Tác giả: Lưu Quôc Hoà
- Thì cứ nói toẹt ra đi nào, lấp lửng mãi !.
- Ra xóm Gốc Hồng mà xem. Vợ chồng nhà Kĩnh hú hí với nhau hay lắm cơ.
- Vợ chồng hú hí với nhau thì có gì lạ. Thế vợ chồng nhà mày hú hí thì ai tọc mạch?
- Tao khác, nó khác. Vợ chồng nhà nó cứ làm sao ấy. Già mốc với nhau mà cứ như lũ con nít, lúc nào cũng dính vào nhau như chuồn chuồn vướng nhựa mít. Thế rồi thuận miệng, mụ ta tô tổ ngoáy mông hát điệu cò lả:
Còn duyên(thời) buôn cậy(í) bán hồng/ Hết duyên(là) buôn mít(ấy) cho chồng(mà) gặm xơ/ Còn duyên thì(em) kén (cái) trai tơ / Hết duyên (thì) ông lão(ấy) cũng vơ làm chồng.
*
Một trưa hè oi ả vì mất điện lưới. Cả làng nhao ra luỹ tre mà hóng mát, mà kháo chuyện. Cái thuật ngữ đời mới gọi là "buôn dưa lê" mà nhà quê dưa lê bao giờ chả được mùa. Chăm chỉ gieo vãi là mấy mụ nạ dòng hay hóng hớt. Kinh quá đi thôi, cấm có chuyện gì là kín. Đã không kín, lại còn vạch hở toang hoác ra vì lời thêu dệt cho nó ly kỳ oái oăm.
*
Tưởng là chuyện gì, chứ chuyện vợ chồng nhà Kĩnh tôi biết từ tám hoánh, biết tường tận gấp 9 lần mấy mụ đang kháo nhau bên gốc tre.
Chuyện phải có đuôi có đầu. Lặng yên tôi kể mà nghe, đừng nghe phong thanh, thất thiệt. Chuyện mấy mụ kia khó tin lắm. Các mụ ấy chỉ nghe hơi nồi chõ chứ biết quái gì...
*
Nhan lấy Kĩnh ngày tôi còn xa nhà đi công tác. Khi tôi về, họ đã có một con bụ thun lút như củ khoai lang đất cát. Nhan là con ông Phó Thòm bên làng La Khê. Gọi là phó nhưng ông không sắm vai chức sắc gì và một chữ bẻ đôi không biết. Quanh năm ngày tháng với cái đòn tre đực ngả màu cánh gián, thũng thẵng trên vai, vừa đi ông vừa rao: Cối ơ! Cối ơ...Ấy là ông đi làm thợ đóng cối xay lúa. Kể ra, dân nhà quê cũng gọi chức danh rất bậy. Ngày xưa có Phó lý oai bốc mùi, đứng trong làng hét ra lửa, oai đến mức đám dân đen ao ước phải mua lại cái "bóng". Ấy là cụ Phó mua. Cụ Phó mua, cũng giống cụ phó cối phó mộc, phó hoạn lợn và bạt ngàn các loại phó. Cái "thị dục huyễn ngã" ấy đã ăn sâu vào não bộ những người thích danh vọng. Chả cứ thời xưa, mà bây giờ cũng đầy đàn, đầy lũ. Cái danh mua các cụ nghĩ ra còn lương thiện hơn bây giờ. Họ mua danh cho vui, chứ không can vào chính sự .
Cụ Phó Thòm đẻ ra cô Nhan. Thượng đế ghép Nhan với Kĩnh làm vợ chồng, bởi Kĩnh xấu người nhưng khoẻ mạnh. Nhà quê chỉ cần kén chồng khoẻ mạnh là được. Đấy là cái vốn cố định bao la, là con trâu dái cày khoẻ ra ngô, ra lúa. Kĩnh như hòn đất thó thợ đấu vừa vật lên, cục mịch và nhẫy nhụa lấm láp. Kĩnh vừa đen, vừa hôi hám, thô kệch nhưng lại hám gái. Mới thấc lên đã lân la tìm bạn tình. Bản năng nhục dục của hắn bốc ngùn ngụt như cháy nhà gặp gió hanh. Tắm sông thì hắn chọn bến gần đàn bà. Hắn lặn như nhái cá mở mắt ra nhòm người ta. Nhiều khi không nhịn được, hắn lấy tay bốc bải rồi lủi nhanh ra xa, làm đám ấy cứ tưởng thuồng luồng đớp, kêu ré chạy lên bờ và cứ thế nồng nỗng vừa chạy vừa kêu. Sợ quá nên cái dây thần kinh xấu hổ nó đứt. Hắn trèo lên cây đa nép vào như con thằn lằn, ngó đám trai gái tự tình ôm ấp nhau dưới gốc. Có một lần, kể ra đây cũng hơi tục tĩu. Có đôi trai gái đang hành sự, gã con trai thì úp mặt xuống đất và dĩ nhiên cô gái nọ ngửa mặt lên trời. Đang cơn hương lửa đùng đùng, bỗng cô gái ngó thấy trên cây có đôi chân đang thõng xuống. Một mái tóc tổ quạ đen ngòm chả rõ là người hay ma. Hãi quá, cô bật bưng dậy, hất cả người tình xuống đất, vơ quần áo tháo chạy thục mạng. Gã trai nọ vùng dậy, ngơ ngác gọi với: "Sao thế! Kiến vống đốt mông à". Đại loại, Kĩnh là tên ma mèo như thế.
Nhan - vợ Kĩnh, da bánh mật, mình cá trắm và có cái mắt, cái miệng ưa nhìn. Duy chỉ có mái tóc là bồng lên, đấy là tóc mây. Ông thày tướng phán, đàn bà tóc mây là khổ đến lúc chết. Tính cô nết na, nhẫn nhịn. Làm vợ Kĩnh cũng khổ nhưng mà bù lại cái khoản "tỉnh tình tinh" luôn thừa bứa bất kể đêm hay ngày. Người ta bảo, giống đàn ông lùn tụt, da thúc bì, tóc hoa gáo là mạnh cái khoản ấy lắm. Đã thế, Kĩnh lại có máu hay ghen. Kĩnh ghen với bất kỳ nam phụ lão ấu khi tiếp xúc với Nhan. Đi chợ về, cái chóp nón bị hơi rúm ư? Thôi, nhất định thằng nào vừa vồ mày ngoài đường, rồi hắn tra khảo:
- Nó làm những gì? Mà đúng rồi! Thế nào nó cũng thộp vào ngực để xoa nắn cặp vú bánh dày của mày. Sau khi cho vài cái tát và không nghe vợ phân trần, hắn vác dao đi tìm tình địch. Biết nó ở đâu mà tìm cơ chứ? Thằng Cột, thằng Kèo, thằng Ngô, thằng Đậu... đi đầy đường. Ai trong bọn kia đã vồ vợ hắn? Hắn nhòm mặt từng thằng và thấy đứa nào cũng khả nghi. Ban đêm, hắn xách đèn, vác nơm đi soi cá. Giữa lúc cá vật đẻ đùng đùng, hắn chợt nhớ ra vợ đang nằm nhà. Hắn hốt hoảng chạy về, vạch màn ngó vợ rồi soi gậm giường. Cẩn thận hơn, hắn ký gửi mấy câu doạ bâng quơ vào chỗ giời ơi đất hỡi, để có thằng nào lởn vởn quanh nhà biết mà hãi. Vợ hắn đi đánh dậm "đúm" với làng. Hắn bế con ngồi trên bờ canh, đánh gần đàn ông là chết với hắn. Đi đâu cũng nghi có đàn ông vồ lấy. Khốn khổ, gái nạ dòng nhà quê lưng đeo vú thắt, lại ăn mặc nhôm nhoam, khác gì con ma dại hiện hình, ai mà "vồ" làm quái gì. Một lần oan ức quá, Nhan gào lên: Ối làng nước ơi! Có ai hiểu cho tôi không? Tưởng nó lấy tôi về làm giống làm má, ai ngờ nó làm cá nấu canh". Thằng chồng vũ phu, thộp cổ bảo rằng: "Yên mẹ cái mồm đi! Tao mất tiền mua mâm, tao đâm cho thủng" Khổ quá! Cũng may là cái "mâm" siêu bền bị đâm ngày, đâm đêm mà không hề hấn gì. Nếu mà loại "mâm đểu" chắc tanh bành từ tám hoánh.
Hiền mấy, nhẫn nhục mấy, nhưng như con giun xéo lắm phải quằn. Nhan cũng đanh đá dần dần, tục tằn và chua ngoa dần dần. Cô cũng xắn váy quai cồng, nhẩy lên cồ cồ rồi xỉa vào mặt Kĩnh: "Có giỏi thì mày cắt "thẽm" tao mà treo lên cổ mày ấy! Buông tha cho tao để tao đi kiếm gạo nuôi con". Những trận hỗn chiến rác tai ấy, tôi vẫn thường xuyên theo dõi và thầm cám cảnh cho những đôi vợ chồng nhà quê. Họ thiếu thốn đủ đường, nghèo túng đã bủa vây lại thêm những mông muội, tục tằn. Họ tự hành hạ nhau. Người nọ cứ tưởng vì người kia gây ra nỗi khổ cho mình. Bệnh ghen vợ hay ghen chồng nhà quê cũng có "giai điệu, tiết tấu" riêng biệt của nó, kiểu ghen như Kĩnh nghe đâu y học người ta liệt là hoang tưởng và bệnh hoạn.
Lẽ thường, yêu nhau thì chăm sóc vuốt ve nhau, cho nhau ăn ngon, mặc đẹp rồi rót mật rót đường vào tai nhau. Có ai chơi hoa, lại vặt hết hoa để ngắm cái cọng. Ấy là trường hợp Kĩnh. Đi đám thấy vợ tết tóc đuôi sam, lúc la lúc lắc sau mông để mấy gã say rượu trêu. Kĩnh lôi vợ về nhà cắt nham nhở. Vợ Kĩnh đi đâu cũng phải tùm hụp khăn che. Quần áo lúc nào cũng xoăn như lòng lợn. Dưới bàn tay phá hoại của Kĩnh, Nhan tàn lụi như đoá hoa bị phơi nắng hè. Kĩnh là tay bạo dâm. Hắn ân ái vợ như kiểu người ta đè lợn ra mà chọc tiết. Càng ngày kẻ nằm dưới càng xoăn xeo, nhầu nhĩ. Không mắc chứng điên, nhưng dung nhan xiêm áo, tóc tai Nhan y hệt kẻ điên.
Họ đã có 3 mặt con với nhau và đã lên ông nội bà ngoại hẳn hoi. Cái vương quốc eo xèo ấy tồn tại giữa làng để hành hạ nhau ngày qua tháng đoạn. Từ ngày con cái "cơm chín vần ra" thì đỡ hơn, nhưng lại âm thầm đẻ ra tật lão Kĩnh thèm của lạ. Đi đâu hắn cũng hau háu nhìn đàn bà con gái, rồi toét miệng ra chọc ghẹo. Cái bất động sản không có quyền nhượng bán của lão đã hết "đát" rồi. Mặt mũi nhăn như táo tầu và hàm răng cải mả lúc khúc. Đã thế, các loại xú uế của mấy loại cháu thi đua xả vào, càng tăng thêm cái dư vị nồng nàn. Lão Kĩnh chả thèm ghen tuông làm gì. Bà Nhan bây giờ có cáp vàng vào cũng chẳng có đàn ông nào để ý. Cả đời, có đi đâu xa mà lơ với lẳng. Dưới con mắt bà, cái lũ đàn ông trong làng miệng phả ra rượu, ra mùi tỏi, mùi thuốc lào là nỗi ám ảnh sợ hãi. Động một tí là huơ tay huơ chân, ngoạc mồm oang oang như lệnh vỡ, nói tục và chửi bậy, tham ăn và dâm dục...Đủ cả. Hình như cái xấu của giống người nó tụ cả trong làng này, mà nhập vào mấy lão đàn ông chết tiệt.
Qua tết con Hổ, bà ung thư máu. Cái bệnh tai ác nó cướp người nhanh lắm. Lúc thấy mình đã gần đất xa trời, bà kéo lão Kĩnh vào bên thầm thào: "Ông ở lại cố chăm bẵm bảo ban con cháu. Tôi đi trước là tôi trốn nợ trần gian, để ông gánh vác. Cho tôi vái ông năm vái, để xin lỗi vì tôi trốn nợ trần gian..." Bà vái đến vái thứ hai thì lão Kĩnh quay lại vái trả. Lão khóc như trẻ con bị đòn, rồi nức nở: "Tôi có lỗi với bà nhiều lắm. Bà đừng oán tôi. Tôi hay ghen tuông đánh đập bà". Giời ơi: "Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau". Chả biết với cái đầu mít tịt chữ nghĩa, tại sao lại có lời hay như thế tuôn ra đằng lỗ miệng? Bà thều thào dặn với: "Tôi mà chết đợi lâu lâu, hãy lấy vợ kẻo con cháu nó cười cho. Tôi biết ông không thể nhịn được đàn bà nên mới nói thế. Tôi van ông đừng lăng nhăng để con cháu nó bỉ mặt cho là không dạy được chúng...Trâu chết để da, người chết để tiếng đấy ông ạ...Mà có lấy ai cũng đừng hành hạ người ta, phận đàn bà chúng tôi nó khổ lắm...".
Bà Nhan mất được 6 tháng. Có nghĩa là mộ bà cỏ mới lún phún mọc, lão đã nhấp nhinh lấy vợ. Hắn mặc áo trắng bóc, sơ vin đóng thùng, chải đầu rẽ ngôi cẩn thận. Hắn thửa chiếc Phượng Hoàng xích hộp, màu cánh trả mới hự, bóng nhẫy như phết mỡ. Lúc đầu chưa biết đi thì dắt bộ. Sau đấy thầm vụng khổ luyện tập tành và biết đi hẳn hoi. Hắn nghênh cái mặt, vặn vẹo cái mông đạp trên đường làng, làm đám trẻ con nhông nhốc chạy theo mà cổ vũ. Hắn lột xác như dưới âm ti vừa hiện về chốn dương gian. Cái sự lạ ấy là pha hài, làm những người làng hắn ồn lên. Mà cũng lạ. Thời buổi này, người ta còn bay lên cung trăng, chứ đi xe đạp là cái nước mẹ gì. Lão Kĩnh phải gió nên mới thành lạ. Nó lạ bởi con trâu phế canh đang phì phò cày ruộng trũng, bỗng bay vút lên mây xanh, để học làm con loan con phượng...
Thế mà có một người thích lão ta đấy. Thích bởi nhìn cái trán vung nồi đồng bóng nhẫy của hắn vẫn dư thừa sinh khí đàn ông. Nhìn cái cổ vại mấy ngấn nung núc thịt, cứ như muốn nhảy cỡn lên. Đấy là cái cối giã gạo đời cổ, nhưng thửa bằng gỗ tốt không mối mọt, cái cần cối bịt đồng thau. Có giã mỏi chân cả đời cũng không vẹt.
Ấy là bà Thục làng bên. Gọi là bà thì hơi quá, phải gọi là cô Thục mới phải. Cô Thục không có chồng, vì thời trẻ cô cao cấp lắm. Đầu tiên cô làm công tác phong trào với những chiến dịch trống dong cờ mở mà khởi sự đầu tiên là áp dụng khoa học mới : Bỏ cấy thưa bằng cấy dày. Cô được tập huấn một lớp ngắn ngày về kỹ thuật canh tác mới, áp dụng vào các hợp tác xã nông nghiệp lúc bấy giờ. Ngày ấy mới ra đời hợp tác xã nông nghiệp, dân đang hăng, bảo sao nghe vậy. Cô sáng tác bao nhiêu hò vè, ca dao phổ biến cho dân, hội nghị nào cũng ngâm nga, tưng bừng đàn sáo. Ngay vụ gặt đầu tiên, thứ khoa học "cải lùi" này đã làm dân đói vàng mắt. Cây mạ cắm mau ri rít trên thửa rộng ngấu với phân gio đầy đủ lúc đầu bén rễ rất nhanh và lên mơn mởn nhưng khi lúa vào thời con gái cứ vóng như que tăm vì không đẻ nhánh được. Thiếu quang hợp nên sâu bệnh có dịp tàn phá. Chả lẽ đổ tội cho cô, cô chỉ là cái loa mở hết công suất mà hô hào. Sau vụ ấy cô được thuyên chuyển lên làm cán bộ huyện để làm lực lượng hậu bị. Bẵng đi một thời gian lại thấy cô là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện rồi lại vài cái bẵng đi, cô thành Chiến sỹ Thi đua toàn quốc về Nông nghiệp. Cô lại được cử đi học một lớp quản lý và cứ như thế đến lúc về hưu cô đã là bà Phó chủ tịch tỉnh phụ trách Nông nghiệp một tỉnh trọng điểm lúa. Cô đi báo cáo thành tích, đi dự các cuộc mít tinh để kể chuyện cánh đồng 5 tấn cho cả rừng người hau háu nhìn lên và bất thần vỗ tay như động đất. Mấy ông cũng mon men tỏ tình, nhưng thấy thiếu tự tin, nên lảng dần. Yêu một bà phó chủ tịch xe đưa xe đón, tiếng nổi như cồn, đâu phải chuyện đơn giản. Mấy anh lang nhang thì có thèm cũng đành nuốt nước bọt. Cô Thục như loá mắt với ánh hào quang. Tự cô, cô cũng thấy mình rất chi là quan trọng.
Rồi dư âm bàn ra tán vào về việc thành bại lắng dần. Thất bại thì tại thời tiết, tại thiên tai địch hoạ chứ đâu phải tại người...Những ngày hào quang chói lọi ấy, cô đeo bao nhiêu thứ danh hiệu trên ngực để đi trong ý tưởng sôi cuồng háo hức. Chuyện chồng con với cô là thứ tào lao, nhàm tẻ. Cô mong ước, cô kỳ vọng ở tương lai mà mình đang được trải nhung lụa hãnh tiến, sẽ mãi hanh thông nên quên mọi chuyện, nhất là chuyện chồng con thì quá ư tầm thường, nên khi thời cuộc xoay vần cô bị lực văng ly tâm của cái mới hất văng ra, có nghĩa là không ai có thể chấp nhận một con người duy ý chí đến thảm hại nắm quyền điều hành cái mới, cũng có nghĩa là cô phải về hưu non và thành gái già quá lứa... Bao người đàn ông đến với cô, thì cũng bấy nhiêu người lặng lẽ rút lui. Họ cần sự nhuần nhị của con gái, cần cái bình dị nữ tính, chứ không cần tìm lại phía sau người con gái ấy là cái chức vị gì. Thật là cái cảnh "cao khó với, thấp không thông", chỉ có cái già nua hăm hở tìm đến làm bạn. Lúc này cô thèm một mái ấm, thèm một bàn tay đàn ông che chở, vuốt ve, chia sẻ những khi trái gió trở trời, những ấm lạnh thất thường của tứ thời bát tiết. Cô đang sống một mình, nước lọ cơm niêu trong ngôi nhà tranh mẹ cha để lại. Cô chán nản có sao dùng vậy, không muốn cải tạo bất kể thứ gì, cứ mặc cho ngôi nhà dột nát và yên phận trong xóm nghèo buồn tẻ với con đường lở loét vết chân trâu, ban đêm lập loè đom đóm và rông rốc tiếng chó sủa ma.
Lão Kĩnh ào đến cuộc đời cô, như cơn gió thốc vào đống dấm đang âm ỉ cháy. Ngày nào hắn cũng đạp xe mấy bận qua nhà, cũng toét miệng ra cười và tán mấy câu nhạt thếch. Lão nhổ cả mấy cụm sả, trồng mấy vạt hương nhu để cô gội đầu. Mỗi khi ốm đau, lão hộc tốc đạp xe đi mua thuốc. Lúc đầu cô cảm thấy sự có mặt của lão như sự sỉ nhục với mình, dần dà lại thấy có gì đấy ấm áp. Cho đến lúc này, cô tự thú với lòng là thích hắn, rồi yêu hắn. Cô nhớ hắn nôn nao những lúc chiều tà, khi nhà bên người ta lục tục chồng nào vợ ấy. Sau một ngày tơi bời vật vã mưu sinh, họ tụ về mái nhà. Có thể là nói cười và rất có thể vặc nhau, chửi nhau. Họ loảng xoảng mâm bát và í ới gọi con gọi cháu với những câu buông tuồng: "Bớ cái lũ giời tru đất triệt! Giờ này mà chưa tha xác về ăn cơm! Có ăn hay không tao đổ tất cho chó". Rồi tiếng vợ rủa chồng: "Đi chết trôi sông, đắm đò ở đâu mà giờ này chưa thấy hiện hồn về ăn cơm". Ôi! Cái giai điệu làng quê muôn thuở. Ngày còn xuân, cô Thục thường chép miệng: "Sao mà tội nợ thế! Đúng là cái địa ngục trần gian". Thế mà bây giờ, mỗi khi chạng vạng, cô lại thèm cái địa ngục ấy. Nó bình dị. Bình dị như người ta trót sinh ra trên mặt đất và tạo hoá xếp họ với những thân phận, hoàn cảnh khác nhau. Cái thanh tao, chen cái tục tằn, nhưng vẫn song hành, mơn mởn tồn tại. Cô nhận ra con người cần có mái nhà với đầy đủ ý nghĩa; có một anh chồng trái tính, trái nết để mà ỏm nhả với nhau. Có cái nhầy nhụa "lửa tắt cơm sôi". Được quằn quoại trong mang nặng đẻ đau, rồi ngất ngây với vị nước đái khai khai và cứt xu xu trẻ nhỏ. Bình thường mà không tầm thường, là con người với nhịp sống muôn thuở trên mặt đất. Cô là cái gì trong làng này nhỉ? Dật dờ và dị mọ, cô đơn và nhàm tẻ. Cha mẹ mất rồi, chị em mỗi người mỗi phận. Cô sống một mình và cái hào quang hôm nào chỉ còn lại trong cuốn sổ nhật ký nhàu nát, trong những tấm ảnh đen trắng nhợt như xác người chết trôi. Cô vẫn thỉnh thoảng mở cái hòm gỗ ngó qua và thở dài, rồi thẫn thờ cất đi.
*
Trời đổ cơn giông lớn. Những đám mây xám như chì. Những tia chớp như thừng lửa nhoáng lên. Bụi tre gai vặn mình răng rắc. Gió bắt đầu hối lên. Những tấm tranh cỏ bái ải mục bị gió thốc vào chới với trên chiếc đòn tay tre. Cơn giông đầu mùa bỡn cợt thốc vào làng. Căn nhà ba gian thu mình nhỏ nhoi trước trận cuồng phong. Mưa bắt đầu nặng hạt. Sấm ùng oàng xé không trung. Cô bịt tai, nhắm mắt sợ hãi trong sự cô đơn! Căn nhà bị lột mấy mảng tranh nên làm mồi cho gió, cho mưa tuôn vào. Cô co ro trong manh áo ni lông, lấy thau hứng nước. Những giọt mưa quất vào mặt. Cô lấy tay vuốt. Quái lạ, sao nước mưa lại mặn chát thế?
Một bóng người như Thiên Lôi vừa ném xuống mái nhà cô. Ấy là lão Kĩnh. Lão đã băng đồng chạy sang giữa lúc mưa giông lớn. Cũng không biết bằng cách nào, lão vọt được lên mái nhà. Cơn giông tan dần, cũng là lúc mái nhà đã được đắp đậy. Lão cởi trần nùng nục, thu dọn những cây đổ, quét dọn lại cái sân đất nhầy nhụa lá tre, lá mít. Lão thầm lặng làm và không nói nửa câu. Cô Thục cứ ngây ra nhìn và không biết làm gì hơn. Cô lặng lẽ xách cái chai đi mua rượu, mua đồ ăn ngoài cái chợ cóc đầu làng. Con gà mái lú lườn như bát úp cũng bị hoá kiếp. Cô và lão lụi cụi bên bếp lửa, làn khói bình yên lan vào mái rạ và quấn quýt bay lên. Hình như trong đời con gái, chưa có lần nào ấm áp như thế. Bữa cơm chiều nay. Căn nhà quạnh quoẽ có thêm một người đàn ông lạ.
Lão Kĩnh vừa chặt thịt gà kênh kếch, vừa nói như người hụt hơi:
•- Tôi ở một mình bên ấy buồn lắm. Hay là tối nay cho tôi ở lại đây nhá.
Má cô Thục chợt ửng đỏ. Cô lí nhí:
- Cũng được! Nhưng ăn xong thì về tắm táp thay quần áo đi, ướt hết rồi còn gì. Trước khi đi nhớ thắp hương cho chị ấy nhá.
Trên đường về, lão lẩm nhẩm lời định khấn bà Nhan. Nghĩ mãi rồi cũng ra. Lão nhẩm đi, nhẩm lại cho thuộc:
- Bà sống khôn chết thiêng phù hộ cho con cháu, cho cả tôi và cô Thục nữa. Tôi nhớ lời dặn bà lúc còn sống rồi. Tôi sẽ chăm sóc, yêu thương người ta như lời bà dặn.
Đăng ngày 29/05/2010 |