Friday, November 13, 2015

DÒNG XOÁY

DÒNG XOÁY

                                     Truyện ngắn

                                             Trần Hữu Đạt

          Ông Hoàng và bà Thảo đã lấy nhau  gần 30 năm, nhưng vẫn không có mụn con nào. Người đi qua, kẻ đi lại xót xa: “Chà! Ông bà nhân đức cần cù thế, sao mà ông Trời vẫn không để mắt đến cho họ một mụn con… quả là bất công, phân chia không đều một tý nào”. Nhiều lần bà Thảo cũng đã khuyên ông: “Tìm chỗ nào đó gửi một đứa con, phòng khi già cả mà nhờ cậy. Hơn nữa khi cả hai lần lượt khuất núi, thì có người chăm lo hương khói và kế thừa cơ nghiệp.”

Ông Hoàng nghe mà cười xòa:

 “Khối người đông con nhiều cháu, nhưng về già vẫn cô đơn lạnh lẽo đó sao. Hơn nữa mình có tài sản gì đâu mà phải kế thừa. Già rồi đi lang chắc gì đã tốt, đôi khi lại đổ bệnh, làm khổ cái thân không chừng. Trời đã bắt sao thì phải chịu vậy, vùng vẫy làm gì cho mệt. Vợ chồng cứ thương nhau là hạnh phúc lắm rồi.”

Vì vậy ông bà vẫn cặm cụi bên nhau, thủy chung không hề suy chuyển.

Ngày ngày, ông thường ngược con sông Mã, vào sâu trong rừng để thả lưới, câu cá.

Cả vùng này, chỉ có ông là người rõ biết đặc tính của từng loài cá và quy luật của con sông Mã hung dữ mà thôi. Chính vì thế ông luôn bắt được những con cá to và ngon một cách khác thường.

Khi bắt được cá to, ông không mang ra chợ, mà đem đến cho bà Ba bán quán cháo ở ngã ba Sầm. Với ông không bao giờ bà Ba trả giá, chắc lép này nọ… mà đặt cá lên bàn cân, rồi lặng lẽ móc tiền ra trả. Bao nhiêu ông cũng ừ. Y như là đã có hợp đồng từ trước vậy.

Thực ra, để bắt được những con cá chất lượng, cũng không đơn giản một tý nào.

 Những sớm mùa Đông, khi các ngả đường còn dày đặc sương mù. Phần lớn lúc ấy mọi người còn chìm trong giấc ngủ với chăn ấm gối êm… thì ông đã bật dậy, quăng chăn để đi.

 Như thường lệ, nếu đang đêm, mà cảm thấy người chuyển, là đoán biết trời cũng đang chuyển. Ông hiểu rằng hôm sau, nên dùng ngư cụ gì? và đánh bắt ở đâu sẽ hiệu quả cao.

Lội sương, băng rừng, đi một mạch đến nơi có nguồn nước ấm từ núi tuôn ra. Ông Hoàng dừng lại và bắt đầu hành nghề. Với thời tiết như này, bao giờ những con cá to và ranh ma cũng biết lợi dụng dòng nước ấm để đối phó với những bất thường của thiên nhiên.

Một lúc sau, ông cảm thấy nằng nặng ở cánh tay, cái cần câu cũng bắt đầu uốn cong lại, sợi dây căng lên, giật giật liên hồi. Đoán là cá đã dính câu, ông liền giật mạnh một cái và  cẩn trọng thu dây. Có lẽ là con cá to, nên ông thấy vướng vướng ở đầu dây rất khó kéo.

Khá bất ngờ, khi trước mắt ông hiện ra một con cá măng to, đang cố vùng vẫy dữ dội, làm nước bắn lên tung tóe. Nguy cơ con cá rứt câu bỏ đi đã lộ rõ. Ông vội neo câu, lao xuống nước để đưa thành quả lên bờ.  Nhưng khi ông đang loay hoay móc tay vào mang con cá, thì nó bất ngờ quẫy mạnh một cái, khiến ông trượt chân, ngã đập đầu vào đá và ngất đi.

Ông chỉ giật mình tỉnh dậy, khi nghe một tiếng động mạnh kề bên. Và càng ngạc nhiên hơn khi biết mình không phải đang nằm trên vũng nước lạnh cóng, mà là trên một cái giường đắp chăn ấm áp…

 Bà Ba bước đến bên mủm mỉm cười và kêu lên mừng rở: "Anh tỉnh rồi à? Ôi, em lo quá! "

 Thế là bà kể cho ông nghe chuyện đã theo ông đến bờ sông và lén quan sát ông bắt cá như thế nào? Khi thấy ông gặp nạn, bà vội quên mình lao tới cứu ông và bắt con cá lên... Ông cũng quên hỏi bằng cách nào mà bà đưa được ông và con cá về nhà một cách trót lọt như vậy?

Gọi là bà nhưng thực ra năm nay bà Ba chưa đến bốn mươi tuổi, nên vẫn còn nõn nà và mủm mỉm lắm. Tuy nhiên vì số trời, nên bà đành chấp nhận ở vậy một mình, chứ chưa chịu gắn bó với người đàn ông nào cả. Mặc dù làng trên, làng dưới nhiều người đàn ông đứt gánh giữa đường, muốn tới chắp nối bầu bạn với bà. Nhưng bà đành ngậm ngùi lắc đầu từ chối, vì thầy bói bảo rằng: “Số bà cao lắm. Có mấy đời chồng thì cũng góa bụa, nuôi con một mình thôi!”

     Suốt mấy hôm, ông Hoàng phải nằm liệt trên giường, nhờ bà Ba chăm sóc, cơm cháo. Đôi khi mệt quá, bà gục đầu vào ngực ông mà thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, bà đã thấy mình đang nằm trên giường nệm, ấm áp... Bà ngơ ngác ngó quanh. Thì ra ông Hoàng đang ngáy khò khò ở băng ghế cuối góc nhà.

Suốt mấy hôm ông Hoàng phải bất đắc dĩ ăn ngủ lại quán bà Ba là bấy nhiêu hôm người đi qua, kẻ đi lại, tha hồ đồn rằng: "Ông Hoàng đã bỏ bà vợ già trong đơn côi, lạnh lẽo. Đến ở hẵn với bà Ba." Cũng có người tỏ ra thông cảm, đứng ra biện minh: “Hừ! Ông ấy chưa đầy sáu mươi, còn sức vóc chán. Bà Ba thì chưa tới bốn mươi, nõn nà vậy. Họ đến với nhau để kiếm mụn con, thì có gì là lạ.”

Ai xì xầm, nói gì cũng kệ thây họ, bà Ba vẫn nhiệt tình chăm sóc ông Hoàng một cách chu đáo. Mỗi phiên chợ, bà thường chú ý mua thêm những thức ăn bổ dưỡng dành riêng cho ông. Đôi khi bà còn sắm thêm áo quần, dày dép mới cho ông nữa.

Một ngày nọ ông Hoàng dậy sớm, chải tóc, áo quần tinh tươm… Đợi bà Ba đi chợ về, ông liền từ biệt, rồi nhúc nhắc cất bước về nhà. Mặc cho bà Ba tròn mắt ngạc nhiên và tru lên thoảng thốt phía sau lưng.

Thấy ông Hoàng trở về tay không, bà Thảo cũng không ngạc nhiên, mà còn tỏ ra mừng rở.

Bởi mấy hôm nay thấy chồng chưa kịp về, bà đã đoán già đoán non là chắc ông đã gặp sự cố ở đâu đó. Nhưng vì tuổi già, trời lạnh nên chưa biết nhờ ai đi tìm và cũng chẳng biết tìm ở đâu nữa?

Lần này thì bà Thảo cương quyết không cho ông theo nghề cá nữa. Bà nặng mặt bảo chồng: “Thôi già rồi, ở nhà kiếm nghề gì đó nhè nhẹ mà cơm cháo qua ngày. Chứ cứ lặn lội với sông nước mãi, không sớm thì muộn cũng gặp chuyện không hay.”

Tuy vợ nói thế, nhưng bởi lòng đam mê và cuộc sống, ông Hoàng vẫn phải bươn chải băng rừng, lội nước, đeo đuổi nghề cũ. Vả lại có ở nhà, ông cũng không biết không làm nghề gì để mà sống cả.

 Thực ra, thì ông cũng đã từng ao ước: “Giá như có chút vốn, mình sẽ tìm nghề gì đó an toàn và khô ráo hơn để dưỡng già, chứ theo mãi nghề này, mai kia tay yếu chân run... làm sao tiếp tục được.”

Vì thế ông vẫn phải đi câu và đem cá đến nhập cho bà Ba.

Lâu lâu, bà Ba cũng chủ động tìm đến thăm và khuyên ông nên chuyển sang nghề khác, đừng tiếp tục nghề này nữa. Kẻo già rồi, lỡ xảy ra chuyện gì nơi hoang vắng thì lại khổ. Ông cười nham nhở: "Già sao được mà già. Tôi còn đủ sức làm để nuôi hai bà đó mà." Bà Ba lườm ông một cái dài và sắc hơn dao cạo.

 Không biết lúc đó trong lòng ông cảm giác thế nào, nhưng bà Thảo thoáng thấy gương mặt ông chợt rạng lên một chút, rồi vội cúi xuống, tủm tỉm và quấn chặt quai giỏ hơn.

Một hôm đang lúi húi trong bếp, thì bà Thảo đã thấy ông chồng vội vàng quay về, nét mặt biết sắc, động tác luống cuống.

 Chưa kịp hỏi han gì thì ông Hoàng đã kéo vợ vào vào buồng, thở phì phò, thì thầm to nhỏ. Ông run run mở ra một cái bọc lớn toàn là tờ năm trăm ngàn trong đó. Bà hốt hoảng, ú ớ toan hét lên… thì bàn tay thô ráp của ông đã bịt chặt lấy miệng bà, trợn mắt, ra hiệu im lặng.

 Thì ra sáng nay vừa buông câu, ông thấy một cái bao gì lềnh bềnh trôi đến. Đầu tiên ông nghĩ là bao rác, không thèm để ý. Nhưng khi nhìn kỹ lại thì thấy là lạ. Bởi ai lại cho rác vào cái bao nhỏ nhắn, xinh xắn thế kia, rồi ném xuống sông cơ chứ.

Tò mò, ông  vội vớt lên và mở ra xem. Thì ra là một bì tiền lớn. Ông hét lên sung sướng, vội bỏ câu, băng mình, luồn sương chạy về nhà.  Hai ông bà run run đếm được hơn những một tỷ đồng.

Từ đó vợ chồng ông bỗng nhiên có cửa hàng buôn bán hàng tạp hóa ở đầu thôn. Ông bà không phải ăn uống dè xẻn vất vả như xưa nữa.

 Bà Ba cũng thường xuyên lui tới để tâm tình với vợ chồng ông. Tuy nhiên không bao giờ tò mò hỏi xem: “Tiền đâu ra mà ông bà tậu được một cơ ngơi khang trang như vậy?”

Có nhà cao cửa rộng, có của ăn của để, nỗi buồn không có con lẫn khuất bấy lâu, nay càng trỗi dậy trong lòng ông bà hơn bao giờ hết.

Mỗi khi công việc bù đầu đi thì thôi, nhưng hễ rãnh rỗi, nhìn những đứa con hàng xóm, là họ lại thấy buồn và tủi phận của mình vô cùng.

 Rồi ngày nọ, bà Thảo thủ thỉ bảo ông: "Hay là ông sang nhờ bà Ba sinh cho một đứa con... để vui cửa vui nhà."

Ông lão xì mạnh, gạt phăng đi: "Bà này lắm điều. Đồ gàn dở, ai lại xúi chồng đi lấy vợ lẽ bao giờ. Mà người trẻ không lấy, lại lấy một lúc hai bà già về... để mà báo cô à?"

Tuy nói thế, nhưng ông Hoàng không hề giận. Lâu lâu mỗi lần đi đâu, nếu tiện đường ông vẫn ghé thăm bà Ba, hỏi han một cách ân tình. Dù sao bà Ba cũng là bạn làm ăn bấy lâu và ân nhân của hai người cơ mà.

Cũng vào dịp đó, Công an phát hiện ra một thi thể trên rừng. Gần nơi ông vẫn thường tới thả chài, câu cá. Xác chết đã phân hủy gần hết, nên không còn nhận ra mặt người nữa. Nhưng người ta khẳng định đó là xác của một người đàn ông bị tai nạn, sau đó vứt xuống nước nên bị chết đuối. Gia đình nạn nhân cho biết: "Nạn nhân làm nghề buôn trầm. Dạo nọ, có người bạn làm ăn tới báo: “Đã có mối!” Ông ta vội về nhà và  cầm theo hơn tỷ bạc, băng rừng tìm mua ngay, kẻo kẻ khác cướp mất mối. Không hiểu vì sao đã lâu, mà không có tung tích gì?

Vốn là dân làm nghề mờ ám, hôm đây mai đó... vì vậy gia đình ngỡ là ông ấy ham buôn bán, nán lại đâu đó chưa về, nên không trình báo…” Nay Công an đã có nhận dạng cụ thể, họ mới cung cấp thông tin.

Người ta ngờ rằng nạn nhân là manh mối của một vụ án cướp của giết người. Vì xương sọ có vết nứt do bị vật cứng đánh mạnh vào.

Rồi công an theo dõi và phát hiện ra gần đây ông Hoàng bà Thảo bỗng giàu lên một cách bất ngờ. Điều đáng ngờ nữa là bà cụ thường đi chợ với cái bì giống như bì đựng tiền của nạn nhân. - Do người nhà nạn nhân mô tả.

Công An khớp mọi dữ kiện lại với nhau và gọi hai ông bà lên lên để tra hỏi.

Dù công an có hỏi thế nào, thì hai ông bà vẫn khăng khăng là chưa gặp nạn nhân bao giờ. Và nhặt được túi tiền đang trôi lềnh bềnh ở trên sông.

Nhưng biện luận kiểu gì, ông Hoàng cũng không có bằng chứng chứng minh là mình ngoại phạm. Người ta nghi ngờ rằng: “Có lẽ vì túng bấn quá, nên thấy lượng tiền nhiều, ông lão đã nổi lòng tham, đâm ra giết người, cướp của.”

Sau nhiều lần gọi lên hỏi cung và viết lại lời khai cho thấu đáo… Ông Hoàng trở nên phờ phạc, thần sắc xuống dốc, tâm thần bất an, dáng vẻ tiều tụy… như kẻ mất hồn.

 Tất cả tài sản nhà ông đều đã bị niêm phong. Vốn đã túng bấn, nay càng túng bấn thêm. Không biết lấy gì ăn đã đành, nay lại bị bà con ghẻ lạnh, chê trách. Bà Thảo đau khổ, gầy đi trong nước mắt. Bà không rõ là liệu chồng mình có đang tâm làm điều dại dột không nữa?

Thời gian này ông Hoàng đâm ra quẩn trí, tinh thần hoảng loạn, trí óc không còn minh mẩn như trước nữa. Lúc nào ông cũng lẩm nhẩm điều gì đó và nhìn lên trần nhà như một kẻ mất hồn.

Có lẽ do tiếc của, nhục nhã, ê chề, với bà con hàng xóm… Nhiều lúc ông đã nhận bừa là: “Đã ra tay giết nạn nhân, tôi xin ngồi tù” cho xong chuyện. Nhưng muốn chứng minh là vô tội đã khó, nay muốn nhận là có tội cũng không dễ một tý nào.

Anh công an kiên nhẫn hỏi vặn lại:

-Thế ông giết nạn nhân bằng hung khí gì? Ở đâu? Lúc nào?

Công an cũng yêu cầu ông chỉ rõ hiện trường và diễn tả lại từng động tác một. Ông lão lắp bắp:

- Dạ hắn đứng đây và tôi đứng đó. Khi hắn mở bọc tiền ra, tôi thấy toàn tờ năm trăm ngàn, thì sướng quá, liền lén cầm một cục đá to ném vào mang tai hắn. Hắn gục xuống, rên ư ử, rồi bất tỉnh. Tôi đã kéo hắn ra sông, ném xác xuống để phi tang chứng.

Anh công an không tỏ vẻ hài lòng với lời khai trên của ông mà điềm tĩnh nói:

- Nhưng theo khám nghiệm tử thi, thì chứng tỏ vết thương đánh gục nạn nhân là do một cái gậy, hoặc vật dài, cứng… đập mạnh từ đằng sau tới, chứ không phải là cục đá ném ngang. Ông bình tĩnh nhớ lại đi.- Ngừng một chút nhìn ông lão như vẻ thăm dò. Anh công an lại nói tiếp: Thành thật nhận tội là tốt. Nhưng cần phải nói rõ từng chi tiết một, bọn cháu mới có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bác được.

Ông lão lúng búng nói trong hơi thở gấp gáp:

-  Dạ tui nhớ lại rồi, hôm đó tui cầm một cái gậy lớn, phang vào đầu hắn.

Anh công an thở phào nhẹ nhõm bước ra, trao đổi gì đó với đồng đội, một lúc sau, anh bước vào và ôn tồn nói:

- Chưa có kết luận gì, nhưng xét thấy bác có phần trung thực, nên tạm cho bác về nhà. Từ mai đi đâu? làm gì? bác phải trình báo để công an biết. Khi nào chúng cháu gọi, yêu cầu bác phải có mặt ngay để làm việc với cơ quan điều tra. Còn những lời khai vừa rồi của bác, chúng cháu sẽ điều tra lại cụ thể, rồi mới đi đến kết luận sau.

Ông Hoàng được tha về nhà.

Tuy cơ quan chức năng chưa có kết luận gì, nhưng bà con hàng xóm đã la lối lên rằng:

“Ông Hoàng là kẻ giết người, cướp tiền."  “Nhìn vậy mà thâm hiểm và dã man quá mức.”

Có người lại ngữa mặt lên trời than rằng:

 “ Dò sông, dò bể dễ dò, có ai lấy thước mà đo lòng người!”  Từ xưa tới nay, ông trời không cho họ một mụn con cũng là có lý. Chắc bây giờ chuyện mới vỡ lỡ, chứ trước đây, ông ấy làm bao nhiêu điều khuất tất, mờ ám… thì có trời biết, đất biết.”

Dù không thuộc diện bị quản chế nghiêm ngặt tại trại giam. Nhưng từ hôm bị công an gọi lên, cho về quá nhiều lần. Bà con lối xóm cũng kiêng dè, không ai dám tiếp xúc với ông. Lại thêm nhiều lời đàm tiếu, đơm đặt thêm nhiều tình tiết kỳ bí, huyền hoặc…Câu chuyện ông Hoàng giết người cướp của, trở thành đề tài nóng bỏng mỗi khi họ ngồi lại với nhau, hoặc chợt thấy ông Hoàng, bà Thảo xuất hiện ở đâu đó.

Dù bà Thảo có nhẫn nại thanh minh đến bao nhiêu đi nữa, thì làng xóm vẫn dè chừng, không tin hai ông bà. Họ bỉu môi khinh bỉ, rồi lẳng lặng tránh ra xa…

 Bực bội, quẫn uất... ông viết thư để lại, rồi lao đầu xuống sông tự tử. Nơi ông lao xuống là dòng xoáy rất sâu.

 Thông thường người chết đuối thì ba ngày, ba đêm là xác đã trương phìn nổi lên. Nhưng nếu ai lỡ sa chân vào chỗ chỗ ông Hoàng lao xuống, thì rất hiếm khi vớt được xác. Bởi người ta nói rằng: “Do chỗ ấy đáy sông bị nứt làm đôi, dòng sông chia thành hai lòng.” Hơn nữa bên tả ngạn, có một ngọn núi, bên dưới có một cái hang sâu, luôn ngập trong làn nước. Do vậy nếu xác chết, hoặc vật gì mà bị cuốn vào đó, thì không bao giờ lấy được.

Trớ trêu thay, ông Hoàng lao xuống sông, nhưng đúng hai hôm sau thì người ta lại thấy xác ông trồi lên ở một cái bến ở phía hạ lưu. Lúc vớt lên, mắt ông vẫn mở trừng trừng. Chính vì vậy mà các ông già, bà lão tin là ông đã chết oan.

Nghe tin ông Hoàng gặp nạn, bà Ba vội đến thắp hương và tham gia đưa đám tang ông.

Sau khi nghe kể lại đầu đuôi câu chuyện, bà Ba vội lên công an trình báo một nguồn thông tin hết sức quan trọng: Dạo đó có hai người lạ mặt ghé quán gọi mồi và rượu uống. Họ xì xầm điều gì có vẻ quan trọng lắm. Ăn xong, họ trả tiền rồi đi thẳng. Lúc lấy tiền, bà Ba thấy một trong hai người khách để lộ ra một cái bao với số tiền lớn.

Vài ngày sau, bà thấy chỉ một trong hai người họ trở về. Mặt mày đầy những vết thâm tím. Anh ta vào quán gọi cháo ăn. Vẻ mặt có vẻ bí hiểm và điều đặc biệt là hay giật thột mỗi khi ai đó nói to. Ánh mắt cứ lấm lét ngó trước, ngó sau, điệu bộ có vẻ bồn chồn, lo lắng vô cớ... Tuy nhiên là chủ quán ăn, nên bà không lưu tâm tới nội tâm của khách hàng lắm.

Theo nhân dạng bà Ba mô tả và những tấm ảnh công an đưa ra. Người ta đã dễ dàng xác định được hai người vào ăn cháo cá  hôm đó là ai.

Vài hôm sau, Công an bắt được thủ phạm. Hắn chính là một người bạn hàng chuyên đi buôn bán trầm với nạn nhân.

 Thì ra trong lúc thua bạc, con nợ đến đòi, hắn đã lập mưu lừa nạn nhân là: “Có mối hàng lớn, cần mua ngay!” Để nạn nhân đem theo số tiền lớn lên chốn hẻo lánh, rồi ra tay hành hung. Hòng cướp tiền của nạn nhân. Nhưng hắn không ngờ nạn nhân lại là người giỏi võ. Anh ta chống cự quyết liệt, nên chuyện đã bất thành. Trong lúc giao tranh, túi tiền bị rơi xuống sông và bị dòng nước hung hãn cuốn phăng đi. Nạn nhân ngơ ngác, tiếc nuối nhìn theo, ngay lập tức liền bị một nhát đâm chí tử vào lưng. Nạn nhân gục xuống ngất lịm. Hắn vội quăng xác nạn nhân xuống sông, rồi tìm đường chuồn thẳng.

Thủ phạm bị bắt, ông lão được minh oan, nhưng đã về nơi chín suối, mang theo nỗi oan khuất trong lòng.

 Ngày ngày, người ta thấy bà Thảo tóc tai rũ rượi, đi dọc theo bờ sông, mò cua bắt ốc, để đem về kiếm sống. Lâu lâu bà lại cất tiếng hú hồn, gọi to:  “Ông Hoàng ơi! Ông đi đâu đó, hãy mau về, vợ chồng tháng ngày chung sống bên nhau là hạnh phúc lắm rồi.”

 Tìm chồng, khóc lóc, thương nhớ, gió mưa đã là cho bà Thảo tiều tụy, rạc đi trông thấy. Ai nom thấy cũng xót thương cho bà. Nhưng dù khuyên gì bà vẫn cứ lặn lội ở ven sông với ý nghĩ sẽ tìm được chồng.

 Một hôm, bà Thảo đang lúi húi bắt cua và vớt những con cá nhỏ ở ven sông, thì thấy bụi cây ven bờ có tiếng xào xạc và rung động mạnh, rồi như có tiếng người tru lên, rên trong đau đớn. Bà vội vứt giỏ cua nhào lên, thì ra là bà Ba. Không hiểu bà ra đây làm gì mà bỗng lên cơn đau bụng và rúc vào bụi cây vật vả.

Người ta đưa bà Ba đến bệnh viện, lúc ấy mới phát hiện ra là bà đã có thai và đến kỳ sinh nở.

 Hạnh phúc trào đến khi hai bà có một đứa con ở tuổi xế chiều. Từ đó hai bà luôn sống bên nhau. Chiều chiều, người ta thấy hai người phụ nữ - một già một trẻ - ẳm một đứa bé ra bờ sông, thắp hương khấn vái cho một ngôi mộ còn tươi màu cỏ mới.

                                                                                      3-8-2014

                                         

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan