Thursday, October 15, 2015

VỀ VỚI MIỀN TRUNG SAU CƠN BÃO SỐ 10


Tác giả: Nguyên Đức


         
"Đường về miền Trung, giông bão lấp lay, ngọn đèn xóm vắng vẫn thắp thâu đêm/ Mẹ ngồi khâu áo mai con đến trường, mẹ ngồi câu hát bụi bay giọt thương". Câu hát trong bài "Về miền Trung" của An Thuyên cứ day dứt trong lòng chúng tôi suốt con đường Trường Sơn dẫn về miền Trung sau cơn bão số 10, cơn bão gây thiệt hại nặng nề cho bốn tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, trong đó Quảng Bình là nặng nhất. Cùng cả nước Quảng Bình cũng đang trải qua những ngày đau thương tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà cầm quân tài ba, người con thân yêu của quê hương về cõi vĩnh hằng. Tổn thất chồng chất tổn thất, đau thương chồng chất đau thương. Bầu trời vẫn còn u ám sau cơn bão. Mưa vẫn trút từng cơn như khóc thương Đại tướng, khóc thương những người ra đi vì cơn bão.

          Tên cháu là Hồ Úy Nhi
          Sáng ngày 10 tháng 10, anh Lê Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cùng chị Lài, giám đốc Sở Tư pháp Quảng bình về chia buồn, tặng quà cho gia đình vợ chồng cháu Hồ Văn Quỳnh, Hồ Thị Bình ở bản Cây Khế, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có con gái đầu lòng bị chết do cơn bão số 10. Người dân bản Cây Khế sinh sống bằng nghề trồng rừng, phần lớn là hộ nghèo, nhà của đơn sơ nên có 85 % gia đình bị tốc mái vì cơn bão. Vào thăm nhà cháu Quỳnh, Bình mới thấy tang thương. Ngôi nhà nhỏ như cái chuồng bò chỉ đủ chỗ kê một cái giường cho người mẹ và con nhỏ, còn người bố thì nằm dưới đất. Ở góc nhà là bếp lạnh, tro tàn. Bàn thờ cho cháu nhỏ là hai viên gạch được kê dưới nền nhà, sát giường trước đây cháu vẫn nằm bú mẹ. Đêm bão giật, vì sợ căn nhà này không đứng vững được nên cả gia đình vào trú nhờ nhà người anh ở bên cạnh. Những tưởng nhà ông anh mới làm, có thể che chở được người, che được cháu nhỏ. Vậy mà ai ngờ nhà bị tốc mái. Một tấm lợp rơi trúng cháu bé. Cháu mới 2 tháng tuổi. Tên cháu là Hồ Úy Nhi. Nhìn đôi vợ chồng trẻ len lét nép ở góc nhà, đôi mắt tái dại, chưa hết bàng hoàng, lo sợ, chúng tôi biết cơn bão vẫn đang quần thảo ở căn nhà này, còn lâu nó mới tan trong  lòng đôi vợ chồng trẻ, tuổi mới 23. Tôi định hỏi người mẹ trẻ: "Sao cháu không nằm đè lên che cho con", nhưng không nỡ hỏi. Nghĩ thêm, hỏi cũng bằng thừa vì bão giật làm sao mà che kịp.
          Chống bão như đánh giặc
          Chiều ngày 10 tháng 10, sau khi gặp gỡ, thăm hỏi và trao quà cứu trợ cho cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Bình tại trụ sở Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đến thăm hỏi gia đình bác Nguyễn Thành Hồng ở ngoại vi thành phố Đồng Hới, một gia đình chính sách bị thiệt hại nặng. Đến đầu ngõ, nhìn vào khu vườn, chúng tôi tưởng như có một loạt bom mới nổ ở đây. Khu vườn không còn một cây nguyên vẹn. Tất cả đều gãy đổ ngổn ngang, chồng chất đè lên nhau, lá úa vàng đến xót xa. Chủ nhà từ trong nhà tất tả chạy ra, giơ hai tay lên trời, tươi cười:
          - Quý hóa quá, xin chào Bộ trưởng!
          Khi được hỏi làm sao mà biết Bộ trưởng, ông trả lời: "Cả Quảng Bình này ai mà chả biết".
          Ngôi nhà tình nghĩa tuy nhỏ nhưng nhìn vào cũng thấy tươm tất, bị tốc mái nhưng đã được bộ đội, dân quân lợp lại. Chỉ vì nền chưa ráo nước nên không thể mời khách vào nhà. Trong câu chuyện râm ran ngoài sân, ông Hồng không nói về bão lụt, về thiệt hại mà sôi nổi, hồn nhiên, pha chút dí dỏm kể về người vợ, về những ngày tháng chiến tranh, về chiến trường, về tình làng, nghĩa xóm. Ông là thương binh 4/4. Vợ cũng là thương binh. Từ năm 1967, khi là thanh niên xung phong, bà bị một quả bom nổ gần hất ra xa, ngất lịm 7 ngày mới được tìm thấy và sống lay lắt cho đến giờ, đi lại khó khăn, không làm được gì.
          Ông Hồng cười bảo:
          - Đấy là tình yêu trên cánh đồng lúa vàng của tôi đấy! Tôi vẫn trọn tình, trọn nghĩa với bà cho đến giờ, gần 50 năm rồi.
          Không biết ông cao hứng mà buột miệng ra thế hay ông biết bài hát của Hoàng Thi Thơ: "Ta yêu nhau trên đồng lúa vàng". Bộ trưởng Hà Hùng Cường bảo anh em đỡ bác gái ra nói chuyện cho vui. Chúng tôi lấy làm lạ khi nghe ông Hồng bảo: bà đang nằm trong căn hầm có mái che ở sát ngôi nhà. Thì ra mấy hôm trước, khi nghe tin có bão mạnh, sợ ngôi nhà không trụ được, bà yếu không chạy kịp, ông đào một căn hầm như ngày xưa tránh bom Mỹ cho bà nằm. Bây giờ căn nhà còn ẩm ướt nên bà vẫn nằm tạm ở đó. Ông Hồng lại say sưa:
          - Bà nhà tôi nhìn vườn cây cả đời mới gây dựng nên nay bị gãy đổ, kêu tiếc đứt ruột. Tôi bảo, không việc gì mà tiếc, còn cái đầu là làm lại được tất cả, gãy chân, gãy tay cũng không hề gì.
          Thứ trưởng Lê Hồng Sơn ghé tai nói nhỏ với chị Lài:
          - Cụ này chống bão như đánh giặc vậy.
          Chị Lài cười:
          - Người Quảng Bình, dân miền Trung mà!
          Câu chuyện chưa muốn dứt nhưng trời đã hoen tối. Bộ trưởng Hà Hùng Cường chúc gia đình tiếp tục phát huy truyền thống thanh niên xung phong tuyến lửa, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, nhanh chóng dọn vườn, trồng cây, ổn định cuộc sống.
         
          Đau cây cao su
          Có nguồn gốc từ Nam Mỹ, cây cao su đầu tiên được người Pháp đưa vào Việt Nam năm 1878 nhưng không sống được. Năm 1892, 2.000 hạt cao su từ Indonesia được nhập vào Việt Nam và đến 1907 cây cao su thực sự hiện diện ở Việt Nam. Cao su là loài cây thân gỗ giòn, dễ gãy. Cây đạt độ tuổi 5 đến 6 năm thì bắt đầu cho thu hoạch mủ. Năng suất cao nhất trong độ tuổi từ 11 đến 25 năm, sẽ ngừng sản sinh mủ khi đạt độ tuổi 26 đến 32 năm.
          Cây cao su được trồng nhiều ở miền Đông Nam Bộ (46,4 %), chủ yếu là Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu. Ở các tỉnh bắc miền Trung, mặc dù có điều kiện tự nhiên để phát triển cây cao su nhưng do là vùng thường xuyên có bão lớn trong khi cây cao su rất dễ gãy đổ nên thời Pháp thuộc không có đồn điền cao su nào ở vùng này. Trong những năm sau 1954 khi đất nước chia làm hai miền, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, cây cao su được trồng ở Vĩnh Linh, Quảng Bình với diện tích nhỏ, chủ yếu ở các dải đất ven rừng, được bao bọc bởi các rừng phi lao chống bão. Trong những năm gần đây, diện tích trồng cao su ở bắc miền Trung liên tục được mở rộng. Dù đã có quy hoạch, nhưng một số tỉnh đã trồng vượt quy hoạch, do cao su tiểu điền phát triển vượt sự kiểm soát của địa phương, nhất là giai đoạn từ 2009 - 2011 khi giá cao su đạt mức cao kỷ lục (120 triệu đồng/tấn).  Quảng Bình trồng vượt quy hoạch 13.000ha, Hà Tĩnh trồng vượt quy hoạch 8.000ha...
          Khi triển khai quy hoạch, các địa phương đều có tính đến các yếu tố bất lợi, có cả các phương án hạn chế thiệt hại do tác động của bão như trồng các vành đai chắn gió 10 - 12m với 3 cấp, hạn chế trồng ở các vùng ven biển, trồng theo hướng tây bắc... Nhưng trong thực tế, việc yêu cầu các hộ trồng cao su tiểu điền trồng cây vành đai chắn gió cho vườn cao su là rất khó, do đất đã chia cho từng hộ, nên không ai đứng ra trồng cây vành đai chắn bão. Các tỉnh bắc miền Trung có tổng diện tích hơn 82.000ha caosu, theo thống kê có hơn 10.000ha bị cơn bão số 10 làm gãy đổ hoàn toàn không thể phục hồi. Quảng Trị là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do cơn bão số 10, trong đó có hơn 8.000 ha cao su bị gãy, đổ. Số lượng các vườn bị thiệt hại trên 70% . Nhiều hộ dân vay tiền ngân hàng để đầu tư nhưng chưa đến ngày thu hoạch đã "trắng tay" do bão.
          Xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có 400 ha cây cao su, 260 ha gãy đổ không thể khôi phục, diện tích còn lại gãy đổ 60-70%. Mỗi ha cao su hiện tại có trị giá 50 - 60 triệu đồng. Như vậy, tổng thiệt hại ước khoảng 200 tỷ đồng. Dân số của xã có 2247 người. Bình quân mỗi người mất trắng gần 90 triệu đồng. Chúng tôi về thăm một gia đình chính sách ở xã này. Do thăm đột xuất, không bố trí trước nên không có ai ở nhà. Một lúc sau có người đi gọi, chủ nhà mới về. Thì ra cả nhà lên đồi dọn vườn cao su, chặt cây, cành cao su làm củi. Chúng tôi hỏi, sao không bán gỗ thì được trả lời: ai mua mà bán, hơn nữa phải dọn những cây gãy đổ, cho mọi người dọn làm củi, nhanh chóng giải phóng đất mà trồng sắn, trồng khoai lấy cái ăn, trồng lại cây cao su. Chúng tôi hỏi:
          - Dân mình không sợ bão hay sao mà lại trồng cây cao su?
          Chủ nhà cười khà khà:
          - Khuyến nông hướng dẫn rồi: nếu cây bị gãy, toác thân trong phạm vi từ gốc đến chỗ phân nhánh, hoặc bị bật cả gốc, rễ, bị nghiêng đổ trên 45 độ so với trục thẳng, buộc phải cưa bỏ. Đối với các cây bị gãy cành cấp 1, cấp 2 có thể cưa các phần cành bị gãy, xử lý vết cưa bằng cách bôi mỡ vaseline để cây sớm đâm chồi phục hồi nhưng sẽ phải hoãn thu hoạch. Đối với các cây bị đổ nghiêng dưới 45 độ, thì phải cưa tỉa bớt tán lá để cây phục hồi, kéo cây đứng thẳng và dùng cọc chống để cây có thể đứng trở lại. Nếu được khắc phục và bôi mỡ sớm, cây cao su có thể phát triển trở lại nhưng phải hoãn thời gian khai thác mủ từ 2-3 năm. Nếu để thời gian lâu không bôi mỡ thì cây sẽ khô mủ và chết. Tôi tính rồi. Nơi nào đất trống thì phải trồng lại cây cao su. Đây là cây xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả nhất ở vùng này. Bão to như trận này chắc vài chục năm mới có một lần. Sợ gì? Chỉ cạo mủ hai năm là thu hồi được vốn.
          Hóa ra thế: cây cao su thì dễ gãy nhưng lòng người dân miền Trung thì luôn cứng cỏi, không dễ gì bẻ được.
          "Kỷ lục Ghi - net"
          Tham gia Đoàn của Bộ Tư pháp thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ cho 4 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tỉnh, Nghệ An xong, trên đường ra tôi nhận được tin nhắn của chị Nhung Út, Chánh Văn phòng Đảng ủy cơ quan Bộ Tư pháp: "Chuyến đi của các anh lập nên kỷ lục đáng ghi vào Ghi - nét đấy". Anh em hỏi nhau: Vì sao Nhung Út nói thế? Bàn mãi, cuối cùng nhất trí, ý ấy chấp nhận được vì chuyến đi chia sẻ cùng miền Trung của Bộ Tư pháp không chỉ thể hiện tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan Bộ  mà đưa được tiếng nói, tình cảm của cả Ngành về với miền đất nắng gió, bão mưa, về với những con người gan góc trong chiến tranh, trong chống chọi với thiên nhiên để xây dựng quê hương, ổn định cuộc sống. Hầu như ai cũng có đóng góp, gửi một chút tấm lòng về với miền Trung. Mà không chỉ các bộ, công chức, viên chức. Các luật sư, văn phòng công chứng đã góp phần rất đáng kể trong đợt quyên góp lần này. Và nữa là các đơn vị ngoài ngành  Tư pháp nhưng có quan hệ hỗ trợ pháp lý với các đơn vị thuộc Bộ đều hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo Bộ, tích cực quyên góp, ủng hộ. Một số công ty cũng cử đoàn đi cùng Bộ Tư pháp đến trực tiếp trao quà cho nhiều gia đình bị thiệt hại nặng ở Quảng Trị, Quảng Bình. Lần đầu tiên, Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp quyên góp được số tiền ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai lớn như vậy: xấp xỉ 900 triệu đồng. Một con số "kỷ lục" đối với một ngành chỉ có cán bộ hưởng lương. Vì vậy, tiền không chỉ là tiền mà còn có gì đó cao quý hơn thuộc về tính nhân văn.
          Đoàn về đến Hà Nội thì cơn bão số 11 lại ập vào miền Trung.                       
          Hà Nội, tháng 10 năm 2013                                                                
                                                                             Nguyên Đức

 Đăng ngày 24/11/2013
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Hữu Đạt - 26/11/2013

Em copy bài này đăng trên blogtiengviet.net chúc anh Nguyên Đức vui khỏe.Hẹn gặp ở Hà Nội
  Gửi bởi: Nguyên Hồng - 01/12/2013

Một bài ký hay. Bài viết về miền Trung do chính người miền Trung viết nên rất sâu, hàm chứa cả cốt cách con người xứ xở này.
(...)Miền Trung gánh họa đất trời
Dẫu rằng cây đổ, nhà trôi...
Cũng đành!
Bão tan, nhú lại mầm xanh
Vẫn trung kiên với gian truân
Đã từng!
Bão về, lũ trắng miền Trung
Nỗi đau nén tận vô cùng
Người ơi!

  Gửi bởi: Nguyên Đức - 06/12/2013

OK hai em Hữu Đạt, Nguyên Hồng. Chúc vui, khỏe, sáng tạo.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan