sắp xẩy
ra..Thế rồi bất ngờ một buổi sáng, lệnh của Ban hậu cần yêu cầu kiểm kho, kiểm
quỹ..Những việc đó thường chỉ làm vào cuối tháng..Tôi cảm thấy rất bất ngờ..Rồi
cái gì đến cũng đã đến. Bếp ăn bị thâm hụt một khoản lớn.( Bây giờ tôi không còn
nhớ chi tiết là thâm bao nhiêu). Ông Tình gọi tôi lên hỏi, vì sao thâm. Tôi đưa
cuốn sổ nợ ra, báo cáo với thủ trưởng yêu cầu các sĩ quan ở các ban phải trả
hoặc tháng sau từ tiêu chuẩn của họ. Ông Tình nói làm gì có tháng sau, họ đã
được điều chuyển đi nhận công tác nơi khác hết rồi..Bấy giờ tôi mới ngã ngửa
ra..Ông Tình ra lệnh gọn lỏn: thâm thì Quản lí phải đền. Tôi kêu lên, em lấy
tiền đâu ra mà đền? Ông Tình gợi ý: về nhà xin bố!
Bữa nay,
chuyện tham ô, tham nhũng hay làm thất thoát tiền bạc là chuyện như cơm bữa.
Nhưng ngày đó, đây là chuyện động trời. Vì thế mà tôi gần như sụp đổ. Những ngày
tiếp theo, tôi cứ ngẩn ngơ như kẻ ốm nặng mới gượng dậy..Cả cơ quan tan hoang,
vắng vẻ..Mọi người đã kéo nhau đi về đơn vị mới..Tôi qua nhà chị gái nằm vật ra
giường, chẳng thiết ăn uống gì nữa..
Bây giờ mỗi
lần nhớ lại sự việc ấy, tôi cứ giận mãi mình sao lại ngu và ngơ đến vậy..Cái
mệnh lệnh đền bù mà ông Chính trị viên Tình phát ra chỉ để tỏ rõ uy lực cuối
cùng của ông ấy chứ đâu có hiệu lực gì..Có ai quan tâm gì đến số nợ của bếp ăn
Khu đội nữa đâu. Từ ông Tình, ông Đạt, đến cả cái Ban Hậu cần hay Ban Chính trị
đều coi như rã đám, chạy chọt tìm cho được chỗ đứng ở bên Bộ tư lệnh Vĩnh
Linh..Cơ quan Khu đội coi như đã chết một cách bất đắc kỳ tử, thì thử hỏi còn ai
nhớ gì mấy cân gạo, mấy tem phiếu cũ..Ngay cái kho của bếp cũng còn cả đống thực
phẩm sau kiểm kê có ai thèm chuyển đi đâu..Ngay cả bản thân tôi sau đó cũng coi
như bị bỏ rơi, không một ai tìm đến hỏi han nữa..Nếu lúc đó, tôi bỏ về nhà rồi
đi đâu đó thì cũng sẽ chẳng còn ai biết. Ấy vậy mà tôi vẫn đau khổ, lo sợ, dằn
vật..và cuối cùng đành phải chạy về nói thật với bố. Tội nghiệp cho bố..Cứ tưởng
con vào bộ đội làm nên công trạng gì, ai ngờ chưa tới nửa năm đã mang về tai
họa. Thế là bố cắn răng đốn hạ xuống bốn cây mít lớn trong vườn, gọi người bán
như đổ đi, gom được một số tiền rồi bảo tôi cầm gấp về đền cho cơ quan. Tôi chạy
trở lại cơ quan thì chỉ còn một khu đất tan hoang, vắng ngắt không bóng người.
Những mái lán xiêu vẹo, im lìm dưới những tán cây dầu sở. Tôi lại về nhà chị
gái, hỏi chị phải làm sao để điền tiền cho người ta. Chị tôi còn thực thà hơn cả
tôi, bảo tôi tìm về nhà riêng ông Tình ở thôn Hiền Lương. Tôi mò về chỗ đó thì
rất may là gặp ông..Tôi lấy tiền ra, cố giải thích số nợ và cách quy đổi từ tem
phiếu ra giá trị tiền..Thủ trường nghe nhưng có vẻ không quan tâm lắm. Cuối cùng
tôi đưa ra một nắm tiền ( tôi không còn nhớ bao nhiêu) tương ứng với sự quy đổi
mà tôi đã giải thích. Tôi vẫn còn lo sợ ông ấy cò kè, không chấp nhận. Không ngờ
ông ấy lại tỏ ra chẳng quan tâm gì, cầm lấy xấp tiền cất vào túi rồi nói tỉnh
bơ, được rồi, cậu về đi!!!..
Nếu là hiện
nay, đương nhiên tôi phải đòi có một biên bản đền bù hay một giấy biên nhận gì
đó.. Nhưng lúc ấy tôi chỉ là thằng học sinh không hơn không kém, và là một anh
lính binh nhì mà trước mặt mình là một đại úy Chính Trị viên..Thử hỏi tôi làm
sao dám nghĩ tới việc số tiền mà thủ trưởng nhét vào túi sau đó sẽ thế nào?.
Thấy thủ trưởng không còn căn vặn khoản nợ nữa là đã mừng lắm rồi..Thấy tôi cứ
chần chừ, lưỡng lự, thủ trưởng Tình nhíu mày vẻ khó chịu. Ông nói với giọng hơi
gắt, tôi bảo được rồi, cậu về đi, không nghe rõ à, cứ như tôi chỉ là người hàng
xóm qua chơi làm mất thì giờ của ông vậy. Tôi lúng túng một lúc rồi mới dám hỏi:
Báo cáo thủ trưởng..rứa..chừ em phải về đâu ạ? Ông Tình ngẩn mặt ra một lúc, rồi
hình như ông đã sực nhớ ra vội xé cuốn sổ tay lấy tờ giấy viết nhì nhằng mấy
dòng. Đại ý thế này: Chuyển đồng chí Nguyễn xuân Đức về lại đơn vị cũ ở tiểu
đoàn 47.
Tôi đã trở về
tiểu đoàn 47 trong tình cảnh như thế. Thấy mấy chữ của ông Tình, Tiểu đoàn
trưởng lại lệnh tôi trở lại đại đội cũ là Đại đội 2. Mấy thủ trưởng ở đại đội cũ
vẫn còn nguyên nên cũng không có ai đặt vấn đề gì..Tất cả các vị ấy và kể cả tôi
nữa không ai để tâm tới chuyện này, toàn bộ hồ sơ lí lịch quân nhân của tôi
trước đây đã được tiểu đoàn chuyển lên Khu đội, bây giờ nó đã bị vứt lại ở đâu
đó trong những chiếc thùng rỗng ở khu đất xóm Tân Phúc Vĩnh Hiền. Tôi đã sống,
chiến đấu ở tiểu đoàn 47 suốt một thời gian sau đó mà không hề có “hộ khẩu”. Tôi
là anh chiến sĩ “ lậu”.
Tôi làm anh
lính “lậu” như thế trong suốt thời gian chiến đấu ở chiến trường bắc Quảng Trị (
mà tôi sẽ kể rõ hơn ở phần sau). Dạo đó ở chiến trường không ai nghĩ tới chuyện
phong quân hàm, ngay cả phụ cấp hàng tháng cũng không có. Cán bộ, chiến sĩ chỉ
biết ăn cơm vắt, đôi khi được phát cho vài thứ như khăn mặt, lương khô..Vì vậy
mà chẳng có ai tra xét hồ sơ lí lịch làm gì. Việc đề bạt cũng thế, chỉ có chức
vụ, không có cấp bậc. Tôi đã mấy lần được làm tổ trưởng, tiểu đội trưởng...Những
chức vụ đó rất tạm thời, nghĩa là khi nào đơn vị bị khuyết người chỉ huy thì cấp
trên ngay lập tức chỉ định ai đó thay thế. Sau đó mấy hôm nếu có người khác phụ
trách thì người được giao hôm trước lại trở về vị trí cũ hoặc điều qua một tổ
khác..
Cho đến cuối
năm 1966, khi đơn vị ra Vĩnh Linh thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đánh địch đổ bộ
đường không ra bắc giới tuyến, tôi được điều lên đội Tuyên truyền văn hóa của Bộ
tư lệnh, gọi tắt là đội Tuyên Văn, làm nhiệm vụ sáng tác văn nghệ. ( Về sự kiện
này tôi cũng sẽ kể kĩ hơn ở phần sau). Vào dịp tết Nguyên đán, anh em trong đội
Tuyên Văn lên chúc tết Tư lệnh Hoàng Đượm. Bất ngờ tôi gặp cậu Lạng. Lạng trước
đó ở cùng tiểu đội với tôi, nay được điều lên làm cần vụ cho Tư lệnh. Sau vài
lời hàn huyên mừng rỡ, Lạng bất ngờ hỏi tôi : bữa nay anh cấp bậc gì? Tôi ngớ cả
người. Quả thật từ ngày nhập ngũ đến nay, tôi chưa hề nghĩ tới chuyện cấp
bậc..Mà có ai nhắc gì đến chuyện ấy đâu. Tôi nói, thì mình vẫn thế thôi..hình
như là binh nhì..Lạng tròn mắt kêu lên, sao lại thế được, em nay đã là trung sĩ
rồi đó..Tôi cũng ngạc nhiên nói, có ai phong hàm cho tụi mình đâu? Tưởng câu
chuyện chỉ dừng lại đó, không ngờ ngay sáng hôm đó, Lạng đã thưa lại với Tư lệnh
về chuyện của tôi. Ông Đượm liền cho gọi Trưởng ban Quân lực lên hỏi. Trưởng ban
Quân lực vội vàng mở sổ sách ra truy tìm thì..ô hô, trong cuốn sổ cái của lực
lượng Bộ tư lệnh không hề có tên anh lính binh nhì Nguyễn Xuân Đức. Tư lệnh Đượm
lại gọi tôi lên hỏi xem tôi nhập ngũ ở đâu và quá trình công tác thế nào. Tôi đã
báo cáo lại rõ ràng. Tư lệnh cho gọi Tham mưu trưởng Trần Tình lên hỏi, ông Tình
xác nhận và cũng có thanh minh rằng, việc chuyển tôi trở lại đơn vị 47 do vội
quá nên có sơ suất!!!..Ngay chiều hôm đó, ông Trưởng ban Quân lực bảo tôi viết
gấp lại hồ sơ lí lịch. Thế cho nên, cái ngày sinh mồng 4 tháng 1 năm 1947 mà tôi
nói ở phần đầu là do chính tôi “ sáng tác” kịp thời trong hoàn cành
ấy.
Mồng 3 tháng
2, ngày sinh nhật Đảng năm ấy, tức chỉ sau cuộc thăm tết Tư lệnh Hoàng Đượm chưa
tới một tuần, tôi nhận được quyết định phong quân hàm Hạ sĩ, ( tức bỏ qua Binh
nhất). Mồng 2 tháng 9, lại nhận quân hàm Trung sĩ. Rồi đến 22 tháng 12 cũng của
năm đó, tôi đã được phong quân hàm Thượng sĩ.
Một năm ba
lần thăng cấp. Thử hỏi có vị Tư lệnh nào như thủ trưởng Hoàng Đượm của tôi
không? Và có người bạn chiến đấu nào lại nhọc lòng quan tâm đến đồng đội như
chiến hữu Lạng của tôi không? Cho nên sau này, dù gặp không ít những bất công
ngang trái, nhưng tôi không bao giờ bất mãn. Tôi luôn tin cuộc đời vẫn còn rất
nhiều người sống chí tình chí nghĩa. Cuộc đời vẫn có hậu.
Khoảng tháng
11 năm 1965, tiểu đoàn 47 làm lễ xuất kích qua bờ nam thực hiện mục tiêu “kéo
địch ra đường 9”. Lễ xuất quân diễn ra âm thầm trên một trảng đất pha cát, giữa
một vùng phi lao lơ thơ, dưới màn mưa mờ mịt và những làn gió lạnh mùa đông.
Những cán bộ chỉ huy tiểu đoàn và thủ trưởng Bộ tư lệnh thay nhau nói những
nhiệm vụ, những yêu cầu, những mệnh lệnh rất hùng hồn, nhưng đến nay tôi chẳng
còn nhớ gì. Tôi nhớ nhất chỉ có mấy câu này của vị Chính trị viên tiểu đoàn. Ông
ấy tên là Tính, có kiểu nói giật cục. Ông ấy nhắc đi nhắc lại một câu như thần
chú: Bám sâu, bám lâu, bám chắc; nhổ nhanh, nhổ
mạnh, nhổ đều! Có nghĩa là tất cả đơn vị phải xác định quyết tâm
vào bám sâu, bám chắc địa bàn, bám lâu dài không được có tư tưởng tạm bợ, đồng
thời cũng sẵn sàng cơ động có thể “ nhổ” bất kì lúc nào có lệnh, nhổ nhanh, bất
ngờ và cơ động tới mọi mặt trận.
Buổi lễ xuất
quân năm đó đã để lại trong kí ức tôi một ấn tượng rất sâu đậm. Vì thế sau này
khi viết tiểu thuyết Cửa
gió, tôi đã bắt đầu cuộc hành trình của tiểu đoàn 47 bằng buổi lễ xuất
quân ấy.
Tôi sẽ không
kể thêm nhiều về giai đoạn tiểu đoàn 47 hành quân vào đất Cam Lộ để “ cắm sâu,
cắm lâu, cắm chắc” nữa, bởi như đã nói, cuốn tiểu thuyết Cửa gió đã kể về giai đoạn ấy của
tiểu đoàn không khác gì một tự truyện hay truyện kí, chỉ có tên nhân vật là hư
cấu thôi. Ngay cả những địa danh như khu căn cứ H1, hay Cù Đinh, Ba ze, Khe Me,
Bến lội sông Hiếu, hay những tên làng như Quật Xá, Kim Đâu, Kim Bình, Ba Thung
v..v. mà trong tiểu thuyết Cửa gió,
hay ngay cả trong tiểu thuyết mới sau này là Bến đò xưa lặng lẽ đã nói đến đều
là những địa danh thật, gắn với những trận đánh có thật của tiểu đoàn mà tôi
cùng trải qua..Dĩ nhiên, cũng còn rất nhiều kỉ niệm khác chưa được thể hiện
trong Cửa gió…thì cũng đã
có lúc tôi nhắc lại trong vài ba bài bút kí khác. Ví dụ như bài viết : Mảnh đất Cam Lộ với những trang viết của
tôi đã đăng ở nhiều Tạp chí. Tôi xin trích lại đây mấy đoạn trong bút
kí ấy vì nó liên quan đến cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi, là cuốn Bến đò xưa lặng
lẽ..
…Tiểu đoàn địa phương chúng tôi chính là đơn vị đầu tiên
vào " chọc tức" bọn Mỹ Nguỵ để chúng bung ra, khoảng nửa năm 1966 thì các binh
đoàn chủ lực mới tràn vào và mặt trận bắc Quảng Trị mới thật sự bùng nổ. Đây là
những năm tháng bi hùng nhất của chiến trường Quảng Trị. Với nhiệm vụ đó, thời
gian đầu đơn vị được chia nhỏ thành nhiều tổ phối hợp với cán bộ địa phương thọc
sâu xuống từng ấp, thôn gây dựng cơ sở, trừng trị ác ôn, phát động nhân dân khởi
nghĩa lập chính quyền cách mạng. Quật Xá chính là ấp mà tôi vào ra nhiều nhất.
Cũng chính những ngày tháng đó, tôi đã được quen biết và cùng hoạt động với
nhiều cán bộ cốt cán của Huyện uỷ Cam lộ, có người thì vài ba tháng, có người
chỉ một hai lần cùng đi vào cơ sở, nhưng tất cả đều đã để lại cho tôi những ấn
tượng sâu đậm đến hàng chục năm sau cũng không thể lẫn nhoà. Đó là anh Đen, anh
Kha, chị Sáng ..và đặc biệt nhất là anh Biên, anh Kỳ.. Anh Biên- một con người
thô tháp, xương xẩu, hai vành môi to, đôi mắt cũng to và rất sáng. Nhìn anh có
vẻ hơi "dữ tướng", nhưng thực ra lại rất sởi lởi. Tôi được gần anh chỉ trong
khoảng một tháng, cùng vào ra ấp Quật Xá khoảng năm , bảy lần gì đó, nhưng ấn
tượng vầ con người này đối với tôi là rất mãnh liệt.Hồi đó Biên nổi tiếng nhất
vùng này, bọn địch ở Cam Lộ đã treo giải thưởng hàng trăm cây vàng cho ai hạ sát
được anh. Nhìn cách thức anh vào ấp, truy bắt bọn ác ôn hay lính nghĩa quân,
cách anh tiếp xúc với cơ sở, đối với tôi lúc đó, Biên như là một nhân vật của
Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử. Thế mà bất ngờ sau đó, tôi nghe tin anh bị
bắt và bàng hoàng hơn là..Biên đã chiêu hồi. Lúc đó người thay Biên để dắt dẫn
chúng tôi vào ấp là anh Kỳ. Suốt thời gian đó, anh Kỳ không hề kể thêm cho tôi
biết gì về anh Biên cả. Cuối năm 1967, lúc đó tôi đã ra bắc và tham gia đội
Tuyên truyền văn hóa Vĩnh Linh đi ra biểu diễn Đại hội mừng công Quân Khu 4 tại
Tân Kỳ, bất ngờ gặp đoàn cán bộ huyện Cam Lộ, trong đó có anh Đen. Tôi tranh thủ
hỏi tin tức về anh Biên. Nhưng có vẻ các anh ấy cũng không hào hứng gì, chỉ nói
sơ sơ là chính các anh cũng không hiểu được chuyện gì đã xẩy ra, rằng Biên đã
được thả về ở tại làng, lại còn cưới thêm một người vợ khác..( ngoài người vợ
đang ở Vĩnh Linh )..Thú thực, ngay cả lúc ấy, tôi vẫn cứ thấy ngờ ngợ về câu
chuyện chiêu hồi của Biên, tuy nhiên tôi chẳng có căn cứ gì cả. Mười lăm năm
sau, tôi có gặp lại một người trước đây cực kì gần gũi với anh Biên nay đang giữ
một trọng trách quan trọng của thị xã, tôi liền vồ vập hỏi anh Biên còn sống
không, thực chất câu chuyện chiêu hồi dạo trước thế nào..Điều kỳ lạ là nhân vật
đó đã lại lãng tránh câu hỏi của tôi, thậm chí còn tỏ ra ngơ ngác như không thể
nhớ nổi Biên là ai !..Nếu ai đó nói không nhớ anh Biên thì có thể có nhiều cách
giải thích, nhưng cái người mà tôi đang kể làm bộ không nhớ Biên là ai..thì thật
sự không thể lí giải nổi. Vị ấy không những là cán bộ lớp đàn em được kế nhiệm
công việc của người anh đi trước, mà theo nhiều người ở huyện ủy lúc đó kể lại,
chính anh Biên là người đã bí mật vào ấp đón lớp thanh niên con cái của các cán
bộ cách mạng huyện ra căn cứ rồi gửi ra miền Bắc học tập để tạo nguồn..Trong số
đó có cái vị ấy. Một người có công với mình như thế làm sao lại có thể không nhớ
ra? Hay là..có chuyện gì đây? Thêm 20 năm nữa, khi tôi đã là một cán bộ của tỉnh
Quảng Trị, trong một lần vui vẻ "ôn cố tri tân" tôi lại gợi chuyện với cái vị
cán bộ đó về anh Biên, bày tỏ mong muốn tìm lại được anh, thì..thật kỳ là, vị ta
lại thêm lần nữa đánh trống lãng, làm bộ cố nhớ mà không nhớ ra người có tên là
Biên?. Mối nghi ngờ trong tôi càng tăng. Tôi càng quyết tâm hơn trong việc tìm
ra địa chỉ con người này. Khổ một nổi là tôi không biết tìm manh mối từ đâu.
Cuối cùng, có lẽ là ý trời, một hôm có người bạn tên là Quy đến quán cà phê Trúc
sơn trang để uống. Quy trước đây là một cán bộ từ Đoàn 31 tăng cường cho Cam Lộ.
Hết chiến tranh, Quy làm công tác văn hóa. Khi tôi làm giám đốc sở Văn hóa thì
Quy là trưởng phòng Văn hóa thị xã Đông Hà nhưng sau đó được điều động qua Ban
Tuyên giáo tỉnh ủy làm Trưởng phòng văn nghệ. Trong câu chuyện “ôn cố tri tân”
về những năm tháng hoạt động ở Cam Lộ bên bàn cà phê, tôi vô tình lại hỏi về
Biên. Không ngờ Quy là người hiểu rất rõ. Anh đã kể cho tôi nghe nỗi oan ức của
một con người mà anh cũng rất ngưỡng mộ. Tôi mừng quá vội hỏi địa chỉ. Quy nói
là biết và sẵn sàng dẫn tôi đi. Thế là ngay sáng hôm sau chúng tôi lập tức lên
đường. Và chỉ một buổi sáng hàn huyên tâm sự, tất cả sự nghi ngại bốn chục năm
nay đã được sáng tỏ. Những chi tiết về sau tôi đã viết trong Bến đò xưa lặng lẽ là, khi Đọt (
nhân vật của tiểu thuyết) trốn được ra căn cứ, tìm được ban Dân vận, thì cái anh
Trưởng ban mới bằng cách nào đó có trong tay mảnh giấy được gọi là thư tay của
Bí thư Huyện ủy, yêu cầu đưa ngay anh Đọt ra miền Bắc để “ điều dưỡng”. Thế rồi
người ta chuyển ngay Đọt ra Bắc theo đường giao liên để từ đó, nhân vật Đọt bị
cầm tù theo cách giám sát, điều tra chứng cứ phản bội..Đó là chi tiết thật của
Biên kể. Tôi hỏi anh Biên: anh có còn giữ được lá thư ấy không? Biên trợn mắt
nói, làm sao mà giữ được, mà giữ làm gì? Lúc đó tôi vừa thoát được cảnh cá chậu
chim lồng, gặp được anh em là mừng hết sức rồi..Lại được huyện ủy quan tâm cho
ra bắc điều dưỡng nữa là sung sướng đến nghẹn ngào rồi..tôi đâu có nghi ngờ gì
lá thư của anh Nghĩa mà giữ lại..Ông Nghĩa là Bí thư huyện ủy Cam Lộ thời kì đó,
nay đang nghỉ hưu ở Đông Hà sát cạnh nhà tôi. Tôi đã gặp ông trực tiếp hỏi
chuyện này. Ông Nghĩa với giọng rất buồn nói, chuyện về đồng chí Biên tôi đã
biết. Hồi đó, tôi không được ai báo cáo về việc anh Biên đã trốn ra được, cho
nên không hề có chuyện viết thư tay..Sau này, mấy lần tôi có bảo Biên viết kiến
nghị, tôi còn sống đây, tôi sẽ xác nhận cho..Nhưng tính khí cậu ta rất cố chấp,
lại cứng đầu lắm, nói đến chuyện cũ là lồng lên, rồi trỏ c..Tôi cũng chẳng biết
làm sao được nữa..Vì thế mà bữa nay người ta chỉ có thể giải quyết chế độ hưu
trí cho anh ấy, còn phục hổi đảng tịch thì chịu…Sau đó tôi đã quay trở lại Quật
Xá , tìm gặp vài cơ sở cũ mà tôi từng quen biết khi còn hoạt động để xác nhận
những điều anh Biên kể. Bây giờ tất cả đã già, chẳng ai phải lo sợ chuyện gì
nữa, vì thế họ đã xác nhận sự thật. Tôi bàng hoàng trước những chuyện tày đình
về một số phận bị vùi lấp dưới bao nhiêu tầng bụi bậm. Một số phận mà sự oan ức
cứ như là định mệnh của đời anh. Đấy chính là nhân vật Đọt trong tiểu thuyết
Bến đò xưa lặng lẽ. Nếu
bạn đã đọc cuốn tiểu thuyết đó thì xin hãy tin thế này, phần đầu nói về nhân vật
Đọt từ tuổi thơ chăn bò đến giai đoạn chống Pháp, rồi cùng trốn ra Hói Cụ với
nhân vật Li..là tôi hư cấu. Còn từ đoạn theo Khảm trở lại chiến trường Cam Lộ,
đảm nhận chức Trưởng ban Dân vận của Khu ủy..rồi bị bắt, bị địch bày thủ đoạn
nham hiểm để li gián nội bộ ta, rồi Đoạt được thả về mà thực chất là giam lỏng
giữa làng Quật Xá, giả vờ cưới Lương..Rồi trốn ra căn cứ trong ngày lễ mùng 5
tháng 5..không ngờ bị “ bên ta” cài bẫy để đưa ra Vĩnh Linh, bị giam lỏng để
điều tra với danh nghĩa “thu dung” v..v..Ngay cả sự việc sau này trở về chăn bò
cho nông trường cũng bị oan..Tất tất đều là sự thật, sự thật đến chi tiết của
một con người có tên là Biên..Một “hảo hán” mà tôi rất ngưỡng
mộ…
Khi tiểu
thuyết Bến đò xưa lặng lẽ
được trao giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, Hữu
Thỉnh- Chủ tịch Hội nhân có công việc vào Quảng Trị đã bảo tôi dẫn đến thăm
nguyên mẫu của nhân vật Đọt. Tôi đã dẫn Hữu Thỉnh lên Tân Lâm gặp ông Biên..Tiếc
rằng vào thời điểm đó, anh Biên đã có phần lẩm cẩm..Nghe tôi giới thiệu về nhà
thơ Hữu Thỉnh, thế là ông ấy hứng lên mang cuốn sổ tay ra đọc thơ..Rất nhiều
thơ..Nhưng những loại thơ đó đương nhiên là thứ văn vần rất ngô nghê nên không
cần nói đến nữa.
Nhân đây cũng
nói thêm chuyện này. Sau khi tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ được giải, nhân
có lớp bồi dưỡng những cây bút lí luận phê bình văn học trẻ tổ chức ở Nhà sáng
tác Quảng Bá, Hội Nhà văn có đưa cuốn
sách của tôi ra Hội thảo. Tôi đã đọc được hầu hết các tham luận của mấy
“nhà” phê bình này. Nhiều bài rất được. Nhưng “ấn tượng” nhất có lẽ là bài của
một vị ( mà thôi tôi cũng không cần nêu tên nữa), với tiêu đề là Bến đò xưa lặng lẽ- nồi cơm chưa chín kĩ
!! Trong đó, “nhà phê bình” ấy nói, đại ý: có nhân vật được tác giả cố
tình xây dựng rất kĩ, nhưng cuối cùng ông ta chẳng làm nên được công trạng gì.
Đấy là Khảm. Ngược lại, có nhân vật tác giả bỏ rơi, hầu như không hề “nuôi nấng”
gì thì đã tự lớn và trở nên nhân vật rất độc đáo. Đấy là Đọt.
Tôi không hiểu người ta đã dạy cho anh ta những gì trong cái lớp được gọi là lí
luận phê bình ấy..và cả trong những lớp học khác nữa, để “nhà lí luận” trẻ lại
có những ý nghĩ ngây ngô như thế về văn học. Nhân vật Khảm ( chính là nhân vật
giữ ngôi kể chuyện tâm thế người âm) được khắc họa với một dụng ý rất rõ là, có
những con người luôn tôn thờ lí tưởng và nguyên tắc lên trên tất thảy mọi ứng xử
trong cuộc sống..Rốt cuộc anh ta- vì những trói buộc của những nguyên tắc đó- đã
không thể làm được một điều
gì để cữu rỗi cuộc đời này, thậm chí không dám nhận mặt đứa con đẻ của
mình hay không cứu nổi người chiến hữu thân thiết nhất đang bị hàm oan ( cả khi
anh ta sống với chức vụ cao và kể cả khi anh ta thành người âm đến dự phiên tòa
xét xử người bạn ấy). Bối cảnh chính của tiểu thuyết là một phiên tòa “kinh
thiên động địa” mà ở đó, người đời đang phán xét một tội ác thuộc về lương tâm.
Và song hành với nó là một phiên tòa khác, một “phiên tòa lương tâm” của chính
nhân vật Khảm tự xét tội của mình cho dù anh ta được người dương tôn vinh là
liệt sĩ. Như vậy có nghĩa là, cái mà “nhà phê bình” gọi là nhân vật không làm được gì có phải
là chủ đích của tác giả không? Cái “ không làm được gì” chính là đã làm được điều mà tác giả muốn gửi
gắm đấy. Còn việc nói, có nhân vật tác giả “ không hề làm gì” “ đã tự lớn” như
Đọt..thì quả thật buồn cười hết chỗ nói. Làm sao lại có nhân vật lớn lên trong
tiểu thuyết ( thể loại hư cấu ) mà lại không do tác giả tạo ra, tác giả “nuôi
nấng” được chứ? Vậy ai đã viết nó ra thế? Nhân vật nào trong tác phẩm thuộc thể
loại hư cấu mà không do tác giả tạo ra? Đến đây thì thấy nền đào tạo phê bình
nước nhà “ hết thuốc chữa” rồi.
Trở lại chuyện những năm tháng " bén duyên"
với Cam Lộ, tôi tuyệt nhiên không có chút ý thức gì về chuyện sau này sẽ thành
người sáng tác. Tôi không xét đoán, nhận định hay suy ngẫm gì hết. Như một đưa
trẻ lần đầu tiên ra khỏi xóm nhỏ làng mình, lạc vào một thế giới vô cùng xa lạ,
sống những ngày quá đặc biệt nên đã hằn lại trong trí nhớ của tôi tất cả những
gì mà tôi chạm mặt. Tất cả đều quá sức tưởng tượng của tôi. Ví như cái làng Kim
Đâu, Kim Bình bên này sông Hiếu, một mảnh làng rất đẹp nhưng không có dân. Lần
đầu đi qua là ban đêm, chúng tôi không thể nhìn bao quát được làng, chỉ được cán
bộ địa phương cho biết, dân đã bị lùa qua bên kia sông ( phía Quật Xá) bỏ lại
nhà cửa làng mạc, trống hoang.Các bạn có thể hình dung một mảnh làng nào đó bỏ
hoang, không người nhưng cũng không còn nhà cửa hoặc là đã xơ xác tàn lụi..Có lẽ
như thế lại là bình thường. Đằng này, làng vẫn rất sầm uất, nhà cửa i nguyên,
cây vườn tươi tốt, nhưng lại im bặt tiếng người..Tôi cứ bần thần mãi rồi chợt
nhớ tới câu thơ Đường mà Nguyễn Du từng vận dụng trong Kiều : Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông..
Chúng tôi hành quân theo một con đường mòn nhỏ đi tắt qua một mảnh vườn cam. Cây cam thấp, quả chĩu cành buông xuống đập cả vào chân chúng tôi. Kỉ luật dân vận là không được đụng vào cái kim sợi chỉ của dân, nói cụ thể là dù cam vướng vào chân nhưng tuyệt đối không được hái. Khi đi vào ấp thì không có vấn đề gì xẩy ra, nhưng đến lúc quay về cứ, đi qua khỏi vườn một đoạn bỗng có lệnh dừng lại. Chúng tôi chưa hiểu chuyện gì xẩy ra thì thấy trung đội trưởng đi ngược hàng quân ghé mũi hít hít vào từng mồm chiến sĩ.( Bạn đã từng bị ai đó hít hít vào mồm lần nào chưa ? Tất nhiên là trừ chuyện yêu đương ) Thì ra ai đó đã hái trộm một quả và bóc ăn nên mùi thơm bốc ra và bị phát hiện...Những chuyện như thế đối với đứa học trò như tôi là không sao tưởng tượng nổi.
Chúng tôi hành quân theo một con đường mòn nhỏ đi tắt qua một mảnh vườn cam. Cây cam thấp, quả chĩu cành buông xuống đập cả vào chân chúng tôi. Kỉ luật dân vận là không được đụng vào cái kim sợi chỉ của dân, nói cụ thể là dù cam vướng vào chân nhưng tuyệt đối không được hái. Khi đi vào ấp thì không có vấn đề gì xẩy ra, nhưng đến lúc quay về cứ, đi qua khỏi vườn một đoạn bỗng có lệnh dừng lại. Chúng tôi chưa hiểu chuyện gì xẩy ra thì thấy trung đội trưởng đi ngược hàng quân ghé mũi hít hít vào từng mồm chiến sĩ.( Bạn đã từng bị ai đó hít hít vào mồm lần nào chưa ? Tất nhiên là trừ chuyện yêu đương ) Thì ra ai đó đã hái trộm một quả và bóc ăn nên mùi thơm bốc ra và bị phát hiện...Những chuyện như thế đối với đứa học trò như tôi là không sao tưởng tượng nổi.
Muốn đột nhập vào ấp Quật Xá phải vượt qua sông Hiếu ở một bến lội. Đoạn
sông chỗ này nông, người cao trung bình như tôi khi lội chỉ cần xắn ống quần lên
cao hết cỡ là nước không thể chạm tới. Tuy nhiên đáy sông lại toàn là đá cuội,
rất trơn, rất dễ trượt chân. Nếu để trượt chân, nghiêng người một cái thì ống
quần sẽ nhúng nước. Và đó là một tai hoạ. Ngày đó trong quân trang chúng tôi
mặc, có loại áo quần bằng vải Liên Xô viện trợ, nó cực dày. Khi không bị ướt thì
vẫn mềm mại bình thường, nhưng nhúng vào nước nó cứng như mo cau, có thể dựng
đứng cả chiếc quần tựa vào gốc cây được. Đang hành quân mà gặp mưa, hoặc lội
sông bị ướt, vải cứng lại cà xát vào háng hoặc đùi gây loét da ngay. Nhưng tai
hại hơn là khi đi vào trong ấp, mặc dù mệnh lệnh là tuyệt đối không được phát ra
tiếng động, nhưng hai ống quần vẫn cà vào nhau loạc xoạc. Đêm càng vắng, người
càng nín thở thì tiếng loạc xoạc càng to. Những lúc như thể chỉ còn biết trào
nước mắt. Bờ bên kia bến lội có một gốc duối tàu ( có người gọi là dưới tàu),
thân già sù sì, tán lá rậm rịt. Đêm nào vượt sông qua đến đó, chúng tôi cũng nép
mình vào gốc duối quan sát vài ba phút, thấy không có động tĩnh gì thì mới đột
nhập vào ấp. Không biết đã bao nhiêu đêm như thế, gốc duối già nơi bến lội ấy đã
trở thành cái mốc cắm sâu vào ký ức tôi, theo tôi đi cùng nam cuối bắc. Ngay
ngày đầu mới giải phóng Quảng Trị- năm 1973- khi được trở lại Đông Hà, tôi đã
mượn một chiếc xe đạp gò lưng đạp ngược đường Chín hơn 15 cây số tìm về Quật Xá,
chạy vội ra bến lội để được nhìn lại gốc duối ngày nào. May quá, nó vẫn âm thầm
đứng đó như cố tình chờ tôi. Và cho đến tận hôm nay, rất nhiều lần tôi trở lại,
cây duối vẫn còn, tuy đã quá già nhưng cành lá hẵng còn sum suê. Tôi mong đừng
ai chặt phá đi, cho dù nó cũng chẳng có ích lợi gì lắm cho sự phát triển kinh tế
hiện nay. Thì nó cũng như tôi thôi, không còn có ích gì nhiều nữa, nhưng là
chứng nhân của một thờiđấy.
Ký ức về những mảnh làng ở Cam lộ đối với tôi hầu hết là không gian đêm. ( Mặc dầu tôi cũng đã mấy lần đột nhập vào Quật Xá ban ngày dưới sự chỉ huy của anh Biên để bắt ác ôn, tuy nhiên những lần như thế căng thẳng quá, vào thì lao như tên bắn, rồi lại quáng quàng chạy ra, thành thử chẳng có chút cảm xúc nào. Còn có một lần tôi được giao nhiệm vụ cùng anh Kỳ bí mật nằm trên đồi An Thái cả ngày để theo giõi tình hình chuyển quân của địch phía bên kia đường Chín, thì xa quá, cũng chẳng nhìn rõ làng mạc ở bên kia sông. Chỉ đến đêm mới đột nhập vào ấp thì thật tuyệt vời, nhưng chuyện đó tý nữa mới kể.
Cả đại đội âm thầm hành quân đi qua một trãng rộng nằm lọt thõm giữa những bìa rừng. Tôi không biết đây là đâu, chỉ biết nơi này là một trọng điểm của đạn cối địch từ cao điểm Cồn Tiên rót xuống. Đại đội vừa đi, vừa chạy gần 4 giờ đồng hồ, chân mỏi dừ, mắt ríu lại vì buồn ngủ. Bỗng người đi trước khẽ quay lại truyền lệnh : Ngồi nghỉ 10 phút ! Chỉ chờ có thế, tôi quay nhanh ra người phía sau truyền nối mệnh lệnh rồi ngồi phịch xuống cỏ. Cơn buồn ngủ ập xuống liền. Có người không kịp ngồi cho thẳng người đã cất tiếng ngáy như kéo gỗ. Hành quân đêm ở chiến trường là thế. Việc vừa đi vừa ngủ không phải chuyện hiếm. Bất ngờ từ cuối hàng quân, đại đội phó lụi cụi chạy lên, dáng đầy hốt hoảng. Ông cứ cúi xuống xô vào vai từng người, răng nghiến lại : Ai cho ngồi nghỉ ở đây há ? Lính vừa ngái ngủ vừa trả lời : Báo cáo đại phó, phía trước truyền xuống thế. - Trước nào ? Ông lại xô tiếp vào vài chiến sĩ ngồi trên- Điên hết rồi, đây là cái túi pháo, muốn chết hay sao ? Ai truyền lênh ? - Dạ..phía trên kia ạ. Chúng tôi chỉ biết vậy nên cũng chỉ trả lời vậy. Trả lời xong là lại ngáy liền. Người đại đội phố vẫn lồng lộn chạy tiếp lên phía trên hàng quân, xô vào từng chiến sĩ và hỏi đi hỏi lại mỗi câu ấy. Đương nhiên chiến sĩ cũng chỉ trả lời mỗi câu ấy. Nhưng đến cậu Xinh, một chiến sĩ nuôi quân đang ngồi gục xuống giữa hai chồng soong nồi lổn nhổn thì ông đại đội phó lại nhận được câu trả lời khác - Dạ..họ ngồi cả đám đó, thủ trưởng không thấy à ? Đại đội phó cố dướn mắt nhìn vào bóng tối trước mặt :- Đâu ? Ai ngồi đâu ?Xinh quờ tay ra phía trước :- Đó..đó..đầy bãi ra đó..Đại đội phó lò dò tiến lên phía trước..Rồi bất ngờ ông kêu trời : Cha mẹ ơi, Xinh ơi là Xinh, mi mở to mắt ra mà nhìn này..Người ngồi đây hả ? Trời ơi, chừ thì đứt mất đội hình rồi, biết hành quân đi hướng nào ! Rồi ông quát to : Dậy, chạy nhanh, chết cả nút bây giờ ! Tất cả chúng tôi bật dậy, quáng quàng chạy. Thì ra, trước mặt không hề có ai ngồi cả mà chỉ đầy bãi những cây bai bái ( một loại cây dại lúp xúp thấp hơn đầu gối người ). Cậu Xinh vì quá mệt và buồn ngủ ríu mắt lại nên nhìn thấy thế tưởng bộ đội đã ngồi nghỉ, hắn tự động phát ra mệnh lênh. Cú đó may mà đơn vị không ai bị thương vong vì pháo, nếu không, cậu anh nuôi tội nghiệp ấy đã lãnh đủ.
Trở lại chuyện cái ngày tôi và anh Kỳ được giao nhiệm vụ nằm trên đồi An Thái theo giõi tình hình chuyển quân của địch bên đường Chín. Suốt cả một ngày nằm trên đồi, ăn thì đã có cơm vắt, khát thì có bi đông nước mang theo. Nhưng riêng tôi có một nhu cầu rất đau khổ là thèm thuốc. Tôi nghiện thuốc lá từ ngày còn nhỏ ở nhà. Vào chiến trường, thuốc hút của bọn tôi chủ yếu là thuốc quấn cả lá do xin được từ các đoàn dân công từ ngoài Vĩnh Linh vào. Thỉnh thoảng vào ấp, bà con cơ sở có cho vài gói về làm quà cho cả đơn vị. Chiều đó, tôi thèm thuốc quá, người cứ bứt rứt không yên. Anh Kỳ nhìn tôi đoán được cái khổ sở đó. Khi mặt trời sắp khuất núi, chúng tôi chuẩn bị về cứ, thì bất ngờ Kỳ nói : Anh thèm thuốc lắm phải không ? Tôi như sáng mắt ra, hỏi : có cách gì không ? Có- anh Kỳ gật đầu nhanh- Chừ anh theo tôi về thăm mệ ( bà) tôi, tôi sẽ xin thuốc cho. Tôi hơi ngớ ra : Mệ ở đâu ?Anh chỉ tay về phía ấp Ba Thung : Chỗ đó, ở thôn giữa..gia đình tôi thuộc diện đặc biệt chú ý nên chúng nó bắt ở thôn giữa. Đã lâu rồi tôi chưa về thăm mệ, đêm nay ta vào đi. Thú thực lúc ấy tôi cũng hơi ngại, nhưng phần thì quá thèm thuốc, phần cũng thấy thương anh Kỳ nên gật đầu luôn. Thế là chúng tôi quyết định vào ấp. Đấy là một đêm tuyệt vời. Trăng mờ đục, nhưng đất làng pha cát bạc nên khung cảnh làng hiện lên rất rõ. Gió nam lại thổi rất to. Tiếng mo cau cà vào thân cau loạc xoạc, tiếng kẽo kẹt phát ra từ những khóm tre, tiếng gió hú qua các mái tôn nghe ro ro như sáo thổi..Mới đầu hôm mà ấp vắng ngát, im lìm. Anh Kỳ dẫn tôi chui qua hàng rào để vào làng bằng lối đi từ phía sau. Nhà Mệ của anh ở gần chính giữa xóm. Anh bảo tôi gác ở ngoài ngõ, anh chui vào nhà. Tôi ép mình ngồi câm lặng, đảo mắt thư thả nhìn bao quát khắp làng. Chưa bao giờ tôi thấy làng quê Cam Lộ lại đẹp như thế, cái đẹp mơ màng trong tĩnh mạc. Vào giờ đó, hầu như tôi quên mất đây là ấp chiến lược, bốn phía có thể là địch và súng có thể nổ xé đêm bất cứ lúc nào. Ở trong nhà vẫn im lìm không hề phát ra tiếng động, tuy nhiên tôi vẫn có thể hình dung ra bà mệ đang sung sướng thế nào khi được ôm lấy cháu. Gần một giờ sau, anh Kỳ ra, vai khoác chiếc gùi căng. Tôi biết chắc trong đó thế nào cũng có thuốc lá. Anh Ký bảo : hay ta ra bằng cổng chính đi ! Tôi vội nói, không, cứ ra đường cũ, đừng mạo hiểm. Anh gật đầu. Chúng tôi lại theo đường vào để trở ra. Hôm sau mới biết,đó là một quyết định sáng suốt. Về đến cứ, trước khi chia tay, anh Kỳ cho tôi 5 gói Ro-bi. Tôi định sáng mai sẽ chia cho anh em trong tiểu đội. Câu chuyện tôi lẻn vào ấp, cứ tưởng chỉ hai chúng tôi biết. Không ngờ sau hai hôm, bất ngờ tôi bị Tiểu đoàn trưởng gọi lên. Ông quát phủ đầu : Đêm hôm trước cậu vào ấp làm gì ? Tôi ngớ ra chưa biết thanh minh thế nào thì ông bồi tiếp cho một trận nhừ tử, nào là nguyên tắc hoạt động, cơ sở thuộc tuyến nào phải do tuyến đó tiếp cận, nào là muốn vào ấp phải được lệnh chỉ huy, nào là mình là lính quân đội chỉ phối thuộc với địa phương chứ không phải hoàn toàn theo sự chỉ huy của họ .v..v.. Tôi chỉ còn biết cúi đầu vâng dạ. Sau đó tìm gặp anh Kỳ, hỏi vì sao chỉ huy tôi biết. Anh mới kể, thì ra, khi chúng tôi vào ấp, bọn lính Nghĩa quân đã phát hiện. Nhưng chúng nó nhát gan, không dám hành động, bèn kéo nhau ra cổng mai phục, đợi chúng tôi trở ra sẽ nổ súng. Nhưng chúng tôi đã không ra đường cổng chính. Sáng hôm sau, chúng nó vào bắt mệ lên nhà Hội đồng, dọa nạt, kể vanh vách rằng đêm qua thằng Kỳ cùng một tên giải phóng nữa vào, thằng Kỳ vào trong nhà, tên giải phóng ngồi canh ngoài cổng v..v..Đêm sau nữa, tổ công tác của huyện vào bắt liên lạc với mệ, mệ đã kể lại cho họ nghe. Thế là tổ đó về thắc mắc với huyện ủy là anh Kỳ đã tùy tiện đi vào bắt liên lạc trái tuyến. Anh Kỳ cũng bị phê bình như tôi...
Ký ức về những mảnh làng ở Cam lộ đối với tôi hầu hết là không gian đêm. ( Mặc dầu tôi cũng đã mấy lần đột nhập vào Quật Xá ban ngày dưới sự chỉ huy của anh Biên để bắt ác ôn, tuy nhiên những lần như thế căng thẳng quá, vào thì lao như tên bắn, rồi lại quáng quàng chạy ra, thành thử chẳng có chút cảm xúc nào. Còn có một lần tôi được giao nhiệm vụ cùng anh Kỳ bí mật nằm trên đồi An Thái cả ngày để theo giõi tình hình chuyển quân của địch phía bên kia đường Chín, thì xa quá, cũng chẳng nhìn rõ làng mạc ở bên kia sông. Chỉ đến đêm mới đột nhập vào ấp thì thật tuyệt vời, nhưng chuyện đó tý nữa mới kể.
Cả đại đội âm thầm hành quân đi qua một trãng rộng nằm lọt thõm giữa những bìa rừng. Tôi không biết đây là đâu, chỉ biết nơi này là một trọng điểm của đạn cối địch từ cao điểm Cồn Tiên rót xuống. Đại đội vừa đi, vừa chạy gần 4 giờ đồng hồ, chân mỏi dừ, mắt ríu lại vì buồn ngủ. Bỗng người đi trước khẽ quay lại truyền lệnh : Ngồi nghỉ 10 phút ! Chỉ chờ có thế, tôi quay nhanh ra người phía sau truyền nối mệnh lệnh rồi ngồi phịch xuống cỏ. Cơn buồn ngủ ập xuống liền. Có người không kịp ngồi cho thẳng người đã cất tiếng ngáy như kéo gỗ. Hành quân đêm ở chiến trường là thế. Việc vừa đi vừa ngủ không phải chuyện hiếm. Bất ngờ từ cuối hàng quân, đại đội phó lụi cụi chạy lên, dáng đầy hốt hoảng. Ông cứ cúi xuống xô vào vai từng người, răng nghiến lại : Ai cho ngồi nghỉ ở đây há ? Lính vừa ngái ngủ vừa trả lời : Báo cáo đại phó, phía trước truyền xuống thế. - Trước nào ? Ông lại xô tiếp vào vài chiến sĩ ngồi trên- Điên hết rồi, đây là cái túi pháo, muốn chết hay sao ? Ai truyền lênh ? - Dạ..phía trên kia ạ. Chúng tôi chỉ biết vậy nên cũng chỉ trả lời vậy. Trả lời xong là lại ngáy liền. Người đại đội phố vẫn lồng lộn chạy tiếp lên phía trên hàng quân, xô vào từng chiến sĩ và hỏi đi hỏi lại mỗi câu ấy. Đương nhiên chiến sĩ cũng chỉ trả lời mỗi câu ấy. Nhưng đến cậu Xinh, một chiến sĩ nuôi quân đang ngồi gục xuống giữa hai chồng soong nồi lổn nhổn thì ông đại đội phó lại nhận được câu trả lời khác - Dạ..họ ngồi cả đám đó, thủ trưởng không thấy à ? Đại đội phó cố dướn mắt nhìn vào bóng tối trước mặt :- Đâu ? Ai ngồi đâu ?Xinh quờ tay ra phía trước :- Đó..đó..đầy bãi ra đó..Đại đội phó lò dò tiến lên phía trước..Rồi bất ngờ ông kêu trời : Cha mẹ ơi, Xinh ơi là Xinh, mi mở to mắt ra mà nhìn này..Người ngồi đây hả ? Trời ơi, chừ thì đứt mất đội hình rồi, biết hành quân đi hướng nào ! Rồi ông quát to : Dậy, chạy nhanh, chết cả nút bây giờ ! Tất cả chúng tôi bật dậy, quáng quàng chạy. Thì ra, trước mặt không hề có ai ngồi cả mà chỉ đầy bãi những cây bai bái ( một loại cây dại lúp xúp thấp hơn đầu gối người ). Cậu Xinh vì quá mệt và buồn ngủ ríu mắt lại nên nhìn thấy thế tưởng bộ đội đã ngồi nghỉ, hắn tự động phát ra mệnh lênh. Cú đó may mà đơn vị không ai bị thương vong vì pháo, nếu không, cậu anh nuôi tội nghiệp ấy đã lãnh đủ.
Trở lại chuyện cái ngày tôi và anh Kỳ được giao nhiệm vụ nằm trên đồi An Thái theo giõi tình hình chuyển quân của địch bên đường Chín. Suốt cả một ngày nằm trên đồi, ăn thì đã có cơm vắt, khát thì có bi đông nước mang theo. Nhưng riêng tôi có một nhu cầu rất đau khổ là thèm thuốc. Tôi nghiện thuốc lá từ ngày còn nhỏ ở nhà. Vào chiến trường, thuốc hút của bọn tôi chủ yếu là thuốc quấn cả lá do xin được từ các đoàn dân công từ ngoài Vĩnh Linh vào. Thỉnh thoảng vào ấp, bà con cơ sở có cho vài gói về làm quà cho cả đơn vị. Chiều đó, tôi thèm thuốc quá, người cứ bứt rứt không yên. Anh Kỳ nhìn tôi đoán được cái khổ sở đó. Khi mặt trời sắp khuất núi, chúng tôi chuẩn bị về cứ, thì bất ngờ Kỳ nói : Anh thèm thuốc lắm phải không ? Tôi như sáng mắt ra, hỏi : có cách gì không ? Có- anh Kỳ gật đầu nhanh- Chừ anh theo tôi về thăm mệ ( bà) tôi, tôi sẽ xin thuốc cho. Tôi hơi ngớ ra : Mệ ở đâu ?Anh chỉ tay về phía ấp Ba Thung : Chỗ đó, ở thôn giữa..gia đình tôi thuộc diện đặc biệt chú ý nên chúng nó bắt ở thôn giữa. Đã lâu rồi tôi chưa về thăm mệ, đêm nay ta vào đi. Thú thực lúc ấy tôi cũng hơi ngại, nhưng phần thì quá thèm thuốc, phần cũng thấy thương anh Kỳ nên gật đầu luôn. Thế là chúng tôi quyết định vào ấp. Đấy là một đêm tuyệt vời. Trăng mờ đục, nhưng đất làng pha cát bạc nên khung cảnh làng hiện lên rất rõ. Gió nam lại thổi rất to. Tiếng mo cau cà vào thân cau loạc xoạc, tiếng kẽo kẹt phát ra từ những khóm tre, tiếng gió hú qua các mái tôn nghe ro ro như sáo thổi..Mới đầu hôm mà ấp vắng ngát, im lìm. Anh Kỳ dẫn tôi chui qua hàng rào để vào làng bằng lối đi từ phía sau. Nhà Mệ của anh ở gần chính giữa xóm. Anh bảo tôi gác ở ngoài ngõ, anh chui vào nhà. Tôi ép mình ngồi câm lặng, đảo mắt thư thả nhìn bao quát khắp làng. Chưa bao giờ tôi thấy làng quê Cam Lộ lại đẹp như thế, cái đẹp mơ màng trong tĩnh mạc. Vào giờ đó, hầu như tôi quên mất đây là ấp chiến lược, bốn phía có thể là địch và súng có thể nổ xé đêm bất cứ lúc nào. Ở trong nhà vẫn im lìm không hề phát ra tiếng động, tuy nhiên tôi vẫn có thể hình dung ra bà mệ đang sung sướng thế nào khi được ôm lấy cháu. Gần một giờ sau, anh Kỳ ra, vai khoác chiếc gùi căng. Tôi biết chắc trong đó thế nào cũng có thuốc lá. Anh Ký bảo : hay ta ra bằng cổng chính đi ! Tôi vội nói, không, cứ ra đường cũ, đừng mạo hiểm. Anh gật đầu. Chúng tôi lại theo đường vào để trở ra. Hôm sau mới biết,đó là một quyết định sáng suốt. Về đến cứ, trước khi chia tay, anh Kỳ cho tôi 5 gói Ro-bi. Tôi định sáng mai sẽ chia cho anh em trong tiểu đội. Câu chuyện tôi lẻn vào ấp, cứ tưởng chỉ hai chúng tôi biết. Không ngờ sau hai hôm, bất ngờ tôi bị Tiểu đoàn trưởng gọi lên. Ông quát phủ đầu : Đêm hôm trước cậu vào ấp làm gì ? Tôi ngớ ra chưa biết thanh minh thế nào thì ông bồi tiếp cho một trận nhừ tử, nào là nguyên tắc hoạt động, cơ sở thuộc tuyến nào phải do tuyến đó tiếp cận, nào là muốn vào ấp phải được lệnh chỉ huy, nào là mình là lính quân đội chỉ phối thuộc với địa phương chứ không phải hoàn toàn theo sự chỉ huy của họ .v..v.. Tôi chỉ còn biết cúi đầu vâng dạ. Sau đó tìm gặp anh Kỳ, hỏi vì sao chỉ huy tôi biết. Anh mới kể, thì ra, khi chúng tôi vào ấp, bọn lính Nghĩa quân đã phát hiện. Nhưng chúng nó nhát gan, không dám hành động, bèn kéo nhau ra cổng mai phục, đợi chúng tôi trở ra sẽ nổ súng. Nhưng chúng tôi đã không ra đường cổng chính. Sáng hôm sau, chúng nó vào bắt mệ lên nhà Hội đồng, dọa nạt, kể vanh vách rằng đêm qua thằng Kỳ cùng một tên giải phóng nữa vào, thằng Kỳ vào trong nhà, tên giải phóng ngồi canh ngoài cổng v..v..Đêm sau nữa, tổ công tác của huyện vào bắt liên lạc với mệ, mệ đã kể lại cho họ nghe. Thế là tổ đó về thắc mắc với huyện ủy là anh Kỳ đã tùy tiện đi vào bắt liên lạc trái tuyến. Anh Kỳ cũng bị phê bình như tôi...
Sau gần 40 năm, khi cùng làm việc với nhau
ở tỉnh, có lần tôi đã nhắc lại kỉ niệm này với anh Kỳ. Nhưng có vẻ anh không
nhớ. Anh Kỳ là một nhân vật nổi tiếng của vùng đất ấy suốt cả thời kì đánh Mỹ,
chắc chắn trong anh ngổn ngang bao nhiêu là kí ức hào hùng.Con người ta, ký ức
cũng như tiền của, tư trang vật dụng, hoặc là ảnh chụp lưu niệm, nếu nhiều quá
đôi khi nó nhòa đi, không sao nhớ hết. Nhưng với riêng tôi, những kí ức như thế
là của hiếm, cũng như những mảnh làng Cam Lộ, dù chỉ gắn bó với tôi mấy tháng
thôi, nhưng mãi mãi lấp lánh trong tâm thức như những mảnh trăng, cứ vằng vặc
suốt cuộc đời và trong từng trang viết…
Có thể chia nhiệm vụ tham gia chiến đấu của bản thân tôi với tiều đoàn 47 ở
chiến trường bắc Quảng Trị ra thành hai giai đoạn. Giai đoạn một là từ cuối năm
1965, cùng tiểu đoàn xuất kích vào địa bàn Cam Lộ, sau đó xích dần xuống Gio
Linh với trận đánh lịch sử vào căn cứ Dốc Miếu – được gọi là “con mắt thần của
tuyến hàng rào điện tử Măc-na-ma-ra” vào rạng sáng 19 tháng 5 năm 1965. Tiếp đến
là cuộc “chạy dài” vì bị xe tăng địch uy hiếp..chạy tuốt ra bắc sông Bến Hải,
núp dưới những bờ bụi của xã Vĩnh Sơn. Sau đó, nghe nói Ban chỉ huy tiểu đoàn bị
khiển trách hay cảnh cáo gì đó, rồi cả đơn vị được lệnh quay trở lại địa bàn
Long Hảo Sơn, bắc Gio Linh, tiếp tục “ cắm sâu, cắm lâu, cắm chắc”. Đến khoảng
tháng 7 hay tháng 8 ( tôi không còn nhớ chính xác), hình như Bộ Tổng tư lệnh có
nhận định là Mỹ đang âm mưu đánh ra Miền Bắc, nghe nói là Đại tướng Võ Nguyên
Giáp có chuyến đi đặc biệt vào Vĩnh Linh chỉ rõ những vị trí có khả năng Mỹ sẽ
đổ bộ..(Lúc đó loại lính tráng như tôi chỉ nghe xầm xì vậy thôi chứ làm sao biết
chính xác được). Vì vậy đơn vị nhận lệnh trở ra Vĩnh Linh, chuẩn bị trận địa sẵn
sàng đón đánh quân đổ bộ đường không của Mỹ.Giai đoạn hai là từ tết Mậu Thân ( 1968), tiểu đoàn được lệnh vượt sông trở lại mặt trận bắc Quảng Trị nhưng xuống hẳn khu đông với nhiệm vụ đánh địch ở Cửa Việt để chặn đứng con đường tiếp viện của Mỹ lên Khe Sanh tạo điều kiện để mặt trận phía tây đánh lớn. Tôi lúc đó không còn là chiến sĩ của tiểu đoàn mà là cán bộ sáng tác của đội Tuyên Văn Bộ tư lệnh, được cử về bám sát đơn vị “ tìm hiểu thực tế” để sáng tác. Chuyến trở về này tôi cùng đi với hai nhà báo chuyên nghiệp của báo Quân đội nhân dân, là Hồ Thừa ( Nguyễn Đình Dư) và Hồng Nhu. Cả hai đều đã hy sinh trong chiến dịch đó. Như vậy là, giữa hai giai đoạn cùng tiểu đoàn 47 vượt sông vào bờ nam chiến đấu thì có một thời gian tôi cùng tiểu đoàn được trở ra chuẩn bị tác chiến trên đất Vĩnh Linh. Đấy là giai đoạn bản lề của đơn vị giữa hai lần vượt sông Bến Hải, nhưng với riêng tôi, thời gian trở ra Vĩnh Linh chuẩn bị trận địa chống đổ bộ đường không cũng là giai đoạn bản lề..chuẩn bị cho tôi bắt đầu bước vào thời kì mới của cuộc đời, thời kì cầm bút viết văn chuyên nghiệp mà tôi sẽ nói kĩ ở phần sau.
Quay trở lại những kỉ niệm về giai đoạn
một. Như phần trên đã nói, cả quá trình chiến đấu của tiểu đoàn 47 trong giai
đoạn này hầu như tôi đã kể trong tiểu thuyết Cửa gió nên nay không kể nhiều
nữa. Chỉ xin nhắc lại một chút về sự kiện “chạy dài”. Chạy dài là gì? Trong chiến đấu, nếu do thất
thế hay hoang mang lo sợ mà tự động rút lui một đoạn ngắn rồi tự trấn tĩnh, quay
trở lại thì chỉ là “chạy ngắn”. Còn nếu mất bản lĩnh, hoảng sợ đến mức rút
chạy..chạy không ngoái đầu lại, không biết đến điểm dừng thì gọi là chạy
dài..Tiểu đoàn 47 từng được ông Chính ủy Bộ tư lệnh Quân khu 4- Thiếu tướng Lê
Quang Hòa- đánh giá là tiểu đoàn đánh hay nhất Miền Bắc, thế mà đã có một cuộc
chạy dài..Cú chạy dài “ hoành tráng” này tôi cũng đã tả lại khá chân thực trong
tiểu thuyết Cửa gió. Nay
kể lại tóm tắt thế này.
Sau trận đánh lịch sử vào cứ điểm Dốc Miếu rạng sáng ngày 19 tháng 5, cả tiểu đoàn hả hê kéo về trấn giữ những khu đồi phía đông đường 76. Cấp trên nhận định, bọn địch sẽ kéo quân từ Đông Hà lên để chiếm lại cao điểm Dốc Miếu, vì vậy nhiệm vụ tiểu đoàn là phục kích đánh chặn viện binh. Đội hình tiểu đoàn trải rộng lên nhiều vị trí khác nhau của những gò đồi đất sỏi đỏ với lúp xúp những lùm bụi, nhiều nhất là sim..Ngày thứ nhất, chúng tôi khá căng thẳng..ngày thứ hai..sự căng thảng có phần giảm đi. Qua ngày thứ ba, vẫn không thấy viện binh, đám lính chúng tôi đã bắt đầu chủ quan. Hầu hết đều lên khỏi các hầm, tìm hái sim chín. Chiều đến, mặt trời đã xuống thấp phía Trường Sơn, đấy là lúc chúng tôi thấy thoải mái nhất..Tất cả đều lên khỏi các hầm, có đứa còn hát hò, trêu chọc nhau và sục tìm sim để ăn. Bất ngờ nghe tiếng trực thăng..Tất cả nhìn về phía Đông Hà..Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều trực thăng giăng thành hàng bay lên phía tây. Điều lạ là, dưới bụng mỗi chiếc trực thăng đều treo lủng lẳng một cái gì đó như là chiếc hòm lớn.Ánh nắng chiều chiếu vào khiến cả máy bay lẫn những “chiếc hòm” dưới bụng đều ánh lên một màu vàng nâu lấp lánh..Đám lính chúng tôi vẫn đứng ngẩn tò te mà ngắm, có đứa còn nhận định, máy bay Mỹ đang chở những hòm hàng tiếp viện lên Khe Sanh..Thì bất ngờ trực thăng hạ độ cao và lừ lừ tiến thẳng đến những khu đồi của chúng tôi..Rồi tất cả đều hạ cánh xuống..Lúc này cả đám chúng tôi mới hốt hoảng. Chưa kịp định thần để suy nghĩ xem bọn địch định làm gì thì đột ngột ai đó ở phía dưới hét to: xe tăng!..
Thú thực là mặc dù đã được huấn luyện đánh xe tăng và hầu hết các đơn vị đều có trang bị vũ khí chống tăng ( B 40 và B 41), tuy nhiên từ ngày vào chiến trường đến giờ chưa bao giờ chúng tôi được trực tiếp nhìn thấy chiếc tăng..Thế nên tất cả bỗng trở nên rối loạn..Rồi bắt đầu nghe tiếng xe rú máy..Tiếng rú mỗi lúc một to..Đang lúc rối trí như thế thì không biết từ chỗ nào, có một tiếng hét: chạy đi! Một tiếng hét vô cùng tai hại. Thế là chúng tôi bật khỏi hầm và chạy. Không ai còn liên lạc được với ai, không bám giữ được đội hình tiểu đội, trung đội hay đại đội..mạnh đứa nào đứa ấy chạy, cứ nhằm vào phía bìa rừng rậm mà lao vào..Càng vào sâu trong rừng thì trời càng tối..Không biết đã chạy được bao xa nhưng tiếng rú của xe tăng vẫn cứ bám vào tai, thậm chí có cảm giác rằng tiếng rú ngày một to như thể xe tăng địch đã đuổi sát sau lưng..Về sau, khi chúng tôi đã dạn dày trận mạc, có dịp ôn lại chuyện cũ, mấy đứa chúng tôi đủ tỉnh táo để nhận ra, tất cả chỉ là ảo giác. Thực ra xe tăng Mỹ đâu có đuổi theo. Nhưng ở thời điểm đó, chúng tôi không thể đủ tỉnh táo, vì thế mà cứ đạp rừng, cắm đầu chạy..Chạy đến lúc nhìn thấy sông Bến Hải. Thế là nhào xuống sông chạy một mạch ra Vĩnh Linh..Lúc này tất cả mới có chút bình tâm để nhận ra, mình đang ở đất Vĩnh Sơn.
Sau trận đánh lịch sử vào cứ điểm Dốc Miếu rạng sáng ngày 19 tháng 5, cả tiểu đoàn hả hê kéo về trấn giữ những khu đồi phía đông đường 76. Cấp trên nhận định, bọn địch sẽ kéo quân từ Đông Hà lên để chiếm lại cao điểm Dốc Miếu, vì vậy nhiệm vụ tiểu đoàn là phục kích đánh chặn viện binh. Đội hình tiểu đoàn trải rộng lên nhiều vị trí khác nhau của những gò đồi đất sỏi đỏ với lúp xúp những lùm bụi, nhiều nhất là sim..Ngày thứ nhất, chúng tôi khá căng thẳng..ngày thứ hai..sự căng thảng có phần giảm đi. Qua ngày thứ ba, vẫn không thấy viện binh, đám lính chúng tôi đã bắt đầu chủ quan. Hầu hết đều lên khỏi các hầm, tìm hái sim chín. Chiều đến, mặt trời đã xuống thấp phía Trường Sơn, đấy là lúc chúng tôi thấy thoải mái nhất..Tất cả đều lên khỏi các hầm, có đứa còn hát hò, trêu chọc nhau và sục tìm sim để ăn. Bất ngờ nghe tiếng trực thăng..Tất cả nhìn về phía Đông Hà..Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều trực thăng giăng thành hàng bay lên phía tây. Điều lạ là, dưới bụng mỗi chiếc trực thăng đều treo lủng lẳng một cái gì đó như là chiếc hòm lớn.Ánh nắng chiều chiếu vào khiến cả máy bay lẫn những “chiếc hòm” dưới bụng đều ánh lên một màu vàng nâu lấp lánh..Đám lính chúng tôi vẫn đứng ngẩn tò te mà ngắm, có đứa còn nhận định, máy bay Mỹ đang chở những hòm hàng tiếp viện lên Khe Sanh..Thì bất ngờ trực thăng hạ độ cao và lừ lừ tiến thẳng đến những khu đồi của chúng tôi..Rồi tất cả đều hạ cánh xuống..Lúc này cả đám chúng tôi mới hốt hoảng. Chưa kịp định thần để suy nghĩ xem bọn địch định làm gì thì đột ngột ai đó ở phía dưới hét to: xe tăng!..
Thú thực là mặc dù đã được huấn luyện đánh xe tăng và hầu hết các đơn vị đều có trang bị vũ khí chống tăng ( B 40 và B 41), tuy nhiên từ ngày vào chiến trường đến giờ chưa bao giờ chúng tôi được trực tiếp nhìn thấy chiếc tăng..Thế nên tất cả bỗng trở nên rối loạn..Rồi bắt đầu nghe tiếng xe rú máy..Tiếng rú mỗi lúc một to..Đang lúc rối trí như thế thì không biết từ chỗ nào, có một tiếng hét: chạy đi! Một tiếng hét vô cùng tai hại. Thế là chúng tôi bật khỏi hầm và chạy. Không ai còn liên lạc được với ai, không bám giữ được đội hình tiểu đội, trung đội hay đại đội..mạnh đứa nào đứa ấy chạy, cứ nhằm vào phía bìa rừng rậm mà lao vào..Càng vào sâu trong rừng thì trời càng tối..Không biết đã chạy được bao xa nhưng tiếng rú của xe tăng vẫn cứ bám vào tai, thậm chí có cảm giác rằng tiếng rú ngày một to như thể xe tăng địch đã đuổi sát sau lưng..Về sau, khi chúng tôi đã dạn dày trận mạc, có dịp ôn lại chuyện cũ, mấy đứa chúng tôi đủ tỉnh táo để nhận ra, tất cả chỉ là ảo giác. Thực ra xe tăng Mỹ đâu có đuổi theo. Nhưng ở thời điểm đó, chúng tôi không thể đủ tỉnh táo, vì thế mà cứ đạp rừng, cắm đầu chạy..Chạy đến lúc nhìn thấy sông Bến Hải. Thế là nhào xuống sông chạy một mạch ra Vĩnh Linh..Lúc này tất cả mới có chút bình tâm để nhận ra, mình đang ở đất Vĩnh Sơn.
Khi viết tiểu thuyết Cửa Gió, đến chỗ này tôi đã dừng
lại suy nghĩ rất nhiều. Có nên đưa chi tiết chạy dài bạc nhược như thế vào trong
cuốn sách viết về một tiểu đoàn mà như ông Lê Quang Hòa đã khen là đánh hay nhất
miền Bắc không? Nên nhớ, tôi bắt đầu viết Cửa gió tập 1 là năm 1976 ở trại
viết văn Vân Hồ của Tổng cục chính trị. Thời điểm đó, không khí sử thi của đại
thắng mùa xuân 1975 vẫn còn hừng hực, Đại hội Đảng lần thứ 4 cũng mới kết thúc
thành công, âm hưởng chủ đạo của sáng tác văn học vẫn là âm hưởng ngợi ca chủ
nghĩa anh hùng cách mạng. Ở trại văn lúc đó, có mấy tiểu thuyết đã xuất bản và
được các nhà xuất bản đánh giá cao tới mức coi như là khuôn mẫu cho thể loại
tiểu thuyết. Điển hình là cuốn Trong cơn gió lốc của Khuất Quang
Thụy. Tiểu thuyết của Thụy được ông Tiên ( trưởng phòng biên tập của Nhà xuất
bản Quân đội) đưa ra làm “giáo khoa” để hướng dẫn chúng tôi mỗi khi chúng tôi
mang bản thảo của mình đến nộp. Vì lẽ đó mà tôi đã đắn đo mãi, nếu mình dựng lại
một sự thật “không anh hùng” như thế trong tiểu thuyết có bị coi là sai trái, là
thiếu quan điểm lập trường không? Nhưng cuối cùng tôi vẫn viết. Tôi cứ nghĩ nếu
không dựng lại cuộc chạy dài này, có lẽ mình vẫn chưa nói đúng cả phần xác lẫn
phần hồn của tiểu đoàn 47. Trong Cửa gió, không chỉ có câu chuyện
chạy dài được viết rất sinh động mà còn nhiều sự kiện “ trái lề” khác nữa. Ví dụ
như việc khắc họa nhân vật tên Trưởng đoàn bình định ngụy đem lòng mến cảm với
một cô gái mà hắn biết chắc là cơ sở cách mạng, hay nỗi cô đơn, có lúc thất vọng
đến mức dao động của mẹ con của một cơ sở cách mạng, hay xây dựng nhận vật Vũ
Nam Khang cơ hội, hèn nhát trong đợn vị 47 mà luôn gặp may đến mức trở thành
gương điển hình về thành tích bắn cháy trực thăng Mỹ..v..v..Nếu là hôm nay, việc
dám viết những điều như thế có lẽ chẳng có gì đáng nói. Nhưng xin nhắc lại, đấy
là thời điểm vừa mới giải phóng miền Nam..Vì thế nên Cửa gió đã không được chào đón từ
đầu như tôi mong muốn. Có một kỉ niệm vừa vui vừa buồn về việc xuất bản tiểu
thuyết Cửa gió mà lúc đó
cả trại văn Vân Hồ ai cũng biết. Khi viết xong bản thảo, do tính nhút nhát nên
tôi nhờ Nguyễn Khắc Trưởng ( thời ấy đó có bút danh Thao Trường) dẫn tôi lên gặp
cán bộ biên tập Nhà xuất bản. Người tiếp chúng tôi chính là ông Tiên. Chưa kịp
nghe chúng tôi trình bày về bản thảo, ông ấy đã rất nhiệt tình nói một thôi một
hồi về quan điểm và kĩ năng viết tiểu thuyết..mà “ giáo cụ trực quan” của bài
giảng ấy không gì khác mà chính là tiểu thuyết Trong cơn gió lốc của Khuất Quang
Thụy..Ông ấy nói đại ý theo kiểu như thế này. Muốn hình thành một cốt truyện
tiểu thuyết thì phải..như thằng Thụy ấy, phải có lô gic..có tính quy luật..Tiểu
thuyết cần có hào khí..như Cơn gió
lốc của thằng Thụy ấy..Còn nữa, trong tiểu thuyết, nhận vật cần phải
thế này, thế nọ..như thằng Thụy ấy..Vân vân và vân vân…Nghe một lúc, tự thấy
tiểu thuyết mình rất thiếu những yếu tố “như thằng Thụy ấy”, tôi đưa mắt ra hiệu
cho Thao Trường. Cả hai đứng dậy chào, rồi lẳng lặng ôm tập bản thảo về. Dạo đó
ở trại văn Vân Hồ, anh em sống rất vui vẻ..Nhàn rỗi nên hay làm vè làm tấu trêu
nhau. Có bài vè ( thực chất không biết ai là kẻ khởi nguồn) phác họa chân dung
tất cả anh em trong trại rất tếu. Tôi nhớ mấy đoạn thế này: Điệu đàn Đào Thắng/ bắng nhắng Đăng Khoa /
ba hoa Trọng Tạo / đạo mạo Xuân Mai / nguồn dài Tô Chiêu / lắm điều Quang Tính /
lỉnh kỉnh Dương Duy / A quy Thái Vượng / trịch thượng Xuân Đức / đĩ đực Chu
Lai..v..v..Hòa vào cái không khí vui vẻ ấy, tôi cao hứng tự tác ra một bài
gọi là Tiểu thuyết toàn tê ( vần t) để kể về sự việc mang bản thảo Cửa gió đến Nhà xuất bản Quân đội.
Tôi chỉ nhớ vài đoạn đầu thế này: Thưa
thầy Thiều, thưa toàn trại! Tháng
trước, tôi theo Thao Trường tới thăm Trung tá thủ trưởng Tiên, tiện thể trình
thủ trưởng tiểu thuyết tam tập. Tính tôi thường trịch thượng, tự tin, thêm toàn
trại tất tất tấm tắc tán thưởng, thành thử tôi tưởng tiểu thuyết tôi thật
tuyệt..Tiếc thay, trông thấy tôi, thủ trưởng Tiên trợn tròn thét te tát: Tiểu
thuyết thiếu tính thực tế, thiếu tính tư tưởng, thiếu tính thằng Thụy..Thưa thầy
Thiều, thưa toàn trại! Từ thủa theo thầy, tòng teng thơ truyện, thương thay, tới
tận trạc tuổi tứ tuần tay trắng tuyền tay trắng…Chuyện vui đồn đến tai Nhà
xuất bản Quân đội. Một bữa lên chơi nhà Chu Lai, vợ Chu Lai là cô Hồng lúc ấy
đang làm biên tập ở nhà xuất bản liền hỏi, nghe nói anh làm thơ giễu ông Tiên?
Em thấy ông Tiên là người rất tốt cơ mà..Tôi vội nói ngay, là chuyền đùa tếu ấy
mà, nếu ông ấy giận thì cho tôi xin lỗi nhé..Ai cũng biết là chuyện đùa tếu,
nhưng sau lần đó tôi đã tự nhủ mình, mọi cái vui, cái tếu đều nên có giới
hạn.
Khi tiểu đoàn 47 được lệnh quay ra bắc sông
Bến Hải chuẩn bị trận địa để sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không, cả đơn vị đều
dàn quân trên địa bàn xã Vĩnh Chấp, một xã cực bắc của Khu vực Vĩnh Linh, giáp
với Quảng Bình. Đây là một xã vùng đồi, rất nghèo, hầu hết là đất đồi sỏi lơ thơ
lùm bụi với loại cây đặc sản là muồng, sim, me..Có một vài mảnh ruộng nhỏ thì
thuộc loại ruộng bám theo khe nước, dân địa phương gọi là choi, đất pha cát, đặc
phèn. Phía bắc xã là một dãy đồi nhấp nhô hình thành các cao điểm trong bản đồ
tác chiến với tên gọi được đặt theo bình độ, tức độ cao so với mặt nước biển.
Trên các ngọn đồi vẫn còn lưu lại nhiều bong-ke bằng bê tông từ thời Pháp để
lại. Đấy chính là khu vực mà cấp trên nhận định có khả năng bọn Mỹ sẽ đổ quân
nếu chúng thực hiện âm mưu tập kích ra miền Bắc. Đại đội của tôi nhận nhiệm vụ
đào hệ thống công sự, chủ yếu là giao thông hào từ chân đồi lên đỉnh của cao
điểm 43. Nhớ lại những ngày tháng ấy tôi có thể gọi đây là giai đoạn “hành xác”
nhất trong đời lính của mình.
Buổi sáng, sau khi ăn cơm xong, nhà bếp làm cơm nắm phát cho từng người, rồi tất cả cán bộ chiến sĩ, vai đeo đầy đủ dụng cụ đào hào như cuốc chim, xẻng, tập họp theo đội hình từng tiểu đội, trung đội tiến ra phía chân đồi 43. Thời gian này, máy bay Mỹ thường ném bom theo cách mà chúng tôi gọi là bom “tọa độ”.Nghĩa là, mục tiêu cắt bom được chúng xác định trước bằng tọa độ trên bản đồ. Từng tốp máy bay cách nhau chừng vài chục phút, từ ngoài biển hoặc phía nam bay ra, hạ độ cao rồi cắt bom, không cần biết ở dưới mục tiêu ấy hiện có gì không. Khu đồi Vĩnh Chấp là một trong những tọa độ trọng điểm mà máy bay thường cắt bom.
Để đối phó với kiểu ném bom “tọa độ” ấy, phương thức đào công sự của đơn vị được lên phương án như sau. Bộ đội nấp dưới chân đồi, chờ đợi máy bay bay địch ra cắt xong một lượt bom thì nhanh chóng chạy lên vị trí đã được phân công trước cho từng người. Mỗi người bằng mọi giá trong vòng 15 đến 20 phút phải tự đào cho mình được một khoanh đất thấp để sẵn sàng ép người xuống nếu có tốp máy bay tiếp theo xuất hiện…Sau khi máy bay tốp sau cắt bom xong thì lại nhô lên đào tiếp..Cứ vậy cho đến khi hình thành nên đường giao thông hào..Kịch bản trên giấy thì có vẻ hợp lí, nhưng thực địa lại cam go vô cùng. Đất trên cao điểm là đất sỏi, sườn đồi khá dốc lại bị bào mòn bởi mưa nắng hàng trăm năm, gần như không còn chút đất thịt nào, tất cả trơ khấc ra toàn sỏi cứng. Dụng cụ đào đất chỉ có chiếc xẻng nhỏ cầm tay và một chiếc cuốc chim đầu dẹt, đầu nhọn. Tháng tám ở miền trung nắng rát mặt, cháy lưng. Chúng tôi phải đào hào lúc nào cũng trong trạng thái nín thở như vận động viên chạy cự li ngắn..Nếu có tiếng máy bay mà chỗ đất đang đào vẫn chưa đủ độ sâu để ẩn mình thì phải co chân chạy vụt vào nấp trong một bong-ke gần nhất..Bom nổ, khói trùm cả một vùng đồi. Mảnh bom bay ràn rạt, mùi cháy khét lẹt..Cứ thế, hết ngày này qua ngày khác, cực nhọc, căng thẳng không thể kể xiết.
Buổi sáng, sau khi ăn cơm xong, nhà bếp làm cơm nắm phát cho từng người, rồi tất cả cán bộ chiến sĩ, vai đeo đầy đủ dụng cụ đào hào như cuốc chim, xẻng, tập họp theo đội hình từng tiểu đội, trung đội tiến ra phía chân đồi 43. Thời gian này, máy bay Mỹ thường ném bom theo cách mà chúng tôi gọi là bom “tọa độ”.Nghĩa là, mục tiêu cắt bom được chúng xác định trước bằng tọa độ trên bản đồ. Từng tốp máy bay cách nhau chừng vài chục phút, từ ngoài biển hoặc phía nam bay ra, hạ độ cao rồi cắt bom, không cần biết ở dưới mục tiêu ấy hiện có gì không. Khu đồi Vĩnh Chấp là một trong những tọa độ trọng điểm mà máy bay thường cắt bom.
Để đối phó với kiểu ném bom “tọa độ” ấy, phương thức đào công sự của đơn vị được lên phương án như sau. Bộ đội nấp dưới chân đồi, chờ đợi máy bay bay địch ra cắt xong một lượt bom thì nhanh chóng chạy lên vị trí đã được phân công trước cho từng người. Mỗi người bằng mọi giá trong vòng 15 đến 20 phút phải tự đào cho mình được một khoanh đất thấp để sẵn sàng ép người xuống nếu có tốp máy bay tiếp theo xuất hiện…Sau khi máy bay tốp sau cắt bom xong thì lại nhô lên đào tiếp..Cứ vậy cho đến khi hình thành nên đường giao thông hào..Kịch bản trên giấy thì có vẻ hợp lí, nhưng thực địa lại cam go vô cùng. Đất trên cao điểm là đất sỏi, sườn đồi khá dốc lại bị bào mòn bởi mưa nắng hàng trăm năm, gần như không còn chút đất thịt nào, tất cả trơ khấc ra toàn sỏi cứng. Dụng cụ đào đất chỉ có chiếc xẻng nhỏ cầm tay và một chiếc cuốc chim đầu dẹt, đầu nhọn. Tháng tám ở miền trung nắng rát mặt, cháy lưng. Chúng tôi phải đào hào lúc nào cũng trong trạng thái nín thở như vận động viên chạy cự li ngắn..Nếu có tiếng máy bay mà chỗ đất đang đào vẫn chưa đủ độ sâu để ẩn mình thì phải co chân chạy vụt vào nấp trong một bong-ke gần nhất..Bom nổ, khói trùm cả một vùng đồi. Mảnh bom bay ràn rạt, mùi cháy khét lẹt..Cứ thế, hết ngày này qua ngày khác, cực nhọc, căng thẳng không thể kể xiết.
Thời đó ở cấp đại đội có một hình thức dân
chủ cho quân nhân là thành lập Hội đồng quân nhân, một tổ chức gần giống với
Công đoàn ngoài dân sự. Những người được lựa chọn bầu vào Hội đồng quân nhân là
người có uy tín nhưng ở cấp thấp, từ Trung đội phó trở xuống. Nhiệm vụ của Hội
đồng quân nhân chủ yếu chỉ để lo hai việc. Một là giám sát chuyện ăn uống, thực
hiện các chế độ của Quản lí nhà bếp xem có chi đủ tiêu chuẩn không, có tích cực
cải thiện bữa ăn không, có xè xẻo bớt xén tiêu chuẩn của bộ đội không? Đấy gọi
là công tác đời sống. Nhiệm vụ thứ hai là chăm lo đời sống tinh thần mà cụ thể
là hình thành Câu lạc bộ để tập văn nghệ, phổ biến các bài hát cho bộ
đội.
Ở đại đội lúc đó không ai biết tôi có năng
khiếu văn nghệ mà chỉ biết tôi từng làm Quản lí trên Khu đội, vì thế mà tôi được
bầu vào Hội đồng quân nhân phụ trách đời sống. Còn cậu Quỳnh, một người rất đẹp
trai thường xuyên được hoá trang thành con gái trong các lần diễn văn nghệ, phụ
trách Cậu lạc bộ.
Một buổi tối, tôi được Chính trị viên Khoa
gọi lên báo cáo tình hình ăn uống của đơn vị, khi trở ra đến đường hào bên ngoài
thì nhìn thấy Quỳnh đang đứng với vài ba cậu nữa tranh luận say sưa chuyện gì
đó. Nghe kĩ tôi nhận biết họ đang bàn luận xem nên hát bài gì ..Tôi tò mỏ hỏi
thì được Quỳnh cho biết, đơn vị đang chuẩn bị tập tiết mục văn nghệ để tham gia
hội diễn Tiểu đoàn. Quỳnh cũng nói thêm, trong nhóm Câu lạc bộ đang bàn nên hát
bài này..bài này..và hỏi tôi có được không? Bất giác tôi nghĩ tới cái cảnh khốn
khổ trong những ngày đào hào vừa qua và thấy chạnh lòng, mấy cậu này tới đây sẽ
được nghỉ đào hào để tập văn nghệ, sướng thế, vì sao đại đội không cho mình được
tham gia ? Tôi liền nói, chúng mày tham gia Hội diễn văn nghệ mà toàn hát mấy
bài Trung ương, lại thêm mấy cái giọng thuốc lá khê đặc như chúng mày thì làm
sao được giải? Quỳnh nói, biết thế nhưng phải làm sao? Tôi liền mách nước, đi
thi muốn thắng cần phải có tiết mục tự biên tự diễn nói về nhiệm vụ của đơn vị
mình may ra mới được giải. Quỳnh nói, chúng tao biết thế rồi, nhưng làm sao mà
tự biên tự diễn được đây? Tôi khẽ cười, nói, mày báo cáo với Chính trị viên cho
tao nghỉ đào hào mấy hôm, tao sáng tác cho..Nói rồi tôi quay đi luôn, nghe đằng
sau tiếng thằng Quỳnh kêu oai oái: Này..mi nói thiệt hay nói chơi đó.
Sáng hôm sau, tôi vẫn dậy như bình thường, ăn sáng, nhận cơm vắt, cài cuốc xẻng lên vai chuẩn bị lên cao điểm thì bất ngờ cậu liên lạc đại đội chạy xuống. “Đồng chí Đức lên gặp Chính trị viên!”
Sáng hôm sau, tôi vẫn dậy như bình thường, ăn sáng, nhận cơm vắt, cài cuốc xẻng lên vai chuẩn bị lên cao điểm thì bất ngờ cậu liên lạc đại đội chạy xuống. “Đồng chí Đức lên gặp Chính trị viên!”
Chính trị viên đại đội 2 Trần Đăng Khoa,
cấp hàm trung úy, dân Thừa Thiên lấy vợ Quảng Bình, xét trên nhiều phương diện
đều thuộc loại phong độ bậc nhất tiểu đoàn. Vóc dáng to mập, mặt vuông chữ điền,
mắt to, môi dày, lông mày rậm, tóc rễ tre ốp cứng trên đầu..Về danh tiếng cũng
ăn đứt những Chính trị viên khác. Trước khi được điều về tiểu đoàn 47, Trần Đăng
Khoa là Chính trị viên phó đảo Cồn Cỏ, mà thời gian ấy Cồn Cỏ là địa danh nổi
tiếng cả nước. Với cương vị Chính trị phó hòn đảo anh hùng nên ông Khoa được cơ
cấu trong đoàn anh hùng chiến sĩ thi đua Quân khu 4 và chiến trường miền Nam ra
dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc và được cho vào Phủ chủ tịch gặp Bác
Hồ..Sau này, nghe vài người kể rằng, khi gặp Bác, ông Khoa cứ cố chen mấy anh
chị miền Nam để được ôm sát vào Bác chụp ảnh..Đấy là tôi nghe người khác kể lại
với cái giọng đầy chất đàm tiếu như vậy, còn thực hư thế nào thì tôi không có
điều kiện kiểm chứng. Còn vào thời kì Trần Đăng Khoa về làm Chính trị viên đại
đội tôi, đám lính trẻ cứ phải há hốc mồm ra
mà nghe thủ trưởng kể chuyện chiến đấu ở đảo và đặc biệt nhất là chuyện
gặp Bác Hồ. Có lẽ ông phải kể tới hàng chục lần…
Chính trị viên Khoa nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ: Này, nghe mấy đồng chí bên Cậu lạc bộ báo cáo là cậu nhận sáng tác tiết mục cho anh em đi hội diễn phải không?Tôi hơi lúng túng: Báo cáo thủ trưởng..là em cũng..góp ý vậy thôi.
Chính trị viên Khoa nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ: Này, nghe mấy đồng chí bên Cậu lạc bộ báo cáo là cậu nhận sáng tác tiết mục cho anh em đi hội diễn phải không?Tôi hơi lúng túng: Báo cáo thủ trưởng..là em cũng..góp ý vậy thôi.
- Tốt. Chính trị viên kết luận gọn lỏn. Cậu
nghỉ đào hào, viết ngay một tiết mục, chiều nay đưa lên đây tôi xem.
Tôi hoảng quá kêu to: Ối, chiều nay thì sao kịp ạ?
- Thì tối..chập tối cũng được..
- Báo cáo thủ trưởng..chập tối thì cũng vội quá..em không sáng tác kịp đâu ạ? Ông Khoa trợn mắt lên, lúc ấy trông ông thật đáng sợ:
- Này này..cậu cũng đã đào hào..Một ngày đào được bao nhiêu mét? Cả một ngày mà chỉ sáng tác một tiết mục lại kêu không kịp..Tư tưởng tiến công cách mạng đâu? Thôi, về đi, khẩn trương chấp hành nhiệm vụ.
Tôi hoảng quá kêu to: Ối, chiều nay thì sao kịp ạ?
- Thì tối..chập tối cũng được..
- Báo cáo thủ trưởng..chập tối thì cũng vội quá..em không sáng tác kịp đâu ạ? Ông Khoa trợn mắt lên, lúc ấy trông ông thật đáng sợ:
- Này này..cậu cũng đã đào hào..Một ngày đào được bao nhiêu mét? Cả một ngày mà chỉ sáng tác một tiết mục lại kêu không kịp..Tư tưởng tiến công cách mạng đâu? Thôi, về đi, khẩn trương chấp hành nhiệm vụ.
Tôi trở về hầm, việc đầu tiên là lăn ra
ngủ. Trong đời làm lính cái thèm muốn thường trực đối với lính trẻ là ngủ. Lúc
nào cũng đói ngủ. Suốt cả đợt đào giao thông hào này chúng tôi đã bị bào mòn sức
lực khủng khiếp nên càng thèm ngủ. Tôi ngủ một lèo đến khi tỉnh dậy đã quá trưa.
Lấy cơm vắt ra ăn, định ngủ lại, nhưng chợt nhớ là cần phải tắm giặt. Thế là ôm
toàn bộ chăn màn ra khe nước lạnh, vừa tắm vừa giặt, vừa tranh thủ nghĩ ngợi xem
phải đối phó thế nào với cái mệnh lệnh khắc ngiệt của Chính trị viên Khoa..Có lẽ
nhờ nước mát mà tôi đã “ phát kiến” ra hai quyết định cực kì quan trọng, nó có
tính quyết định đến cuộc đời của tôi trong những năm tiếp sau. Quyết định thứ
nhất là ý tưởng sáng tác. Cả đợt đào giao thông hào này, Chính trị viên Khoa đưa
ra một khẩu hiệu để hô hào toàn đơn vị nghe rất kêu, đó là chiến dịch “đường hào diệt Mỹ”.( Thực ra
không biết có phải là sáng kiến của Chính trị viên đại đội hay là khẩu hiểu của
tiểu đoàn, nhưng ông Khoa nói là do ông ấy nghĩ ra?). Tôi quyết định lấy luôn
tên “ Đường hào diệt Mỹ” làm tiêu đề cho
tiểu phẩm của mình chắc chắn sẽ làm cho Chính trị viên khoái chí, hài lòng.
Quyết định thứ hai là chọn thể loại. Lúc đầu tôi định viết một kịch vui..Nhưng
suy đi tính lại, diễn kịch nói sẽ rất khó cho cái đám văn nghệ quá nghiệp dư
trong đại đội, hơn nữa ( mà cái này mới quan trọng hơn) nếu kịch nói, sau khi
mình sáng tác xong, Chính trị viên sẽ coi như mình đã hoàn thành nhiêm vụ, bắt
giao lại kịch bản rồi phải tiếp tục lên đồi đào hào..Nếu thế thì..xôi hỏng bỏng
không? Tôi quyết định viết một hoạt cảnh dân ca Bình Trị Thiên với một loạt các
làn điệu mà tôi biết chắc cả đơn vị sẽ không có ai biết hát. Đúng như tôi dự
đoán. Tối đó tôi lên đưa bản thảo cho ông Khoa rồi điềm nhiên trở về ngủ, sáng
mai thức dậy, lại điềm nhiên nai nịt gọn gàng ra vẻ sẵn sàng lên cao điểm. Vẫn
không thấy có dấu hiệu gì, tôi hơi lo lắng..Khi cả trung đội đã lên tới chân đồi
43 thì thấy cậu liên lạc hớt hải chạy lên. “Đống chí Đức về gấp gặp Chính trị
viên”. Tôi khẽ cười thầm và vác cuốc xẻng về liền. Về đến lán chỉ huy, tôi đã
thấy đám thằng Quỳnh vây quan ông Khoa. Vừa nhìn thấy tôi, Chính trị viên Khoa
nói ngay. Cậu viết cái bài này rất đúng chủ trương của đơn vị, hay đấy, nhưng
sao lại viết mấy cái điệu gì thế này, chúng nó có đứa nào biết hát đâu? Tôi
thưa, báo cáo thủ trưởng, hội diễn văn nghệ mà mình hát nhạc mới là không “ăn”
đâu, phải hát dân ca địa phương mới được chấm ưu tiên. Chính trị viên Khoa gật
mạnh đầu nói, đúng..phải văn hóa truyền thống dân tộc..Nhưng ai dạy cho anh em
hát đây? Tôi nói, nếu anh em không biết thì để tôi dạy cho. Ông Khoa sáng mắt
lên, cậu giỏi quá ha..tốt lắm. Tớ quyết định bổ sung cậu vào Câu lạc bộ trực
tiếp “đạo diễn” chương trình cho anh em..
Thế là từ hôm đó, tôi được nghỉ hẳn nhiệm vụ đào giao thông hào để tập văn nghệ. Sau khi tập xong màn hoạt cảnh Đường hào diệt Mỹ, tôi viết tiếp một vở kịch ngắn cũng bằng dân ca, lại tiếp tục tập..Chương trình văn nghệ của Đại đội 2 đạt giải nhất Hội diễn tiểu đoàn. Sau đó, tiểu đoàn chọn Đại đội 2 đại diện đi dự Hội diễn toàn Bộ Tư lệnh. Chương trình của tiểu đoàn 47 cũng đạt giải nhất..Sau đợt hội diễn ấy, Bộ tư lệnh Vĩnh Linh quyết định thành lập một đội Tuyên truyền văn hóa, gọi tắt là đội Tuyên Văn..Việc ra đời đội Tuyên Văn không phải sáng kiến riêng của Bộ Tư lệnh Vĩnh Linh. Vào thời kì ấy, hầu như tất cả các tỉnh đội trên tuyến lửa Quân Khu 4 đều thành lập đội Tuyên Văn. Phong trào “tiếng hát át tiếng bom” ra đời vào những ngày tháng đó. Dĩ nhiên, tôi là cái tên được điều động đầu tiên lên đội để đàm nhận nhiệm vụ sáng tác. Thế là bắt đầu từ đó, tôi trở thành người sáng tác văn nghệ chuyên nghiệp, có quay trở lại tiểu đoàn 47 tham gia chiến đấu nhưng với tư cách là tác giả đi thực tế.. Sau ba năm gắn bó với đội Tuyên Văn Vĩnh Linh, tôi được điều ra làm cán bộ sáng tác cho đoàn Văn công Quân Khu 4..Rồi sau bảy năm ở Quân Khu 4, tôi lại được Tổng cục chính trị điều ra Hà Nội phối hợp với tác giả Đào Hồng Cẩm để viết vở Tổ quốc cho đoàn kịch Tổng cục chính trị biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thư tư..Rồi chuyển về trại sáng tác Vân Hồ, học khóa 1 trường viết văn Nguyễn Du. Tốt nghiệp, lại trở về Ban sáng tác của Nhà hát nghệ thuật quân đội cho đến cuối năm 1989, chuyển ngành về Quảng Trị.
Thế là từ hôm đó, tôi được nghỉ hẳn nhiệm vụ đào giao thông hào để tập văn nghệ. Sau khi tập xong màn hoạt cảnh Đường hào diệt Mỹ, tôi viết tiếp một vở kịch ngắn cũng bằng dân ca, lại tiếp tục tập..Chương trình văn nghệ của Đại đội 2 đạt giải nhất Hội diễn tiểu đoàn. Sau đó, tiểu đoàn chọn Đại đội 2 đại diện đi dự Hội diễn toàn Bộ Tư lệnh. Chương trình của tiểu đoàn 47 cũng đạt giải nhất..Sau đợt hội diễn ấy, Bộ tư lệnh Vĩnh Linh quyết định thành lập một đội Tuyên truyền văn hóa, gọi tắt là đội Tuyên Văn..Việc ra đời đội Tuyên Văn không phải sáng kiến riêng của Bộ Tư lệnh Vĩnh Linh. Vào thời kì ấy, hầu như tất cả các tỉnh đội trên tuyến lửa Quân Khu 4 đều thành lập đội Tuyên Văn. Phong trào “tiếng hát át tiếng bom” ra đời vào những ngày tháng đó. Dĩ nhiên, tôi là cái tên được điều động đầu tiên lên đội để đàm nhận nhiệm vụ sáng tác. Thế là bắt đầu từ đó, tôi trở thành người sáng tác văn nghệ chuyên nghiệp, có quay trở lại tiểu đoàn 47 tham gia chiến đấu nhưng với tư cách là tác giả đi thực tế.. Sau ba năm gắn bó với đội Tuyên Văn Vĩnh Linh, tôi được điều ra làm cán bộ sáng tác cho đoàn Văn công Quân Khu 4..Rồi sau bảy năm ở Quân Khu 4, tôi lại được Tổng cục chính trị điều ra Hà Nội phối hợp với tác giả Đào Hồng Cẩm để viết vở Tổ quốc cho đoàn kịch Tổng cục chính trị biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thư tư..Rồi chuyển về trại sáng tác Vân Hồ, học khóa 1 trường viết văn Nguyễn Du. Tốt nghiệp, lại trở về Ban sáng tác của Nhà hát nghệ thuật quân đội cho đến cuối năm 1989, chuyển ngành về Quảng Trị.
Đến đây tạm dừng không đăng nữa.
Đăng ngày 16/12/2014
|
Ý kiến về bài viết | ||||||
|