Tác giả: Xuân Đức
|
( Tiếp chương 1)
Bố tài giỏi gấp nhiều lần tôi. Ông biết quá
nhiều thứ, chỉ có điều chẳng có thứ gì gọi là đắc đạo.
Bố học chứ Hán, biết khá nhiều, cũng có thể
gọi là uyên thâm. Nhưng ông không phải là nhà Nho.
Bố có học thuốc, cũng biết khá căn cơ nhiều
loại dược liệu, biết cách bốc thang, sao thuốc, thậm chí còn biết vài ngón “độc
chiêu” theo kiểu dĩ độc trị độc mà không phải thầy lang nào cũng dám dùng. Tuy
nhiên ông không được gọi là thầy thuốc và cũng chưa hề hành nghề thầy
lang.
Bố khá thông thạo thuyết âm dương ngũ hành,
biết thuật bát quái, trước cách mạng từng đi lang thang theo cậu tôi làm thầy
cúng kiêm thầy pháp. Trước khi đôi mắt bị mù lòa, ông là thầy coi giò gà vào
loại thượng thặng. Ấy vậy mà trong nhà tôi, việc cúng tế, giỗ chạp lại được tổ
chức khá đơn giản đến mức sơ sài? Thật là lạ!
Nhờ được bố truyền dạy trong nhiều năm nên
tôi cũng nắm được rất nhiều lí thuyết về bói toán..Nhưng cũng như bố, tôi thuộc
diện rất sơ sài trong việc coi ngày, coi giờ, coi mạng..kể cả những việc đại sự
như xây nhà, cưới vợ gả chồng cho con cái.
Bố tràn đầy chất nghệ sĩ. Giọng hát theo
kiểu hát cổ của ông rất tuyệt. Ông mê nhạc dân tộc mặc dù không hề biết chơi bất
cứ nhạc cụ nào. Dạo tôi đang học cấp 2, Ty văn hóa Vĩnh Linh có chủ trương dạy
ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên cho hạt nhân văn nghệ toàn Khu vực. Họ mời nghệ
nhân nồi tiếng là cụ Duyến dẫn đầu một tổ giáo viên đi hết xã này qua xã khác,
vừa dạy hát vừa dạy đàn..Bố lập tức mua cho tôi cây đàn Nguyệt, lúc đó hình như
mất 50 đồng, một số tiền quá lớn so với hoàn cảnh nhà tôi. Tôi vác đàn theo nhóm
cụ Duyến lang thang hàng đêm suốt cả đợt dài tới khắp các xã..Nhờ thế mà sau này
tôi trở thành người truyền dạy dân ca và là tác giả, dàn dựng nhiều vở ca
kịch..Còn bố, mãi vẫn chỉ là một lão nông lầm lũi..
Bố là một nhà thơ quần chúng đặc sắc. Ông
viết rất nhiều thơ. Ông sáng tác theo cách các nhạc sĩ mù viết nhạc, nghĩa là tự
viết trong đầu, lẩm nhẩm ngâm lên, ngâm nga nhiều lần cho đến khi thuộc lòng rồi
kêu mấy đứa cháu chép lại trên giấy. Những năm cuối đời, ông bắt đứa con thứ ba
của tôi là thằng Đài chép thơ..Lúc đấy nó mới học cấp 1..Nó vừa chép vừa khóc vì
quá mỏi tay và không được đi chơi..
Ông không chỉ sáng tác những bài thơ ngắn.
Thủa tôi còn nhỏ, hai bố con sống trong căn nhà hiu quạnh, ông thường dẫn tôi đi
bộ một quãng đường gần 4 cây số lên Hồ Xá xem văn công diễn. Những vở ca kịch
Huế là ông mê nhất. Tôi nhớ lúc đó, đoàn Ca Huế có diễn một vở kịch tâm lí xã
hội tích cổ có tên Ái tình trong bể bạc. Chuyện
kịch kể có anh chàng tên Tuấn Nghị vì ham danh lợi mà phụ bạc người vợ là Thu
Ba..Chị vợ đau khổ bỏ nhà lên núi Ba Vì..Người chồng sau đó ân hận đã đi tìm..Bố
tôi xem đi xem lại mấy đêm, rồi về nhà ông tự viết lại toàn bộ câu chuyện kịch
đó bằng một truyện thơ thể lục bát, kiểu như truyện Lục Vân Tiên. Thử tưởng
tượng, với một chuyện kịch diễn hơn hai giờ trên sân khấu mà ông xem vài lần đã
có thể viết thành một truyện thơ với đầy đủ các tình tiết, có cả lời thoại của
từng nhân vật..Con người ấy có siêu phàm không? Tất nhiên, ông là nhà thơ đại
chúng, có đôi chỗ vì vần điệu mà ép ý khiến tôi không nhịn được cười. Ví dụ, khi
kể đến chỗ anh chàng Tuần Nghị không tìm thấy vợ, hoang mang hỏi người hầu thì
anh hầu đã gợi ý: Cậu ơi, vịt lội thì
tìm sông Ngân Hà/ Mợ tôi vất vả thì lên Ba núi Vì!!! Lên Ba Núi Vì thì cũng
quả thật là..phi thường phải không? Nhưng thi nhân lớn như Nguyễn Đình Chiểu
cũng còn có câu: Vân Tiên là Trực chị
dâu kia mà..
Tôi xin đăng lên đây một bài thơ của ông
viết khi đang ở chỗ sơ tán ở huyện Tân Kỳ- Nghệ An..Dạo sơ tán, vì nhớ quê hương
và cũng rảnh rỗi nên bố đã viết rất nhiều thơ..Bài này được viết khi toàn vùng
sơ tán biết tin Hiệp định ngừng bắn đã kí..Tất cả náo nức chờ ngày trở về Vĩnh
Linh cùng với tâm trạng bần thần trước nghĩa tình của nơi sơ
tán.
Hai bảy, tháng một, bảy ba
Giặc Mỹ thú nhận thua ta ở hội đàm
Tám giờ bốn phút kí xong
Từ Nam chí Bắc một lòng hô vang
Từ rừng sâu đến dọc đàng
Cờ hồng phấp phới, sao vàng tung bay.
Tân Kỳ xao xác rừng cây
Ôm nhau mà khóc, tủi say rượu mừng.
Có chị phụ nữ ba con
Tung tăng múa nhảy như con sáo đồng.
Gửi thư về kịp tay chồng
Chuẩn bị cho đủ gánh gồng mà vô.
Của cải đã có xe thồ
Nhưng tình nghĩa biết chất mô mang về?
Lòng ta đôi ngả ở, về sao đang.
Núi đồi như cánh phượng hoàng
Đủ màu hoa sắc, ngút ngàn tre lau.
Thương người ở chóp núi cao
Giữa trưa nam nắng ta vào ngồi chơi
Nước chè nấu chát đem mời
Bà con nghin ngái ( gần xa) đến chơi một nhà.
Nhớ khi đám cưới, đám ma
Trống kèn đánh thổi, rượu trà nghênh ngang.
Nhớ khi ngôn ngữ bất đồng
Tiếng Kinh, tiếng Thổ trong lòng vẫn vui.
Nhớ khi thỉnh thoảng vào chơi
Gặp hội yến ẩm ta ngồi với nhau..
Nhớ khi điếu thuốc miếng trầu
Cùng nhau tâm sự trăng thâu chưa về…
Nhưng tình thâm ấy nào hề có phai
Địa cầu trái đất có xoay
Xoay sao cho gặp một ngày Vĩnh Linh.
Tháng 1/ năm 1973 ở Tân
Kỳ.
Bố nuôi tôi ăn học với tâm nguyện tôi có
thể làm nên cái gì đó trong nghiệp văn chương. Bố nói, mi luôn được ông nội phù
trợ. Mả của ông nội được chôn trên một mảnh đất do thầy địa lí có tên là thầy
Liên chỉ định. Phía trước mả có khoảng đất nhỏ rất bằng phẳng, tức Minh đường,
bố giải thích đấy là cái mặt bàn để viết. Bố còn quả quyết, mả ông tôi rất kết,
dặn không bao giờ được đụng vào ngôi mộ đó. Tôi đoán, bố cứ ám ảnh bởi câu vè
trong quê nội: văn chương Xuân Mỵ, lí sự
Thủy Khê..” Thực ra, cho đến giờ, đất Xuân Mỵ không ghi nhận vị tiền nhân
nào có danh tiếng về văn chương..Đã có nhiều cách giải thích câu vè ấy nhưng tôi
thấy chẳng thuyết phục chút nào. Duy có điều này là đáng suy nghĩ. Cả vùng đất
Gio Linh, Vĩnh Linh và nhiều vùng lân cận nữa, chỉ duy nhất Xuân Mỵ là nơi đặt
tấm bia ghi là Văn Miếu?
Năm 1963, tôi thi học sinh giỏi văn miền
Bắc, đạt giải nhì. Phần thưởng là tấm giấy khen có chữ kí của Bộ trưởng Nguyễn
Văn Huyên, kèm theo một mảnh vải pô-pơ-linh Trung Quốc đủ may chiếc áo sơ mi.
Thế mà bố mừng đến mức bỏ cả bữa cơm chiều..
Giờ đây, khi ngồi viết những dòng này, nước
mắt tôi cứ ứa ra..Thương nhớ bố đã đành, day dứt nhất là tự thấy mình còn quá
thiếu trách nhiệm trong những tháng năm bố còn sống..Người đời vẫn nói nước mắt
chảy xuôi. Làm bố làm mẹ chẳng mấy ai mong được con cái nuôi nấng..Nhưng ít nhất
thì con cháu cũng phải trở thành nguồn động viên tinh thần. Ít nhất, làm con
cũng phải biết dành thời gian ngồi bên bố mẹ tâm tình..Tôi đã để bố ở lại một
mình trong căn nhà hiu hắt, giữa cái xóm vắng lạnh vào những ngày bom đạn hủy
diệt để ra đi với sự cổ động sục sôi thời đó là non sông giục gọi lên đường!!!
Tôi không bao giờ quên được hình ảnh bố đứng sững giữa sân như chết lặng khi
nghe tin tôi báo mình được gọi nhập ngũ. Bố câm lặng không nói câu nào, ông quay
vào nhà..Ấy vậy mà lúc đó tôi lại lao đi chạy vào xóm, đến từng nhà của mấy đứa
bạn để khoe khoang, hoan hỉ..( cũng may hồi đó chưa hề biết nhậu nhoẹt như bữa
nay). Thực lòng thì tôi cũng có cảm nhận được nỗi buồn của bố..nhưng lại cho
rằng bố chưa thấm nhuần hết được lí tưởng của con người thời đại hôm nay!!! Tôi
nhập ngũ trong tâm trạng nhẹ nhàng, có phần háo hức nữa..Tôi không hiểu được
rằng mình đã trút lại cho bố một hòn đá trĩu nặng mà cho đến lúc tắt thở ông vẫn
không cất đi được.
Rồi cứ thế, tôi đi nữa, đi mãi..Thoảng hoặc
mới có dịp ghé nhà thì nào là vợ ốm, con dại nheo nhóc, đói cơm rách áo đủ
điều..Đôi khi vì túng quẫn còn cáu gắt nhau nữa..Những lúc như thế, tôi thấy bố
lặng im..Lặng im thật lâu rồi khe khẽ cất tiếng ngâm thơ.
Những năm cuối đời bố bị mù lòa..Hơn 10 năm
không đi lại được nên dần dần đầu gối cứng ra, chân co vào mà không duỗi ra
được. Bố ngồi và lết trên gường..Mười
năm đó tôi và vợ phải “ nhào lộn” để sống. Hai từ “ nhào lộn” là của Nguyễn Khắc Trường,
lúc ấy có bút danh Thao Trường, đã viết về tôi trên tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Khi tôi nhận lời của Tỉnh ủy Quảng Trị,
chuyển ngành về công tác tại tỉnh, tôi tạm sống một mình ở Đông Hà. Dĩ nhiên bắt
đầu từ đó, một kế hoạch dịch chuyển gia đình vào tỉnh lị được vạch ra. Biết bố
không thể theo tôi vào Đông Hà được, tôi đã bàn với anh đầu chuyển từ Gio An trở
lại Vĩnh Linh, tiếp quản toàn bộ cơ ngơi của tôi để chăm sóc bố..Trong kế hoạch
đó có việc rất cần làm là di dời tất cả mồ mả của dòng họ được chôn rải rác ở
vùng đất khá xa sâu bên trong xã Vĩnh Hòa ra tập trung thành nghĩa địa gần ngoài
chỗ ở mới để sau này con cháu đỡ bỏ quên..Kế hoạch này vấp phải một chuyện rất
khó xử, đó là buộc phải cải táng mộ ông nội. Tôi biết, nếu nói với bố, nhất định
ông sẽ không đồng ý, vì như đã nói, bố luôn khẳng định mả ông rất kết, nếu đụng
vào là gặp rắc rối lớn. Hai anh em tôi bàn với nhau là dấu bố..Suốt gần một
tuần, hai anh em nhờ thêm nhân công để xây dựng khu nghĩa địa mới..Công việc cứ
âm thầm diễn ra, tuy nhiên vẫn không thể dấu được việc rậm rịch chân người vào
ra, loảng xoẳng cuốc xẻng, xô chậu..Bố ngồi lẳng lặng trên giường, mắt mù không
thấy nhưng đôi tai vẫn tinh tường..Ông cảm nhận có chuyện gì đó đang diễn
ra..Cuối cùng ông cất tiếng hỏi anh Tạo: nhà đang có chuyện chi mà cứ nghe lục
xục rứa? Anh Tạo vội nói, thằng Đức đang cho sửa nhà..Bố im lặng không nói gì
nhưng tôi biết bố không tin..
Cho đến tận hôm nay tôi vẫn cứ day dứt với
câu hỏi, việc tôi dấu bố để quy tập mồ mả là đúng hay sai?
Suốt cả cuộc đời bố không bao giờ bày tỏ
ước muốn tôi được làm ông này bà nọ, bố chỉ ao ước thấy đứa con út này thành đạt
về văn chương. Đó chính là động lực ghê gớm bắt tôi phải cố gắng..Năm 1996, khi
vở diễn Tổ Quốc được chọn phục vụ Đại hội đảng 4 và công diễn rộng rãi giữa Hà
Nội..tôi đã cố gắng đón bố ra Thủ đô để xem, mặc dù hồi đó, với sự khó khăn của
hoàn cảnh gia đình, việc tổ chức được một chuyến đi như vậy là vô cùng vất
vả..May mà tôi đã cố gắng để làm được việc đó..Về sau, những thành công khác của
tôi, bố đã không thể nào tận mắt chứng kiến được nữa.
Cuốn tiểu thuyết lớn đầu tiên của tôi là
Cửa gió, có một nhân vật
chủ đạo trong đó là ông Chẩn, chính là hình ảnh bố. Xét ở góc độ nào đó, Cửa gió cũng gần như một tự
truyện. Hầu hết những tác phầm đầu tay, dù là là thể loại hư cấu thì các nhà văn
thường viết về cuộc đời mình, gia đình mình hoặc ít nhất cũng là những hiện thực
liên quan trực tiếp đến kí ức của mình. Bởi những hiện thực đó là thứ mà tác giả
rất thuộc, là động lực thôi thúc họ cầm bút. Hơn nữa, khi mới viết văn, người
viết có rất ít kĩ xảo làm nghề nên không đủ khả năng huy động được những hiện
thực xa vốn sống của họ. Tiểu thuyết Cửa gió cũng không ngoại lệ. Trong
tiểu thuyết đó, phần hư cấu có tỉ lệ rất ít, phần gắn với cuộc đời thực của tôi,
của gia đình tôi, vợ tôi và đặc biệt là sự hình thành và phát triển của tiểu
đoàn 47, đơn vị mà tôi nhập ngũ và chiến đấu là xương sống của toàn bộ cuốn
sách. Tôi đã dành những dòng xốn xang nhất, xúc động nhất để nói về bố. Ví dụ,
khi đứa con (nhân vật có tên là Lợi) nhập ngũ, để lại bố thui thủi một mình, anh
ta vô cùng day dứt. Nghĩ về bố rồi đây trong những bữa cơm không có con bên
cạnh, đơn côi một mình bên mâm cơm, mâm
đã nhỏ lại lệch một bên, bố sẽ sống sao đây?
Dạo đó ở trại văn Vân Hồ, mọi thành viên
trong trại đều có một thói quen là viết được trang nào đều đọc cho bạn bè xung
quanh nghe. Người đọc hay nhất, thậm chí là đọc thuộc lòng cả chương tiểu thuyết
chính là Lê Lựu. Ngoài anh ta, không ai trong chúng tôi có thể thuộc lòng được
những trang văn xuôi của mình vừa viết ra. Tôi cũng đã đọc nhiều chương trong
tiểu thuyết Cửa gió. Anh
em có ấn tượng rất thích khi nghe đến cái câu tả về mâm cơm bị lệch của bố. Mãi
tới tận bây giờ, mỗi lần gặp lại nhau Trần Đăng Khoa vẫn còn nhớ và trầm trồ:
cái chữ lệch trong câu văn xuôi của
anh thật thấm thía..
Sau
này, tôi có viết một vài bút kí nữa kể về bố như Mảnh làng trong tôi và gần đây
nhất là bút kí: Thấy hiu hiu
gió.. Vào một dịp ngày giỗ bố, tôi đã viết một bải thơ để cúng ông. Bài
này đã in trong tập thơ Một
nửa của tôi. Nay xin đăng lại để thêm một lần được kính cẩn cúi đầu
trước anh linh của bố.
Bài thơ giỗ bố.
Con viết bài thơ giỗ
bố
Khi con đã có cháu đích tôn
Thức đêm mới biết đêm trường...
Đêm cũng sắp tàn
Con lại sắp được về gần bên bố.
Khi con đã có cháu đích tôn
Thức đêm mới biết đêm trường...
Đêm cũng sắp tàn
Con lại sắp được về gần bên bố.
Lại như khi còn thơ
bé
Lon ton chạy theo bố
lên phố huyện nghe đài
Lon ton chạy theo bố
lên phố huyện nghe đài
Lại như những ngày
con trốn lên chái nhà đọc sách..
Bố giận nhưng chưa hề đánh con
Chỉ lặng im
và buồn.
con trốn lên chái nhà đọc sách..
Bố giận nhưng chưa hề đánh con
Chỉ lặng im
và buồn.
Bố không phải thi
nhân
Nhưng biết dạy con gieo vần lục bát
Bố không phải nhà nho
Vẫn bày cho con viết chữ tâm, chữ đức
Bố không là nghệ sĩ
Vẫn tập cho con điệu Lý qua đèo..
Nhưng biết dạy con gieo vần lục bát
Bố không phải nhà nho
Vẫn bày cho con viết chữ tâm, chữ đức
Bố không là nghệ sĩ
Vẫn tập cho con điệu Lý qua đèo..
Chiều ơ chiều...
Dắt ơ nhau...
Bố còng lưng làm điệu lý
dắt con theo
Qua đèo…
Qua chiều…
Qua bão mưa khốn khó
Rồi bất ngờ con tuột khỏi tay bố
Từ cái buổi xóm nhỏ của mình bị dội bom.
Dắt ơ nhau...
Bố còng lưng làm điệu lý
dắt con theo
Qua đèo…
Qua chiều…
Qua bão mưa khốn khó
Rồi bất ngờ con tuột khỏi tay bố
Từ cái buổi xóm nhỏ của mình bị dội bom.
Bốn
mươi ba năm
Con đi một vòng tròn
Vác trên vai chữ tâm, chữ đức
Và chung chiêng cái vần lục bát
Bốn mươi ba năm như là chớp mắt
Con chưa đi qua nổi một con đèo.
Con đi một vòng tròn
Vác trên vai chữ tâm, chữ đức
Và chung chiêng cái vần lục bát
Bốn mươi ba năm như là chớp mắt
Con chưa đi qua nổi một con đèo.
Chẳng trọn đường công
danh
Như bố muốn
Chẳng thành nổi cái chi
Ngoài việc thành người
Biết yêu thương và căm ghét
Biết đâu là vinh, là nhục
Biết đâu là đục, là trong.
Biết xây đắp hạnh phúc gia đình
Từ hai bàn tay chai sạn
Như bố muốn
Chẳng thành nổi cái chi
Ngoài việc thành người
Biết yêu thương và căm ghét
Biết đâu là vinh, là nhục
Biết đâu là đục, là trong.
Biết xây đắp hạnh phúc gia đình
Từ hai bàn tay chai sạn
Biết sống
một đời
không hổ thẹn
Cuối đời
ngửa mặt
cười ha ha.
(Xuân Mậu tí)
Viết ngần ấy dòng về một người bố vĩ đại như thế đâu đã thấm tháp gì? Tôi biết phải làm gì đây? Danh ngôn người Pháp có câu đại ý là: khi tuổi trẻ có thể làm được nhiểu thứ thì không biết phải làm gì, khi về già biết phải làm gì thì không còn làm được gì nữa..Thôi đành mượn câu thơ của Thiền sư Không lộ:
một đời
không hổ thẹn
Cuối đời
ngửa mặt
cười ha ha.
(Xuân Mậu tí)
Viết ngần ấy dòng về một người bố vĩ đại như thế đâu đã thấm tháp gì? Tôi biết phải làm gì đây? Danh ngôn người Pháp có câu đại ý là: khi tuổi trẻ có thể làm được nhiểu thứ thì không biết phải làm gì, khi về già biết phải làm gì thì không còn làm được gì nữa..Thôi đành mượn câu thơ của Thiền sư Không lộ:
Hữu thời trực thượng cô phong
đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái
hư.
( Có lúc trèo lên đầu chót
đỉnh
Kêu dài một tiếng lạnh hư
vô)
Không cần lên tận chóp đỉnh núi cao, giờ
đây tôi đang ngồi trước bàn phím và ngọn đèn bàn trong căn nhà cô tịch bên bờ
Cửa Viết hiu hắt, nghe dội vào tiếng sống xao xác, ầm ì..Cổ họng tôi đắng ngắt
vì nỗi nhớ thương và niềm ân hận. Tôi chỉ còn biết kêu to một tiếng: Bố ơi!
Đăng ngày 10/12/2014 |
Ý kiến về bài viết | ||
|